Quốc tế nổi bật: Cơn mưa trừng phạt

Mỹ có kế hoạch áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hơn 500 mục tiêu liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.

Nga hứng chịu “mưa trừng phạt” từ Mỹ và EU

Tổng thống Mỹ Joe Biden
Tổng thống Mỹ Joe Biden

Chính quyền Tổng thống Joe Biden áp đặt lệnh trừng phạt đối với hơn 500 mục tiêu sau cái chết của nhân vật đối lập ở Nga Alexey Navalny. Gói trừng phạt bao gồm nhiều yếu tố liên quan đến cơ sở công nghiệp quốc phòng Nga và các nguồn doanh thu cho nền kinh tế Nga.

Cùng ngày 23/2, Hội đồng châu Âu (EC) thông báo Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua gói trừng phạt thứ 13 chống lại Nga. Gói trừng phạt nhắm vào 106 cá nhân và 88 thực thể, chủ yếu trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng và tư pháp. Các biện pháp chống lại những người và tổ chức được liệt kê bao gồm phong tỏa tài sản và cấm đi lại. EU cũng cấm công dân và công ty của khối này cung cấp tiền cho các đối tượng bị trừng phạt.

Thụy Điển và Hungary hợp tác về công nghiệp quốc phòng

Thủ tướng Hungary Viktor Orban
Thủ tướng Hungary Viktor Orban

Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết, nước này sẽ ký thỏa thuận công nghiệp quốc phòng với Thụy Điển trước cuộc gặp với Thủ tướng Ulf Kristersson tại Budapest. Động thái được đưa ra trước khi Quốc hội Hungary chuẩn bị phê chuẩn quyết định cho Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Hungary là thành viên NATO duy nhất vẫn chưa phê chuẩn việc gia nhập NATO của Thụy Điển. Đảng Fidesz cầm quyền của Thủ tướng Viktor Orban liên tục trì hoãn cuộc bỏ phiếu, với lý do Stockholm chỉ trích Hungary về các tiêu chí minh bạch trong nhà nước pháp quyền.

Mỹ, Hàn Quốc dùng máy bay tàng hình để tập trận chung trên bán đảo Triều Tiên

Máy bay tàng hình của Mỹ (Ảnh: POLITICO)
Máy bay tàng hình của Mỹ (Ảnh: POLITICO)chú thích ảnh

Mỹ và Hàn Quốc đã triển khai máy bay tàng hình hiện đại cho cuộc tập trận chung trên bán đảo Triều Tiên ngày 23/2. Thông tin từ không quân Hàn Quốc, hai nước đã triển khai máy bay tàng hình F-35A và một số máy bay chiến đấu khác cho cuộc tập trận chung ngày 23/2. Máy bay F-35A của Mỹ được điều động tới Hàn Quốc hôm thứ Tư vừa qua từ Căn cứ không quân Kadena ở Nhật Bản. Cuộc tập trận chung giữa quân đội Mỹ và Hàn Quốc được cho là nhằm đáp trả một loạt các vụ thử vũ khí vừa qua của Triều Tiên.

Nga hiện đại hóa được 95% số vũ khí hạt nhân

Tổng thống Nga Vladimir Putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 23/2 cho biết 95% lực lượng vũ khí hạt nhân chiến lược của nước này đã được hiện đại hóa và Không quân Nga vừa nhận 4 máy bay ném bom siêu thanh mới, có thể trang bị vũ khí hạt nhân. Theo ông Putin, bộ ba vũ khí hạt nhân của Nga - bao gồm các vũ khí hạt nhân chiến lược trên bộ, trên biển và trên không - đã được bổ sung, liên tục được hiện đại hóa và hoạt động tốt.

Hé lộ kế hoạch của Israel ở Dải Gaza sau xung đột

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu giới thiệu trước nội các tài liệu các nguyên tắc điều hành Dải Gaza sau khi kết thúc xung đột, hé lộ những chi tiết đáng chú ý. Theo đó, ông Netanyahu nhấn mạnh sẽ không để lực lượng Hamas lên nắm quyền lãnh đạo, dù không đề cập hay từ chối việc Chính quyền Palestine (PA) tham gia điều hành Dải Gaza của PA dù trước đó ông luôn khẳng định không cho phép PA lên nắm quyền.

Kế hoạch cũng nêu rõ mục tiêu trước mắt của Israel là duy trì chiến dịch quân sự cho đến khi phá hủy hoàn toàn năng lực quân sự và cơ sở hạ tầng của Hamas, trao trả con tin và loại bỏ những thứ Israel cho là đe dọa an ninh Israel tại Dải Gaza.

Armenia dừng tham gia Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan vừa tuyên bố nước này đã đình chỉ việc tham gia Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO). Thủ tướng Pashinyan cho biết nước này không hài lòng với phản ứng của CSTO liên quan đến cuộc xung đột giữa nước này và Azerbaijan về quyền kiểm soát khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh.

CSTO được thành lập năm 1992. Ngoài Armenia, CSTO hiện còn lại Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan. CSTO thực hiện cơ chế nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên, theo đó các nước thành viên lần lượt đảm nhiệm vị trí này mỗi năm.

G20 ủng hộ mạnh mẽ giải pháp 2 nhà nước ở Trung Đông

Hội nghị Ngoại trưởng G20, Brazil. Nguồn: @AAzoulay
Hội nghị Ngoại trưởng G20, Brazil. Nguồn: @AAzoulay

Theo Ngoại trưởng nước chủ nhà Brazil, hội nghị cấp cao G20 đạt được sự đồng thuận cao cho giải pháp hai nhà nước, là phương cách khả thi duy nhất ở Trung Đông. Nhóm các nền kinh tế lớn (G20) ủng hộ rộng rãi giải pháp hai nhà nước, như con đường duy nhất hướng đến hòa bình lâu dài ở Trung Đông.

Sự ủng hộ từ 20 quốc gia giàu có và đang phát triển hàng đầu thế giới được đưa ra một ngày sau khi Quốc hội Israel bỏ phiếu với tỉ lệ áp đảo, phản đối bất kỳ sự công nhận “đơn phương” nào đối với một nhà nước Palestine, trong một động thái mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố là đã gửi một “thông điệp mạnh mẽ tới cộng đồng quốc tế”.

Xuân An (t/h)