Dung Quất 2 giúp giá HRC của Tập đoàn Hoà Phát (HPG) ở mức cạnh tranh hàng đầu châu Á

Thời điểm hoạt động tối đa công suất Dự án Dung Quất 2 của Tập đoàn Hoà Phát (mã cổ phiếu HPG) dự kiến sẽ rơi vào đúng chu kỳ mới của ngành Thép và ngành Bất động sản giai đoạn 2025 - 2026.
Tập đoàn Hoà Phát
Dự án Dung Quất 2 đã hoàn thành 45% tiến độ xây dựng tính đến cuối năm 2023.

Kết thúc năm 2023, dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 2 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoà Phát (mã cổ phiếu HPG - sàn HoSE) đã hoàn thành 45% tiến độ xây dựng và dự kiến sẽ hoàn thành giai đoạn 1 trong nửa đầu năm 2025.

Với tổng công suất tối đa đạt 5,6 triệu tấn thép/năm, dự án Dung Quất 2 sẽ trở thành động lực tăng trưởng trong dài hạn của Tập đoàn Hoà Phát. Theo đánh giá mới đây của BSC Equity Research, với việc ban lãnh đạo Tập đoàn Hoà Phát có kinh nghiệm vận hành dày dặn, thời điểm đi vào hoạt động của dự án Dung Quất 2 sẽ rơi vào chu kỳ ngành Thép và ngành Bất động sản mới trong giai đoạn 2025 - 2026.

Chu kỳ ngành thép Tập đoàn Hoà Phát
Tương quan chu kỳ giá thép với các lần mở rộng trước đây của Tập đoàn Hoà Phát. (Nguồn: BSC Equity Research)

Nhìn lại các dự án mở rộng trước đây của Tập đoàn Hoà Phát, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Hải Dương (Giai đoạn 1 - 2010; Giai đoạn 2 - 2013; Giai đoạn 3 - 2016) và Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 1 (năm 2019) đều được lấp đầy nhanh, phù hợp với chu kỳ ngành Bất động sản (năm 2013), chu kỳ ngành thép (năm 2016, 2020 - 2021).

Với việc ngành Bất động sản và ngành Thép đều đã qua đáy của chu kỳ vừa qua và đang bước vào giai đoạn đầu của chu kỳ mới, dự án Dung Quất 2 có thể sớm được lấp đầy đến 90% công suất vào năm 2026.

Đáng chú ý, khi đi vào vận hành tối đa, dự án Dung Quất 2 sẽ giúp tổng công suất của Tập đoàn Hoà Phát đạt 14 triệu tấn, tăng 60% so với hiện nay, tập trung vào dòng thép cuộn cán nóng (HRC) và dòng thép chất lượng cao. Qua đó, lọt TOP 30 hãng sản xuất thép lớn nhất thế giới từ năm 2025, giúp củng cố lợi thế về quy mô, tiến tới giảm được giá thành sản xuất hơn nữa.

Tập đoàn Hoà Phát
Các dự án mở rộng trước đây của Tập đoàn Hoà Phát thường được lấp đầy công suất chỉ sau 2 - 3 năm có mẻ thép thương mại đầu tiên. (Nguồn: BSC Equity Research) 

Sau khi dự án Dung Quất 1 hoạt động tối đa, sản phẩm HRC của Tập đoàn Hoà Phát đã có chi phí sản xuất tương đối cạnh tranh tại châu Á. Bằng chứng là trong năm 2023 khi giá thép thế giới ở đáy chu kỳ và chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ thép giá rẻ của Trung Quốc, Tập đoàn Hoà Phát vẫn tiêu thu được từ 315.000 - 325.000 tấn HRC/tháng qua kênh xuất khẩu lẫn tiêu thụ nội bộ cho sản xuất ống thép, tôn mạ.

Xem thêm: "Công suất năm nay của Tập đoàn Hoà Phát (HPG) dự kiến đạt 92%" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Do đó, nhiều tổ chức tài chính đánh giá, với dự án Dung Quất 2, chi phí sản xuất HRC của Tập đoàn Hoà Phát sẽ ở mức cạnh tranh hàng đầu khu vực ASEAN và có thể trên toàn châu Á. Đáng chú ý, điều này cũng sẽ giúp các sản phẩm hạ nguồn như ống thép và vỏ container của Tập đoàn Hoà Phát cạnh tranh hơn về giá cả.

Trong 2 chu kỳ thép vừa qua, biên lợi nhuận gộp của Tập đoàn Hoà Phát ở mức 18% - 22%. Dựa trên dữ liệu lịch sử, BSC Equity Research hiện ước tính biên lợi nhuận của Tập đoàn Hoà Phát khi dự án Dung Quất 2 đi vào hoạt động ổn định sẽ đạt 18%.

Theo ước tính của một số tổ chức tài chính khác, dự án Dung Quất 2 khi đi vào hoạt động tối đa công suất sẽ giúp doanh thu hàng năm của Tập đoàn Hoà Phát tăng thêm 4 - 5 tỷ USD so với mức 6,5 tỷ USD hiện tại. Dự án này cũng sẽ là bước ngoặt, giúp Tập đoàn Hoà Phát chuyển mạnh sang sản xuất thép chất lượng cao, nhường sân chơi thép cơ bản như thép xây dựng cho doanh nghiệp khác nên sẽ giảm rủi ro dựa vào thị trường bất động sản.

Mạnh Hùng