Xây dựng TP. Hồ Chí Minh thành điểm đến du lịch thông minh: Kinh nghiệm từ Singapore

Xây dựng TP. Hồ Chí Minh thành điểm đến du lịch thông minh: Kinh nghiệm từ Singapore của Nguyễn Sơn Tùng (Khoa Du lịch, Trường Đại học Tài chính - Marketing)

TÓM TẮT:

Phát triển du lịch thông minh, xây dựng điểm đến du lịch thông minh thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới trong nhiều năm qua và ngày càng trở nên phổ biến. Là một thành phố có nhiều tiềm năng và lợi thế về phát triển du lịch thông minh và xây dựng điểm đến du lịch thông minh, TP. Hồ Chí Minh đang đứng trước nhiều cơ hội thuận lợi. Tuy nhiên, để thành công và đảm bảo phát triển bền vững trong xây dựng điểm đến du lịch thông minh, cần có những giải pháp khoa học và đồng bộ. Bài viết tiếp cận cách xây dựng TP. Hồ Chí Minh thành điểm đến du lịch thông minh, trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm mô hình phát triển du lịch thông minh của Singapore.

Từ khóa: du lịch thông minh, điểm đến thông minh, TP. Hồ Chí Minh, du lịch Singapore.

1. Đặt vấn đề

Khái niệm “Du lịch thông minh” (Smart tourism) bắt đầu xuất hiện vào đầu thế kỷ XXI, khi điều kiện tiền đề là công nghệ thông tin và viễn thông bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Rất nhanh chóng, du lịch thông minh đã trở thành một xu hướng quan trọng và phát triển mạnh mẽ trong ngành Du lịch, giúp tăng cường trải nghiệm của du khách và tối ưu hóa việc quản lý du lịch của các nhà quản lý. Du lịch thông minh đang trở nên phổ biến trong ngành Du lịch, nó là sự kết hợp giữa công nghệ thông tin và truyền thông với hoạt động du lịch.Quá trình hình thành và phát triển của du lịch thông minh đã trải qua 2 giai đoạn cơ bản. Trong giai đoạn đầu, các công nghệ thông tin và viễn thông như: Internet, điện thoại di động, máy tính bảng, GPS và các ứng dụng du lịch đã được sử dụng để cung cấp thông tin du lịch cho du khách và giúp họ lên kế hoạch, quản lý chuyến đi của mình. Các công nghệ này đã giúp du khách tiết kiệm thời gian và chi phí, cũng như tăng cường trải nghiệm tối ưu. Về sau, khi các công nghệ như: trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain), Internet vạn vật (Internet of Things - IoT), thực tế tăng cường (AR) và ảo (VR), hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và các ứng dụng di động đã được áp dụng trong lĩnh vực du lịch để cải thiện trải nghiệm du lịch của du khách và tối ưu hóa việc quản lý du lịch của các nhà quản lý. Các ứng dụng du lịch thông minh cung cấp cho du khách thông tin tư vấn, đặt dịch vụ, cung cấp định vị và hướng dẫn du lịch cũng như quản lý lịch trình và chi phí.   .

Du lịch thông minh đã làm tăng cơ hội tiếp xúc, trao đổi giữa cung và cầu trong du lịch, qua đó góp phần thúc đẩy thị trường du lịch phát triển mạnh mẽ. Xây dựng điểm đến du lịch thông minh là một nội dung quan   trọng trong phát triển du lịch thông minh, trên cơ sở sử dụng công nghệ để cải thiện trải nghiệm du lịch của khách hàng tại điểm đến du lịch. Điểm đến du lịch thông minh kết hợp các công nghệ như: AI, AR, (IoT và Big data) để cung cấp cho khách hàng các thông tin và trải nghiệm du lịch đa dạng và tốt nhất. Mục tiêu của xây dựng điểm đến du lịch thông minh là tăng cường trải nghiệm của du khách và cải thiện hiệu quả quản lý hành chính, kinh doanh và môi trường, bao gồm: tăng cường sự tham gia của khách hàng, nâng cao hiệu quả tiếp thị và tăng cường tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong ngành.

TP. Hồ Chí Minh đang sở hữu một nguồn tài nguyên du lịch văn hóa đa dạng gồm 234 tài nguyên văn hóa vật thể, 120 tài nguyên nhân tạo trong số 386 tài nguyên du lịch; hệ thống bảo tàng, di tích cách mạng phong phú, đa dạng; hệ thống đường sông trong lòng đô thị; nhiều khu sinh thái, nông thôn mới liền kề đô thị; văn hóa nghệ thuật, công nghiệp giải trí, văn hóa ẩm thực phát triển mạnh… với nhiều điểm đến hấp dẫn du khách như Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, Công viên Văn hóa Đầm Sen, Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên, Làng Du lịch Bình Quới, Khu du lịch Vàm Sát, Bảo tàng thành phố, Dinh Thống Nhất, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, Chợ Bến Thành, Bưu điện thành phố, Nhà thờ Đức Bà… Không chỉ là một trong những trung tâm trung chuyển, đầu mối tiếp nhận khách quốc tế và nội địa quan trọng của cả nước, TP. Hồ Chí Minh còn là nơi tập trung nhiều cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, mua sắm, tổ chức hội nghị du lịch hàng đầu của Việt Nam, giúp giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động thành phố và các tỉnh, thành lân cận. Đây cũng là địa phương có lực lượng lao động trực tiếp lớn nhất nước, có trình độ đào tạo và kinh nghiệm trong ngành Du lịch. [1]

Thời gian qua, ngành Du lịch TP. Hồ Chí Minh luôn giữ vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và cả nước. Năm 2022, ngành Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã phục hồi và có sự tăng trưởng mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, trong đó, khách du lịch nội địa ước đạt 31,2 triệu lượt (tăng 234,1% so với cùng kỳ năm 2021), khách du lịch quốc tế ước đạt 3.465.686 lượt (tăng 100% so với cùng kỳ năm 2021). Tổng thu du lịch trong năm 2022 ước đạt 131.138 tỷ đồng (tăng 196,4% so với cùng kỳ năm trước) [6]. Du lịch TP. Hồ Chí Minh cũng ngày càng trở nên nổi tiếng và có uy tín với nhiều giải thưởng được trao liên tiếp trong năm 2022, như: “Điểm đến du lịch kinh doanh hàng đầu châu Á”, “Điểm đến du lịch MICE hàng đầu châu Á”, “Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á” do Tổ chức Du lịch thế giới trao tặng, “Trở thành một trong hai thành phố châu Á nằm trong Top 15 các điểm đến được truy cập nhiều nhất trên thế giới”, … [7]

2. Mô hình thành công về xây dựng điểm đến du lịch thông minh tại Singapore

Xây dựng điểm đến du lịch thông minh đã được nhiều quốc gia triển khai với nhiều hình thức đa dạng. Trong đó, trọng tâm được đặt vào việc tối ưu hóa ứng dụng khoa học công nghệ kết hợp với hệ thống thông tin, dữ liệu toàn diện. Điều này tạo nên những điểm nhấn và lợi thế cạnh tranh trong du lịch giữa các quốc gia.

Singapore được đánh giá là một trong những quốc gia tiên phong trong việc xây dựng thành phố thông minh và du lịch thông minh. Singapore sử dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm khách du lịch, bao gồm cả việc cải thiện quản lý lưu lượng du khách và giảm thiểu tác động đến môi trường. Để xây dựng điểm đến du lịch thông minh, Singapore đã tập trung phát triển một số điều kiện tiền đề sau đây [2-3]:

Thứ nhất, xây dựng, ban hành các chính sách và quy định hỗ trợ cho việc xây dựng các điểm đến du lịch thông minh. Dưới đây là một số chính sách và quy định chính:

Chính sách hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp tài trợ để xây dựng các điểm đến du lịch thông minh như: các công viên giải trí, trung tâm thương mại, khu phức hợp giải trí. Quy định về tiêu chuẩn xây dựng, đưa ra quy định rất chặt chẽ về tiêu chuẩn xây dựng cho các công trình tại các điểm đến du lịch nhằm đảm bảo chất lượng công trình và an toàn cho người dân và du khách. Hỗ trợ giáo dục và đào tạo cho các doanh nghiệp trong ngành Du lịch, giúp cho việc xây dựng, quản lý và vận hành các điểm đến đảm bảo tính chuyên nghiệp, tạo ra trải nghiệm du lịch tốt nhất cho khách hàng. Khuyến khích sử dụng công nghệ, trang bị hệ thống điều khiển thông minh giúp giảm thiểu sự cố và cải thiện trải nghiệm khách hàng. Chính sách bảo vệ môi trường, hỗ trợ các chủ đầu tư để xây dựng các điểm đến du lịch thông minh bảo vệ môi trường, đảm bảo bền vững trong dài hạn.

Thứ hai, tăng cường đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật để thu thập và xử lý dữ liệu, xây dựng các điểm đến du lịch thông minh, giúp nâng cao trải nghiệm của khách du lịch, bao gồm: xây dựng hạ tầng mạng rất phát triển, với tốc độ Internet cao và khả năng kết nối mạnh mẽ, giúp thu thập dữ liệu nhanh chóng và hiệu quả hơn. Triển khai cảm biến thông minh để thu thập dữ liệu về lưu lượng giao thông, môi trường, thời tiết,… giúp chính quyền và các doanh nghiệp du lịch đánh giá được nhu cầu của khách hàng và cải thiện trải nghiệm du lịch. Phát triển các công nghệ như: trí tuệ nhân tạo, khoa học máy tính, khai thác dữ liệu đã được sử dụng để phân tích dữ liệu và đưa ra các giải pháp tối ưu cho việc xây dựng các điểm đến du lịch thông minh. Đầu tư vào Cloud Computing cho phép lưu trữ dữ liệu trên đám mây để truy cập từ xa và chia sẻ dữ liệu dễ dàng hơn, giúp giảm chi phí đầu tư cho các doanh nghiệp du lịch và tăng hiệu quả thu thập và xử lý dữ liệu. Công nghệ Blockchain, với các ứng dụng như quản lý dữ liệu liên quan đến khách sạn, vé máy bay, hộ chiếu… sẽ giúp tăng tính bảo mật và tin cậy của dữ liệu du lịch.

Thứ ba, xây dựng và thực thi chiến lược quốc gia về AI. Khi thực hiện chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số hướng đến quốc gia thông minh và an toàn, Singapore coi dữ    liệu là huyết mạch của nền kinh tế số và Chính phủ số. Chiến lược quốc gia về AI là một bước quan trọng trong Hành trình quốc gia thông minh của Singapore nhằm tăng cường sử dụng các công nghệ AI của mình để chuyển đổi nền kinh tế của Singapore, thúc đẩy sự  phát triển của một nền kinh tế số thông minh. Smart Nation cho phép các doanh nghiệp và tổ chức tìm ra các giải pháp thông minh để cải thiện trải nghiệm của khách du lịch và tăng cường sự đóng góp của ngành Du lịch đối với nền kinh tế của Singapore. Chiến lược AI quốc gia vạch ra các kế hoạch của Chính phủ nhằm tăng cường sử dụng AI để chuyển đổi nền kinh tế của Singapore, xác định các lĩnh vực cần tập trung sự chú ý và nguồn lực ở cấp quốc gia, đặt ra cách Chính phủ, các doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu có thể làm việc cùng nhau để nhận ra tác động tích cực từ AI, giải quyết các lĩnh vực cần chú ý để quản lý sự thay đổi và quản lý các dạng rủi ro mới xuất hiện khi AI trở nên phổ biến hơn. Để thúc đẩy sự đổi mới và áp dụng AI, Singapore đã xây dựng một hệ sinh thái bền vững và sôi động với 7 chương trình AI quốc gia, mang lại tác động kinh tế - xã hội mạnh mẽ cho Singapore và người dân. Chính phủ Singapore đã xem xét các mô hình kinh doanh để thực hiện những thay đổi nhằm đạt được hiệu quả về năng suất và tạo ra các lĩnh vực tăng trưởng mới. Đến năm 2030, Singapore sẽ được coi là quốc gia đi đầu trong việc phát triển và triển khai các giải pháp AI có thể mở rộng, tác động trong các lĩnh vực then chốt có giá trị cao và phù hợp với công dân và doanh nghiệp, bao gồm cả lĩnh vực du lịch. Chiến lược quốc gia về AI là nền tảng để giúp Singapore trở thành quốc gia thông minh, có nền kinh tế thông minh và ngành Du lịch thông minh.

Thứ tư, phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch thông minh. Singapore đang phát triển nhiều sản phẩm du lịch thông minh để cải thiện trải nghiệm du lịch của khách hàng và thu hút khách du lịch: Thẻ du lịch thông minh (EZ-Link) cho phép khách du lịch sử dụng thẻ này để thanh toán cho các dịch vụ, như: vận chuyển công cộng (xe buýt, xe điện, tàu hỏa và taxi), mua sắm tại cửa hàng, nhà hàng và khu vui chơi giải trí. Hệ thống hỗ trợ du lịch thông minh, Singapore Visitor Centre tại Marina Bay Sands đã cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khách hàng thông qua các trải nghiệm thực tế ảo (AR) và thực tế tăng cường (VR) để có được thông tin về các địa điểm du lịch, hoạt động và sự kiện tại Singapore. Phát triển nhiều ứng dụng di động du lịch thông minh như: Singapore Travel Guide, Singapore MRT Map, SG BusLeh và Changi Recommends,... Các ứng dụng này cung cấp thông tin chi tiết về các địa điểm du lịch, lộ trình di chuyển, các hoạt động và sự kiện tại Singapore. Trò chơi thực tế ảo du lịch thông minh, đảo Sentosa đã phát triển một số trò chơi thực tế ảo như: Adventure Cove Waterpark VR Experience. Tại đó, khách hàng có thể tận hưởng  trải nghiệm đầy thú vị trong không gian ảo. Phát triển nhiều dịch vụ đặt   phòng khách sạn thông minh như: Traveloka và Agoda, giúp khách hàng tìm kiếm và đặt  phòng khách sạn một cách dễ dàng và thuận tiện. Triển khai phổ biến mô hình sự kiện Hybrid (sự kiện kết hợp trực tiếp và trực tuyến), Singapore đã trang bị các công nghệ thiết lập không gian ảnh 3 chiều và hỗ trợ phát sóng trực tiếp chất lượng cao để phát sóng sự kiện một cách sống động hơn. Trang bị màn hình cảm ứng không tiếp xúc và cảm biến hồng ngoại giúp du khách có thể thực hiện các thao tác mà không cần chạm ngón tay trực tiếp vào màn hình. Điển hình là việc trang bị hơn 160 quầy làm thủ tục tự động tại sân bay Changi đã giúp rút ngắn thời gian và đơn giản hóa quá trình thực hiện thủ tục xuất nhập cảnh của du khách.

Thứ năm, thúc đẩy hợp tác giữa các đối tác địa phương để xây dựng và phát triển một mạng lưới kinh doanh du lịch thông minh trên cơ sở hợp tác giữa các nhà cung cấp dịch vụ, cơ quan quản lý du lịch và chính quyền địa phương, như: Chương trình Partnership for Capability Transformation (PACT). Chương trình PACT  được phát triển bởi Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) nhằm đẩy mạnh hợp tác giữa các doanh nghiệp và Chính phủ để tăng cường năng lực và cạnh tranh. PACT đã hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch như: khách sạn, nhà hàng và doanh nghiệp du lịch vừa   và nhỏ. Singapore Tourism Board (STB): STB đã thành lập các chương trình hỗ trợ để khuyến khích sự hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch trong đào tạo và phát triển năng lực, hỗ trợ tiếp thị và quảng bá, cung cấp thông tin về thị trường. Phát triển khu vực như Marina Bay, Orchard Road và Sentosa đã được   phát triển thành các trung tâm du lịch và mua sắm với các hoạt động và sự kiện hấp dẫn tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp địa phương hợp tác để cung cấp các dịch vụ và sản phẩm du lịch thông minh.

Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế: Singapore đã hợp tác với các quốc gia khác để trao đổi kinh nghiệm và cộng tác trong việc phát triển du lịch thông minh, tạo ra một môi trường cạnh tranh và thu hút khách du lịch quốc tế. Singapore đã thúc đẩy hợp tác với nhiều thị trường trọng điểm như: với Trung Quốc, đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Alibaba và Fliggy (một trang web bán hàng trực tuyến hàng đầu tại Trung Quốc) để tăng cường tiếp thị du lịch và  đưa ra các gói tour thông minh cho khách du lịch Trung Quốc. Với Nhật Bản, Singapore đã ký kết một thỏa thuận hợp tác để phát triển các sản phẩm du lịch thông minh và tăng cường trao đổi về kinh nghiệm, kiến thức qua việc tổ chức các chương trình đào tạo và hội thảo, phát triển sản phẩm du lịch thông minh và xây dựng cộng đồng du lịch thông minh. Với châu Âu đã ký kết thỏa thuận để xây dựng một mô hình du lịch thông minh mới, kết hợp các công nghệ, như: trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (Internet of Things - IoT) và dữ liệu lớn (Big data) để nâng cao trải nghiệm khách hàng và quản lý du lịch. Với ASEAN: đã đồng chủ trì các cuộc họp ASEAN để thảo luận về   các chương trình và chính sách liên quan đến du lịch thông minh, nhằm đẩy mạnh hợp tác giữa các quốc gia ASEAN và xây dựng một mạng lưới du lịch thông minh chung trong khu vực.

3. Kinh nghiệm cho TP. Hồ Chí Minh xây dựng thành điểm đến du lịch thông minh

Quá trình xây dựng điểm đến du lịch thông minh ở TP. Hồ Chí Minh đang được quan tâm, thúc đẩy mạnh mẽ trong khoảng 5 năm gần đây. Quá trình đó gắn với thực tế về sự phát triển của du lịch TP. Hồ Chí Minh và quá trình tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bênh cạnh đó, Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách cụ thể mạnh mẽ nhằm tận dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, xây dựng điểm đến du lịch thông minh. Ngành Du lịch TP. Hồ Chí Minh đang phát triển nhanh và năng động, liên kết chặt chẽ với khu vực và thế giới theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, là điều kiện để tăng cường kết nối số, phát triển du lịch thông minh. Hạ tầng công nghệ số và viễn thông đã phát triển ở trình độ khá cao, phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ mới đang phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh những thuận lợi đó, còn có khá nhiều thách thức đặt ra như: sự thống nhất về tư duy, nhận thức về xây dựng điểm đến du lịch thông minh; sự kết nối chặt chẽ, đồng bộ trên nền tảng số giữa các chủ thể liên quan; nguồn lực để phát triển đồng bộ và bền vững hệ sinh thái du lịch thông minh trong bối cảnh phần lớn các doanh nghiệp du lịch có quy mô vừa và nhỏ có nguồn lực hạn chế; kiến thức, trình độ, kỹ năng của đội ngũ nhân lực về xây du lịch thông minh, công nghệ thông tin còn hạn chế; sự phát triển của du lịch thông minh làm thay đổi cơ bản phương thức hoạt động của các chủ thể trong ngành Du lịch, trong khi các quy định về pháp lý không theo kịp thực tế phát triển.

Những kinh nghiệm của Singapore là dữ liệu tham khảo cho TP. Hồ Chí Minh trong việc xây dựng điểm đến du lịch thông minh, cải thiện ngành Du lịch bằng cách tận dụng sức mạnh của dữ liệu và công nghệ. Từ những phân tích trên, căn cứ vào các điều kiện và thực trạng phát triển của du lịch TP. Hồ Chí Minh, các tác giả đề xuất những gợi ý như sau: [4-5]

Thứ nhất, xây dựng, ban hành các chính sách và quy định nhằm thúc đẩy quá trình xây dựng điểm đến du lịch thông minh. Các chính sách và quy định phải tạo lập môi trường thuận lợi cho xây dựng các điểm đến du lịch thông minh, tạo môi trường thuận lợi cho ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch. Tập trung vào các chính sách tăng cường đầu tư cho các doanh nghiệp du lịch, các địa phương có nguồn vốn phát triển cơ sở  hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch theo định hướng thông minh; các chính sách khuyến khích phát triển công nghệ; quy định về tiêu chuẩn và tiêu chí đánh giá điểm đến du lịch thông minh; các chính sách và quy định nhằm bảo vệ môi trường, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trong quá trình phát triển điểm đến du lịch thông minh.

Thứ hai, tăng cường đầu tư vào phát triển hệ thống hạ tầng công nghệ. Đây là một trong những điều kiện tiền đề để xây dựng điểm đến du lịch thông minh. Phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật để thu thập và xử lý dữ liệu, từ đó xây dựng các điểm đến du lịch thông minh, giúp nâng cao trải nghiệm của khách du lịch. Hệ thống hạ tầng công nghệ sử dụng các công nghệ hiện đại, đồng bộ bao gồm: hệ thống thông tin điện tử, hệ thống quản lý thông tin du lịch, hệ thống điều hành vận hành, hệ thống an ninh và hệ thống quản lý môi  trường,… trên nền tảng các công nghệ hiện đại, như: Cloud computing, Blockchain, AI, Machine learning và Blockchain; xây dựng nền tảng tích hợp, đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu số ngành Du lịch giữa các cơ quan, đơn vị và địa phương trong cả    nước. Đầu tư phát triển mạng lưới Internet tốc độ cao và di động phủ sóng rộng khắp, hệ  thống định vị GPS và mạng lưới cảm biến IoT để thu thập dữ liệu và đưa ra các giải pháp thông minh, nâng cao trải nghiệm của khách du lịch.

Thứ ba, phát triển các ứng dụng dựa trên dữ liệu: Tập trung phát triển các ứng dụng dựa trên dữ liệu trong ngành Du lịch, bao gồm các ứng dụng hỗ trợ các cơ quan quản lý du lịch, chính quyền địa phương nơi có các điểm đến du lịch, các doanh nghiệp du lịch và khách du lịch. Với khách du lịch, cần ưu tiên ứng dụng cho các thiết bị di động và trang web giúp khách du lịch tìm kiếm thông tin về các địa điểm du lịch, dịch vụ du lịch, lịch trình du lịch; tích hợp với tính năng đặt dịch vụ du lịch. Đồng thời, ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển các dịch vụ, ứng dụng với các phân hệ  chức năng cụ thể nhằm mục đích khai thác các thông tin từ hệ thống dữ liệu du lịch đáp ứng mục đích của nhiều chủ thể sử dụng trong hệ sinh thái du lịch thông minh, như: hỗ trợ khách du lịch, quản lý nhà nước về du lịch, quản lý điểm đến thông minh, quản lý doanh nghiệp du lịch thông minh.

Thứ tư, phát triển hệ thống dữ liệu số trong lĩnh vực du lịch, mở rộng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Du lịch đảm bảo đồng bộ, kết nối và liên thông từ trung ương đến địa phương; chuẩn hóa dữ liệu của địa phương gắn với dữ liệu quốc gia trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data) phục vụ công tác quản lý ngành và nhu cầu tra cứu của khách du lịch, nâng cao khả năng tương tác trên môi trường số giữa các bên liên quan (cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương và địa phương, các doanh nghiệp du lịch, khách du lịch, người dân và chính quyền địa phương,...).

Thứ năm, phát triển sản phẩm và dịch vụ du lịch thông minh: Trên cơ sở nghiên cứu và đánh giá thị trường du lịch thông minh, tiềm năng phát triển du lịch của các điểm đến, cần xác định phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch thông minh trọng điểm. Việc tạo ra sản phẩm và dịch vụ du lịch thông minh cần sử dụng các công nghệ mới nhất, như: trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (Internet of Things - IoT), chuỗi khối (Blockchain) và dữ liệu lớn (Big data),… vào các sản phẩm, dịch vụ cụ thể như: thẻ du lịch thông minh; các ứng dụng di động du lịch thông minh và hệ thống hỗ trợ du lịch thông minh để hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh (hỗ trợ khách du lịch, quản lý nhà nước về du lịch, quản lý điểm đến thông minh, quản lý doanh nghiệp thông minh).

Thứ sáu, xây dựng mạng lưới kinh doanh du lịch thông minh giữa các đối tác địa phương: thúc đẩy hợp tác giữa các đối tác địa phương để xây dựng và phát triển một mạng lưới kinh doanh du lịch thông minh trên cơ sở hợp tác giữa các nhà cung cấp dịch vụ, cơ quan quản lý du lịch và chính quyền địa phương với nhau và với khách du lịch. Sự hợp tác, tương tác giữa các đối tác sẽ giúp tăng cường trải nghiệm du lịch cho khách du lịch, nâng cao năng lực quản lý du lịch của các đối tác, cung cấp thông tin về điểm đến du lịch và hỗ trợ cho khách du lịch trên cơ sở sử dụng các công nghệ thông tin.

4. Kết luận

Xây dựng điểm đến du lịch thông minh là một thách thức đối với các nhà quản lý du lịch và các nhà phát triển công nghệ. Là một thành phố có nhiều tiềm năng và lợi thế về phát triển du lịch thông minh và xây dựng điểm đến du lịch thông minh, TP. Hồ Chí Minh đang đứng trước nhiều cơ hội thuận lợi. Tuy nhiên, để thành công và đảm bảo phát triển bền vững trong xây dựng điểm đến du lịch thông minhcần có những giải pháp khoa  học, đồng bộ, cụ thể, áp dụng các kinh nghiệm trên một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và   bối cảnh cụ thể của TP. Hồ Chí Minh trong mỗi giai đoạn; cần sự chung tay và quyết tâm của các   ngành, các cấp với các địa phương, trong đó cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Du lịch   với lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2022). Quyết định số 3570/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt Đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.
  2. Hồ Hạ (2018). Mô hình du lịch thông minh: Điểm nhấn phát triển ngành kinh tế xanh. Tạp chí Kinh tế và Đô thị, Số tháng 2, 43 - 46.
  3. Beritelli, P. (2011) Cooperation among prominent actors in a tourist destination. Annals of Tourism Research, 38(2), 607-629.
  4. Fyall, A, Garrod, B., & Wang, Y. (2012). Destination collaboration: A critical review of theortical approaches to a multi-dimensional phenomenon. Journal of Destination Marketing & Management, 1(1), 10 - 26.
  5. Cao Thị Thu Thủy, Nguyễn Thu Hương (2021). Phát triển du lịch thông minh ở Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Truy cập tại https://tapchitaichinh.vn/phat-trien-du-lich-thong-minh-o-viet-nam-trong-boi-canh- cach-mang-cong-nghiep-4-0.html
  6. VL (2023). Du lịch TP. Hồ Chí Minh: Đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ. Truy cập tại https://dangcongsan.vn/xuan-uoc-vong-2023/dang-dan-toc-va-mua-xuan/du-lich-tp-ho-chi-minh-da-dang-hoa-san-pham-va-nang-cao-chat-luong-dich-vu-630396.html
  7. Hồng Giang (2023). Kỳ vọng sức bật mới cho du lịch TP. Hồ Chí Minh. Truy cập tại https://www.qdnd.vn/du-lich/cac-van-de/ky-vong-suc-bat-moi-cho-du-lich-tp-ho-chi-minh-715554

DEVELOPING HO CHI MINH CITY

INTO A SMART TOURISM DESTINATION:

EXPERIENCE FROM SINGAPORE 

Master. NGUYEN SON TUNG

Faculty of Tourism, University of Finance - Marketing

ABSTRACT:

Developing smart tourism and smart tourism destinations is an issue that has attracted the attention of many countries for more than a decade. This paper introduces an approach to building a smart tourist destination on the basis of studying Singapore's experience in developing a smart tourist destination. Based on Singapore’s experience, the paper draws lessons for Ho Chi Minh City to help the city build a smart tourism destination itself. This paper is expected to help Ho Chi Minh City’s tourism industry develop quickly and sustainably in the future.

Keywords: smart tourism, smart destinations, Ho Chi Minh City, Singapore tourism.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14 tháng 6 năm 2023]

Tạp chí Công Thương