Tranh chấp hành chính, phương thức, mô hình, thẩm quyền của tòa án giải quyết đối với tranh chấp hành chính ở Việt Nam

Đề tài Tranh chấp hành chính, phương thức, mô hình, thẩm quyền của tòa án giải quyết đối với tranh chấp hành chính ở Việt Nam do TS. Hoàng Quốc Hồng (Trường Đại học Luật Hà Nội) thực hiện.

TÓM TẮT:

Bài viết phân tích về tranh chấp hành chính, phương thức giải quyết tranh chấp hành chính và mô hình giải quyết tranh chấp hành chính ở Việt Nam. Tính tất yếu của hoạt động kiểm soát đối với quyền lực hành chính thông qua thẩm quyền của tòa án. Những yêu cầu đặt ra, phương hướng khắc phục một số bất cập thông qua một số kiến nghị cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động tố tụng hành chính của tòa án hiện nay.

Từ khóa: tranh chấp hành chính, phương thức, mô hình, thẩm quyền, tòa án.

1. Khái quát về tranh chấp hành chính

Tranh chấp hành chính là một loại tranh chấp pháp lý cụ thể đó là “những tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực khác nhau của hoạt động hành chính nhà nước”[1] giữa các cá nhân, công dân tổ chức với cơ quan công quyền (chủ yếu là cơ quan hành chính nhà nước) và đội ngũ cán bộ, công chức của những cơ quan đó trong quá trình thực thi công vụ.

Tranh chấp hành chính phát sinh trong trường hợp các cơ quan hành chính ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính gây thiệt hại, đe dọa gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức, dẫn đến sự phản ứng của các đối tượng chịu sự tác động của quyết định hành chính, hành vi hành chính bằng cách khiếu nại hoặc khởi kiện.

Có thể khẳng định tranh chấp hành chính chính là tranh chấp giữa chủ thể quản lý hành chính nhà nước với đối tượng quản lý hành chính trong việc thực hiện quyền lực hành pháp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng quản lý. Vì vậy, những tranh chấp này phải được giải quyết bằng những phương thức riêng. Giải quyết khiếu nại theo thủ tục hành chính, hoặc giải quyết theo thủ tục tố tụng hành chính đối với khởi kiện của cá nhân, tổ chức. Tòa án không phải là cơ quan duy nhất có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hành chính nhưng nếu tranh chấp hành chính được giải quyết tại tòa án thì vụ án hành chính phát sinh [2]. Nội dung của vụ án hành chính là tranh chấp hành chính. Vụ án hành chính chỉ có thể phát sinh khi có yêu cầu khởi kiện hợp pháp và thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Vấn đề đặt ra ở đây chỉ tập trung phân tích về phương thức giải quyết tranh chấp hành chính bằng thủ tục tố tụng hành chính (thủ tục tư pháp) do Tòa án thực hiện.

2. Phương thức giải quyết tranh chấp hành chính thuộc thẩm quyền của tòa án

Trước đây (ngày 01/7/1996) ở nước ta, việc giải quyết các tranh chấp hành chính duy nhất chỉ thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước khi có khiếu nại của cá nhân, tổ chức. Cơ quan hành chính khi nhận được khiếu nại về quyết định hành chính, hành vi hành chính cá biệt đã được ban hành thì có trách nhiệm tiếp nhận giải quyết. Mỗi một cơ quan hành chính chỉ có thể giải quyết những tranh chấp trong phạm vi thẩm quyền do luật định. Kênh giải quyết khiếu nại theo thủ tục hành chính thực chất là cơ quan hành chính tự kiểm soát hoạt động của cơ quan đó. Khi giải quyết tranh chấp làm phát sinh quan hệ pháp luật hành chính giữa chủ thể bị khiếu nại là phía cơ quan nhà nước và chủ thể khiếu nại là cá nhân, tổ chức (đối tượng quản lý). Quan hệ hành chính về giải quyết khiếu nại luôn thể hiện sự bất bình đẳng giữa các chủ thể trong quan hệ, vì vậy cơ quan hành chính chủ thể trong quan hệ này bao giờ cũng có ưu thế hơn. Cụ thể, cơ quan hành chính vừa là chủ thể ban hành quyết định, vừa là chủ thể giải quyết khiếu nại. Cơ chế giải quyết tranh chấp này khó có thể đảm bảo công bằng. Chính vì lẽ đó, việc kiểm soát quyền lực trong quản lý hành chính nhà nước thông qua giải quyết tranh chấp hành chính sẽ toàn diện, hữu hiệu hơn, khắc phục được nhược điểm cố hữu của việc giải quyết tranh chấp hành chính bằng con đường hành chính, nếu mở rộng phương thức giải quyết tranh chấp. Xuất phát từ yêu cầu đó, Quốc hội khóa IX kỳ họp thứ 8 ngày 28/10/1995 đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Tòa án nhân dân 1993. Trong đó quy định tòa án nhân dân có thêm chức năng xét xử vụ án hành chính, phân tòa hành chính được thành lập, đi vào hoạt động từ ngày 1/7/1996. Phương thức giải quyết tranh chấp hành chính được pháp luật quy định ngày càng hoàn thiện, có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Sau này để đáp ứng với yêu cầu đòi hỏi của xã hội, Quốc hội ban hành Luật Tố tụng hành chính 2010 và luật này được thay thế bởi Luật Tố tụng hành chính năm 2015, là cơ sở pháp lý quan trọng để tòa án xét xử các vụ án hành chính. Song hành cùng với việc giải quyết tranh chấp hành chính do cơ quan hành chính thực hiện. Từ đó, cá nhân, tổ chức có quyền lựa chọn phương thức khiếu nại theo thủ tục hành hành chính hoặc khởi kiện để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình.

Như vậy, phương thức giải quyết tranh chấp hành chính được hiểu là hoạt động xét xử các vụ án hành chính phát sinh giữa công dân với cơ quan công quyền (chủ yếu cơ quan hành chính, cán bộ, công chức người có chức vụ, chức danh trong cơ quan hành chính) theo thủ tục tố tụng do toàn án thực hiện nhằm bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hành chính thông qua hoạt động xét xử khi có đơn khởi kiện của cá nhân, tổ chức. Phương thức này ở Việt Nam ngày càng được củng cố phát triển và bước đầu đã đáp ứng được kỳ vọng của xã hội.

3. Mô hình giải quyết tranh chấp hành chính, giải quyết tranh chấp hành chính bởi thẩm quyền của tòa án trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và kiểm soát quyền lực hành chính ở nước ta

3.1. Mô hình giải quyết tranh chấp hành chính

Trên thế giới có nhiều mô hình tài phán hành chính (tổ chức xét xử vụ án hành chính) khác nhau. Mỗi một mô hình có những ưu điểm riêng, phù hợp với điều kiện lịch sử, quan điểm của từng quốc gia. Vì vậy, không thể sao chép bất kỳ một mô hình nào vào nước ta. Việc học hỏi một mô hình nào đó, phải có chắt lọc để xây dựng mô hình giải quyết tranh chấp hành chính phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội, đặc điểm của truyền thống pháp lý, lịch sử của đất nước. Từ đó, thiết kế mô hình cho phù hợp để triển khai các phương thức giải quyết tranh chấp hành chính hiệu quả, vừa kiểm soát được hoạt động hành chính, vừa đảm bảo quyền kiểm tra, giám sát của nhân dân với cơ quan nhà nước. Xây dựng mô hình giải quyết tranh chấp hành chính phải phù hợp với cải cách hệ thống tư pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam hiện nay.

Với một quan điểm xuyên suốt như vậy, việc xây dựng mô hình xét xử vụ án hành chính (tài phán) hiện nay ở nước ta theo giải pháp trung gian. Cơ quan có thẩm quyền xét xử vụ án hành chính là tòa án nhân dân. Ở nước ta chỉ có duy nhất một hệ thống tòa án, trong đó có tổ chức các phân tòa trong hệ thống tòa án nhân dân phân tòa hành chính được thành lập ở Tòa án tỉnh; Tòa cấp cao. Xét xử vụ án hành chính còn được thực hiện bởi Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân huyện và tương đương.

Giải quyết tranh chấp hành chính thông qua tòa án đã khẳng định được vai trò đối với xã hội, vì vậy cần phải được củng cố, kiện toàn phát huy những điểm ưu việt của phương thức này. Đồng thời có sự phối kết hợp với cơ chế giải quyết tranh cấp theo thủ tục hành chính do cơ quan hành chính thực hiện. Mô hình tòa án hiện tại cùng với phương thức giải quyết tranh chấp hành chính do cơ quan hành chính thực hiện, nhằm giải quyết mâu thuẫn, bất đồng, xung đột về lợi ích giữa các chủ thể giữa một bên là cơ quan nhà nước và một bên là cá nhân, tổ chức, nhằm tạo ra sự cân bằng về lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong quan hệ hành chính.

3.2. Giải quyết tranh chấp hành chính thông qua thẩm quyền của tòa án nhằm kiểm soát quyền lực hành chính, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức

Việc giải quyết tranh chấp hành chính theo thủ tục tố tụng hành chính do Luật Tố tụng hành chính quy định, thuộc về thẩm quyền tố tụng của tòa án. Hoạt động xét xử vụ án hành chính do tòa án thực hiện là trọng tâm của hoạt động tố tụng. kết quả giải quyết tranh chấp được thể hiện dưới hình thức bản án và được đảm bảo thực hiện bởi cơ chế thi hành án theo qui định pháp luật về tố tụng. Giải quyết tranh chấp hành chính bằng con đường tòa án theo thủ tục tố tụng (tư pháp), đồng thời hướng tới 2 mục đích: bảo vệ lợi ích của cá nhân, tổ chức tham gia quan hệ pháp luật hành chính và kiểm soát quyền lực nhà nước. Hai mục đích này hòa quyện vào nhau, có quan hệ khăng khít với nhau, là hai mặt của một vấn đề: muốn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức thì phải kiểm soát việc sử dụng quyền lực nhà nước, ngăn chặn nguy cơ lạm quyền, khi thi hành công vụ gây thiệt hại cho đối tượng quản lý. Bên cạnh đó, kiểm soát việc sử dụng quyền lực nhà nước ở đây cũng chính là để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức.

Kiểm soát quyền lực nhà nước trong giải quyết tranh chấp hành chính thông qua thẩm quyền của tòa án còn được thể hiện ở những phương diện sau:

Thứ nhất, kiểm soát quyền lực thể hiện ở thủ tục thụ lý đơn khởi kiện của tòa án.

Khâu đầu tiên của thủ tục giải quyết vụ án hành chính là thụ lý đơn khởi kiện. Theo quy định của pháp luật tòa án có trách nhiệm tiếp nhận thụ lý vụ việc theo yêu cầu của người khởi kiện. Khâu này, có ý nghĩa quyết định đối với việc quyền lực hành chính có được kiểm soát hay không. Tòa án tiếp nhận đơn khởi kiện của các đương sự khi đáp ứng các điều kiện do luật định, đồng thời xem xét nội dung của tranh chấp hành chính bị khởi kiện. Quy định này thể hiện việc kiểm soát quyền lực bắt đầu được thực hiện khi tòa án thụ lý vụ việc và xuyên suốt quá trình thực hiện thủ tục tố tụng hành chính cho đến khi Hội đồng xét xử ban hành bản án phán quyết tính đúng sai của các các bên và quyết định trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên phải thi hành quyết định của tòa.

Thứ hai, kiểm soát quyền lực thể hiện ở thẩm quyền xét xử.

Tòa án xét xử vụ án hành chính là một trong những hoạt động kiểm soát ngoài hệ thống hành chính, bằng thủ tục tố tụng do tòa án thực hiện. Đây có thể coi là dùng quyền tư pháp để kiểm soát quyền hành pháp. Phương thức kiểm soát quyền lực này được sử dụng trong các nhà nước hiện đại mà chúng ta kế thừa. Tòa án không chỉ là một trong những cơ quan trong bộ máy nhà nước sử dụng quyền lực nhà nước, mà còn được coi là cơ quan đại diện bảo vệ công lý, thực thi công lý. Phương thức này có ưu điểm vượt trội so với phương thức giải quyết khiếu nại trong việc kiểm soát quyền lực nhà nước. Tòa án hoàn toàn độc lập về tổ chức và hoạt động so với cơ quan hành chính, nên khách quan trong việc giải quyết tranh chấp hành chính.

Thứ ba, kiểm soát quyền lực thể hiện ở việc tòa án xem xét tính hợp pháp quyết định hành chính, hành vi hành chính đối tượng khởi kiện.

Việc xác định đối tượng đối tượng khởi kiện theo Luật Tố tụng hành chính hiện hành thể hiện tòa án khi tiếp nhận đơn khởi kiện của các đương sự, có quyền xem xét quyết định hành chính, hành vi hành chính do cơ quan hành chính người có thẩm quyền trong cơ quan đó ban hành. Trong quá trình xét xử xét thấy quyết định, hành vi hành chính trái pháp luật tòa án có thẩm quyền phán quyết trong bản án, tuyên hủy hoặc chấm dứt hành vi hành chính. Điều này cho thấy giải quyết vụ án hành chính là phương thức kiểm soát quyền lực hành chính chính rất hữu hiệu có giá trị đối với việc ban hành, thực hiện quyết định, hành vi bị  khởi kiện.

Thứ tư, kiểm soát quyền lực thông qua thi hành bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật.

Sau khi giải quyết vụ án hành chính, tòa án có có thẩm quyền ban hành bản án hành chính. Nội dung của bản án chính là phán quyết của tòa án. Về nguyên tắc, các đương sự có liên quan đến phán quyết của tòa án phải nghiêm chỉnh chấp hành bản án hành chính của tòa án đã tuyên. Trường hợp bản án không được thi hành, người được thi hành án làm đơn đề nghị tòa án xét xử sơ thẩm vụ án ra quyết định buộc thi hành bản án. Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án có trách nhiệm kiểm tra đôn đóc và xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án. Sau khi thi hành xong, cơ quan phải thi hành án thông báo cho tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án… và báo cáo cấp trên trực tiếp. Thủ trưởng cơ quan hành chính có trách nhiệm tổ chức, đôn đốc thực hiện bản án và xử lý trách nhiệm đối với cấp dưới nếu không thực hiện bản án hành chính. Những quy định này có giá trị bảo đảm cho việc thi hành bản án hành chính có hiệu lực pháp luật nên có ý nghĩa trực tiếp tới việc kiểm soát quyền lực nhà nước qua việc giải quyết tranh chấp hành chính. Kiểm soát quyền lực hành chính chỉ thực sự có ý nghĩa nếu các quyết định, bản án này được thi hành trên thực tế.

Thứ năm, kiểm soát quyền lực hành chính trong việc xem xét xử lý văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, hành vi hành chính liên quan trong vụ án hành chính.  

Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, tòa án có quyền xem xét về tính hợp pháp của văn bản hành chính, hành vi hành chính có liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện và kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại văn bản hành chính, hành vi hành chính đó và trả lời kết quả cho tòa án theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Tòa án có quyền kiến nghị cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật nếu phát hiện văn bản đó có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm trả lời tòa án kết quả xử lý văn bản quy phạm pháp luật bị kiến nghị theo quy định của pháp luật làm cơ sở để tòa án giải quyết vụ án.

3.3. Một vài kiến nghị

- Sự độc lập của tòa án khi xét xử vụ án hành chính mà bên bị kiện luôn là cơ quan hành chính, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính là vấn đề mang tính lý thuyết nhiều hơn thực tế. Tồn tại này có nguyên nhân là tổ chức và thẩm quyền xét xử của tòa án theo cấp, lãnh thổ giống như cơ quan hành chính, nên dẫn đến quan hệ giữa các cán bộ, công chức của các cơ quan nhà nước trên cùng một địa bàn   khá thân thiết, cùng sinh hoạt chính trị trên cùng một Đảng bộ. Xét xử vụ án hành chính còn được quan niệm là xét xử “quan”. Chính điều đó, làm cho không ít thẩm phán thấy e ngại khi phải xử thua cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Giám đốc Sở, Trưởng phòng, những người có chức vụ chức danh trong cơ quan hành chính nhà nước. Vì vậy, tòa án chưa thực sự phát huy được thẩm quyền trong giải quyết tranh chấp hành chính, nên khả năng kiểm soát quyền lực đối với hoạt động quản lý hành chính chưa được như xã hội kỳ vọng. Để giải quyết tình trạng này, tòa án phải được tổ chức theo mô hình tòa khu vực, khi đó tòa án xét xử vụ án hành chính mới độc lập, khách quan trong việc bảo công lý. Với mô hình này, tòa án sẽ độc lập không gắn với cấp lãnh thổ như tổ chức cơ quan hành chính, sinh hoạt Đảng theo ngành dọc tòa án… Như vậy, tòa án mới xét xử vụ án hành chính thật sự hiệu quả.

- Theo pháp luật tố tụng hành chính hiện hành, các đương sự có quyền khởi kiện đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính trừ các quyết định, hành vi hành chính sau:“Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức”. [3] Về cơ bản, quy định này là hợp lý để đảm bảo tính độc lập, tự chủ, trong quản lý, điều hành những công việc phát sinh trong nội bộ cơ quan, tổ chức. Mặc dù vậy, nếu tất cả các quyết định, hành vi hành chính mang tính nội bộ đều không thuộc đối tượng khởi kiện thì việc kiểm soát quyền lực trong quản lý hành chính và việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự là cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước, cơ quan hành chính nhà nước bị tác động trực tiếp bởi quyết định loại này sẽ không thật sự hiệu quả. Chẳng hạn, quyết định hành chính về lương, ngạch, bậc, điều động, biệt phái, cho thôi việc công chức. Đây là những quyết định vẫn có thể rơi vào tình trạng bất hợp pháp, mà không được phép khởi kiện và không thuộc thẩm quyền thụ lý, giải quyết của tòa án. Thực tế này cho thấy đây là một khoảng trống không có quy định của pháp luật và không thể bị kiểm soát bởi hoạt động xét xử của tòa án. Quyết định kỷ luật cán bộ, công chức thực chất cũng là quyết định nội bộ nhưng lại được xác định là đối tượng khỏi kiện. Do đó, cần nghiên cứu, rà soát lại các quyết định hành chính nội bộ để xác định chính xác và mở rộng phạm vi những quyết định nội bộ nào được khởi kiện. Do đó, quy định các quyết định hành chính nội bộ nhưng liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức là đối tượng khởi kiện. Có như vậy, cơ chế kiểm soát quyền lực trong ban hành quyết định hành chính bởi tòa án mới đảm bảo khách quan, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Hiện nay, người bị kiện là chủ tịch UBND các cấp và cấp phó được ủy quyền thường không có mặt tại tòa khi được triệu tập khá phổ biến, cho thấy người có chức vụ đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương không tuân thủ pháp luật. Sự không chấp hành pháp luật trong trường hợp này xuất phát từ tư duy cũ, mòn trong quản lý một thời gian dài không bị kiểm soát ngoài hệ thống đối với cơ quan hành chính. Tâm lý, của người có chức vụ khi luôn cho rằng bản thân là người có chức vụ, chức danh được nhân danh nhà nước đại diện cho cơ quan hành chính nhà nước, nên không thể bình đẳng với đối tượng quản lý là cá nhân, công dân, tổ chức. Ở một chừng mực nhất định, tư duy cố hữu này dẫn đến hành động trốn tránh trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính và đồng thời không muốn thừa nhận sai lầm, thiếu sót khi thực hiện thẩm quyền quản lý. Việc có mặt của người bị kiện (cơ quan hành chính, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính) để cung cấp tài liệu, chứng cứ, tranh luận trong phiên tòa là hết sức cần thiết, mới đáp ứng yêu cầu giải quyết vụ án hành chính. Còn như tình trạng hiện nay việc cung cấp chứng cứ của UBND cho tòa khó khăn [4]. Tình trạng người đứng đầu cơ quan hành chính hoặc cấp phó khi được ủy quyền không có mặt còn có nguyên nhân đó là sự không đồng bộ của các quy định của pháp luật. Khoản 3, điều 60 luật Tố tụng Hành chính 2015 quy định: “Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của luật này”. Dẫn chiếu đến điểm b, khoản 2, điều 157 Luật Tố tụng hành chính 2015 lại quy định: “Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ 2 đối với người bị kiện… mà không có người đại diện tham gia phiên tòa, thì tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ”. Hai quy định này không thống nhất với nhau, dễ dẫn đến người có thẩm quyền tùy tiện không có mặt. Thực tế đó, cần phải có quy định: tòa án khi đã gửi giấy triệu tập đương sự (người bị kiện) mà người đứng đầu không tham gia và cấp phó được ủy quyền cũng không tham gia thì tòa án có quyền gửi văn bản kiến nghị đến cấp trên trực tiếp của người được triệu tập yêu cầu phải tham gia phiên tòa và Điều 157 Luật Tố tụng 2015 cần phải được sửa đổi là: “Tòa án triệu tập hợp lệ đối với người bị kiện thì người đại diện là người có chức vụ chức danh cao nhất phải có mặt tại tòa hoặc ủy quyền cho cấp phó tham gia phiên tòa”.

Thi hành án hành chính là một trong những hoạt động tư pháp có vai trò đặc biệt quan trọng, nhằm bảo đảm thi hành các bản án, quyết định hành chính của tòa án có hiệu lực pháp luật trên thực tế. Hoạt động thi hành án Hành chính hiệu quả, không chỉ thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, thể hiện quyền lực của nhà nước mà còn đảm bảo đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân [5]. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tỷ lệ các bản án hành chính chưa được thực hiện còn khá cao [6] do nhiều nguyên nhân và một trong những nguyên nhân đó là các quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ những người có trách nhiệm cao nhất trong cơ quan hành chính trong việc thi hành án hành chính, đôn đốc, kiểm tra và giám sát thi hành án hành chính chưa cụ thể. Tại Khoản 3, Điều 20, Nghị đinh số 71/2016/NĐ-CP.  quy định về xử lý kỷ luật trong thi hành án hành chính, chỉ quy định chung về hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ trong thi hành án hành chính. Thẩm quyền, thủ tục xử lý, hình thức xử lý kỷ luật cán bộ dụng đối với các trường hợp cụ thể chưa có quy định. Vì lẽ đó, gần như không thể áp dụng quy định này. Thực trạng này tồn tại khá lâu, nên phải sớm có quy định chi tiết, cụ thể trong Nghị định về chủ thể có thẩm quyền xử lý trách nhiệm của cán bộ, nếu không thi hành án hành chính hoặc không thực hiện thẩm quyền chỉ đạo thi hành án hành chính, để chậm thi hành án hành chính, tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng một trong các hình thức kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm. Cần có quy định trường hợp người phải thi hành án hành chính mà chậm thi hành án hành chính gây hậu quả nghiêm trọng thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự sau khi tòa án đã có quyết định buộc thi hành án hành chính.

Để kiểm soát hiệu quả việc sử dụng quyền lực nhà nước trong quản lý hành chính nhà nước thông qua thẩm quyền xét xử của tòa án giải quyết vụ án hành chính thì cần xóa bỏ triệt để tư duy áp đặt, coi trọng bên sử dụng quyền lực nhà nước, coi nhẹ bên phục tùng quyền lực nhà nước, đồng thời xác định chính xác, giải quyết khắc phục ngay những khiếm khuyết trong cơ chế kiểm soát quyền lực hành chính nhà nước hiện nay.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

  1. Trường Đại học Luật Hà Nội (1999). Từ điển giải thích thuật ngữ luật học, Nxb Công an nhân dân, tr 124 - 25.
  2. Trường Đại học Luật Hà Nội (2014), Giáo trình Luật Tố tụng hành chính Việt Nam, Nxb Công an Nhân dân, tr 212.
  3. Quốc hội (2009). Luật Tố tụng hành chính 2015, sửa đổi bổ sung 2019 (Khoản 1, Điều 30).
  4. Lê Hiệp (2022). “Chủ tịch UBND không đến tòa, không thi hành bản án hành chính là vô cảm”. Báo Thanh niên. Truy cập tại https://thanhnien.vn/chu-tich-ubnd-khong-den-toa-khong-thi-hanh-ban-an-hanh-chinh-la-   vo-cam-1851498660.ht
  5. Hoàng Thị Thanh Hoa (2022). Thi hành án hành chính - Những chuyển biến tích cực và giải pháp hoàn thiện. Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp. Truy cập tại http//tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/thi-hanh-phap-luat.aspx?ItemID=208.
  6. Hoàng Thị Thanh Hoa (2022). Thi hành án hành chính - Một số bất cập từ thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện. Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp. Truy cập tại https://thads.moj.gov.vn/noidung/tintuc/lists/nghiencuutraodoi/view_detail.aspx?itemid=993

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ngân Nga (2022). Án hành chính chậm thi hành: Bất cập về quy định xử lý trách nhiệm. Báo Thanh niên (https://thanhnien.vn/an-hanh-chinh-cham-thi-hanh-bat-cap-ve-quy-dinh-xu-ly-trach-nhiem-1851534345.htm).
  2. Chính phủ (2016). Nghị định số 71/2016/NĐ-CP quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của tòa án.
  3. Trường Đại học Luật Hà Nội (2014), Giáo trình Luật Tố tụng hành chính Việt Nam, Nxb Công an Nhân dân.
  4. Đại học Quốc gia Hà Nội (2019), Khoa Luật, Giáo trình Luật Tố tụng hành chính Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
  5. Phạm Hồng Thái (2001). Quyết định hành chính, hành vi hành chính đối tượng xét xử của tòa án, Nxb Tổng hợp Đồng Nai.
  6. Nguyễn Mạnh Hùng (2015). Phân định thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính và thẩm quyền xét xử hành chính ở Việt Nam. Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

Administrative disputes, administrative dispute settlement methods, and administrative dispute resolution models in Vietnam

Ph.D Hoang Quoc Hong

Hanoi Law University

Abstract:

This paper analyzes administrative disputes, administrative dispute settlement methods, and administrative dispute resolution models in Vietnam. The paper also analyzes the necessity of controlling administrative power through the jurisdiction of the courts. The paper points out the requirements and the direction to overcome some shortcomings of administrative dispute resolution in Vientam in order to improve the efficiency of the current administrative proceedings of the court.

Keywords: administrative disputes, methods, models, jurisdiction, courts.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 15 tháng 6 năm 2023]

Tạp chí Công Thương