Tự động hóa và số hóa ở Nhà máy Cán thép Lưu Xá

Là một đơn vị trực thuộc Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên, Nhà máy Cán thép Lưu Xá đã sớm áp dụng chuyển đổi số và tự động hóa trong sản xuất, kinh doanh. Do vậy, tưởng như là nghịch lý xong hai hoạt động này đã diễn ra thường xuyên và liên tục ở một nhà máy có tuổi đời 45 năm và dây chuyền công nghệ thiếu đồng bộ.

Chuyển đổi số giúp cải thiện chất lượng sản phẩm

Anh Lê Mạnh Tiến, Chủ tịch Công đoàn Nhà máy Cán thép Lưu Xá cho biết: Từ năm 2008, Nhà máy đã áp dụng phần mềm quản lý lao động của Bách Khoa trong việc chấm công quẹt thẻ, sử dụng hệ thống camera theo dõi sản suất. Bên cạnh đó là phần mềm BK- MIS để quản lý xuất nhập hàng hóa, theo dõi thời gian sản xuất, giờ làm việc, giờ dừng... Đặc biệt, sản phẩm nào bị lỗi, trục trặc hoặc liên quan đến vấn đề chất lượng sản phẩm như kéo, nén, KCS các dữ liệu đều lưu vào số hết, cần bất kỳ lúc nào có thể kiểm tra được.

can thep luu xa

Bên cạnh đó, Nhà máy cũng ứng dụng phần mềm kế toán quản trị Bravo để dùng trong nội bộ. Với phần mềm này, mỗi phân xưởng cần cái gì có thể đặt hàng qua mạng, các phòng ban cũng như bộ phận quản lý của Công ty nắm bắt được, ngày giờ nào xuất ra xuất vào... Đây chính là cơ sở ban đầu để có thể tạo dựng một nền tảng kinh doanh số mà Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên đang quyết tâm nhắm tới.  

can thep luu xa may tinh

Tháng 2/2022, Nhà máy đã triển khai nâng cấp hệ thống phần mềm này để có thể cập nhật các tính năng mới, hiện đại, đa lợi ích hơn. Cụ thể, Cán thép Lưu Xá đã yêu cầu đơn vị xây dựng phần mềm quản trị này xây dựng tiếp cho phần mềm xuất nhập sản phẩm đơn lẻ để ngày càng thích ứng với thực tiễn sản xuất kinh doanh.

 “Quá trình ứng dụng chuyển đổi số chúng tôi càng nhận thấy rằng, người viết phần mềm chỉ là người viết phần “khung”, mình là người sử dụng khi thấy bất hợp lý thì phải ngồi lại với bên viết phần mềm để thêm bớt, chỉnh sửa sao cho phù hợp với nhu cầu của mình. Đó chính là điều rất cần thiết đối với chuyển đổi số ở Cán thép Lưu Xá” - anh Tiến nhấn mạnh.

Tự động hóa là chiến lược

Theo chia sẻ của anh Phạm Khả Miền, Phó trưởng phòng Cơ điện của Nhà máy Cán thép Lưu Xá, tự động hóa cũng diễn ra từ rất sớm và rất mạnh mẽ trong lĩnh vực cơ điện.

Kỹ sư Miền nhận định: "Trong lĩnh vực cơ điện mà tôi đang phụ trách thì Nhà máy đã ứng dụng tự động hóa từ rất lâu rồi. Tự động hóa lại được cộng thêm với hiện đại hóa đã khiến Nhà máy có rất nhiều tiện lợi trong quản lý sản xuất, kinh doanh. Gần đây nhất là năm 2022, Nhà máy đầu tư toàn bộ các thiết bị điều khiển động cơ đời mới nhất, hiện đại nhất, các động cơ giao tiếp với nhau, kết nối với nhau qua mạng”.

Là thế hệ kỹ sư “đời 7x” của Nhà máy, Phạm Khả Miền có điều kiện nhìn nhận về sự cũ và mới của hệ thống máy móc, dây chuyền của Cán thép Lưu Xá. Anh kể: “Nhớ ngày xưa các thiết bị máy móc được nối với nhau bởi các dây điện, dây dẫn. Giờ chỉ cần 1 dây thôi ra cả dây chuyền, tương đối là hiện đại. Các thiết bị đều được sản xuất mới nhất khiến cho chất lượng sản phẩm được nâng lên rất nhiều, ổn định được tốc độ”.

can thep luu xa
Theo dõi thông số vận hành trên màn hình giám sát

Bây giờ, các động cơ trong Nhà máy đều được điều khiển bằng PLC, được lập trình các bộ điều khiển, bộ điều khiển này sẽ lưu hết vào máy tính bằng phần mềm SCADA. Các thông số vận hành được truyền thông profibus gửi dữ liệu tới máy tính giám sát Scada để lưu trữ, khi cần có thể xem lại, giúp người cán bộ kỹ thuật dễ xử lý. 

Ví dụ sự cố có thể xảy ra từ đêm nhưng sáng ra vẫn có thể xem lại trên biểu đồ, giống như biểu đồ của bác sĩ điện tim đồ trong bệnh viện. Từ đó, cả một quá trình lịch sử diễn biến của máy móc, thiết bị, dây chuyền… người kỹ sư điều khiển sẽ như bác sĩ có thể nắm được bệnh và có thể “chữa được bệnh” bất cứ khi nào cần. 

can thep luu xa mien kha
Bộ điều khiển động cơ máy cán cán K12_13

Cũng cần phải nói thêm rằng, để có một nền tảng tự động hóa như hiện nay, Nhà máy Cán thép Lưu Xá đã sớm nhìn nhận vai trò và vị trí của đội ngũ kỹ sư lập trình. Họ chính là những tác giả “vô hình” ngày đêm miệt mài trên chiếc máy tính để tạo ra những phần mềm điều khiển tự động hóa máy móc, thiết bị, dây chuyền đang vận hành. 

Cũng như xử lý lại, hợp lý hóa các thiết bị, dây chuyền nhập ngoại có thiết kế không phù hợp với thực tiễn nhu cầu như: máy kẹp sản phẩm thép, công trình điều khiển cắt (đầu/đuôi) và cắt theo khoảng cách cho máy cắt Start – Stop, chương trình điều khiển máy phân luồng dẫn thép vào sàn làm nguội…

Số hóa và tự động hóa là một xu hướng quản trị tất yếu của doanh nghiệp trong thời đại 4.0. Với tầm nhìn chiến lược cũng như quan điểm coi công nghệ là đòn bẩy phát triển, là yếu tố quan trọng nhất quyết định năng lực sản xuất kinh doanh của một đơn vị, Nhà máy Cán thép Lưu Xá đã giành nhiều nguồn lực để phát triển hai mảng này, góp phần vào công cuộc chuyển đổi số của Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên cũng như của Tổng công ty Thép Việt Nam -  CTCP.

Minh Thủy