Cơ chế CBAM của EU - Tác động và sự thích ứng của ngành thép
13/09/2023 lúc 09:17 (GMT)

Cơ chế CBAM của EU - Tác động và sự thích ứng của ngành thép

 

Liên minh Châu Âu (EU) là một trong những đối tác thương mại truyền thống và quan trọng của Việt Nam, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn của nhiều ngành hàng, trong đó có các sản phẩm sắt, thép.

“Cú hích” lớn từ EVFTA

Với "cú hích" thuận lợi từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 01/8/2020 cộng với tình trạng thiếu hụt nguồn cung thép cho thị trường này, xuất khẩu thép của Việt Nam sang EU liên tục ghi nhận tăng trưởng tích cực.

Hơn một năm sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, vào tháng 11/2021, lần đầu tiên thép lọt vào Top các mặt hàng có giá trị xuất khẩu 10 tỷ USD. Trong 4 thị trường xuất khẩu trên 1 tỷ USD của ngành thép, EU là thị trường có mức tăng mạnh cả về khối lượng và trị giá.

Để so sánh rõ hơn thì nếu tháng 6/2020, xuất khẩu thép sang thị trường EU chỉ chiếm 3,4% tổng kim ngạch xuất khẩu thép, sau hai năm con số này đã tăng lên 20,51%, tương ứng mức tăng hơn 6 lần. 

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tính chung năm 2022 Việt Nam xuất khẩu khoảng 8,397 triệu tấn thép các loại, giảm 35,85% so với năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt 7,99 tỷ USD, giảm 32,2% so với năm 2021.

Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam theo kim ngạch xuất khẩu bao gồm: Khu vực ASEAN (36,22%), khu vực EU (18,37%), Hoa Kỳ (10,57%), Hàn Quốc (6,8%), Hồng Kông (4,1%).

xuát khẩu thép

Năm 2023, sau 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 4,383 triệu tấn thép tăng 10,12% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt 3,448 tỷ USD giảm 16,21% so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2023 là: khu vực ASEAN (34,76%), Khu vực EU (24,68%), Hoa Kỳ (6,77%), Ấn Độ (4,72%) và Brazil (3,36%).

Riêng đối với khu vực thị trường EU, số liệu sơ bộ cho thấy, xuất khẩu thép của Việt Nam sang thị trường này trong nửa đầu năm 2023 ước đạt 1,36 triệu tấn, với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1 tỷ USD, tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2022 và giảm nhẹ về trị giá xuất khẩu.

thép EU

Như vậy, có thể thấy với tác động tích cực của Hiệp định EVFTA, xuất khẩu thép của Việt Nam sang thị trường EU ngày càng tăng trưởng. Thị phần thép Việt Nam tại EU tăng ổn định. Không chỉ tăng lượng hàng xuất khẩu và tăng về trị giá, các lô hàng thép xuất khẩu sang EU nằm trong top ngành hàng tận dụng tốt ưu đãi thuế theo EVFTA.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế ưu đãi thì mặt hàng thép cũng phải chịu các thách thức như biện pháp phòng vệ thương mại hay các quy định, tiêu chuẩn liên quan đến phát triển bền vững của EU. Trong đó, nổi bật nhất và chuẩn bị được áp dụng giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 01/10/2023 tới đây chính là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM).

Xem thêm bài viết: "EU sẽ áp dụng Cơ chế điều chỉnh carbon từ 01/10/2023, doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý gì?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

thép 1
thép 2
thép 3
thép 4
ngành thép

Cơ chế CBAM tác động thế nào tới ngành Thép Việt Nam?

Theo bà Lê Huyền Nga, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), CBAM là một định hướng chính sách ban hành thuế nhập khẩu dựa trên vết carbon (carbon footprint) của sản phẩm trong quá trình sản xuất. Vết carbon của mỗi sản phẩm (hàng hóa hoặc dịch vụ) được tính bằng tổng lượng phát thải sản sinh ra trong tất cả các giai đoạn sản xuất của sản phẩm đó.

Cơ chế CBAM ra đời trong bối cảnh cộng đồng quốc tế có sự đồng thuận rộng rãi về việc phải giảm thiểu phát thải khí nhà kính (GHG) vốn là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ấm lên toàn cầu và biến đổi khí hậu. Nhiều quốc gia đã hoặc đang lên kế hoạch triển khai các biện pháp định giá carbon - thành phần chính của GHG nhằm giảm mức độ phát thải khí nhà kính, từ đó giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Có thể nói, về lâu dài, sản xuất xanh hướng tới trung hòa carbon là xu thế chung, tất yếu của thế giới, không chỉ EU mà các thị trường khác cũng sẽ áp dụng những chính sách khắt khe về bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe… với sản phẩm nhập khẩu.

Vấn đề đặt ra và đang rất được quan tâm hiện nay là với xu hướng này tác động như thế nào tới các ngành sản xuất phát thải nhiều carbon, trong đó có ngành Thép và khả năng thích ứng của các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu ra sao.

Theo nghiên cứu, than đá góp phần tạo nên khoảng 70% sản lượng thép toàn cầu (năm 2022 là 1,878 tỷ tấn), phát thải CO2 cao hơn lượng thép sản xuất ra (khoảng 2 tấn CO2/1 tấn). Phát thải CO2 của ngành thép chiếm khoảng 7-9% phát thải toàn cầu (3,7 tỷ tấn CO2); chưa thể thay thế hết vật liệu thép, dự báo nhu cầu 2050 khoảng 2,2 tỷ tấn. Sản xuất thép không phát thải CO2 cần lượng năng lượng xanh khổng lồ và tăng cường sản xuất năng lượng xanh lại cần lượng thép khổng lồ.

Tác động của Cơ chế CBAM đối với ngành Thép và các doanh nghiệp xuất khẩu thép có thể theo hai hướng: khó khăn, thách thức và tích cực.

Theo Quyết định của Ủy ban Châu Âu, Cơ chế CBAM bắt đầu thực thi giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 01/10/2023 cho đến 31/12/2025; phạm vi áp dụng trước mắt đối với 6 nhóm hàng nhập khẩu vào EU gồm: xi măng, điện, phân bón, sắt thép, nhôm, hydrogen. Để tạo điều kiện triển khai quy định mới một cách thuận lợi, các nhà nhập khẩu EU sẽ không phải thực hiện điều chỉnh tài chính nào trong giai đoạn chuyển tiếp này.

Sau khi thực hiện đầy đủ vào năm 2026, các nhà nhập khẩu hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của CBAM tại EU sẽ cần phải mua giấy chứng nhận CBAM. Giá của các chứng chỉ sẽ được tính tùy thuộc vào giá đấu giá trung bình hàng tuần của các khoản trợ cấp trong Chương trình trao đổi hạn ngạch và tín chỉ carbon của EU (ETS) được biểu thị bằng €/tấn CO2 thải ra. Nếu các doanh nghiệp thép Việt Nam không triển khai kế hoạch giảm lượng khí thải carbon trong sản xuất thì sản phẩm xuất khẩu sẽ khó cạnh tranh về mặt giá trị.

Khi CBAM được áp dụng, nhà nhập khẩu EU phải nhận thông tin liên quan đến phát thải carbon từ nhà xuất khẩu và báo cáo với cơ quan chính phủ EU, nhưng thủ tục và cơ chế liên quan tới khai báo thông tin phát thải carbon có khả năng trở thành rào cản nhập khẩu.

Theo ước tính của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), lĩnh vực thép có khả năng sẽ giảm khoảng 4% giá trị xuất khẩu dưới tác động của CBAM. Nhu cầu giảm kéo theo sản lượng giảm khoảng 0,8%, cùng với tác động bất lợi về khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Về tác động tích cực, Cơ chế CBAM là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam phải có định hướng, giải pháp đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất để bắt nhịp với xu thế phát triển ổn định, bền vững trong tương lai.

Mặc dù có nhiều thách thức trong chuyển đổi sản xuất theo xu hướng xanh, nhất là đòi hỏi chi phí đầu tư lớn nhưng xanh hóa ngành sản xuất thép được nhận định sẽ là nền tảng cho các doanh nghiệp xây dựng uy tín, tăng sức cạnh tranh, tiếp cận tốt hơn các thị trường xuất khẩu lớn và cả các thị trường tiềm năng.

Giải pháp để thích ứng

Như đã đề cập, xu hướng sản xuất xanh, trung hòa carbon là xu thế tất yếu của toàn thế giới. Với Việt Nam, thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26, thời gian qua các Bộ ngành và cơ quan liên quan đã xây dựng, triển khai kế hoạch hành động của Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn cầu và lộ trình trung hoà carbon đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Do đó, việc chủ động chuẩn bị các điều kiện để thay đổi, thích ứng với quy định mới là điều mà ngành Thép và các doanh nghiệp cần xác định để tiếp tục phát triển tại thị trường EU.

Khuyến nghị với doanh nghiệp, bà Lê Huyền Nga cho rằng cần chủ động tìm hiểu thông tin, mở rộng mạng lưới thông qua tham gia các cơ chế hợp tác có liên quan trong Hiệp định EVFTA (Ví dụ: Nhóm tư vấn trong nước trong khuôn khổ Chương 13 - Thương mại và Phát triển bền vững); Tìm kiếm hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong quá trình kê khai thông tin, làm thủ tục xuất khẩu hàng hoá sang EU.

Lê Huyền Nga

Cần lưu ý đến những khác biệt trong các thông tin cần kê khai liên quan đến lượng khí thải và tiếp tục theo dõi sát sao các diễn biến của việc triển khai thực thi CBAM để có phương án ứng phó phù hợp.

Bà Lê Huyền Nga, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương)

Từ góc độ hiệp hội ngành hàng, ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, ngành Thép Việt Nam và các doanh nghiệp thép đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, các Hiệp hội ngành hàng các quốc gia như Hiệp hội Thép Nhật Bản, Hiệp hội Thép Đông Nam Á… để có các hành động đáp ứng được Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU (CBAM).

Theo đó, Hiệp hội sẽ phối hợp tiến hành các nghiên cứu đánh giá tác động của Cơ chế CBAM tới ngành thép cũng như các ngành khác của Việt Nam; nghiên cứu giải pháp và lộ trình triển khai nhằm cân bằng việc dần giảm phát thải carbon, đảm bảo tiến tới một ngành sản xuất thép có khả năng cạnh tranh và phát triển xanh.

Nghiêm Xuân Đa
Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) chia sẻ về ứng phó của ngành Thép đối với Cơ chế CBAM của EU.

Trao đổi bên lề một hội thảo do Hiệp hội Thép Việt Nam tổ chức mới đây về việc ngành Thép ứng phó với Cơ chế CBAM của EU, ông Lê Khắc Giang, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng phòng Sản xuất Công ty Thép Việt - Sing cho biết, thực hiện liên doanh với công ty nước ngoài, doanh nghiệp đã nắm được và có hệ thống tính toán phát thải khí nhà kính trong sản xuất từ khá lâu; đơn vị cũng đã triển khai kiểm soát, đánh giá các chỉ số hàng tháng, thực hiện các giải pháp giảm phát thải…

Nhận định việc thực hiện Cơ chế CBAM sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn hơn, tuy nhiên, ông Giang cho rằng, để thực sự chuyển đổi sản xuất không carbon không phải dễ. "Hiện nay chúng ta mới chỉ thông qua các biện pháp tiết kiệm năng lượng, áp dụng công nghệ để nâng cao năng suất… nhằm giảm dần phát thải. Còn để giảm nhiều lượng phát thải tiến tới không phát thải cần có sự đột phá lớn về công nghệ, nhưng muốn vậy cần chi phí rất lớn trong khi ngành Thép đang gặp nhiều khó khăn. Thậm chí hiện nay có một số tổ chức tài chính nước ngoài có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi để chuyển đổi sản xuất xanh, sạch, tuy nhiên đầu tư số vốn lớn ở thời điểm này cũng không thực sự thích hợp với các doanh nghiệp…", ông Giang chia sẻ.

Thép Việt - Sing
Ông Lê Khắc Giang, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng phòng Sản xuất Công ty Thép Việt - Sing trao đổi với phóng viên về việc chuyển đổi sản xuất xanh của doanh nghiệp để thích ứng với quy định mới của CBAM. (Ảnh: Minh Thủy).

Đối với cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia cho rằng, thời gian tới, cơ quan quản lý cần đơn giản hóa thủ tục nhận và báo cáo dữ liệu liên quan đến phát thải CO2, đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng chiến lược/kế hoạch hành động để ứng phó với Cơ chế CBAM và có giải pháp thích hợp về phòng vệ thương mại theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Doanh nghiệp cũng cần được hướng dẫn chi tiết hơn về xác nhận lượng khí thải carbon và gửi dữ liệu cho các đối tượng liên quan đến phát thải CO2…

Đại diện Tập đoàn thép Posco Hàn Quốc cho rằng, CBAM ảnh hưởng nhiều tới ngành thép. Nhằm ứng phó với quy định mới của EU, Posco đang hướng tới mục tiêu từ nay tới năm 2040 sẽ giảm 50% lượng khí thải carbon và đến năm 2050 sẽ trung hòa carbon. Để thực hiện lộ trình không đơn giản này, Posco Hàn Quốc đang nghiên cứu, khai thác một kỹ thuật tiên tiến mới bằng hydro để sản xuất thép thay thế cho carbon.

thuế carbon
          

Bài: Việt Hằng
Thiết kế: Hoàng Phương

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí