Thực trạng thanh toán không dùng tiền mặt

THS. LÊ MINH THÀNH (Khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Một trong những xu hướng tất yếu của thế giới là tiến tới một xã hội không dùng tiền mặt. Việc không dùng tiền mặt đem lại nhiều lợi ích như nhanh chóng, hiệu quả, nâng cao an toàn của cơ quan giám sát. Bài viết nêu rõ thực trạng cũng như đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển hơn nữa dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Từ khóa: thanh toán không dùng tiền mặt, ngân hàng, ngân hàng nhà nước, mobile banking…

1. Đặt vấn đề

Sau 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thói quen thanh toán của người dân đã có những thay đổi lớn. Kết quả đạt được cho thấy đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang các phương tiện điện tử thay thế cho tiền mặt. Đây cũng là một trong các mục tiêu của Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam. Thời gian qua, hoạt động thanh toán từ người dân, tổ chức, nhất là giới trẻ Việt Nam đã tiệm cận với trình độ công nghệ của thế giới. Các hình thức thanh toán đang được các ngân hàng giới thiệu, dần phổ cập tại Việt Nam: thanh toán bằng thẻ chip phi tiếp xúc (contactless), thanh toán trực tuyến lẫn ngoại tuyến tại điểm bán qua mã QR, thanh toán trực tuyến cho dịch vụ số, thương mại điện tử qua NFC, ứng dụng Mobile banking,… kết hợp với các giải pháp, dịch vụ hỗ trợ như xác thực sinh trắc học bảo mật, mã hóa thông tin thẻ (tokenization), định danh điện tử (eKYC) an toàn, thuận tiện. Cùng với sự dịch chuyển của người dân, nhiều phương thức thanh toán số đã ra đời và được người dân ưa chuộng sử dụng như: thẻ chip, QR code, ví điện tử… và ứng dụng mobile banking.

2. Thực trạng thanh toán không dùng tiền mặt

2.1. Những thành quả đạt được

Thanh toán không dùng tiền mặt đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ thời gian qua và có sự cố gắng cân bằng giữa thành thị và khu vực vùng sâu vùng xa. Theo ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tới thời điểm hiện tại đã có gần 72.000 điểm giao dịch, cung cấp dịch vụ. Trong đó, có 39.000 điểm giao dịch nằm ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Trong 9 tháng đầu năm 2022, có gần 14 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ này, trong đó 37,5% khách hàng ở nông thôn với tổng giá trị giao dịch đạt 167.680 tỷ đồng. Đây là con số rất ấn tượng.

Đối với dịch vụ mobile money, cuối tháng 9/2022, khách hàng thí điểm là 2,34 triệu tài khoản, trong đó có 1,62 triệu tài khoản mở ở khu vực nông thôn, hải đảo, chiếm 69,23% tổng số tài khoản mobile money. Về địa điểm phát triển kinh doanh của mobile money, cho đến thời điểm hiện tại, 3 đơn vị được cung cấp thí điểm (Viettel, VNPT, MobiFone) có đến hơn 82.200 điểm giao dịch kinh doanh được thiết lập. Về giao dịch, tổng giá trị mobile money cho đến thời điểm hiện tại có khoảng 15 triệu giao dịch với tổng số khoảng gần 950 tỷ đồng. Về tổng số đơn vị chấp nhận thẻ, hiện nay có đến hơn 14.500 đơn vị chấp nhận thẻ. Đây là lợi thế rất tốt để phục vụ việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai một số giải pháp thúc đẩy TTKDTM, trong đó có việc hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách. NHNN đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hướng tới mục tiêu phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, đẩy ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ.

Đồng thời, NHNN đã chỉ đạo nâng cấp, phát triển hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, hệ thống thanh toán của các ngân hàng đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác, mở rộng hệ sinh thái thanh toán số để phục vụ thanh toán trực tuyến. NHNN cũng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực chính phủ, dịch vụ hành chính công, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, nhất là thanh toán điện tử, trung gian thanh toán, thanh toán xuyên biên giới; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong TTKDTM.

2.2. Một số hạn chế còn tồn tại

Mặc dù đã đạt được nhiều thành công nhất định góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng tiền mặt của người dân, nhưng hoạt động TTKDTM vẫn còn  một số hạn chế.

Thứ nhất là thói quen, tâm lý sử dụng tiền mặt, tâm lý e ngại khi tiếp nhận công nghệ mới, e ngại về an toàn an ninh khi sử dụng thanh toán trực tuyến.

Thứ hai, mạng lưới chi nhánh và cơ sở hạ tầng thanh toán của các tổ chức cung ứng dịch vụ đa phần tập trung ở khu vực đô thị. Còn ở khu vực nông thôn, mặc dù cũng phát triển, nhưng tốc độ phát triển chưa được như kỳ vọng.

Thứ ba, một số sản phẩm dịch vụ thanh toán không bằng tiền mặt chưa được thiết kế theo hướng hướng tới khách hàng, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng khu vực nông thôn, do đó chưa phát huy được tối đa dịch vụ.

Thứ tư, cơ sở pháp lý cho hoạt động ngân hàng đại lý hiện vẫn đang trong giai đoạn thí điểm. Trong thời gian tới, NHNN sẽ trình các bộ ngành liên quan để trình các nghị định liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt.

Thứ năm, vấn đề về tội phạm công nghệ cao phát triển ngày càng nhiều, dẫn đến tâm lý e ngại sử dụng dịch vụ, đặc biệt đối với những người dân ở nông thôn, khu vực vùng sâu vùng xa do kiến thức công nghệ thông tin còn hạn chế.

3. Giải pháp phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt

3.1. Đối với thanh toán bằng thẻ

Một là đầu tư và phát triển mạng lưới POS. Thanh toán thẻ qua POS, góp phần quan trọng trong việc làm hấp dẫn và thuận tiện hơn cho dịch vụ thanh toán bằng thẻ. Do đó, trong kế hoạch triển khai đầu tư và kết nối thanh toán thẻ, các Ngân hàng cũng nên đồng thời đầu tư và phát triển mạng lưới máy POS. Các Ngân hàng cần có các chương trình quảng cáo, tiếp thị tư vấn, giải thích về lợi ích của việc làm điểm chấp nhận thẻ của ngân hàng. Các Ngân hàng có thể cam kết sẽ giới thiệu về các cơ sở chấp nhận thẻ khi tiến hành phát hành thẻ cho các khách hàng. Chi phí cho quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng như: truyền hình, báo chí,... hiện nay đang khá lớn. Việc được quảng cáo miễn phí về hoạt động của mình tại ngân hàng sẽ là mối quan tâm lớn của rất nhiều các công ty kinh doanh. Phát triển mạng lưới POS trước tiên phải ưu tiên những nơi có nhiều khách hàng có nhu cầu thanh toán thẻ. Đó là tại trung tâm thương mại, các điểm tham quan du lịch, dịch vụ, siêu thị, khách sạn… tại các thành phố lớn. Sau đó, có chiến lược cụ thể lâu dài để thiết lập những điểm thanh toán thẻ trên khắp cả nước, trên các địa bàn khác nhau theo tỷ lệ thích hợp, đảm bảo khách hàng luôn thấy sự thuận tiện và an tâm khi thanh toán bằng thẻ.

Hai là đa dạng hóa các loại hình dịch vụ thẻ. Thị trường thẻ Việt Nam vẫn còn là thị trường thẻ còn mới lạ với đại bộ phận người dân. Hơn nữa, thói quen thanh toán không dùng tiền mặt vẫn chưa được phổ biến, do đó việc hiểu và khai thác các tiện ích vốn có của thẻ còn rất hạn chế. Mặt khác, với mức phí của một số ngân hàng còn khá cao như hiện nay đã gây tâm lý e ngại cho người sử dụng thẻ. Trong tình hình như vậy, việc quy định một mức phí như hiện nay có thể chưa hợp lý trong giai đoạn hiện tại. Mặc dù mức phí này hoàn toàn tương xứng với những tiện ích mà thẻ mang lại, nhưng khách hàng vẫn chưa hiểu hết những tiện ích đó.

Đồng thời, cần nâng cao tiện ích sử dụng của dịch vụ thẻ: Đưa ra những tiện ích và tính năng thanh toán mới cho thẻ ngoài những tiện ích truyền thống nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Để phát triển dịch vụ thẻ, các ngân hàng luôn nỗ lực không ngừng triển khai cung cấp các sản phẩm dịch vụ để mang đến cho khách hàng ngày càng nhiều giá trị và lợi ích. Thông qua khả năng cung ứng các giải pháp tài chính ngân hàng hiện đại và hiệu quả, các ngân hàng cần tiếp tục mở rộng thêm các tiện ích của dịch vụ thẻ qua sự hợp tác và tư vấn với Phòng kinh doanh, Phòng công nghệ ngân hàng. Ngoài các chức năng cơ bản như thanh toán, rút tiền, chuyển tiền cho người thân,... các ngân hàng  nên triển khai các chức năng mang thêm nhiều giá trị cho khách hàng như gắn liền với đặc trưng của các loại thẻ liên kết. Đơn cử như thẻ liên kết sinh viên, sản phẩm kết hợp giữa Thẻ sinh viên của các trưởng đại học, cao đẳng với Thẻ đa năng của Ngân hàng được xem như là phương tiện có ý nghĩa thực tiễn rất cao. Thẻ liên kết sinh viên tích hợp đầy đủ các tính năng của thẻ ngân hàng, đồng thời ứng dụng công nghệ thẻ từ vào quản lý sinh viên như: Quản lý ra vào thư viện, ra vào phòng máy vi tính, thanh toán học phí, học bổng của sinh viên qua thẻ... và một số các ứng dụng khác phù hợp với tính năng ưu việt nhất của công nghệ thẻ từ hiện nay.

3.2. Đối với thanh toán bằng ví điện tử   

Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý về hình thức thanh toán bằng ví điện tử. Xu hướng phát triển cùng những lợi ích mang lại của ví điện tử đòi hỏi có một khuôn khổ pháp lý rõ ràng, cụ thể, chặt chẽ để thể chế hóa chủ trương được Chính phủ đặt ra. Để có thể tạo nền tảng thúc đẩy loại hình dịch vụ này, đồng thời cũng kiểm soát chặt chẽ các đơn vị cung cấp dịch vụ, ngăn ngừa cạnh tranh không lành mạnh và phòng ngừa rủi ro của một phương thức mới trong loại hoạt động có tính nhạy cảm cao, đó là lưu thông tiền tệ, một khung pháp lý đủ mạnh thực sự cần thiết. Khi xây dựng khung pháp lý liên quan đến thanh toán di động nói chung và ví điện tử nói riêng, nhà quản lý chính sách có thể tập trung vào các nội dung chính về tính pháp lý được Tổ chức Hiệp hội Thông tin Di động Thế giới (GSMA) đưa ra liên quan đến các vấn đề: Định danh khách hàng, phân loại khách hàng, phát triển mạng lưới đại lý giao dịch tại quầy, tính minh bạch, phát triển công nghệ, và cơ sở hạ tầng.

Thứ hai, xây dựng và thống nhất các quy định về thanh toán. NHNN cần chủ trì trong việc rà soát, xem xét lại các quy định liên quan đến thanh toán để đánh giá sự phù hợp của khung pháp lý đối với những rủi ro của các hoạt động thanh toán, bao gồm cả phân tầng các công ty cung cấp dịch vụ để đảm bảo giám sát hiệu quả chuỗi giá trị tổng thể của hoạt động thanh toán; Nâng cao vai trò của việc chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng và các công ty thanh toán; Hạn chế tối đa sự phân mảnh cùng với các quy định phức tạp như ở một số nước trên thế giới.

Thứ ba, xây dựng và đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và phần mềm để phục vụ cho thanh toán bằng ví điện tử. Các công ty cung cấp ví điện tử cần đầu tư hơn nữa vào công nghệ thông tin, tăng cường các lớp bảo mật để ngăn chặn tấn công của kẻ gian. Một ví điện tử cần thiết phải có 2 lớp bảo mật, 1 lớp vào ví và 1 lớp bảo mật OTP (One time password - Mật khẩu một lần) khi thực hiện thanh toán, chuyển khoản tiền. Theo đó, vấn đề an toàn, bảo mật của ví điện tử mới là quan trọng, quyết định việc khách hàng sử dụng dịch vụ, khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là vấn đề mà khách hàng sử dụng ví thời gian qua khá quan tâm. Khi các ngân hàng tăng cường đầu tư bảo mật công nghệ thông tin thì việc kết nối ví điện tử với tài khoản ngân hàng được xem như là “lá chắn” thứ hai cho ví điện tử.

Tài liệu tham khảo:

  1. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 1813/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025.
  2. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 411/QĐ-TTG ngày 31/3/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
  3. Thủ tướng Chính phủ (2016), Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020;
  4. Chu Hà Trang (2021), Giải pháp đồng bộ để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025, Tạp chí Ngân hàng. Truy cập tại: https://tapchinganhang.gov.vn/giai-phap-dong-bo-de-hien-thuc-hoa-cac-muc-tieu-phat-trien-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-cua-chinh-.htm

The current cashless payment development in Vietnam

Master. Le Minh Thanh

Faculty of Accounting, University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

Cashless payment is an inevitable payment trend in the world. Going cashless not only brings convenience to consumers, it also saves time and costs for businesses, and enhances management efficiency of supervisory authorities. This paper presents the current cashless payment methods and proposes some solutions to facilitate the cashless payment development in Vietnam.

Keywords: non-cash payment, bank, the State Bank of Vietnam, mobile banking.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2 tháng 1 năm 2023]