Nâng giá trị đao riềng Quy Mông
03/10/2023 lúc 14:08 (GMT)

Nâng giá trị đao riềng Quy Mông

 

Quy Mông là một xã vùng cao nằm ở phía Tây Bắc của huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Cây đao riềng nơi đây từ chỗ không mấy ai để ý, nay đã trở thành cây trồng chủ lực, mang lại giá trị cao.

 

DAO RIỀNG

Quy Mông nằm ven sông Hồng với chiều dài gần 10 km, đất màu mỡ, thích hợp với nhiều loại cây trồng, đặc biệt rất phù hợp cho cây đao riềng. Xã Quy Mông có hơn 300 hộ sinh sống ở 3 thôn (trong tổng 10 thôn với 1.440 hộ toàn xã) có nguồn thu nhập chính từ trồng đao riềng, chế biến bột đao và làm miến đao.

dao rieng quy mong tit

Cây đao riềng hay còn gọi là dong riềng rất dễ trồng, không kén đất, có thể tận dụng tất cả những diện tích đất đồi, soi bãi. Ngoài ra, trên diện tích cây đao riềng vẫn có thể xen canh thêm 1 vụ ngô hoặc đậu tương. Đao riềng là cây thân thảo có chiều cao từ 1 – 1,5m. Toàn thân và củ có màu tím, hoa màu đỏ. Lá có hình phiến thuôn dài, các gân song song và hiện rõ trên mặt lá. Hoa mọc thành cụm và quả nang.

Cây đao riềng có mặt trên đất Quy Mông từ những năm 70 của thế kỷ trước, tuy nhiên việc trồng cây còn tự phát, năng suất thấp. Kể từ khi được hỗ trợ giống và định hướng phát triển kinh tế, cây đao riềng mới thực sự trở thành cây trồng chủ lực của địa phương.

dao rieng 3
dao rieng 4

Năm 2008, tỉnh Yên Bái đã triển khai thực hiện Dự án khoa học đưa giống đao riềng DR1 thay thế cho giống đao riềng địa phương. Sau 1 năm trồng  thử nghiệm cho thấy, giống đao riềng DR1 phù hợp với khí hậu, đất đai xã Quy Mông, đặc biệt năng suất cao hơn 1,5 lần so với năng suất giống đao riềng địa phương (đạt từ  65 - 70 tấn/ha). Do vậy, từ năm 2009 đến nay, người dân xã Quy Mông đã mở rộng diện tích trồng đao riềng trên đất soi bãi, đất vườn hộ, đất lúa kém hiệu quả bằng giống đao riềng mới DR1.

dao rieng
          

Giống đao riềng DR1 sinh trưởng phát triển mạnh, cây cao trung bình (165-185cm), ít đổ. Củ nạc, đồng đều, ruột trắng được nông dân ưa chuộng.

          

 

dao rieng 1
dao rieng 2
dao rieng 3
dao rieng 4

Nhận thấy trồng đao riềng hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác lại vẫn có thể trồng xen thêm 1 vụ ngô, đầu ra khá ổn định, thời gian qua, xã Quy Mông đã vận động người dân duy trì diện tích, hình thành vùng nguyên liệu lớn, từ đó hướng tới quy mô sản xuất hàng hóa từ khâu trồng, chế biến tinh bột đến làm miến dong.

Chính quyền địa đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tập huấn, hướng dẫn người trồng đao ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất; xây dựng vùng nguyên liệu củ đao đạt tiêu chuẩn VietGap. Năm 2022, diện tích trồng cây đao riềng của xã Quy Mông đạt hơn 70ha, tập trung chủ yếu ở các thôn như Thịnh Lợi, Thịnh An và Thịnh Bình.

dao rieng quy mong 2

Từ năm 2010 trở về trước, người dân xã Quy Mông chủ yếu thu hoạch củ đao riềng rồi bán cho các cơ sở chế biến bột đao ở các tỉnh dưới xuôi làm miến. Năm 2011, do giá củ đao riềng xuống thấp, người trồng đao xã Quy Mông gặp khó khăn từ đầu ra sản phẩm. Từ đó, một số hộ dân trong xã đã mạnh dạn đầu tư xây dựng dây chuyền chế biến bột đao, vừa tiêu thụ được sản phẩm vừa tăng thêm thu nhập cho người trồng đao.

Ở xã Quy Mông hiện có 4 xưởng sơ chế tinh bột đao riềng, trung bình mỗi ngày mỗi xưởng có thể sơ chế từ 15 - 20 tấn củ đao riềng, chế biến ra khoảng 4 tấn tinh bột. Các cơ sở chế biến bột đều được đầu tư liên hoàn từ khâu sàng rửa củ, xay xát, lọc - lắng bột và làm dịch vụ chế biến bột đao cho 100% sản lượng đao riềng củ thu hoạch hàng năm của xã.

bot dao
bot dao 1

Nhờ phát triển dịch vụ chế biến đao củ thành bột đao, các hộ trồng đao đã tăng thêm thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng/ha, nâng mức cho thu nhập người trồng đao đạt 155 - 160 triệu đồng/ha. Từ giá trị kinh tế mang lại, đao riềng đã giúp cho hàng trăm hộ dân vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ trở nên khá giả.

Ngoài chế biến đao củ từ bột đao, một số hộ cũng đã liên kết thành lập Hợp tác xã chế biến miến đao từ nguồn nguyên liệu dồi dào tại chỗ của địa phương. Miến Quy Mông được sản xuất từ 100% bột đao nguyên chất, điểm nổi bật là sợi nhỏ, màu trong hơi xám, có độ dai, giòn, nấu chín không bị nát.

 

Miến đao là thực phẩm khô, có dạng sợi mỏng được làm từ cây đao riềng. Tinh bột đao riềng được làm càng nguyên chất và lọc càng kỹ lưỡng thì chất lượng sợi miến càng dai và thơm ngon. Miến đao thường có hai loại là miến trong hơi vàng hay còn gọi là miến đục và miến xám trong hay còn gọi là miến trong.

mien dao

 

Hiện trên địa bàn xã đã có 2 sản phẩm miến đao của Hợp tác xã Việt Hải Đăng và Hợp tác xã Khởi nghiệp xanh Toàn Nga được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, chính quyền xã đã tích cực phối hợp với các hợp tác xã xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm, đưa các sản phẩm này lên các gian hàng thương mại điện tử để thúc đẩy tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.

Chính quyền địa phương cũng khuyến khích người dân tiếp tục duy trì ổn định diện tích cây đao riềng hàng năm. Cùng với đó áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hình thành các nhóm, tổ, hợp tác xã sản xuất để thuận lợi trong việc xây dựng tư cách pháp nhân, đủ điều kiện vay vốn, quảng bá thương hiệu. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ thêm máy móc, trang thiết bị cho các hộ sản xuất.

          

Tháng 2/2023, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận và thí điểm trao quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng "Miến Đao Quy Mông”.

          

 

dao rieng 9
dao rieng 10

Mục tiêu của xã Quy Mông là khi có nhiều hộ làm miến đao sẽ thành lập làng nghề chế biến bột đao và miến đao, nâng cấp sản phẩm OCOP miến đao Quy Mông từ 3 sao lên 5 sao. Xã phấn đấu từ năm 2021 - 2025 có thêm các cơ sở sản xuất miến, đưa tỷ trọng bột đao vào chế biến miến trên địa bàn xã đạt 50%, tương đương với hơn 200 tấn bột mỗi năm; xây dựng thêm sản phẩm miến đao đạt tiêu chuẩn OCOP.

Có thể nói, nhờ cây đao riềng, kinh tế xã Quy Mông chuyển dịch đúng hướng, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày một nâng lên, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân không ngừng được tăng lên, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt trên 47 triệu đồng/người/năm…

          

Tháng 7/2023, tỉnh Yên Bái tổ chức lễ xuất hàng nông sản sang thị trường Anh quốc. Miến đao Quy Mông là một trong 10 sản phẩm nông nghiệp chủ lực tiêu biểu của tỉnh đã đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng để xuất sang thị trường này.

          

 

mien dao viet hai dang
dao rieng quy mong 2

Những năm trước, hầu hết bà con đều sản xuất miến đao bằng công nghệ thủ công dẫn đến năng suất thấp, chất lượng không bảo đảm nên lợi nhuận đem lại cũng rất hạn chế. Từ nguồn nguyên liệu đao riềng sẵn có tại địa phương, các hội viên phụ nữ xã đã liên kết, thành lập Hợp tác xã Sản xuất miến đao Việt Hải Đăng chuyên sản xuất miến, tiêu thụ sản phẩm bột đao cho người dân.

mien viet hai dang

Ngay từ mới thành lập, Hợp tác xã Việt Hải Đăng đã xác định sản xuất sản phẩm miến đao chất lượng, sạch và an toàn khi đến tay người tiêu dùng. Do vậy, từ lựa chọn nguyên liệu, Hợp tác xã đã rất cẩn trọng lựa chọn bột đao chất lượng. Hơn nữa, nhờ được Hội Phụ nữ tỉnh hỗ trợ máy móc nên sợi miến làm ra đều, không bị đứt, gãy. Khi nấu sợi miến dẻo, mềm, dai, không nát, có vị thơm của đao riềng… nên sản phẩm được nhiều khách hàng rất yêu thích.

mien dao quy mong 1
mien dao quy mong

Từ khi thành lập năm 2017, lượng miến sản xuất của Hợp tác xã Việt Hải Đăng đã tăng dần qua từng năm, nhất là khi miến đao Quy Mông được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. So với những năm đầu mới sản xuất đến nay sản lượng miến chế biến mỗi ngày đã tăng gấp 3 lần.

Chất lượng bảo đảm, giá thành hợp lý nên sản phẩm miến đao của Hợp tác xã không chỉ bán cho các cơ quan, nhà hàng, khách sạn trong tỉnh mà còn xuất bán ra các tỉnh, thành khác. Hợp tác xã đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập tại địa phương với mức lương từ 120.000 - 150.000 đồng/ngày.

dao rieng
          

Bài: Hà Đan
Trình bày: An Nguyễn

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí