Phú Thọ: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại

Hiểu rõ vai trò của chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, thời gian qua, Sở Công Thương Phú Thọ đã thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại một cách thường xuyên, liên tục.

Trên cơ sở thực hiện Kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương Phú Thọ đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức các khóa tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số, đặc biệt là kỹ năng bán hàng như livestream bán hàng để có thể hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả trên những sàn thương mại điện tử.

chuyển đổi số
Phú Thọ đẩy mạnh chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại

Cùng với đó, Sở thực hiện có hiệu quả công tác hỗ trợ, ứng dụng, xây dựng, tích hợp các nền tảng công nghệ thông tin hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường số. Theo đó, Sở đã lồng ghép, hỗ trợ năm doanh nghiệp, HTX thiết lập gian hàng thương mại điện tử với 30 sản phẩm để giới thiệu và bán sản phẩm, hàng hóa của tỉnh trên Sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee như Trà thảo mộc, các loại hạt, trà UT, bưởi Đoan Hùng, mì gạo Thạch Đê... Xây dựng năm bộ giải pháp hỗ trợ kinh doanh trực tuyến cho các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh nhằm triển khai ứng dụng thương mại điện tử.

Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Phú Thọ giaothuong.net.vn có trên 300 gian hàng với hơn 950 sản phẩm dịch vụ trên Sàn. Sàn đi vào hoạt động nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh từng bước tiếp cận, ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp.

Năm 2023, hơn 150 doanh nghiệp, 310 gian hàng của các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đăng ký cung cấp sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử, diễn đàn kết nối cung - cầu, thực hiện kết nối trên nền tảng công nghệ số.

chuyển đổi số
Sản phẩm OCOP được bán trong Phiên chợ OCOP thông qua nền tảng livestream TikTok.

Sở Công Thương cũng đã thực hiện hỗ trợ 11 đơn vị áp dụng giải pháp công nghệ tem điện tử QR Code trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP của tỉnh với số lượng 140.000 tem. Việc hỗ trợ các đơn vị áp dụng tem điện tử giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, phân biệt hàng thật, hàng giả, giới thiệu với người tiêu dùng khái quát về đơn vị sản xuất cũng như toàn cảnh sản phẩm của đơn vị. Đây cũng là một bước đi trên con đường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh của các đơn vị để nâng tầm thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường bán sản phẩm tới các phân khúc thị trường cao cấp.

Ông Đặng Việt Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, năm 2024, Sở tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất trong tỉnh phát triển. Hỗ trợ các doanh nghiệp tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu số hóa một số khâu trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao trình độ cán bộ quản lý kỹ thuật, công nghệ, xây dựng thương hiệu.

Chủ động theo dõi sát thông tin thị trường trong và ngoài nước để có kế hoạch xúc tiến thương mại phù hợp, trợ giúp các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh phát triển; tăng cường tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, giảm lượng tồn kho. Đồng thời, hỗ trợ tiếp cận thị trường, quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh đối với nhóm ngành, hàng chủ lực của tỉnh.

Nguyên Vỵ