Phân tích những thách thức và cơ hội chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long

ThS. PHAN THỊ CẨM GIANG (Giảng viên Trường Đại học Nội vụ, Phân hiệu tại TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Hơn 20 năm qua, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển nhanh và chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, hiệu quả sản xuất được nâng cao, tổ chức huy động tốt các nguồn lực đầu tư, môi trường đầu tư được cải thiện. Tuy nhiên, kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong Vùng chưa thực sự phát triển bền vững, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp, yếu tố rủi ro còn cao, chưa tương xứng với tiềm năng của Vùng, một số nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị chưa đạt được. Bài viết phân tích làm rõ hơn những kết quả, thách thức và cơ hội phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Vùng để trong 10 năm tới, vùng ĐBSCL có thời cơ phát triển nhanh hơn, rút ngắn khoảng cách so với các vùng, miền khác.

Từ khóa: chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ hội, thách thức, đồng bằng sông Cửu Long.

1. Vận dụng lý thuyết chuyển dịch cơ cấu kinh tế và kết quả ở vùng đồng bằng sông Cửu Long

1.1. Vận dụng lý luận chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Có nhiều nhận thức khác nhau về lý luận chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Việt Nam và trên thế giới, từ nhiều góc độ  góc độ khác nhau. Sự thay đổi cơ cấu ngành kinh tế hoặc cơ cấu vùng, cơ cấu lao động, cơ cấu công nghệ, cơ cấu quy mô hay cơ cấu thành phần kinh tế…, về thực chất là điều chỉnh phương thức phân bổ và sử dụng các nguồn lực. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành là tiêu điểm của chính sách công nghiệp. Thành công của công cuộc công nghiệp hóa phụ thuộc trực tiếp vào thành công của việc xây dựng và thực hiện chính sách công nghiệp. Có 2 khía cạnh cơ bản phản ánh quá trình chuyển dịch.

Thứ nhất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế là một quá trình khách quan vận hành theo quy luật nội tại nghĩa là khi có đủ sự tích lũy về lượng sẽ có sự thay đổi về chất trong cơ cấu. Đây là quá trình đào thải và sàng lọc để lựa chọn được các bộ phận phát triển phù hợp với bản chất của cơ cấu, cụ thể là sự thay đổi tỷ trọng của các bộ phận, thứ tự, mối quan hệ giữa các bộ phận trong cơ cấu cũng như sự vận hành của chúng. Sự chuyển dịch cơ cấu thường gắn với sự thay đổi của lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh, lợi thế theo quy mô và lợi thế sở hữu. Thứ hai, quá trình vận hành khách quan song lại được thực hiện bởi hàng loạt các chính sách tác động theo ý chí và nhận thức của các nhà hoạch định chính sách và bộ máy thực hiện. Theo khía cạnh này, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế là một quá trình chủ quan và về cơ bản phụ thuộc vào nhận thức của các nhà hoạch định về tính khách quan của cơ cấu vốn là một thực thể thống nhất hữu cơ. Việc phân kỳ chuyển dịch cơ cấu có ý nghĩa quan trọng trong việc hoạch định các chính sách để đạt mục tiêu. Sự tách rời càng lớn giữa yếu tố khách quan và chủ quan là nguyên nhân của tính bất cân xứng trong cơ cấu kinh tế và bộc lộ tính phi hiệu quả của các chính sách điều chỉnh.

Quan điểm V.I.Lênin về chuyển dịch cơ cấu kinh tế khẳng định công nghiệp hóa là quá trình xây dựng một nền đại công nghiệp có khả năng cải tạo nông nghiệp. Lênin đã đưa ra mô hình tái sản xuất mở rộng mang tính giả định quan trọng. Kết luận về phương pháp luận trong xây dựng cơ cấu kinh tế là khu vực sản xuất tư liệu sản xuất để sản xuất tư liệu sản xuất phải tăng nhanh nhất, tiếp đến là sản xuất tư liệu sản xuất để sản xuất tư liệu tiêu dùng. Tuy nhiên, các học giả phương Tây cho rằng nhận định như vậy là hợp lý, song lại khó lượng hóa vì công nghiệp hóa trở thành một quá trình dường như không xác định được điểm kết thúc. Vấn đề là cần chia thành các thời kỳ để có chính sách phù hợp với từng giai đoạn và để nhận biết vào thời điểm kết thúc công nghiệp hóa.

Quan điểm của W.Rostow chỉ ra các giai đoạn công nghiệp hóa, song không dựa vào việc đánh giá sự chuyển dịch cơ cấu chủ yếu dựa vào quá trình thay đổi xã hội với tính ước lệ khá cao của 5 giai đoạn là xã hội truyền thống, tiền cất cánh, cất cánh, chín muồi và tiêu thụ hàng loạt. Về thực chất, đây là quá trình cải biến mang tính cách mạng công nghiệp, tức có sự thay đổi về chất trong hệ thống tư liệu sản xuất. Cũng theo W.Rostow, quá trình công nghiệp hóa, về mặt thời gian, được thực hiện trong vòng từ 15 - 20 năm. Thực tế, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong công nghiệp hóa khác nhau ở các nước do điều kiện đặc thù và chính sách thực hiện. Các cách tiếp cận gần đây chỉ ra quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế chủ yếu thể hiện ở sự thay đổi quan hệ giữa vốn và lao động, đặc biệt là việc tăng tỷ trọng vốn, công nghệ cao và giảm tỷ trọng lao động giản đơn với việc sử dụng hàm Cobb Douglas và năng suất tổng hợp các yếu tố (TFP) để phân tích.

Thực tiễn quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành ở Việt Nam có sự kết hợp quan điểm của V.I.Lênin vềcông nghiệp hóa là quá trình xây dựng một nền đại công nghiệp có khả năng cải tạo nông nghiệp và vận dụng quan điểm của các học giả phương Tây về quá trình cải biến mang tính cách mạng công nghiệp, tức có sự thay đổi về chất trong hệ thống tư liệu sản xuất. Thực tế, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong công nghiệp hóa khác nhau ở các nước do điều kiện đặc thù và chính sách thực hiện. Các cách tiếp cận gần đây chỉ ra quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế chủ yếu thể hiện ở sự thay đổi quan hệ giữa vốn và lao động, đặc biệt là việc tăng tỷ trọng vốn, công nghệ cao và giảm tỷ trọng lao động giản đơn với việc sử dụng hàm Cobb Douglas và năng suất tổng hợp các yếu tố (TFP) để phân tích.

1.2. Một số kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng ĐBSCL giai đoạn 2001-2020

Vận dụng lý luận, quan điểm phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các nhà kinh điển trên thế giới vào thực tiễn Việt Nam và vùng ĐBSCL, theo tinh thần Nghị quyết số 21/NQ-TW về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng vùng ĐBSCL thời kỳ 2001-2020, Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, trong thời gian từ năm 2001 đến năm 2020 đã có những kết quả chủ yếu như sau:

Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân toàn Vùng giai đoạn 2001 - 2010 đạt 11,7%/năm. Môi trường đầu tư vùng ĐBSCL được cải thiện, chỉ số năng cạnh tranh (PCI) của các tỉnh, thành phố trong Vùng đều nằm trong nhóm khá tốt. Trong đó, nổi bật là: nông, lâm, ngư nghiệp phát triển toàn diện, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, phát huy lợi thế sản phẩm chủ lực của Vùng (lúa gạo, thủy sản, trái cây), thể hiện vai trò trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản của cả nước. Giá trị sản xuất toàn ngành tăng từ 56.292 tỉ đồng (năm 2001) lên 101.000 tỉ đồng (năm 2010), tăng trưởng bình quân giai đoạn 2001 - 2010 đạt 6,9%/năm; hiệu quả thu nhập trên mỗi ha đất sản xuất nông nghiệp trong Vùng tăng từ 20,2 triệu đồng/ha (năm 2000) lên gần 38 triệu đồng/ha (năm 2010). Sản xuất lúa, trái cây, nuôi trồng thủy sản có nhiều tiến bộ rõ nét, phát huy thế mạnh, là ngành kinh tế mũi nhọn của Vùng, đã hình thành một số mô hình tập trung chuyên canh lúa, cây ăn trái và thủy sản, áp dụng công nghệ cao.

Thứ hai, công nghiệp được chú trọng phát triển, đi dần vào khai thác các thế mạnh của Vùng về công nghiệp chế biến nông sản, bước đầu tập trung đầu tư phát huy lợi thế về công nghiệp dầu khí, năng lượng, nhiệt điện và cơ khí. Giá trị sản xuất công nghiệp vùng ĐBSCL tăng liên tục trong các năm, đến năm 2010 đạt 156 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân giai đoạn 2011 - 2020 là 18,8%/năm, làm thay đổi quy mô và chất lượng sản xuất. Thương mại, dịch vụ, du lịch, thông tin và truyền thông có bước phát triển, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ và đời sống nhân dân.

Thứ ba, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng có nhiều cố gắng, hạ tầng giao thông có nhiều chuyển biến, gắn kết với thủy lợi; toàn Vùng cơ bản hoàn thành mục tiêu xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ, các đô thị được đầu tư, nâng cấp. Hạ tầng giao thông, thủy lợi có bước phát triển, gắn kết giao thông liên vùng, góp phần làm thay đổi nhanh diện mạo đô thị, nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bước đầu đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển và an sinh xã hội.

Thứ tư, Nghị quyết số 120/NQ-CP đã đánh dấu bước đột phá lớn trong tư duy, định hình chiến lược phát triển bền vững của vùng ĐBSCL theo hướng tổng thể, tích hợp phát triển kinh tế - xã hội trong toàn Vùng với tầm nhìn dài hạn. Đến nay (giai đoạn 2011 - 2020), vùng ĐBSCL đạt 0,623 triệu tấn tôm, chiếm 70% sản lượng cả nước; sản lượng cá tra 1,41 triệu tấn, chiếm 95%; sản lượng trái cây 4,3 triệu tấn, chiếm 60%; sản lượng lúa 24,5 triệu tấn, chiếm 56% sản lượng cả nước. Kim ngạch xuất khẩu các nông sản chủ lực vùng ĐBSCL (gạo, cá tra, tôm, trái cây) đạt 8,43 tỷ USD, chiếm 73,34% kim ngạch xuất khẩu các nông sản chủ lực của cả nước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Vùng liên tục tăng cao so với mức tăng trung bình cả nước (lần lượt trong các năm 2018, 2019, 2020 là 8,41%, 11,12% và 11,3% so với cả nước là 7,4%, 9,5% và 10,2%). 

Thứ năm, công nghiệp chế biến thủy sản tiếp tục chiếm tỷ trọng và tốc độ tăng trưởng cao nhất với các sản phẩm chủ yếu là cá tra phi-lê, tôm đông lạnh, mực đông lạnh. Năm 2020, sản lượng gạo xuất khẩu chiếm 90% với 6,1 triệu tấn, kim ngạch đạt 3,06 tỷ USD. Ngoài ra, vùng ĐBSCL cũng tập trung khai thác tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, trước hết là năng lượng gió và năng lượng mặt trời, như: Nhà máy Điện gió Bạc Liêu 1 và 2 đã hoàn thành xây dựng; khởi công xây Nhà máy Điện gió Bạc Liêu 3, Khai Long - Cà Mau, Hàn Quốc - Trà Vinh, Bình Đại - Bến Tre,… Các dự án điện gió và năng lượng tái tạo ở đồng bằng đang có nhiều cơ hội phát triển khi công nghiệp phát triển nhanh, chi phí đầu tư giảm mạnh. Giá thành điện gió đã giảm 23% trong 7 năm qua và dự kiến còn giảm sâu kể từ năm 2020.

Thứ sáu, các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, khắc phục sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội đang được triển khai thực hiện và tập trung vào những vấn đề cấp bách. Vùng đã khảo sát xác định 564 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 834 km, trong đó 57 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm (sạt lở gây nguy hiểm trực tiếp đến khu tập trung dân cư và cơ sở hạ tầng quan trọng), tổng chiều dài 170 km. Xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển, đoạn sụt lún, sạt lở trọng điểm; xây dựng bản đồ sạt lở, bố trí ngân sách xây dựng công trình phòng chống sạt lở, ưu tiên 36 dự án cấp bách.

Nhìn chung, các ngành, lĩnh vực kinh tế trong vùng ĐBSCL đã có những chuyển dịch tích cực, cơ cấu kinh tế được xây dựng theo hướng phát huy tiềm năng lợi thế của vùng, tiểu vùng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp ĐBSCL đã phát triển và chuyển dịch theo hướng tăng thủy sản, trái cây, giảm lúa; từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực (tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây) gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản.

2. Thách thức đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở vùng đồng bằng sông Cửu Long

Quá trình phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam và vùng ĐBSCL chủ yếu  thiên về chiều rộng, thiếu những thay đổi về chất, đặc biệt là sự thay đổi cơ bản cơ cấu. Bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 120/NĐ-CP vẫn còn một số tồn tại, thách thức cần phải sớm khắc phục trong thời gian tới.

Thứ nhất, việc hoàn thiện thể chế, chính sách triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 120/NQ-CP vẫn còn chậm, đặc biệt là các chính sách đẩy mạnh phát triển của các ngành, lĩnh vực then chốt tại ĐBSCL. Một số chính sách đã được ban hành nhưng chưa đi vào cuộc sống, đồng bộ với nguồn lực thực hiện, dẫn đến hiệu quả chính sách không cao. Công tác điều tra cơ bản chưa được thực hiện đầy đủ; dữ liệu còn phân tán, các cơ sở dữ liệu thành phần chưa được tích hợp vào hệ thống. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phân vùng kinh tế theo ngành, lãnh thổ dựa vào các điều kiện tự nhiên còn chậm, vẫn còn xung đột phát triển giữa các loại hình kinh tế dẫn đến hiệu quả kinh tế - xã hội chưa cao, thiếu tính bền vững.

Thứ hai, việc giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp và đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn và nông dân cũng đồng nghĩa với việc giảm yếu tố gây mất ổn định trong cơ cấu. Tuy nhiên, muốn có cấu kinh tế công nghiệp hiện đại, cần một khoảng thời gian khá dài để điều chỉnh. Điều kiện tiên quyết để chuyển dịch mạnh cơ cấu là tạo được tốc độ tăng trưởng cao nhằm tạo đà huy động ban đầu các nguồn lực vào các ngành, trong đó ngành Dịch vụ phải tăng nhanh nhất, tiếp đến là ngành Công nghiệp và sau đó mới đến ngành Nông nghiệp. Rõ ràng, khi tăng trưởng là một quá trình tích lũy về lượng thì sự tích lũy đạt đến một ngưỡng nhất định sẽ tạo sự chuyển biến về chất, nghĩa là có sự chuyển dịch trong cơ cấu. Mặc dù đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ, việc triển khai cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2001 - 2020 ở vùng ĐBSCL vẫn còn một số hạn chế.

Thứ ba, tác động của đại dịch Covid-19 đối với Việt Nam trong đó có vùng ĐBSCL mặc dù được kiểm soát tốt, nhưng vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng đối với phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê về tác động của dịch Covid-19, khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ chịu nhiều tác động nhất từ dịch Covid-19, với tỷ lệ doanh nghiệp bị tác động lần lượt là 86,1% và 85,9%; trong khi khu vực nông, lâm, thủy sản chịu ảnh hưởng ít hơn với 78,7%; khu vực công nghiệp - xây dựng chịu tác động làm giảm tốc độ xây dựng kết cấu hạ tầng, các công trình thủy lợi, hệ thống công trình phòng chống xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL.

Thứ tư, công tác quản lý nhà nước trong điều hành và phối kết hợp vùng trong một số lĩnh vực, sự phân cấp giữa trung ương và địa phương chưa rõ ràng, còn chồng chéo, thiếu sự phối hợp chặt chẽ; các cơ chế điều phối phát triển vùng ĐBSCL chưa phát huy tác dụng. Việc triển khai thực hiện Quyết định số 593/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện “Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long” giai đoạn 2016 - 2020 còn chậm, chưa được thực hiện quyết liệt trong Vùng.

Thứ năm, hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển chậm là thách thức lớn cho sự phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Vùng. Một vùng đồng bằng rộng lớn về diện tích và dân số (với 40.547 km2 và gần 20 triệu dân) gồm 13 tỉnh, thành phố, nhưng cơ sở hạ tầng không có đường sắt, chỉ có gần 100 km2 đường cao tốc, hệ thống cầu đường chưa đáp ứng sự phát triển của Vùng còn là thách thức cho phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng.

Thứ sáu, mô hình tăng trưởng có thay đổi nhưng còn chậm. Tốc độ tăng năng suất lao động nội ngành chưa cao; đóng góp của tiến bộ khoa học công nghệ vào tăng năng suất lao động còn hạn chế. Chuyển dịch cơ cấu nội ngành chưa rõ nét, chưa bền vững. Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu đang hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị, nơi tạo ra giá trị gia tăng thấp. Công nghiệp hỗ trợ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển chậm, còn phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu, linh phụ kiện nhập khẩu. Khu vực tư nhân phát triển chưa tương xứng với quy mô và độ mở của nền kinh tế; mức độ phụ thuộc vào khu vực kinh tế nước ngoài chưa giảm.

Ngoài ra còn một số tồn tại, bất cập trong các quy định hiện hành đã làm giảm hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng của Vùng. Bên cạnh đó, thị trường các yếu tố sản xuất chậm phát triển, chưa là cơ chế chính trong phân bổ nguồn lực để đạt được hiệu quả cao nhất. Cải cách thể chế và thực hiện các chương trình cơ cấu lại nền kinh tế chưa được tiến hành một cách nhất quán, toàn diện, đủ rộng và đủ mạnh để chuyển sang kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại để hình thành một cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, với những cơ hội mới để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển bền vững ĐBSCL.

3. Cơ hội chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long

Ngoài những cơ hội về điều kiện tự nhiên, khát vọng phát triển với những mục tiêu chiến lược, tầm nhìn đến năm 2030 và các năm tiếp theo, cùng với những dấu ấn quan trọng của đất nước, vùng ĐBSCL có thể có những cơ hội mới để vượt qua những thách thức, tạo động lực phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế như sau:

Thứ nhất, hệ thống chính trị với quyết tâm cao, thể hiện khát vọng về những nội dung, mục tiêu và giải pháp triển kinh tế của Việt Nam nói chung và cho vùng ĐBSCL nói riêng, với các nguồn lực mạnh mẽ để ĐBSCL phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu. Kỳ vọng phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, 2045 với các dấu ấn quan trọng của đất nước và khát vọng phát triển đất nước trong thập kỷ tới, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trong giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn tiếp theo, cần được đẩy nhanh hơn và thực sự bứt phá.

Thứ hai, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định ĐBSCL hay còn được gọi là miền Tây, có vị trí chiến lược, vai trò trung tâm sản xuất nông nghiệp của Việt Nam, đóng góp 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% các loại trái cây cả nước. Chính phủ đã tổ chức 4 Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngành Nông nghiệp quyết tâm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, thực hiện đồng bộ, hiệu quả, cơ cấu lại Ngành theo 3 nhóm trục, sản phẩm chủ lực, theo các ngành, lĩnh vực và cơ cấu lại sản xuất theo vùng. Đây là thời cơ để ĐBSCL đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế và phát huy thế mạnh, tiềm năng về sản xuất nông nghiệp.

Thứ ba, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực công đi đôi với phát triển đồng bộ các yếu tố, các loại thị trường; Khuyến khích đổi mới sáng tạo, tận dụng và đẩy mạnh khai thác cơ hội của công nghệ số;. Xác định rõ ràng hơn các trọng tâm, trọng điểm cơ cấu lại nền kinh tế theo ngành, vùng, nhóm địa phương để tận dụng được lợi thế và tập trung nguồn lực, tạo đột phá ở một số lĩnh vực có tiềm năng; Khắc phục sự thiếu kết nối, thiếu bổ sung hợp lý giữa các thành phần, các địa bàn kinh tế; Tạo điều kiện và khuyến khích doanh nghiệp của Việt Nam và ĐBSCL tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, chủ động dần nâng cấp vị trí trong chuỗi giá trị.

Thứ tư, Việt Nam là một trong số ít nước đạt tăng trưởng dương và là quốc gia có khả năng kiểm soát tốt đại dịch Covid-19; đượcthế giới công nhận trong Top 10 quốc gia có tăng trưởng cao nhất thế giới trong năm 2020; và được nhiều tổ chức tài chính quốc tế đánh giáđã tạo dựng được một nền tảng quan trọng để bước vào giai đoạn phát triển mới, với cơ hội vận hội mới tốt đẹp hơn. Đây là cơ hội thuận lợi cho vùng ĐBSCL thực hiện tốt 2 mục tiêu vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất, vừa phòng chống, chống dịch bệnh hiệu quả.

Thứ năm, vùng ĐBSCL đã đầu tư một số dự án hạ tầng với nguồn vốn 2 tỷ USD, đã có lộ trình đầu tư đường cao tốc nối từ Lạng Sơn - Cần Thơ. Hiện nay, tuyến nối từ TP. Hồ Chí Minh xuống Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ đã được đầu tư và sẽ mở tiếp đường cao tốc xuống Cà Mau. Khi tuyến cao tốc hoàn thành, sẽ đầu tư làm các tuyến đường từ các địa phương kết nối vào đường cao tốc, đồng thời hình thành tuyến đường ven biển, tạo ngay trục giao thông rất tốt cho vùng. Riêng tuyến đường ven biển còn kết hợp các công trình thích ứng biến đổi khí hậu và có tác dụng ngăn mặn, giữ ngọt. Đây là, cơ sở quan trọng để kết nối nội vùng với cả nước để ĐBSCL phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

4. Kết luận

Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự tin tưởng, đồng tình ủng hộ của người dân trong Vùng, kết quả chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện biến đổi khí hậu, dịch bệnh Covid-19 là những dấu ấn đáng khích lệ của vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, những thách thức đã và đang đặt ra đòi hỏi sự quyết tâm, đổi mới, sáng tạo của toàn Vùng. Với những nội dung, nguồn lực đầu tư tập trung và giải pháp hữu ích, cùng như sự quan tâm của cả hệ thống chính trị đối với vùng ĐBSCL, tạo tiền đề cho vùng ĐBSCL phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã nêu trong các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước trong những năm tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, (2021), Kinh tế Việt Nam và thế giới 2020-2021 Tạp chí Kinh tế Việt Nam -, tr 6.
  2. Nguyễn Thị Hà,  (2021), Walt Rostowcha đẻ của Lý thuyết phân kỳ. (Một số lý thuyết về phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế). Viện Kinh tế phát triển TP. Hồ Chí Minh (Bản dịch).
  3. Rostow, W. W. (2020). Industrialization and economic growth’, in First International Conference of Economic History/Première Conférence internationale d’histoire économique, De Gruyter,  17-34.
  4. World Bank. (2021). Trade Policy Review: Viet Nam. World Bank, Retrieved on April 16th 2021 from https://www.wto.org/english/tratop_e/tpr_e/tp510_e.htm
  5. Bạch Hồng Việt (2020), Tác động của đại dịch Covid-19 đến tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững ở Việt Nam. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Hà Nội.

Analyzing challenges and opportunities for the Mekong Delta region’s economic restructuring

Master. Phan Thi Cam Giang

Lecturer, Hanoi University of Home Affairs - Ho Chi Minh City Campus

ABSTRACT:

Over the past 20 years, the Mekong Delta region has developed rapidly and its economic structure has been shifted positively with an increasing production efficiency. In addition, the regional investment resources and investment environment has been well organized and improved. However, the regional economic restructuring have not been really sustainable, and the regional economic quality, efficiency and competitiveness are quite low. The Mekong Delta region faces high risks during its growth and its current development is not commensurate with its potential. This paper analyzes and clarifies the achieved results, challenges and opportunities for the Mekong Delta region’s development and economic restructuring in the next 10 years.

Keywords: economic restructuring, opportunities, challenges, the Mekong Delta.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 15, tháng 6 năm 2021]