Thực tiễn áp dụng hình phạt tiền tại tỉnh Đồng Nai và một số kiến nghị hoàn thiện

Bài viết "Thực tiễn áp dụng hình phạt tiền tại tỉnh Đồng Nai và một số kiến nghị hoàn thiện" do ThS. Đỗ Thị Huệ (Thẩm phán TAND thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) thực hiện.

Tóm tắt:

Hình phạt tiền là biện pháp cưỡng chế của Nhà nước có tính chất kinh tế do Tòa án quyết định áp dụng đối với người, pháp nhân thương mại phạm tội, nhằm buộc họ nộp một khoản tiền để sung vào công quỹ Nhà nước. Thông qua việc phân tích tình hình áp dụng hình phạt tiền trong thực tiễn tại Tòa án các cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, bài viết làm rõ những vướng mắc, bất cập và đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện và nâng cao hiệu quả áp dụng hình phạt tiền trong hoạt động xét xử của Tòa án.

Từ khóa: hình phạt tiền, thực tiễn áp dụng hình phạt tiền, kiến nghị hoàn thiện hình phạt tiền, tỉnh Đồng Nai.

1. Thực tiễn áp dụng hình phạt tiền tại tỉnh Đồng Nai

1.1. Tình hình áp dụng hình phạt tiền tại tỉnh Đồng Nai

Theo báo cáo tổng kết từ năm 2015 đến nay của hệ thống Tòa án, Đồng Nai luôn giữ vị trí có số lượng án thụ lý và giải quyết đứng thứ 3 cả nước, sau Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Trong tổng số án giải quyết, số lượng án hình sự chiếm một tỷ lệ tương đối cao và gần như tăng đều theo các năm. Tỉnh Đồng Nai có 11 huyện, thành phố trực thuộc, án sơ thẩm hình sự chủ yếu do Tòa án cấp huyện xét xử sơ thẩm; Tòa án tỉnh Đồng Nai có xét xử sơ thẩm hình sự nhưng số án không nhiều. 

Trong các vụ án hình sự được Tòa án hai cấp tỉnh Đồng Nai xét xử có tuyên hình phạt thì hình phạt tiền (HPT) được áp dụng cả vai trò là hình phạt chính (HPC) và hình phạt bổ sung (HPBS). HPT là HPC được áp dụng từ năm 2019 đến 2023 là 1.172 vụ án với 4.192 bị cáo (23.536 bị cáo bị áo dụng HPC là HP khác), tỷ lệ đạt 17,81%. HPT là HPBS được áp dụng từ năm 2019 đến 2023 là 237 vụ án với 530 bị cáo (có 511 bị cáo bị áo dụng HPBS khác), tỷ lệ đạt 12,18%. Như vậy, tổng số lượng án các loại thụ lý, giải quyết từ năm 2019 đến 2023 ngày càng tăng và số lượng án hình sự được thụ lý và giải quyết cũng tăng tương ứng. Trong các án hình sự được đưa ra xét xử, các hình phạt được các Tòa án áp dụng đa dạng bao gồm các loại hình phạt được quy định trong BLHS năm 2015, trong đó có hình phạt tiền.

Nhìn chung, số vụ án và số lượng bị cáo có áp dụng hình phạt tiền chiếm tỷ lệ thấp so với các hình phạt khác trong quá trình xét xử. Số vụ án các Tòa án có áp dụng hình phạt tiền hàng năm chỉ chiếm khoảng 8.62 % số vụ án đưa ra xét xử (1.172/13.588 vụ). Số bị cáo có áp dụng hình phạt tiền chiếm tỷ lệ trung  bình 17.81% trên tổng các bị cáo bị áp dụng hình phạt. Số bị cáo bị áp dụng HPT kể từ năm 2019 đến 2023 có biến động tăng, giảm nhưng so từ đầu mốc 2019 đến mốc cuối năm 2023 có tăng, nhưng tăng nhẹ ở tỷ lệ áp dụng là HPC, ít tăng ở tỷ lệ áp dụng là HPBS. Có sự chênh lệch cao và rất rõ rệt về số bị cáo và tỷ lệ áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính và hình phạt bổ sung trong từng Tòa án.

- Về loại tội danh được áp dụng HPT: HPT được áp dụng nhiều nhất đối với các tội phạm xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Cụ thể hình phạt tiền được áp dụng nhiều nhất đối với tội tổ chức đánh bạc, đánh bạc và gá bạc. Trong mốc thời gian 05 năm, tỷ lệ án hủy, sửa về HPT của Tòa án cấp sơ thẩm là rất thấp. Đối với các quyết định HPT của Tòa án cấp tỉnh xử sơ thẩm đều không có kháng cáo, kháng nghị.

Nghiên cứu trên cho thấy, thực tiễn áp dụng HPT trong Tòa án hai cấp tỉnh Đồng Nai 5 năm qua có những đặc điểm sau:

- BLHS hiện hành mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền cũng như quy định về TNHS với pháp nhân thương mại phạm tội (PNTMPT). Kết quả, tỷ lệ áp dụng hình phạt tiền tăng đáng kể so với các năm trước đó. Tuy nhiên, đến nay, tỉnh Đồng Nai vẫn chưa có một PNTMPT nào bị truy cứu TNHS và bị áp dụng hình phạt.

- Số bị cáo và tỷ lệ áp dụng HPT có xu hướng tăng đều cho thấy những thay đổi nhất định trong nhận thức áp dụng HPT. 

- Việc áp dụng HPT là HPC hoặc HPBS chính xác, đúng pháp luật, chiếm tỷ lệ khá cao so với các hình phạt khác và so với tỷ lệ chung của cả nước. Tỷ lệ tái phạm và tái phạm nguy hiểm rất ít của những bị án bị áp dụng HPT thấp.

Trong những năm qua, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Đồng Nai đã áp dụng đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại những hạn chế, vướng mắc trong các quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng HPT như sau:

Thứ nhất, tỷ lệ áp dụng HPT nhìn chung có tăng nhưng còn chưa đáp ứng yêu cầu của chính sách pháp luật hình sự. Số bị cáo bị hình phạt tiền còn thấp so với số bị cáo bị đưa ra xét xử. Các tội phạm về ma túy, về kinh tế đều có tính lợi ích rất cao nhưng Tòa án gần như ít áp dụng HPBS là HPT, trong khi điều luật có quy định. 

Thứ hai, nhiều bản án chưa đảm bảo được nguyên tắc công bằng trong quyết định HPT dẫn đến không cá thể hóa khi quyết định hình phạt. Nhiều Tòa án chú trọng vào việc cá thể hóa hình phạt chính nhưng lại ít coi trọng cá thể hóa khi áp dụng hình phạt bổ sung. 

Thứ ba, khi lựa chọn quyết định hình phạt, các Tòa án có xu hướng lựa chọn hình phạt tù hơn là các hình phạt không tước tự do, trong đó có HPT. Có nhiều trường hợp bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng, có nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nơi cư trú rõ ràng, có thể áp dụng hình phạt tiền nhưng Tòa án lại áp dụng hình phạt tù với thời hạn ngắn, phạt tù nhưng cho hưởng án treo hoặc lựa chọn hình phạt cải tạo không giam giữ. 

Thứ tư, BLHS hiện hành có quy định TNHS và hình phạt tiền đối với PNTMPT thuộc các nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về môi trường, các tội xâm phạm an toàn công cộng và trật tự công cộng, tuy nhiên cho đến nay chưa có PNTMPT nào bị truy cứu TNHS và bị áp dụng hình phạt tại tỉnh Đồng Nai.

Thứ năm, BLHS hiện hành không có quy định về các biện pháp để chứng minh tài sản của người phạm tội và trên thực tế, Tòa án cũng không tiến hành thực hiện việc xác minh tài sản khi áp dụng HPT. Các bản án của các Tòa cũng không thể hiện có căn cứ vào tình hình tài sản của người phạm tội, sự biến động của giá cả trong việc áp dụng các quy định về HPT. Thực tế, người bị kết án có thể không có thu nhập, không có khả năng thi hành do đang bị mất việc làm hoặc phải chấp hành hình phạt tù hoặc hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn. Do đó, khi áp dụng làm giảm hiệu quả của HPT và gây tồn đọng trong công tác thi hành án dân sự.

Thứ sáu, gần như tất cả các quy định HPT là HBBS trong BLHS là loại chế tài tùy nghi, có thể áp dụng hoặc không áp dụng, có nghĩa là không bắt buộc, nhưng trong bản án của một số Tòa lại ghi miễn hình phạt tiền bổ sung cho bị cáo dẫn đến áp dụng pháp luật không chính xác.

Thứ bảy, BLHS hiện hành không quy định việc trừ thời hạn tạm giữ, tạm giam với hình phạt tiền nên bị cáo đã bị tạm giam, tạm giữ trước đó không thể khấu trừ và có thể dẫn đến việc Tòa án sẽ áp dụng hình phạt tù hoặc cải tạo không giam giữ thay vì HPT.

Thứ tám, tại Điểm b Khoản 1 Điều 35 BLHS hiện hành quy định phạt tiền áp dụng với “Người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định”. Thực tế áp dụng không có Tòa án nào áp dụng tội phạm rất nghiêm trọng nào khác ngoài các tội thuộc các nhóm tội trên.

1.2. Các nguyên nhân của những hạn chế, vướng mắc

Nguyên nhân từ các bất cập của BLHS hiện hành thể hiện như sau:

- Phạm vi áp dụng của hình phạt tiền theo BLHS hiện hành đã được mở rộng cũng như khắc phục mâu thuẫn so với BLHS năm 1999. Tuy nhiên, phạm vi, điều kiện áp dụng vẫn còn hạn chế. Đó là chỉ có 1/3 số điều luật có quy định HPT là HPC và HPBS, nhưng gần 100% quy định đều là chế tài lựa chọn và tùy nghi, chỉ có 01 điều có quy định HPT là HPBS duy nhất (Khoản 4 Điều 329 BLHS hiện hành quy định về Tội mua dâm người dưới 18 tuổi). Do vậy, khi lựa chọn hình phạt để quyết định, Tòa án có xu hướng không lựa chọn hình phạt tiền để áp dụng mà lựa chọn các hình phạt khác có quy định trong cùng điều luật đó.

- Tại Điểm b Khoản 1 Điều 35 BLHS hiện hành quy định, bên cạnh việc HPT được áp dụng với người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng, HPT còn được áp dụng với một số tội phạm khác do BLHS quy định. Tuy nhiên, ngoài các nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng có cấu thành tội phạm rất nghiêm trọng, BLHS năm 2015 không quy định HPT trong cấu thành tội phạm rất nghiêm trọng của nhóm tội nào khác.

- BLHS hiện hành có nhiều điều luật quy định HPT là HPC nhưng không quy định HPT là HPBS. Do đó, khi Tòa án không áp dụng HPT là HPC, không có căn cứ để áp dụng HPT là HPBS được, dù việc áp dụng cần thiết và có thể tăng sự linh hoạt và vai trò hỗ trợ của HPBS trong việc giáo dục, cải tạo người phạm tội, loại trừ điều kiện phạm tội mới ở họ.

- Mức phạt tiền tối thiểu của HPC và HPBS được quy định chung là 1.000.000 đồng trong phần chung của BLHS hiện hành. Việc quy định chung như trên không đảm bảo được nguyên tắc cá thể hóa hình phạt vì theo nguyên tắc này, HPC phải có tính chất và mức độ nghiêm khắc hơn HPBS. Việc quy định chung mức phạt tối thiểu dẫn đến không thể hiện được tính chất, vai trò khác nhau giữa 2 loại HP là HPC và HPBS. Mặt khác, mức tối thiểu của HPT quy định 1.000.000 đồng là quá thấp, không phù hợp với sự biến động của giá cả và tính cưỡng chế, răn đe của hình phạt trong pháp luật  hình sự. Một sự mâu thuẫn khác là trong các điều luật thuộc Phần các tội phạm, mức tối thiểu của HPT dù là HPC hay HPBS áp dụng đối với người phạm tội đều quy định từ 5.000.000 đồng trở lên. 

- Về cách tính tiền phạt, BLHS hiện hành chỉ quy định cách tính trên cơ sở mức quy định trong điều luật. Việc này sẽ có sự áp dụng không chính xác, công bằng đối với những vụ án có tính chất giá trị thiệt hại lớn hoặc thu lợi bất chính rất hoặc đặc biệt lớn. 

- BLHS hiện hành không quy định việc trừ thời hạn tạm giam, tạm giữ vào HPT. Đối với hình phạt tù, hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo thì thời gian đã bị tạm giam, tạm giữ được trừ cho bị cáo. Tuy nhiên, khi đủ điều kiện áp dụng HPT, Tòa án chỉ quyết định mức phạt tiền mà không có biện pháp nào xem xét khấu trừ, xử lý những ngày tạm giam, tạm giữ cho bị cáo dẫn đến thiệt hại cho chính người phạm tội và dễ dẫn đến việc Tòa án lựa chọn HP khác thay thế cho HPT. 

- Điều 35 của BLHS hiện hành quy định, khi quyết định hình phạt tiền và mức phạt tiền Tòa án phải xem xét đến tình hình tài sản của người phạm tội và sự biến động của giá cả thị trường nhưng không quy định về các biện pháp để chứng minh tài sản của người phạm tội. Vì vậy, việc quyết định mức phạt tiền đôi lúc phụ thuộc vào cảm tính của Hội đồng xét xử và làm cho HPT đã tuyên thiếu khả thi, không đạt được mục đích, hiệu quả của hình phạt.

Các nguyên nhân khác: 

- Công tác hướng dẫn áp dụng pháp luật của các cơ quan chức năng, trong đó có TAND tối cao đôi khi còn chậm triển khai; chưa được ban hành kịp thời và đặc biệt chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể riêng về hình phạt tiền. Điều này dễ dẫn đến các Tòa án vận dụng khác nhau, có thể dẫn đến tình trạng áp dụng không đúng, không chính xác HPT.

- Hàng năm, hoạt động xét xử của Tòa án được kiểm tra giám sát thông qua Đoàn kiểm tra của Tòa án cấp trên, của Hội đồng nhân dân, các cơ quan khác như Ban Nội chính, Ban Pháp chế… Tuy nhiên, sự chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra của cấp trên, các cơ quan khác  đối với công tác xét xử của Tòa án chưa phát huy hết tính tích cực của công tác này. Nội dung thanh, kiểm tra chủ yếu tập trung vào việc tìm lỗi sai mà chưa đi sâu vào việc hướng dẫn khắc phục. Vì vậy, thái độ của Tòa án, công chức Tòa án còn thể hiện việc đối phó, chưa thực sự thể hiện sự cầu thị để lắng nghe góp ý, xây dựng từ công tác thanh, kiểm tra.

- Về việc nghiên cứu, tổng kết công tác xét xử về việc áp dụng HPT trong thực tiễn xét xử của Tòa án chưa được thực hiện đồng thời cùng với việc tập huấn nghiệp vụ cho Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân. Nhiều Tòa án thuộc tỉnh Đồng Nai áp dụng HPT chưa hợp lý, chưa thống nhất. Điều này chứng tỏ các Tòa án chưa đánh giá đúng vị trí, vai trò của HPT trong giáo dục và cải tạo người phạm tội.

- Năng lực và kinh nghiệm thực tế của một số Thẩm phán ở Đồng Nai hiện nay chưa đồng đều; một số Thẩm phán mới được bổ nhiệm chưa có nhiều kinh nghiệm xét xử. Do đó, khi áp dụng HPT còn chưa phù hợp, chính xác. Thực tế, khi Tòa án nhân dân tối cao ban hành Quyết định số120//QĐ-TANDTC ngày 19/6/2017 về xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân, các Thẩm phán có tâm lý đắn đo khi đề nghị hình phạt tiền trong các vụ án do sợ dư luận cho rằng có tiêu cực, sợ kháng nghị sẽ bị sửa tăng hình phạt dẫn đến bị xử lý kỷ luật. 

- Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử hầu hết chỉ nghiên cứu cáo trạng mà không nghiên cứu toàn bộ hồ sơ nên ý kiến còn chưa thực sự hiệu quả khi biểu quyết  về áp dụng hình phạt, trong đó có hình phạt tiền.

2. Một số giải pháp nhằm hoàn thiện và nâng cao hiệu quả áp dụng hình phạt tiền trong hoạt động xét xử của Tòa án

Để nâng cao hiệu quả và áp dụng HPT đúng quy định pháp luật, chúng tôi đề xuất các giải pháp sau:

- Cần hoàn thiện quy định của BLHS hiện hành theo hướng:

Cần mở rộng phạm vi áp dụng HPT là HPC và HPBS đối với các tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng theo hướng tăng thêm quy định trong điều luật của nhóm tội đã có quy định về HPT, quy định HPT trong các nhóm tội chưa có. Cần xây dựng khung hình phạt ở những tội nhất định chỉ có các hình phạt không phải hình phạt tù là hình phạt chính, xóa bỏ tình trạng HPT chỉ là HP mang tính chất tùy nghi, lựa chọn. 

Tất cả các điều luật có quy định HPT là HPC sẽ được sửa đổi, bổ sung quy định HPT là HPBS để mở rộng và tăng cường hiệu quả áp dụng HPT. Cụ thể, BLHS hiện hành cần bổ sung HPBS là HPT tại các điều luật sau: 135, 136, 138,139, 155, 162, 165, 176, 204, 206, 231, 260, 261, 262, 268, 269, 270, 271, 272, 273, 274, 275, 276, 277, 278, 283, 284, 293, 294, 307, 314, 318, 345, 347, 391.

Tại Điểm b Khoản 1 Điều 35 BLHS hiện hành quy định HPT còn áp dụng là HPC với “Người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định”. Tuy nhiên, Phần các tội phạm của BLHS năm 2015 thì không có quy định về nội dung này. Vì vậy, cần khắc phục bằng cách bổ sung các quy định hình phạt tiền là HPC với các tội rất nghiêm trọng ngoài nhóm các nhóm tội hiện hành đã được quy định.

BLHS hiện hành cần bổ sung quy định về biện pháp đảm bảo thi hành hình phạt tiền đó là quy định số lần nộp và thời gian nộp, có thể quy định tiền phạt được nộp 01 lần hay nhiều lần nhưng không quá 03 đến 5 lần tùy theo mức tiền phạt bị áp dụng, không được quá 02 năm và do Tòa quyết định trong bản án. Quy định này tạo điều kiện cho người bị kết án nộp tiền nhưng vẫn đảm bảo được tính nghiêm minh cũng như hiệu quả của hình phạt tiền để người bị kết án phạt tiền không chây ỳ, trốn tránh thi hành HP đối với Nhà nước. 

BLHS hiện hành quy định HPT không được thay thế cho HP tù và ngược lại. Trong khi hình phạt không phải HPT lại có áp dụng. Vì vậy, các nhà lập pháp cần nghiên cứu việc chuyển đổi hình phạt kèm theo các điều kiện chặt chẽ để đảm bảo việc thi hành HP có hiệu quả. Có thể đề xuất quy định bổ sung như sau: Hình phạt tiền không được nộp sẽ đổi thành hình phạt tù, 03 ngày thu nhập sẽ bằng 01 ngày tù, 01 ngày tạm giam, tạm giữ được quy đổi bằng 3 ngày thu nhập (cơ sở để tính ngày thu nhập có thể tham chiếu từ quy định của Bộ luật Lao động để làm căn cứ).

Điều 35. Phạt tiền (sửa đổi)

........................................

  1. Tiền phạt có thể được nộp 01 lần hoặc nhiều lần nhưng không quá 03 đến 5 lần tùy theo mức phạt, trong thời hạn không quá 02 năm và được Tòa án quyết định trong bản án. Hình phạt tiền không được nộp sẽ đổi thành hình phạt tù, 03 ngày thu nhập sẽ bằng 01 ngày tù; 01 ngày tạm giam, tạm giữ được quy đổi bằng 3 ngày thu nhập.

Trường hợp một người đã bị tạm giam, tạm giữ nhưng bị kết án phạt tiền thì thời gian tạm giam, tạm giữ được trừ vào số tiền mà người bị kết án phải chấp hành, cứ 01 ngày tạm giam, tạm giữ bằng 03 ngày thu nhập”.

- Cần bổ sung quy định về các biện pháp chứng minh tài sản, thu nhập, khả năng tài chính của người, PNTMPT làm cơ sở để quyết định áp dụng hình phạt tiền. Trong thực tiễn thi hành phần dân sự trong bản án hình sự tại Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng, việc chấp hành án phạt tiền của người bị kết án còn gặp nhiều khó khăn như chưa kịp thời kê biên tài sản để đảm bảo thi hành án, tài sản của người bị kết án lại là tài sản chung với người khác hoặc người thân thích trong gia đình hoặc họ không có tài sản, thu nhập gì… Vì vậy, việc quy định các biện pháp chứng minh tài sản, thu nhập là cần thiết để đảm bảo hiệu quả áp dụng và thi hành hình phạt tiền.

BLHS hiện hành chỉ quy định một cách xác định mức tiền phạt duy nhất là căn cứ vào số tiền tối thiểu và tối đa quy định trong điều luật. Các quy định này có ưu điểm là dễ áp dụng, trách tùy tiện, không thống nhất trong cách xác định số tiền phạt nhưng đối với những trường hợp phạm tội có tính chất, mức độ đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại hoặc thu lợi bất chính quá lớn... thì không đảm bảo xử lý phù hợp. Vì vậy, BLHS nên quy định thêm các cách tính tiền phạt đối với một số tội để đảm bảo sự đa dạng và linh hoạt trong áp dụng HPT. Có thể quy định cách tính tiền phạt như ấn định mức tối đa xác định dựa trên số lần phạm tội, giá trị hàng, tài sản phạm pháp, theo bội số tiền trốn thuế, theo số tiền, tài sản trục lợi, hoặc theo mức độ thiệt hại do người hoặc PNTMPT gây ra.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn áp dụng BLHS nói chung, trong đó có HPT là một yêu cầu khách quan và cần thiết để việc thực thi và áp dụng pháp luật một cách chính xác, nghiêm minh và có hiệu quả. Tòa án nhân dân tối cao phải hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật và phát triển án lệ; thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm về công tác xét xử các loại vụ án nhằm tổng hợp những sai sót và vướng mắc mà các Tòa án thường gặp để kịp thời hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật.

- Cần tăng cường tổ chức triển khai, quán triệt thi hành các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành đến toàn thể công chức qua nhiều hình thức khác nhau: công khai các bản án, quyết định của Tòa án; thông qua công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ… Mặt khác, thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật mà người dân được nâng cao hiểu biết pháp luật, hiểu đươc giá trị và ý nghĩa của hình phạt (trong đó có HPT) và ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật.

- Các Tòa án cấp trên phải quan tâm làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra và giám đốc việc xét xử đối với Tòa án cấp dưới để kịp thời phát hiện và khắc phục ngay đối với những sai sót trong quá trình giải quyết án, trong áp dụng hình phạt tiền không đúng quy định, có biểu hiện tiêu cực.

- Tòa án nhân dân các cấp tỉnh Đồng Nai cần coi trọng và tăng cường công tác tổng kết thực tiễn xét xử, thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm về công tác xét xử các loại vụ án nhằm tổng hợp những sai sót và vướng mắc các Tòa án thường gặp để kịp thời hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật; rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn áp dụng pháp luật để giảm thiểu những thiếu sót, sai lầm, kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về HPT trong BLHS nhằm đáp ứng nhu cầu của thực tiễn. 

- Cần tổ chức giao lưu, trình bày chuyên đề, tổ chức hội thảo với các Tòa án tỉnh lân cận có nhiều điểm chung với Đồng Nai, như: Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh để học hỏi các sáng kiến trong công tác giải quyết án, các kinh nghiệm và đánh giá khi quyết định HPT trong bản án hình sự. Từ đó, vừa tạo ra sự phối hợp về công tác (khi có tranh chấp về thẩm quyền, ủy thác tư pháp), vừa học hỏi cùng nâng cao năng lực cho cán bộ công chức Tòa án các bên. 

- Tòa án tỉnh Đồng Nai cần tổ chức công tác sát hạch, nâng cao năng lực, khuyến khích việc tự học; thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm qua các vụ án; tạo điều kiện cho cán bộ được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Các công tác quy hoạch, luân chuyển, đánh giá cán bộ, tổ chức thi tuyển mang tính chất cạnh tranh, đề cử cán bộ có năng lực vào những vị trí có chức danh tư pháp hoặc lãnh đạo, xác định các tiêu chí chức danh nghề nghiệp để làm căn cứ sắp xếp cán bộ, đồng thời đổi mới, trẻ hóa đội ngũ Thẩm phán trên cơ sở tiêu chuẩn và có sự chuẩn bị chu đáo, kết hợp các độ tuổi, bảo đảm tính liên tục, kế thừa và phát triển. Cần mở các hội thi Thẩm phán giỏi, Thư ký giỏi để tạo động lực, niềm vui cho cán bộ, công chức. 

- Tiếp tục có chính sách khuyến khích, động viên và đề cao tinh thần trách nhiệm, kỷ luật lao động, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ và đội ngũ Thẩm phán; cũng như thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, kịp thời khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích; xử lý nghiêm và kịp thời những tập thể, cá nhân có sai phạm; kịp thời rút kinh nghiệm, tìm giải pháp khắc phục những biểu hiện sai phạm, lệch lạc trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ Thẩm phán.

3. Kết luận

Mặc dù BLHS hiện hành đã mở rộng phạm vi và điều kiện áp dụng hình phạt tiền, số bị cáo bị kết án HPT và tỷ lệ áp dụng trên số bị cáo bị xét xử có tăng nhưng vẫn chiếm tỷ lệ thấp. Có sự chênh lệch nhau khi áp dụng hình phạt tiền của Tòa án các huyện, việc áp dụng còn nhiều điểm chưa thống nhất, nhận thức của Tòa án, các Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân về tầm quan trọng và vai trò của hình phạt tiền chưa thực sự đầy đủ. Vì vậy, cần có nhiều giải pháp đồng bộ để khắc phục các tồn tại và hạn chế trên, nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng hình phạt tiền trong công tác xét xử tại Tòa án tỉnh Đồng Nai, như: Các giải  pháp hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự về hình phạt tiền; Các giải pháp tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật, thanh tra, kiểm tra hoạt động xét xử; Giải pháp tổng kết thực tiễn, hợp tác và trao đổi kinh nghiệm với Tòa án các địa phương lân cận; Giải pháp nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ý thức, trách nhiệm của đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân ở Tòa án các cấp.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (1999). Bộ luật Hình sự năm 1999.
  2. Quốc hội (2017). Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
  3. Đỗ Văn Chỉnh (2009). Hình phạt tiền và thực tiễn áp dụng, Tạp chí Tòa án nhân dân, (số 3/2009).
  4. Doãn Trung Đoàn (2013).  Hoàn thiện quy định về hình phạt tiền của BLHS Việt Nam, Tạp chí Tòa án nhân dân, 9(5), tr. 5-9.
  5. Nguyễn Hoàng Lâm (2012). Hoàn thiện quy định về hình phạt tiền trong BLHS Việt Nam hiện hành, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, (số 7/2012).
  6. Dương Tuyết Miên (2008). Hoàn thiện các quy định của BLHS hiện hành về các hình phạt chính nhẹ hơn hình phạt tù, Tạp chí Tòa án nhân dân, (số 19), tr.3-7.
  7. Nguyễn Sơn (1999). Về hình phạt tiền, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, (số 4/1999).
  8. Trịnh Quốc Toản (2011). Hình phạt bổ sung trong luật hình sự Việt Nam, sách chuyên khảo, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật.
  9. Nguyễn Đức Tuấn (1995). Hình phạt tiền - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  10. Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai  (2019 - 2023). Báo cáo tổng kết Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai, các năm 2015 đến năm 2023.
  11. Tòa án nhân dân Tối cao (2015 - 2020). Báo cáo tổng kết Tòa án nhân dân Tối cao năm 2015, 2016, 2017, 2018, 2019 và 2020
  12. Tòa án nhân dân tối cao - Ban biên tập Tạp chí Tòa án nhân dân (2013). Hoàn thiện các quy định về hình phạt tiền của BLHS Việt Nam, Tạp chí Tòa án nhân dân, (kỳ II tháng 9/2013).

 

 

The practice of enforcing fines in Dong Nai province and some recommendations

Master. Do Thi Hue

Judge, the People's Court of Bien Hoa city, Dong Nai province

Abstract:

A fine is a penalty of money that a court of law decides that people and commercial legal entities that commit crimes have to pay as punishment for a crime or other offense. By analyzing the practice of enforcing fines at all court levels in Dong Nai province, this paper clarifies existing problems and proposes solutions to strengthen the enforcement of fines in court proceedings.

Keywords: fines, practical enforcement of fines, recommendations to improve fines, Dong Nai province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23 tháng 10 năm 2023]