Giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa

TS. NGUYỄN NGỌC LAN (Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Những năm qua thành tựu đạt được trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã góp phần to lớn, vào kết quả kinh tế xã hội của Việt Nam. Trong đó phải kể đến những thành tựu của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Chủ trương hướng đến xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh mà Đại hội XIII của Đảng đề ra đòi hỏi phải tăng cường các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Từ khóa: nông nghiệp, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu, khu vực nông thôn.

1. Đặt vấn đề

Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sau gần 40 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được những kết quả nổi bật, sản xuất - kinh doanh nông nghiệp phát triển mạnh theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều hạn chế như hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chưa trở thành động lực chính để tạo đột phá phát triển; nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp phụ thuộc vào nhập khẩu. Đồng thời, công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, chế biến nông sản chưa đáp ứng được yêu cầu; cơ giới hóa nông nghiệp chưa đồng bộ… Điều này đòi hỏi ngành Nông nghiệp cần thực hiện nhóm giải pháp nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

2. Đánh giá quá trình cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa

Thứ nhất, cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn đã có bước chuyển dịch tích cực theo hướng đẩy mạnh sản xuất các loại nông sản hàng hóa có nhu cầu thị trường và có giá trị kinh tế cao. Tính hết tháng 7/2022, ngành Nông nghiệp đã có 4 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD gồm: cà phê, gạo, tôm, sản phẩm gỗ. Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ năm trước, như: giá trị xuất khẩu cà phê đạt trên 2,6 tỷ USD (tăng 46,2%); cao su trên 1,6 tỷ USD (tăng 7,0%); gạo trên 2 tỷ USD (tăng 9,0%); hồ tiêu khoảng 661 triệu USD (tăng 11,7%); sắn và sản phẩm sắn đạt 904 triệu USD (tăng 32,1%), cá tra đạt khoảng 1,6 tỷ USD (tăng 83,6%), tôm đạt trên 2,7 tỷ USD (tăng 26,2%), gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 9,7 tỷ USD (tăng 1,2%); mây, tre, cói thảm đạt 538 triệu USD (tăng 3,1%), phân bón các loại đạt 848 triệu USD (gấp 3,2 lần). Hiện nay, nông sản Việt Nam đã tiếp cận được hàng trăm thị trường trên thế giới. Trong đó, châu Á luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm khoảng 42,4% thị phần. Tiếp theo là châu Mỹ (29,3%), châu Âu (11,9%), châu Đại Dương (1,7%) và châu Phi (1,6%). Hoa Kỳ luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt gần 8,7 tỷ USD (chiếm 26,8% thị phần); thị trường Trung Quốc trên 5,7 tỷ USD (chiếm 17,8% thị phần) và thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt trên 2,3 tỷ USD (chiếm 7,2%).

Thứ hai, trình độ khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản từng bước được nâng cao theo hướng sử dụng giống mới, công nghệ sinh học, phương thức canh tác tiên tiến để nâng cao năng suất chất lượng nông sản, thủy sản. Có hơn 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, 100% diện tích điều trồng mới... được sử dụng giống mới. Công nghệ sử dụng mô hom được đưa nhanh vào sản xuất giống cây rừng, nên năng suất chất lượng rừng được cải thiện. Ngành thủy sản đã sản xuất và đưa vào sản xuất một số loài thủy sản có giá trị kinh tế cao. Nhiều khâu trong sản xuất nông nghiệp được cơ giới hóa.

Thứ ba, công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn phát triển nhanh, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập của người dân nông thôn. Số hộ nông thôn hoạt động công nghiệp, xây dựng và dịch vụ năm 2020 chiếm 45% (tăng 10,59% so với năm 2011). Nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu kinh tế ven biển, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trung tâm thương mại - dịch vụ ở nông thôn, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản được đầu tư và đi vào hoạt động, hằng năm giải quyết việc làm cho gần 1,6 triệu lao động, trong đó gần 70% từ khu vực nông thôn. Cơ giới hóa trong nông nghiệp ngày càng được áp dụng rộng rãi, số lượng, chủng loại máy, thiết bị tăng nhanh. Công nghiệp chế biến nông sản ngày càng phát triển. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt được nhiều kết quả tích cực. Dịch vụ ở nông thôn có bước phát triển mới, nhất là dịch vụ thủy lợi, thú y, bảo vệ thực vật, cấp nước sạch, môi trường, thương mại, cung ứng vật tư, tiêu thụ nông sản.

Thứ tư, Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào rộng khắp cả nước, đạt được những kết quả to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu ở nông thôn ngày càng hoàn thiện, được đầu tư, nâng cấp và từng bước hiện đại hóa. Giao thông, thủy lợi, hệ thống điện, trường học, y tế, nhà văn hóa, trung tâm thương mại được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ. Hiện có trên 97% số xã có đường giao thông từ trụ sở xã đến ủy ban nhân dân huyện được nhựa hóa, bê tông hóa; gần 80% số xã đã trải nhựa, bê tông đường ngõ, xóm; trên 64% số đường trục chính nội đồng được cứng hóa bảo đảm vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm. Đến nay, 100% số xã, 99,1% số hộ nông thôn có điện. Năm 2010, chỉ có 42% số xã có nhà văn hóa, 43% số thôn có nhà văn hóa, đến năm 2019 có khoảng 79% số xã có nhà văn hóa, trung tâm thể thao, trong đó 71% đạt chuẩn; 79,2% số thôn có nhà văn hóa, khu thể thao, trong đó 65% đạt chuẩn. Đến năm 2020, 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp huyện duy trì phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; 99,8% số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; năm 2018, tỷ lệ xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở là 100%; 100% số xã có trạm y tế, trong đó 99,4% xã có nhà trạm. Việc cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân nông thôn đạt khoảng 94,84%… Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới hoàn thành sớm gần 2 năm so với kế hoạch, đã tạo bước đột phá làm thay đổi diện mạo nông thôn nước ta. Đến giữa năm 2021, có 351 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 38 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Thứ năm, trình độ, học vấn của nông dân nước ta từng bước được nâng cao. Đồng thời tư duy sản xuất kinh doanh nông nghiệp không ngừng đổi mới, dần thích ứng với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nông dân đã phát huy tốt hơn vai trò là chủ thể, tham gia hợp tác, liên kết, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Trong 10 năm thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cả nước có gần 10 triệu người được học nghề, trong đó có 4,6 triệu người được hỗ trợ đào tạo. Riêng đối với đào tạo nghề nông nghiệp, cả nước đã đào tạo được 2,84 triệu người. Năng lực làm chủ của nông dân, cư dân nông thôn được nâng lên rõ rệt thông qua các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội ở nông thôn; phát huy dân chủ ở nông thôn với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người tại khu vực nông thôn tăng 4,5 lần (vượt mục tiêu đề ra là 2,5 lần). Tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm bình quân 1 - 1,5%/năm. 

Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra, tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm và chất lượng chưa cao. Yếu tố hiện đại trong toàn ngành Nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, trình độ kỹ thuật công nghệ nhìn chung vẫn ở mức trung bình. Công nghiệp chế biến, đặc biệt là những ngành công nghệ cao chưa phát triển. Đồng thời cơ cấu lao động nông thôn chuyển dịch chậm, cơ bản vẫn là thuần nông. Năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của một số nông sản phẩm còn thấp. Việc nghiên cứu và chuyển giao khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp còn chậm…

Việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp và phát triển các thành phần kinh tế còn chậm. Hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước còn thấp. Doanh nghiệp tư nhân là nhân tố quan trọng trong phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn, nhưng quy mô nhỏ bé, chủ yếu là dịch vụ và chỉ phát triển mạnh ở ven đô thị, hoặc nơi có kết cấu hạ tầng tương đối phát triển. Chênh lệch mức sống giữa nông thôn và thành thị ngày càng gia tăng. Khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư, giữa thành thị và nông thôn, miền xuôi và miền núi đang có xu hướng ngày càng giãn ra. Những hạn chế này đòi hỏi cần có giải pháp khắc phục nhằm thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa ngành Nông nghiệp.

3. Giải pháp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa

Một là phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững, theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng.

Cơ cấu lại nông nghiệp thực chất, hiệu quả, khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, tiềm năng, lợi thế của từng vùng, miền, địa phương. Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hóa tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giảm phát thải khí nhà kính… Tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới kết cấu hạ tầng sản xuất nông nghiệp, ưu tiên các công trình, dự án phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hai là tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn.

Đổi mới tổ chức và hoạt động, nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thân thiện với môi trường; đẩy nhanh chuyển đổi số toàn diện ngành nông nghiệp, xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu lớn; thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ thực sự trở thành động lực quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của các tổ chức nghiên cứu và chuyển giao khoa học - công nghệ công lập, kết hợp đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, thực hiện khoán, đặt hàng sản phẩm khoa học - công nghệ, tạo đột phá về giống cây trồng, vật nuôi. Đổi mới công tác khuyến nông, khuyến công theo hướng kết hợp giữa nhà nước với doanh nghiệp; theo chuỗi ngành hàng, chuyển đổi số.

Hỗ trợ thành lập các vườn ươm công nghệ, trung tâm khởi nghiệp, quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn. Thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các viện, trường, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Khuyến khích doanh nghiệp và người dân ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong sản xuất - kinh doanh và kết nối cung - cầu; đẩy mạnh thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc và kiểm soát an toàn thực phẩm. Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về nông nghiệp, nông dân, nông thôn liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành.

Tạo đột phá trong phát triển nhân lực, đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, tận dụng hiệu quả cơ hội cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế. Đổi mới toàn diện hình thức tổ chức và nội dung đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, nhất là lao động trẻ, đáp ứng nhu cầu thị trường. Mở rộng quy mô, ngành nghề đào tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, khoa học - công nghệ, quản trị kinh doanh đáp ứng nhu cầu lao động ở nông thôn, chuyển đổi nghề nghiệp và xuất khẩu lao động. Có chiến lược nâng cao năng suất lao động, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức tư nhân tham gia đào tạo nghề, phát triển thị trường lao động ở nông thôn.

Ba là chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực và đẩy mạnh chuyển giao khoa học - công nghệ.

Mở rộng hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến, nhất là công nghệ chế biến, bảo quản, công nghệ giống, công nghệ môi trường, tái sử dụng phụ phẩm. Tăng cường hợp tác quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước, phòng, chống dịch bệnh, ô nhiễm môi trường xuyên biên giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Xuân Cường, Những điểm sáng của ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/821042/nhung-diem-sang-cua-nganh-nong-nghiep-viet-nam-giai-doan-2016---2020.aspx
  2. Ban Chỉ đạo Trung ương Các Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.
  3. Nguyễn Thị Ánh, Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững ở nước ta, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/819844/phat-trien-nong-nghiep%2C-nong-thon-ben-vung-o-nuoc-ta.aspx

Solutions for the rural economic restructuring process towards industrialization – modernization

Ph.D Nguyen Ngoc Lan

Faculty of Accounting, University of Economic and Technical Industries

Abstract:

Over the past years, the fields of agriculture, farmers and rural areas have greatly and historically contributed to Vietnam's socio-economic development achievements, especially the achievements of the rural economic restructuring process towards industrialization – modernization. The policy of developing an ecological agriculture sector and modern rural areas with civilized farmers that is set out by the 13th National Party Congress of the Communist Party of Vietnam requires new strong guidelines, policies and solutions to promote the development of agriculture, farmers, rural areas.

Keywords: agriculture, industrialization, modernization, restructuring, rural areas.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 10 tháng 4 năm 2023]

Tạp chí Công Thương