Thực hiện trách nhiệm xã hội của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam

Bài nghiên cứu khoa học "Thực hiện trách nhiệm xã hội của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam" do ThS. Nguyễn Thị Ngọc Anh (Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Mỏ - Địa chất) thực hiện.

Tóm tắt:

Bài báo nghiên cứu thực tiễn thực hiện trách nhiệm xã hội của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) trong giai đoạn 2020 - 2023. Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại đòi hỏi trong thời gian tới TKV cần phải có các biện pháp như nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội đối với cán bộ quản lý, người lao động trong Tập đoàn, để họ có ý thức hơn trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội. Từ đó, tác giả đưa ra một số đề xuất kiến nghị thúc đẩy việc thực hiện các hoạt động của TKV ngày càng hiệu quả.

Từ khóa: thực hiện trách nhiệm xã hội, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, thực hiện trách nhiệm xã hội được coi là một trong những yêu cầu quan trọng đối với doanh nghiệp nếu muốn thành công và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Theo báo cáo “Nghiên cứu, đánh giá nhận thức và tình hình thực hiện các thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại các doanh nghiệp tại Việt Nam” của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) cho thấy mức độ nhận thức về thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp nhỏ, nhỏ và vừa vẫn còn thấp. Có 62% doanh nghiệp chỉ dừng ở mức tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật Việt Nam và 27% doanh nghiệp không tuân thủTạp chí Công Thương đầy đủ các yêu cầu của pháp luật Việt Nam”. Các doanh nghiệp mới chỉ hiểu và coi việc thực hiện trách nhiệm xã hội là nghĩa vụ pháp lý bắt buộc của Nhà nước, kể cả các hoạt động từ thiện, hoạt động vì cộng đồng. Do đó, các doanh nghiệp vẫn chưa chủ động triển khai các chương trình thực hiện trách nhiệm xã hội như một chiến lược nghiêm túc và lâu dài.

trách nhiệm xã hội

Tập đoàn Công nghiệp Than - khoáng sản Việt Nam (TKV) là một trong 19 tập đoàn nhà nước, được giao quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên trữ lượng than, bô - xít, các khoáng sản khác theo quy định của pháp luật. Tập đoàn hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Các doanh nghiệp trực thuộc TKV ngoài thực hiện mục tiêu lợi nhuận, còn phải thực hiện các mục tiêu khác do Nhà nước đặt ra, như: bảo toàn và phát triển vốn của Nhà nước, sử dụng hiệu quả các nguồn lực được giao, thúc đẩy sự phát triển các mặt của xã hội, thực hiện tốt và đầy đủ trách nhiệm với xã hội…

Bài báo đi sâu nghiên cứu và làm rõ thực trạng thực hiện trách nhiệm xã hội của TKV ở các khía cạnh: với doanh nghiệp, với người lao động, với môi trường, với cộng đồng giai đoạn 2020 - 2023 và đề xuất một số kiến nghị thực hiện tốt hơn trách nhiệm xã hội trong thời gian tới.

2. Quan điểm về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Theo Carroll (1999) “Trách nhiệm xã hội là tất cả các vấn đề kinh tế, pháp lý, đạo đức và những lĩnh vực khác mà xã hội trông đợi ở doanh nghiệp trong mỗi thời điểm nhất định”. Từ năm 2003, khái niệm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp do Nhóm phát triển kinh tế tư nhân của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra đã được sử dụng rộng rãi. Theo đó, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là “Cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua việc tuân thủ chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, an toàn lao động, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên, phát triển cộng đồng… theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như phát triển chung của xã hội” .

Nội hàm của thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với các chủ thể và đối tượng có liên quan trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp từ đội ngũ cán bộ nhân viên cho đến bản thân doanh nghiệp, trong đó bao gồm cả trách nhiệm về bảo vệ tài nguyên môi trường, lợi ích của cộng đồng, xã hội đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước. Về cơ bản, thực hiện trách nhiệm bao gồm: trách nhiệm kinh tế; trách nhiệm pháp lý; trách nhiệm đạo đức, từ thiện. Trong bài báo, tác giả chỉ đề cập đến việc thực hiện các trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở khía cạnh: tạo ra lợi nhuận (thực hiện trách nhiệm với chủ sở hữu doanh nghiệp); bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động (thực hiện trách nhiệm với người lao động); tham gia các hoạt động từ thiện, trợ giúp xã hội (thực hiện trách nhiệm với cộng đồng xã hội); thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên (thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường).

3. Thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản thuộc Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam

3.1. Trách nhiệm xã hội với chủ sở hữu doanh nghiệp

Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, song Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước đầu tư. Theo báo cáo tài chính các năm của TKV đều có lãi, hoàn thành toàn diện kế hoạch sản xuất - kinh doanh trong 5 năm. Đặc biệt trong các năm 2020 - 2021, giá cả các loại vật tư đầu vào chủ yếu phục vụ sản xuất như nhiên liệu, sắt thép… biến động tăng lớn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine đã tác động tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn. Tuy nhiên, TKV đã chủ động kịp thời ban hành các giải pháp quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh để vượt qua khó khăn, thách thức. Năm 2022 được đánh giá là một năm thành công nhất trong giai đoạn 2018 - 2022, sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn tăng trưởng với doanh thu cao, lợi nhuận vượt kế hoạch. Năm 2022, Tập đoàn nộp ngân sách nhà nước hơn 21.500 tỷ đồng, tăng hơn 5.000 tỷ đồng, tương ứng tăng 31,5% so với năm 2018. Tổng số nộp ngân sách nhà nước toàn Tập đoàn lũy kế 5 năm đạt gần 97.000 tỷ đồng, đạt bình quân xấp xỉ 19.400 tỷ đồng/năm. Tập đoàn luôn thực hiện đầy đủ và kịp thời nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, không để xảy ra tình trạng chậm nộp hay phát sinh nợ quá hạn. (Bảng 1)

Bảng 1. Một số chỉ tiêu về hoạt động sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn

STT

Các chỉ tiêu

ĐVT

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

1

Các chỉ tiêu sản phẩm chủ yếu

 

 

 

 

1.1

Than sạch sản xuất

1000 tấn

37.584

41.038

42.390,4

1.2

Sản phẩm khoáng sản

 

 

 

 

 

-          Alumina (quy đổi)

1000 tấn

1.422,5

1.453,8

1.475,33

 

-          Đồng tấm

1000 tấn

13,2

13,05

30,7

1.3

Sản xuất điện

Tr.kwh

10.631

10.500

8.074

1.4

Sản xuất VLN công nghiệp

1000 tấn

126

83,98

79,6

2

Tổng doanh thu

Tỷ đồng

133.664,5

114.429

147.756

3

Lợi nhuận trước thuế

Tỷ đồng

3.094,2

5.288

10.936

4

Lợi nhuận sau thuế

Tỷ đồng

2.504

4.366

8.337

5

Thuế và các khoản đã nộp NN

Tỷ đồng

19.795

18.982

21.613

6

Tổng số lao động

Người

98.566

97.529

96.954

7

Tổng quỹ lương

Tỷ đồng

17.108

16.863

20.175

Với vai trò là tập đoàn kinh tế trụ cột của đất nước về năng lượng, TKV đã phát triển một cách bền vững, luôn đảm bảo vai trò cung ứng năng lượng cho các ngành sản xuất trọng điểm, phục vụ tốt cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

3.2. Trách nhiệm xã hội với người lao động trong doanh nghiệp

Việc thực hiện trách nhiệm xã hội với người lao động tại Tập đoàn được thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước. Căn cứ vào quy định, văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Tập đoàn đã xây dựng các cơ chế trả lương áp dụng trong nội bộ TKV theo Quyết định số 1387/QĐ - TKV ngày 29/7/2019. Theo đó, cơ chế quyết toán lương phù hợp với các đối tượng lao động khác nhau. Để thu hút lao động chất lượng cao nhằm thực hiện các chương trình cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa, TKV ban hành quy chế cho phép các đơn vị áp dụng mức lương chuyên gia lên đến 25 triệu đồng/người/tháng và kèm thêm các chính sách hỗ trợ khác như ưu đãi về chỗ ở, làm việc, đi lại, phương tiện phục vụ công tác nghiên cứu, ứng dụng. Mức tiền lương đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, tay nghề giỏi, ca trưởng, kíp trưởng trong các nhà máy điện, nhà máy alumin, nhà máy hóa chất; thợ sửa chữa cơ khí, cơ điện có tay nghề cao; lực lượng bảo vệ vũ trang thường xuyên đối mặt với nguy hiểm,... Các đơn vị này tùy theo tính chất công việc để áp dụng hệ số tăng thêm và không hạn chế mức tối đa, có thể cao hơn cả lương giám đốc doanh nghiệp.

Năm 2021, tiền lương bình quân toàn Tập đoàn đạt 14,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 12,6% so với kế hoạch và tăng 5,4% so với thực hiện năm 2020. Năm 2022, bình quân tiền lương toàn Tập đoàn đạt 16,8 triệu đồng/người/tháng, tăng 23,6% so với kế hoạch và tăng 15,4% so với thực hiện năm 2021. Điều này cho thấy, TKV đã làm tốt trách nhiệm của người sử dụng lao động thông qua thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động, như: đảm bảo ổn định việc làm, thu nhập, chế độ phúc lợi tiếp tục được duy trì và có mức tăng trưởng cao. TKV đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của doanh nghiệp trong công tác trích, nộp BHXH, BHYT, BHTN, kinh phí Công đoàn, thực hiện giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật. Trong năm 2022, tổng số tiền Tập đoàn nộp cho cơ quan BHXH là 2.427 tỷ đồng.

Bên cạnh việc đảm bảo lương, thu nhập, các chế độ bảo hiểm, TKV cũng chú trọng đến công tác an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động thông qua việc đầu tư công nghệ mới cho sản xuất, đầu tư trang thiết bị an toàn, tiên tiến, áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong khai thác, đào lò, các dây chuyền sản xuất tại nhà máy điện, hóa chất, luyện kim, khoáng sản… từ đó giảm nhẹ cường độ lao động và đảm bảo vấn đề an toàn lao động. Công tác chăm lo sức khỏe cho người lao động được đặc biệt quan tâm. Các doanh nghiệp trong Tập đoàn đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động theo quy định của pháp luật. Các đơn vị sản xuất than hầm lò đã tổ chức rửa mũi cho người lao động làm việc trong hầm lò ngay sau ca làm việc. Từ năm 2019, TKV đã mở rộng đối tượng rửa phổi toàn bộ đối với thợ lò có thời gian làm việc thường xuyên trong hầm lò từ 20 năm trở lên, toàn bộ chi phí rửa phổi do TKV đài thọ từ quỹ phúc lợi tập trung tại công ty mẹ. Với mức chi phí cho một ca rửa phổi là 41 triệu đồng, trong thời gian khám chữa bệnh người lao động vẫn được hưởng lương theo quy chế trả lương của đơn vị và các chế độ phúc lợi khác như đì làm.

Các công ty con của TKV đều xây dựng các quy chế, quy định chế độ cho người lao động đầy đủ và có sự tham gia của công đoàn. 100% các đơn vị trong Tập đoàn đều có thỏa ước lao động tập thể và có triển khai hội nghị người lao động từ cấp phòng, ban, phân xưởng, đơn vị, công ty đến cấp Tập đoàn. Việc thương lượng, xây dựng, ký kết, thực hiện thỏa ước lao động tập thể với các cơ quan quản lý nhà nước về lao động được thực hiện nghiêm chỉnh, đúng quy định của Bộ luật Lao động. Hội nghị người lao động được tổ chức hàng năm nhằm trao đổi thảo luận về việc đảm bảo lương, thu nhập, các chế độ bảo hiểm, công tác an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện việc làm cho người lao động thông qua việc đầu tư công nghệ mới cho sản xuất, đầu tư trang thiết bị an toàn tiên tiến nhằm giảm nhẹ cường độ và đảm bảo an toàn trong lao động. Tổ chức khám sức khỏe định kỳ, huấn luyện an toàn, thực hiện các chế độ tham quan, nghỉ mát, hỗ trợ đưa đón công nhân đi làm, thực hiện các chế độ tham quan, nghỉ mát, hỗ trợ đưa đón công nhân đi làm, thực hiện công tác an sinh xã hội… Bên cạnh đó, người lao động cũng được tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, được tham gia đối thoại, đóng góp ý kiến theo quy chế dân chủ. Như vậy tại Tập đoàn việc trao đổi đã đảm bảo tốt quan hệ lao động, tính dân chủ thực sự trong các đơn vị.

Đời sống người lao động của TKV luôn được quan tâm đúng mức. Năm 2021, trước những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19, các cấp Công đoàn trong TKV đã tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ, động viên người lao động từ nguồn quỹ phúc lợi là 10.584 tỷ đồng cho 8 đơn vị khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và 6.823 người lao động bị ảnh hưởng của dịch. Thực hiện Chương trình nhà ở “Mái ấm công đoàn” và nhà ở gia đình chính sách, năm 2021 đã có 151 nhà ở được xây mới với tổng số tiền 7,7 tỷ đồng và hỗ trợ xây nhà ở cho gia đình công nhân diện chính sách của Tập đoàn do tai nạn lao động với số tiền 3,1 tỷ đồng. Chương trình “Tết thợ mỏ - 2024” được Tập đoàn tổ chức đã tặng quà hỗ trợ trực tiếp cho 5.500 lao động xuất sắc tiêu biểu, công nhân có hoàn cảnh khó khăn, người lao động thuộc diện chính sách, bàn giao 131 nhà ở Mái ấm công đoàn. Với phương châm “Tất cả người lao động đều có Tết” Tập đoàn đã chi hơn 7 tỷ đồng từ quỹ phúc lợi và chi từ nguồn kinh phí của Công đoàn để chăm lo Tết cho người lao động. Tóm lại, Tập đoàn TKV đã và đang làm tốt trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động, tạo được sự gắn bó và niềm tin giữa người lao động với công ty, giúp người lao động yên tâm sản xuất, góp phần giúp việc sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn ngày càng thuận lợi.

3.3. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với cộng đồng

Bên cạnh việc chú trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thực hiện tốt chính sách đối với người lao động trong tập đoàn, TKV cũng rất quan tâm thực hiện các hoạt động an sinh xã hội có ý nghĩa thiết thực với cộng đồng. Các hoạt động được xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai rộng khắp, đa dạng và linh hoạt tại địa phương nơi các đơn vị của TKV đặt trụ sở hoặc các địa bàn chiến lược trong sản xuất như Quảng Ninh, Tây Nguyên, Tây Bắc… với giá trị hàng trăm tỉ đồng. Công tác hỗ trợ an sinh xã hội tập trung vào xây dựng các công trình phúc lợi, chương trình nông thôn mới, hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, các gia đình chính sách, người có công, các hội thiện nguyện…

Trong năm 2023, TKV tài trợ xây dựng 1 nguyên đơn tòa nhà khám chữa bệnh 300 giường tại Bệnh viện Lao phổi Quảng Ninh trị giá 245 tỷ đồng, hỗ trợ 3 tỷ đồng xây dựng trường học tại xã Quảng Yên, tài trợ 10,4 tỷ đồng xây dựng 1 nguyên đơn trường THCS nội trú Nà Khau, Bình Liêu,… TKV cũng hỗ trợ các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Thanh Hóa, Bắc Kạn, Sơn La, Lai Châu, Bắc Giang mỗi tỉnh 3 tỷ đồng để xây dựng trường học tại các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa và hỗ trợ các tổ chức hội từ thiện, tổ chức xã hội… làm các công tác thiện nguyện. Có thể thấy, TKV đã hết sức quan tâm đến việc thực hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng cả về số lượng, chất lượng, quy mô và hình thức. Đây được coi là một phần nhiệm vụ và chiến lược phát triển của TKV.

3.4. Trách nhiệm xã hội của TKV với bảo vệ môi trường

Khai thác than, khoáng sản là hoạt động tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tiêu biểu tại Quảng Ninh, việc khai thác than đã tác động đến cảnh quan môi trường, tích tụ và phát tán chất thải, bụi, làm ảnh hưởng đến việc sử dụng nước, ô nhiễm nguồn nước, tiềm ẩn nguy cơ về dòng thải axit từ các mỏ… Những hoạt động ấy đã và đang phá vỡ cân bằng sinh thái, gây ô nhiễm môi trường trở thành vấn đề cấp bách. Vì vậy, từ năm 2009, TKV đã thành lập Công ty TNHH MTV Môi trường - TKV, được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư, xây dựng, vận hành, kinh doanh các công trình môi trường mỏ và xây lắp công trình, cải tạo phục hồi, phòng chống sạt lở bãi thải, cải tạo trồng cây xanh hoàn nguyên các môi trường bãi thải… thực hiện mục tiêu “xanh hóa” trong quá trình sản xuất của ngành Than.

Hàng năm, TKV đã chi cho công tác bảo vệ môi trường hàng nghìn tỉ đồng. Theo Ban Môi trường TKV, năm 2021, Tập đoàn đã chi 1.160 tỷ đồng cho công tác bảo vệ môi trường. Đối với công tác xử lý nước thải, ngành Than đã đầu tư, hoàn thành nâng công suất 5 trạm xử lý nước thải mỏ gồm nâng công suất các trạm Mông Dương, Núi Nhện, Đồng Vông, Mạo Khê và xây dựng đầu tư mới trạm Núi Hồng. Đến nay, Tập đoàn có 50 trạm xử lý nước thải trong hoạt động sản xuất than, với 47 trạm xử lý nước thải mỏ, 3 trạm xử lý nước thải công nghiệp. Các trạm xử lý nước thải mỏ được lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, kết nối thông số kỹ thuật, giám sát tự động vấn đề xử lý nước thải. Các thông số kỹ thuật xử lý nước thải của các trạm được truyền dữ liệu về Trung tâm quan trắc môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường của tỉnh để giám sát, quản lý.

Tập đoàn đã ban hành một số văn bản quan trọng nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường như Quyết định số 28/QĐ-TKV ngày 14/1/2022 về phương án bố trí nguồn vốn thực hiện các công trình môi trường năm 2022; Văn bản số 469/TKV-MT ngày 28/1/2022 hướng dẫn triển khai kế hoạch các công trình bảo vệ môi trường năm 2022 và Nghị quyết số 27/NQ-ĐU ngày 13/4/2022 của Đảng ủy Tập đoàn về tăng cường lãnh đạo thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam giai đoạn đến 2025 định hướng tới 2030. Đây là “kim chỉ nam” có ý nghĩa quan trọng đối với Chiến lược Phát triển “xanh” của TKV trong những năm tiếp theo.

TKV đã quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường. TKV thường xuyên cập nhật, phổ biến và hướng dẫn việc thực hiện các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường cho các đơn vị trong tập đoàn.

3.5. Nhận xét chung về tình hình thực hiện trách nhiệm xã hội của TKV

Những kết quả đạt được

TKV đã thực hiện tốt trách nhiệm với doanh nghiệp là kinh doanh có lãi, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước. Đảm bảo được mục tiêu an toàn năng lượng quốc gia. TKV thực hiện nghiêm túc những quy định của pháp luật về chính sách lương, thưởng, bảo hiểm cho người lao động. Vấn đề về an toàn lao động, điều kiện làm việc, môi trường lao động luôn được quan tâm và bảo đảm ở mức tốt nhất.

TKV đã quan tâm thực hiện trách nhiệm với cộng đồng và trách nhiệm môi trường: Tham gia đóng góp ủng hộ các địa phương, hỗ trợ người nghèo, gia đình chính sách, xây trường học và thực hiện tốt các quy định về môi trường…

Một số tồn tại và nguyên nhân của tồn tại

TKV đã quan tâm đến thực hiện trách nhiệm xã hội tương xứng với vai trò và năng lực của Tập đoàn. Tuy nhiên, hiện nay chưa có thang đo đánh giá cụ thể về các mức độ thực hiện trách nhiệm xã hội, cũng như tác động ngược lại của thực hiện trách nhiệm xã hội với bản thân doanh nghiệp. Chi phí mà TKV đóng góp cho các hoạt động xã hội rất lớn, nhưng chưa có các bộ phận chuyên biệt để giám sát thực hiện tình hình thực hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, người lao động…

Do đặc thù ngành là lao động nặng nhọc nên khối lao động trực tiếp luôn phải đối mặt với rủi ro trong an toàn lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người lao động. Mặc dù đã có các biện pháp đảm bảo môi trường làm việc, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật nhưng vẫn xảy ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, số công nhân mắc viêm phổi do bụi than khá cao. TKV đã có các cơ chế chính sách nhằm đảm bảo tốt nhất đời sống của người lao động, người thân của lao động bị tai nạn hoặc tử vong do tai nạn lao động gây ra. Tuy nhiên, một số ít bộ phận lao động vẫn chưa được chăm lo kịp thời, chế độ trợ cấp còn bị chậm do chính sách hoặc bị gây khó dễ.

Mức độ nhận thức và hiểu biết của người lao động và trách nhiệm xã hội chưa đầy đủ, toàn diện, dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau trong việc thực hiện. Vì vậy, trong quá trình thực hiện trách nhiệm xã hội, một số đơn vị trong tập đoàn chưa đánh giá đúng về tầm quan trọng, dẫn đến việc thực hiện còn hời hợt cho có.

4. Kết luận và kiến nghị

Trong giai đoạn hiện nay, thực hiện trách nhiệm xã hội được coi là công cụ hữu hiệu nhất để nâng cao chất lượng, nâng cao uy tín, tăng doanh thu… đối với doanh nghiệp. Trong giai đoạn vừa qua, TKV đã rất quan tâm tới việc thực hiện trách nhiệm xã hội, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại đòi hỏi TKV trong thời gian tới phải có các biện pháp như nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội đối với cán bộ quản lý, người lao động trong Tập đoàn, để họ có ý thức hơn nữa trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội. TKV cũng cần có chiến lược dài hạn trong việc xây dựng và thực hiện trách nhiệm xã hội với một lộ trình phù hợp. Theo đó, TKV phải đưa ra các bước thực hiện, các bộ phận giám sát, thang đo kết quả thực hiện… phù hợp với các tiêu chí như kinh tế, pháp luật, đạo đức, nhân văn, hài hòa lợi ích của các chủ thể có liên quan, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế và thực hiện trách nhiệm của một Tập đoàn chủ chốt của quốc gia.

Tài liệu trích dẫn:

1 Carroll, A. B. (1991). The Pyramid of Corporate Social Responsibility: Toward the Morai Management of Organizational stakeholders. Business Horizons.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (2023). Báo cáo chế độ tiền lương, tiền thưởng của doanh nghiệp các năm 2020, 2021, 2022.
  2. Trung tâm Phát triển và Hội nhập (2021). Doanh nghiệp càng lớn, mức độ thực hành kinh doanh có trách nhiệm càng cao. Truy cập tại http://cdivietnam.org/doanh-nghiep-canglon-muc-do-thuc-hanh-kinh-doanh-co-trachnhiem-cang-cao
  3. Carroll. A, (1991). The Pyramid of Corporate Social Responsibility: Toward the Moral Management of Organizational Stakeholders. Business Horizons, 34, 39-48.

The implementation of corporate social responsibility in Vietnam National Coal and Mineral Industries Group

Master Nguyen Thi Ngoc Anh

Faculty of Eonomics - Business Administration,

Hanoi University of Mining and Geology

Abstract:

This study analyzed the corporate social responsibility fulfillment of Vietnam National Coal and Mineral Industries Group (Vinacomin) in the period 2020–2023. Besides the achieved results, Vinacomin still needs to take measures in the coming time, such as raising awareness of social responsibility for managers and employees in the company. Based on the study’s findings, some recommendations were made to help Vinacomin better implement the company’s corporate social responsibility.

Keywords: corporate social responsibility, Vietnam National Coal and Mineral Industries Group (Vinacomin).

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4 tháng 3 năm 2024]