“Hóa giải”  thách thức, kéo gần thị trường CPTPP khu vực châu Mỹ
28/11/2023 lúc 14:10 (GMT)

“Hóa giải” thách thức, kéo gần thị trường CPTPP khu vực châu Mỹ

 

Có thể nói, những tác động tích cực rõ nét nhất của Hiệp định CPTPP đối với việc mở thêm thị trường cho hàng hóa Việt Nam là ở các nước thành viên khu vực châu Mỹ lần đầu có FTA với Việt Nam.

châu Mỹ

Thông tin từ Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, kể từ khi Hiệp định CPTPP đi vào hiệu lực đối với Việt Nam từ tháng 1/2019, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP khu vực châu Mỹ đã tăng trưởng mạnh mẽ. Thể hiện ở chỗ năm 2021, xuất khẩu sang 4 nước CPTPP khu vực châu Mỹ đạt hơn 12 tỷ USD, đặc biệt Việt Nam xuất siêu tới 10,4 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu sang Canada đạt 5,3 tỷ USD và tăng 75% so với thời điểm trước khi Hiệp định có hiệu lực.

Đối với Mexico, xuất khẩu sang thị trường này đạt 4,6 tỷ USD, tăng trên 105% so với thời điểm trước khi Hiệp định có hiệu lực. Xuất khẩu sang Peru cũng tương tự, tuy mới phê chuẩn Hiệp định vào năm 2021 đã đạt 560 triệu USD, tăng trưởng 85%. Chile, tuy chưa phê chuẩn Hiệp định, cũng đạt 1,7 tỷ USD, tăng 63%.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường CPTPP khu vực Châu Mỹ trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt 8,76 tỷ USD, giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2022 chủ yếu ở các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ nội thất… 

Nhập khẩu từ các thị trường CPTPP khu vực Châu Mỹ trong 9 tháng đầu năm 2023 cũng có mức giảm tương tự 15%, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng máy móc, phân bón, sắt, thép, nguyên phụ liệu.

Với Canada thì theo thống kê của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu 9 tháng đầu năm của chúng ta được 4,8 tỷ USD và con số này phía Canada ghi nhận là 6,3 tỷ USD, đưa Canada là một trong những thị trường quan trọng nhất, lớn thứ 7 của Việt Nam sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan và Hong Kong (Trung Quốc).

Mặc dù số liệu cho thấy xuất khẩu hơi chậm lại trong quý 3/2023, nhưng nó khẳng định nhu cầu của Canada đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam khá ổn định và việc xuất khẩu của Việt Nam vào Canada có suy giảm một chút nhưng nằm trong tình hình chung của Canada giảm 2,4% đối với tất cả các dòng nhập khẩu của các nước.

Trong khối ASEAN, Việt Nam tiếp tục là một đối tác nhập khẩu quan trọng của Canada và hàng hóa của chúng ta chiếm 43% tổng kim ngạch nhập khẩu từ khu vực, nằm trong top 10 đối tác thương mại hàng đầu của Canada.

Tính từ đầu năm đến nay 03 nhóm mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Canada vẫn giữ được mức tăng trưởng kim ngạch hai con số, đó là mặt hàng điện tử, điện thoại di động, quần áo dệt kim. Một số mặt hàng khác cũng được ghi nhận tăng trưởng tốt, ví dụ như giày dép, túi xách và phụ tùng ô tô, gỗ và các sản phẩm gỗ.

Với thị trường Mexico, theo số liệu tổng quan thống kê được thì giá trị thương mại hai chiều của tất cả các hàng hóa giữa Việt Nam - Mexico trong 9 tháng đầu năm đạt 3,9 tỷ USD, giảm khoảng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái năm 2022. Trong đó xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Mexico đạt 3,3 tỷ USD, nhập khẩu của đạt 602 triệu, giảm 10%. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đạt một con số xuất siêu ấn tượng sang thị trường Mexico.

Đối với Chile, trong 9 tháng đầu năm nay kim ngạch song phương hai chiều đạt 1.145 triệu USD, trong đó xuất khẩu Việt Nam đạt gần 900 triệu USD, giảm 15% so với năm ngoái và nhập khẩu của Chile sau 9 tháng đầu năm đạt 258 triệu USD, giảm 19%.

Đông đảo doanh nghiệp Chile tham gia Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Chile diễn ra tại Thủ đô Santiago de Chile ngày 02/10/2023, trong đó có đại diện của các hệ thống phân phối lớn như Tập đoàn Cencosud, hệ thống siêu thị SMU, Easy của Chile bày tỏ hào hứng đối với phiên kết nối giao thương B2B cùng các doanh nghiệp Việt Nam.

Các doanh nghiệp này cho biết, hàng hóa Việt Nam đang ngày càng trở nên phổ biến hơn tại thị trường Chile nhờ vào chất lượng sản phẩm tốt, mẫu mã đa dạng và giá thành khá cạnh tranh thông qua việc tận dụng tốt các ưu đãi do Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Chile (VCFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang lại.

chile 1
chile 2

Xét về góc độ thị trường, theo các chuyên gia, các nước châu Mỹ thành viên CPTPP là thị trường có rất nhiều tiềm năng và các dư địa cho các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Đơn cử thị trường Canada là một thị trường phụ thuộc vào nhập khẩu với tổng kim ngạch nhập khẩu khoảng 500 tỷ USD/năm, thuộc nhóm 15 nước có kim ngạch nhập khẩu lớn ở thế giới. Mặc dù quy mô nhập khẩu chỉ tương đương 10% thị trường Mỹ, tuy nhiên, sức mua cũng như bình quân kim ngạch nhập khẩu trên đầu người cao gấp hai lần đối với Hoa Kỳ và nhu cầu nhập khẩu đối với hàng thực phẩm tiêu dùng nói chung rất đa dạng do Canada có nhiều dân nhập cư và mỗi cộng đồng đều có khẩu vị, dư vị và thị hiếu khác nhau.

Đây là một cơ hội tốt cho hàng hóa tiêu dùng của Việt Nam, ví dụ như quần áo, da giày, đồ gỗ, nội thất, thực phẩm đặc trưng của Việt Nam để phục vụ người gốc Á ở ở Canada và 250.000 người Canada gốc Việt Nam.

Bên cạnh đó Canada có nhiều chính sách thương mại, đầu tư minh bạch, rõ ràng, các công cụ tra cứu trực tuyến rất thuận tiện để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam rất dễ tiếp cận để tìm hiểu các thông tin thị trường, các thể chế pháp luật, các chính sách nói chung đối với hàng nhập khẩu vào Canada.

Hay như thị trường Mexico với dân số khoảng 130 triệu dân. Đấy là một quy mô dân số cũng rất lớn và GDP là 1.150 tỷ USD. Dung lượng nhập khẩu hàng năm của nước này khoảng 400 tỷ USD.

Mexico được coi là một cửa ngõ để cho hàng hóa của Việt Nam vào khu vực Trung và Bắc Mỹ, một cửa sau để đi vào thị trường Mỹ.

Tương tự, Peru là một thị trường tương đối phù hợp với trình độ, quy mô cũng như cách tiếp cận của doanh nghiệp Việt Nam vì 75% các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Peru là các doanh nghiệp vừa và nhỏ và quy mô rất tương thích với các doanh nghiệp Việt Nam.

Từ thị trường Peru, hàng hóa của chúng ta có thể thâm nhập vào các nước láng giềng ví dụ như Colombia, Ecuador, Peru, Bolovia và phía Tây rất rộng lớn của Brazil.

          
Hoàn Âu Mỹ

Các thị trường này đều có những mức tiêu thụ rất lớn đối với hàng hóa điện thoại, điện tử, dệt may, giày dép, da giày, nông thủy sản và đây cũng là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của chúng ta.

Thực tế nhìn nhận kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực và hàng hóa Việt Nam được hưởng các ưu đãi thuế quan thì kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng sang khối CPTPP đã ghi nhận mức mức tăng trưởng cực kỳ ấn tượng và điều này đã cho thấy và khẳng định rõ nhu cầu cũng như dư địa thị trường thực sự hấp dẫn cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.

Ông Bùi Tuấn Hoàn, Trưởng phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương)

          
dư địa

Rõ ràng với Hiệp định CPTPP, doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội để xuất khẩu các hàng hóa chủ lực vào khu vực thị trường Hiệp định, đặc biệt là những thị trường tại khu vực châu Mỹ lần đầu có FTA với Việt Nam như: Canada, Mexico, Peru và Chile. Tuy nhiên chúng ta vẫn phải đương đầu rất nhiều khó khăn về rào cản kỹ thuật nhằm hạn chế việc tăng trưởng nhanh, tăng trưởng nóng, xuất khẩu nhanh bất thường vào khu vực thị trường.

Một trong số những khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam hiện phải đối mặt khi xuất khẩu vào thị trường Châu Mỹ đó là trở ngại về khoảng cách địa lý chênh nhau 12 tiếng, cho nên chi phí vận tải cũng rất cao.

Bên cạnh đó là những tiêu chuẩn và chất lượng khắt khe của các thị trường. Đơn cử, các thị trường này bảo vệ người tiêu dùng một cách rất cẩn thận. Do vậy họ đặt ra những hàng rào kỹ thuật cao về tiêu chuẩn, về an toàn thực phẩm. Ví dụ Canada áp đặt những tiêu chuẩn chất lượng về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như các yêu cầu đối với quy trình sản xuất, trách nhiệm với xã hội, các vấn đề bảo vệ môi trường, các tiêu chuẩn kết về tiêu chuẩn lao động...

Ở các thị trường Mỹ Latinh, các doanh nghiệp còn gặp trở ngại về ngôn ngữ vì các đối tác chủ yếu sử dụng tiếng Tây Ban Nha trong khi các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu sử dụng tiếng Anh và tiếng Pháp trong giao thương quốc tế.

Với tiếng Tây Ban Nha đôi khi cần dịch thuật ra hoặc đăng tải lên các phần liên quan đến tem nhãn, liên quan đến chi tiết kỹ thuật cũng như các thành phần của sản phẩm, đặc biệt là mặt hàng nông sản, thực phẩm, đồ uống thì các doanh nghiệp chúng ta thể hiện còn rất khó khăn và không theo đúng các tiêu chuẩn của địa phương sở tại các nước Mỹ Latinh”, ông Hoàn cho biết.

Một điều nữa là các doanh nghiệp còn thiếu thông tin và gặp khó khăn trong việc nắm bắt các nhu cầu thị trường cụ thể. Ở chiều ngược lại, nhận thức của các doanh nghiệp Mỹ Latinh về các ngành, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tương đối mờ nhạt.

Để khắc phục những khó khăn, thách thức, đón bắt cơ hội tại các thị trường CPTPP khu vực châu Mỹ, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần tận dụng được hệ thống hạ tầng thương mại ở các nước này thông qua các hệ thống bán buôn, bán lẻ, các hệ thống phân phối của các nước. Ví dụ như là hệ thống Walmart, Costco với các hệ thống rộng khắp ở khu vực Bắc Mỹ, trải dài từ Canada sang Mỹ và Mỹ Latinh; các hệ thống bán lẻ Fallabella, Cencosud ở Mỹ Latinh…

Đây là giải pháp hiệu quả trong điều kiện hiện tại chúng ta vẫn chưa xây dựng được các thương hiệu riêng của mình để đủ sức cạnh tranh tại thị trường các nước CPTPP và đối với chính đối thủ của chúng ta tại các thị trường này, trong khi nhu cầu của các nước ngày càng lớn.

Trong công tác xúc tiến thị trường, cần đặc biệt quan tâm sử dụng phương thức digital marketing (marketing kỹ thuật số), quảng bá rộng khắp trên các sàn điện tử thương mại để làm sao các doanh nghiệp đối tác dần nhận thức được giá trị về thương hiệu và các nhãn hàng của doanh nghiệp Việt Nam.

Việc gia công OEM cũng là một cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam chuyển hướng kinh doanh theo hướng chế biến sâu hơn với các tiêu chuẩn cao hơn và các quy mô cũng lớn hơn làm cơ sở cho việc xây dựng các chiến lược marketing lâu dài và các thương hiệu riêng ở tại khu vực thị trường bản địa. Mặc dù không xuất khẩu trực tiếp dưới các tên thương hiệu của chúng ta nhưng việc sản xuất, gia công cho các hệ thống siêu thị nước ngoài là một cơ hội tốt để kết nối và chúng ta dần dần sẽ đưa được các sản phẩm chủ lực chúng ta như: nông sản, sản phẩm công nghiệp nhẹ… lên giá kệ siêu thị tại các nước Châu Mỹ Latinh.

xuat khau thep
det may
cà phê
giay dep

Mặt khác, để “hóa giải” phần vận tải logistics cũng là một thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ Latin vì chi phí vận tải đường biển đã lập một mặt bằng giá mới sau đại dịch Covid, ông Bùi Tuấn Hoàn cho rằng chúng ta phải xem xét tận dụng hệ thống logistics vận tải ở các nước này để đưa hàng của chúng ta đi các nước khác.

Ví dụ đối với khu vực Bắc Mỹ, vì tính liên thông của thị trường Canada, khả năng xâm nhập vào cửa sâu của thị trường Mỹ rất lớn, chúng ta phải tận dụng được hết lợi thế của Canada với hệ thống đường sắt nội địa lưu chuyển ở Châu Mỹ có năng lực vận chuyển khoảng 2.250 tỷ đô hàng hóa mỗi năm qua hệ thống vận tải nội địa và kết nối giữa bờ Đông bờ Tây của Canada với các bang, từ Vancouver sang Bờ Tây, rồi đi sang cả các vùng ngũ hồ và các thành phố khác của Hoa Kỳ như Detroit, Michigan, Chicago, Winconsin và Memphis… tới cảng New Orleans để kết nối với Nam Mỹ.

Đối với các nước còn lại, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được trung tâm trung chuyển, tận dụng các trung tâm logistics của Chile đi qua những cảng Iquique để chuyển tải hàng hóa qua đường Thái Bình Dương nhằm tiết kiệm chi phí và tiếp cận được quy mô dân cư 200 triệu dân cũng là một thị trường tiềm năng với sức mua rất lớn…

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, đối với các FTA nói chung và CPTPP nói riêng Bộ Công Thương tiếp tục chú trọng vào hoàn thiện hệ thống pháp luật thể chế; tiếp tục tuyên truyền phổ biến thông tin về Hiệp định này để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt và tận dụng tối đa các lợi thế từ Hiệp định. Nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như phát triển nguồn nhân lực, qua đó nâng cao hiệu quả công tác thực thi, tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là cải thiện môi trường kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nói chung cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu sang khu vực thị trường này.

châu Mỹ
          

Bài: Việt Hằng
Ảnh bìa và Thiết kế: Hoàng Phương

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí