Việt Nam học được gì từ chính sách đưa công nghệ thông tin vào nhà máy của Hàn Quốc?

Tiếp thu kinh nghiệm của các nước phát triển công nghiệp, Việt Nam cần có hệ thống giải pháp, chính sách đồng bộ, nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp, nhất là hình thành năng lực sản xuất mới gắn liền với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (thứ 2, trái) trong chuyến thăm nhà máy sản xuất chip của tập đoàn Samsung tại Pyeongtaek, ngày 20/5/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (thứ 2, trái) trong chuyến thăm nhà máy sản xuất chip của tập đoàn Samsung tại Pyeongtaek, ngày 20/5/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính sách về phát triển công nghiệp quốc gia

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) chính sách công nghiệp quốc gia của Hàn Quốc đã thay đổi đáng kể vào thập niên 1970 với việc bắt đầu một nỗ lực dưới sự chỉ đạo của chính phủ để đẩy mạnh công nghiệp nặng và công nghiệp hóa chất.

Đến thập niên 1980 đến nay, Hàn Quốc từ bỏ chính sách “can thiệp trực tiếp” của Chính phủ vào phát triển công nghiệp để chuyển sang chính sách kinh tế tự do. Tư duy thay đổi này được củng cố bởi mong muốn của Hàn Quốc trở thành một thành viên của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Hàn Quốc đã tự do hóa cả thương mại và tài chính, tiến hành nhiều cải cách chính sách quan trọng đối với khu vực tài chính, công nghiệp, tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước và thị trường lao động, giúp tự do hóa nền kinh tế hơn nữa.

Cải cách khu vực công nghiệp tập trung vào việc cải tổ các Chaebol bằng các biện pháp buộc các Chaebol thực hiện các biện pháp: (i) Tập trung vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi và từ bỏ những doanh nghiệp không liên quan đến hoạt động cốt lõi; (ii) Cải thiện hoạt động quản trị công ty và tăng cường trách nhiệm giải trình; (iii) Đệ trình kế hoạch cải thiện cơ cấu vốn (CSIPs) để giảm tỷ số nợ trên vốn sở hữu xuống 200% vào cuối năm 1999; (iv) Củng cố các quy trình kế toán bằng cách nộp các bảng cân đối kế toán và báo cáo thu nhập hợp nhất phù hợp với tiêu chuẩn kế toán quốc tế để giảm khả năng che giấu lỗ và nợ ở các chi nhánh hoạt động yếu kém; (v)Tuân thủ luật chống độc quyền và thuế thừa kế để giảm khả năng các gia đình tập đoàn nắm giữ quyền kiểm soát.

Các biện pháp này đã làm thay đổi đáng kể kinh tế - xã hội của Hàn Quốc. Các Chaebol buộc phải định hình lại, các tập đoàn khác trở nên tập trung hơn, cắt giảm chi nhánh, và giảm tỷ số nợ trên vốn sở hữu. Một kết quả quan trọng khác là các Chaebol không còn được tập trung tín dụng như trước đây nữa, mà tín dụng bắt đầu chảy vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các khoản vay tiêu dùng để giúp các khu vực này tăng trưởng.

Tháng 6/2014 Chính phủ Hàn Quốc đã chính thức đưa ra chiến lược “Cải cách công nghiệp sản xuất 3.0”. Chiến lược này đồng nghĩa với CMCN 4.0 phiên bản Hàn Quốc và là một phần trong sáng kiến hàng đầu của Tổng thống Park Gun-hye về “Kế hoạch kinh tế sáng tạo” trước đó.

Trong khi trọng tâm của “Cải cách công nghiệp 1.0” là sự thay thế nhập khẩu cho ngành công nghiệp nhẹ, “Cải cách công nghiệp 2.0” tập trung vào thiết bị lắp ráp, thì “Cải cách công nghiệp sản xuất 3.0” sẽ là một sự thay đổi trong tất cả các mô hình đã biết của các công nghệ sản xuất hiện tại. Nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược 3.0 là tạo ra giá trị mới và tăng khả năng cạnh tranh bằng cách đưa công nghệ thông tin vào các nhà máy, từ đó, nhanh chóng xây dựng hệ thống nhà máy thông minh.

Các lĩnh vực công nghệ chủ chốt được ưu tiên thực hiện là: in 3D, dữ liện lớn, điện toán đám mây, hệ thống thực – ảo, các hệ thống tiết kiệm năng lượng, kỹ thuật ảnh nổi ba chiều, IoT và bộ cảm biến. Theo Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và Kế hoạch tương lai, mạng lưới internet kết nối vạn vật và trí tuệ nhân tạo dự kiến sẽ tạo ra những cơ hội và lợi nhuận thương mại trị giá tới 470 tỷ USD vào năm 2030, tương đương 41% GDP của Hàn Quốc năm 2015.

Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã tổng kết những mục tiêu chính của Chiến lược “Cải cách công nghiệp sản xuất 3.0”, gồm:

- Thúc đẩy việc tích hợp sản xuất và công nghệ thông tin (IoT), từ đó tạo ra một ngành công nghiệp mới với mục tiêu nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp sản xuất/chế tạo của Hàn Quốc.

- Xác lập vị thế của Hàn Quốc như một cường quốc về công nghệ thông tin với sự tích hợp của ngành công nghiệp công nghệ thông tin và nền sản xuất căn bản.

- Đến 2020, xây dựng được 10.000  nhà máy thông minh với tổng vốn đầu tư khoảng 24 nghìn tỷ KRW (khoảng 23 tỷ USD), trong đó hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ Hàn Quốc chỉ dưới 10% và phần chính còn lại sẽ thu hút từ nguồn vốn tư nhân.

- Thúc đẩy sự phát triển SMEs thành các doanh nghiệp có tiềm năng lớn, thông qua thông qua việc sử dụng các công nghệ nhà máy thông minh.   Mục tiêu này là phản ứng trước áp lực gia tăng đối với nền kinh tế Hàn Quốc do chất lượng sản xuất của Trung Quốc ngày càng được cải thiện.

- Chú trọng nâng cao các ngành công nghiệp sản xuất của Hàn Quốc bằng "năng lực mềm" thông qua tăng cường thúc đẩy sự tăng trưởng của các lĩnh vực/phân đoạn sản xuất kết hợp với công nghệ thông tin, phát triển công nghệ cốt lõi liên quan đến IoT, in 3D và dữ liệu lớn.

- Mục tiêu đến năm 2024: giá trị sản xuất xuất khẩu của Hàn Quốc đạt 1.000 tỷ USD, nằm trong top 4 sau Trung Quốc, Hoa Kỳ và Đức, vượt qua Nhật Bản.

Để thúc đẩy triển khai thực hiện Chiến lược 3.0, tháng 3/2015, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố “Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược 3.0”, trong đó xác định rõ bốn chiến lược bộ phận là:

- Lan rộng quá trình sản xuất thông minh như lan rộng mô hình Nhà máy thông minh, phát triển công nghệ cốt lõi (cảm biến, IoT, in 3D, hình ảnh ba chiều,…), tăng cường năng lực các phần mềm (kỹ thuật, thiết kế, Embedded SW, …) cho quản lý sản xuất.

- Tạo ra ngành công nghiệp mới đại diện, bao gồm cả bước đầu ảo hóa các cơ sở vật chất hội tụ cho nhà máy thông minh, thương mại hóa và phát triển vật liệu thông minh và linh kiện, thúc đẩy đầu tư tư nhân, nghiên cứu và phát triển (R&D).

- Đổi mới thông minh trong ngành công nghiệp sản xuất địa phương (kích hoạt của các doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua các Trung tâm Đổi mới Kinh tế Sáng tạo), sử dụng các điểm chiến lược mang tính địa phương để trở thành các khu vực công nghiệp thông minh theo thế mạnh công nghiệp của địa phương.

- Xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại và tái cơ cấu sản xuất công nghiệp.

Trong công cuộc Cải cách công nghiệp sản xuất 3.0, Chính phủ Hàn Quốc đã có những chương trình hành động cụ thể để thúc đẩy triển khai thực hiện. Tháng 8/2016, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra lộ trình cho một số lĩnh vực của các dự án R & D: công nghệ thiết kế, công nghệ để phân loại các sản phẩm bị lỗi, các kỹ thuật điều hành tích hợp phần mềm, nền tảng IIoT (Internet Internet), cảm biến thông minh, công nghệ thu thập dữ liệu và xử lý dữ liệu tiêu chuẩn.

Ngoài ra, Hội đồng Nghiên cứu Tiêu chuẩn Nhà máy Thông minh đã được hình thành trong khu vực tư nhân nhằm đáp ứng hiệu quả các xu hướng hoạt động quốc tế và thực hiện các nỗ lực để chuẩn hóa các quy định phát triển địa phương. Đồng thời, Chính phủ áp dụng các hình thức hỗ trợ khác nhau để đào tạo khoảng 40.000 công nhân có tay nghề về vận hành các cơ sở sản xuất hoàn toàn sử dụng công nghệ tự động hóa.

Cần hệ thống giải pháp, chính sách đồng bộ

Sau khi tổng kết những bài học kinh nghiệm của Hàn Quốc, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đề xuất bài học tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm của các cường quốc phát triển công nghiệp, trong giai đoạn tới, để công nghiệp trở thành động lực phát triển kinh tế, tạo việc làm và góp phần hoàn thành các mục tiêu về công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã đặt ra đến năm 2030 và 2045, Việt Nam cần có hệ thống giải pháp, chính sách đồng bộ, thống nhất từ lý luận đến thực tiễn để huy động nguồn lực và phát huy thế mạnh cho phát triển công nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp trên thị trường toàn cầu.

Trong đó, xác định và thống nhất mô hình phát triển công nghiệp và con đường công nghiệp hoá vẫn nên theo mô hình mà các nước Đông Bắc Á đã trải qua, thay vì tốn kém thời gian và nguồn lực vào việc tìm kiếm con đường riêng. Trong mô hình phát triển này, nhà nước cần thể hiện vai trò kiến tạo trong việc hoạch định chiến lược phát triển công nghiệp đồng bộ, nhất là hình thành năng lực sản xuất mới gắn liền với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp quốc gia và tạo dựng thương hiệu Việt Nam dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao và các ngành kinh tế sáng tạo. Vài năm trở lại đây, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, và đây là xu thế tất yếu đang diễn ra trên toàn cầu.

Một số công nghệ chủ đạo của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có thể kể ra như internet vạn vật (IOT), điện toán đám mây, tích hợp hệ thống, mô phỏng, chế tạo tích luỹ, người máy tự chủ, dữ liệu lớn, tương tác thực thế ảo tăng cường, an ninh mạng… những công nghệ này cho phép các hoạt động knh tế diễn ra hiệu quả hơn, trong đó internet vạn vật là xương sống của cuộc cách mạng lần này, được ứng dụng trong mọi phương diện của đời sống, không chỉ riêng ngành công nghiệp.

Tại Việt Nam, trên thực tế, IOT đã được ứng dụng mạnh mẽ trong nông nghiệp, cho phép truy xuất nguồn gốc, chăm sóc cây trông tự động, kiểm soát điều kiện môi trường… Trong y tế, IOT cho phép thu thập, phân tích dữ liệu và cung cấp kết quả ngay lập tức, giúp theo dõi, kiểm soát, dự báo và chăm sóc sức khoẻ tốt hơn.

Trong xây dựng, IOT giúp phát triển các toà nhà thông minh, mang lại sự tiện nghi và hiệu quả cho cuộc sống… Quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, dịch vụ, xây dựng như những ví dụ nêu trên có thể triển khai nhanh trên diện rộng bằng việc nhập khẩu, cài đặt trang thiết bị và phần mềm quản lý sẵn có; tuy nhiên quá trình chuyển đổi số trong công nghiệp không đơn giản như vậy.

Việc tích hợp công nghệ thông tin (IT) vào công nghệ sản xuất (OT) phải có sự tương thích và phù hợp. Các phần mềm và công nghệ IT do các nước đi trước phát triển chỉ phù hợp với công nghệ OT và mô hình sản xuất của họ, nếu đưa vào Việt Nam mà không có sự điều chỉnh thì sẽ không hiệu quả. Quá trình chuyển đổi số trong công nghiệp, nếu quá chú trọng vào IT mà không chú trọng vào nâng cao trình độ OT thì cũng không đạt được hiệu quả như mong đợi.

La Ngọc Dung