Cói Kim Sơn - Hành trình vươn ra biển lớn
29/09/2023 lúc 16:18 (GMT)

Cói Kim Sơn - Hành trình vươn ra biển lớn

Cây cói cùng với cây lúa gắn bó bao đời với người dân Kim Sơn. Cây cói Kim Sơn còn là biểu tượng của những con người lấn biển, luôn trụ vững trước mọi thách thức nghiệt ngã của nước mặn, sóng gió, bão biển.

cói Kim Sơn

 

Ngược dòng lịch sử, nghề chế biến cói đã có từ lâu và là nghề gắn liền với cây lúa, đánh bắt thủy, hải sản để nuôi sống người dân Kim Sơn. Lá chiếu Kim Sơn không những phục vụ đồng bào trong nước mà còn đến được các nước trên thế giới, trong đó có nước Pháp. Sau năm 1954, trên địa bàn huyện đã thành lập 3 xí nghiệp chiếu cói là Xí nghiệp Cộng Lực (phố Trì Chính), Xí nghiệp Cộng Hòa (Đại Đồng cũ) và Xí nghiệp Hòa Bình (thôn Đồng Bắc - Đồng Hướng) và 3 cơ sở nhỏ nằm trên địa bàn thị trấn Phát Diệm, chuyên cung cấp cói se là Trần Phú, ái Quốc, Minh Khai và sau đó tất cả các đơn vị này sáp nhập thành Xí nghiệp chiếu cói Đại Đồng.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Kim Sơn đã hình thành nhiều cơ sở chế biến cói, đó là: Xí nghiệp Đại Đồng, các HTX thủ công của các xã, thị trấn; Xí nghiệp chiếu cói Cồn Cỏ; các xí nghiệp: Năng Động, Đổi Mới, Quang Minh, Xuân Hòa… với tổng doanh thu mỗi năm đạt khoảng 250 tỷ đồng. Các sản phẩm cói Kim Sơn đã xuất khẩu nhiều lô hàng tới các nước châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Sau bảy lần mở đất, lấn biển để ‘tranh công cùng tạo hóa’, tại vùng đất Kim Sơn hiện nay đã có khoảng 4000ha trồng cói, gấp 6 lần so với những ngày đầu mới khai hoang. Bởi thế nên, trồng cói và dệt các sản phẩm làm từ loại cây đặc biệt này đã trở thành nghề truyền thống và giữ vai trò quan trọng trong đời sống của người dân nơi mảnh đất này. Dẫu không có cội rễ xa xưa như những nghề thủ công lâu đời khác, chẳng hạn như dệt, thêu, chạm khắc đá, nghề mộc, v.v. nhưng cái nghề làm cói mỹ nghệ này cũng đã gắn liền với bao thế hệ người dân của vùng đất mở này.

cói Kim Sơn

Người dân Kim Sơn đã dùng cây cói làm thành nhiều sản phẩm như: Chiếu, thảm, làn, khay, hộp, đĩa, cốc, tách, túi xách, mũ … nhưng chủ yếu vẫn là các loại chiếu như: Chiếu trơn (chiếu không cải hoa); chiếu đàn (chiếu trơn vào loại xấu), chiếu đậu (chiếu màu trắng ngà, làm bằng thứ cói tốt); chiếu hoa (chiếu có cải hoa hoặc in hoa), chiếu gon (chiếu dệt bằng thứ cói thân cao và dài), chiếu liền (chiếu hẹp khổ và dài), chiếu cạp (chiếu mép có viền vải); chiếu lõi; …

Nói đến chiếu cói Kim Sơn là nói tới sự hội tụ những tuyệt kỹ tinh xảo nhất của một chiếc chiếu, từ sự cầu kỳ về nguyên liệu đến việc lên khung dệt. Mỗi năm Kim Sơn cung cấp cho thị trường hàng triệu chiếc chiếu với mẫu mã và chủng loại khác nhau: chiếu đậu, chiếu cạp điều, chiếu cải.... trong đó chiếu cải hoa và chiếu đậu là mặt hàng chủ lực.

Chiếu cải hoa có bố cục đối xứng chặt chẽ đến nghiêm ngặt: cạp điều rộng, đường chỉ thẳng, 4 góc và xung quanh là những hoa văn đẹp. Chiếu chỉ có 2 màu: đỏ tươi và trắng hồng. Màu trắng hồng là màu nền của chiếu, màu đỏ tươi rực rỡ là màu cải hoa, cải chữ, thể hiện ước mơ của con người.

Dệt chiếu cải là cả một quá trình lao động sáng tạo, vất vả, tỉ mỉ từ khâu chọn cói, phơi cói, nhuộm cói… đặc biệt là khâu dệt cải hoa của chiếu. Để dệt được một chiếc chiếu cải theo yêu cầu của khách hàng, anh Thịnh và những người thợ Kim Sơn phải dành rất nhiều thời gian bởi từng chi tiết, hoa văn trên chiếu đều được người thợ dệt thành hình luôn chứ không phải dệt thô rồi in hình theo khuôn chữ in sẵn. Đó chính là điều đặc biệt của chiếu cải Kim Sơn.

Tuy nhiên, khó nhất vẫn là dệt chiếu đậu, đòi hỏi cầu kỳ và tinh xảo hơn. Phải chọn cói kỹ, sao cho đều, trắng ngà, dài thon, tròn tắp, mỗi sợi chỉ nhỉnh hơn cái nan hoa xe đạp. Sợi đay phải săn, nhỏ, mịn. Khi dệt phải làm cho chiếu có múi nổi nho nhỏ, gọi là múi na, trông như một kiểu hoa văn tự nhiên. Chiếu đậu không chỉ bền, mà còn thể hiện nét đẹp nguyên bản của cây cói và tôn thêm sự khéo léo tỉ mỉ của người dân Kim Sơn.

Mỗi chiếc chiếu được dệt bởi 2 người thợ, một người giật và 1 người văng sợi cói. Chiếu được giật đều thì sẽ bền hơn trong quá trình sử dụng bởi các sợi cói được đan bện rất dày với các sợi đay. Người văng sợi cói cần phải phối hợp nhịp nhàng với thợ giật để đảm bảo việc dệt chiếu hiệu quả nhất. Một cặp thợ giỏi mỗi ngày dệt được từ hai đến ba chiếc chiếu. Chiếu sau khi dệt xong phải đem phơi nắng cho trắng, sau đó mới đem đi in hoa văn và cuối cùng sẽ được đem đi hấp trong lò để đảm bảo chất lượng, màu sắc hoa văn không bị phai.

cói Kim Sơn

Từ cây cói tròn mảnh mai, với bàn tay khéo léo và sức sáng tạo không ngừng theo năm tháng, người dân Kim Sơn đã tạo ra không biết bao nhiêu mặt hàng mỹ nghệ, gửi gắm trong đó tình cảm mặn mà, truyền thống lao động cần cù, sáng tạo để đến với mọi miền đất nước, đến với bạn bè các châu lục.

Lúc đầu là những đôi chiếu cải, chiếu hoa, sau này cây cói đã làm nên những chiếc làn, chiếc giỏ cho người đi chợ; rồi cốc, khay, đệm, đĩa… tất cả đã trở thành đồ dùng quen thuộc gắn bó với đời sống con người, trở thành nguồn sống của những người thợ thủ công Kim Sơn.

Để làm nên một sản phẩm cói mỹ nghệ thì quả thật người thợ cũng phải dành nhiều thời gian để chăm chút, tỉ mẩn trong từng khâu từ lúc mới trồng cói cho đến khi thu hoạch, chọn cói, chẻ, phơi, nhuộm và khâu cuối cùng là đan, dệt, hoàn thiện sản phẩm. Ngoài ra, để có thể làm ra được những sản phẩm đẹp, phù hợp với thị hiếu của mọi người, những người nghệ nhân làm cói còn phải trải qua những công đoạn khác như lên ý tưởng, thiết kế mẫu mã và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt hơn, ngày nay, họ còn ứng dụng cả kỹ thuật sử dụng keo polyascera để phun phủ lên bề mặt sản phẩm cói, giúp định hình ổn định và nâng cao khả năng chống mốc, ẩm cho sản phẩm.

Người dân nơi đây vốn có đặc thù sống trong cái nôi làng nghề cói từ cách đây hơn 200 năm, thế nên ở nơi họ hội tụ đầy đủ những tố chất của một người thợ thủ công chân chính. Ngoài ra, chính những đôi tay khéo léo cùng sự nhạy bén với tính linh hoạt cao, sự nhanh nhay cùng lòng nhiệt thành, đam mê với nghề, họ đã đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe nhất của nghề làm sản phẩm mỹ nghệ từ cói.

Để thúc đẩy nghề chế biến cói phát triển, tỉnh Ninh Bình đã xây dựng cơ sở hạ tầng Cụm công nghiệp Đồng Hướng phục vụ chế biến cói, góp phần nâng cao thu nhập cho cả nghề trồng cói và nghề chế biến cói. Bên cạnh đó, Sở Công Thương Ninh Bình phối hợp với Trung tâm Khuyến công, Xúc tiến thương mại và Phát triển cụm công nghiệp tỉnh cùng huyện Kim Sơn thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký thương hiệu, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ cói Kim Sơn nhằm giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu cói tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu và nâng cao thương hiệu, ổn định thị trường trong nước và quốc tế.

cói Kim Sơn

Bài: Nguyên Vỵ
Thiết kế: Duy Kiên


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí