Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiêp hóa - hiện đại hóa đất nước

NGUYỄN VĂN NGHI (Giảng viên, Bộ môn Khoa học cơ bản - Trường Đại học Công đoàn)

TÓM TẮT:

Bài viết này nhằm đánh giá thực trạng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH - HĐH) của Việt Nam trong thời gian vừa qua. Để đất nước phát triển nhanh, bền vững, thực hiện thành công sự nghiệp CNH - HĐH, việc ưu tiên tập trung phát triển nhân lực chất lượng cao là cấp thiết và quan trọng hơn bao giờ hết. Muốn vậy, phải tập trung tối đa nguồn lực cho lĩnh vực này trong những chiến lược phát triển đất nước trong tương lai.

Từ khóa: nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

1. Đặt vấn đề

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (NHLCLC) được xem là yếu tố quan trọng, nòng cốt bảo đảm cho nền kinh tế của Việt Nam phát triển, hội nhập sâu rộng, bền vững, đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH đất nước và đáp ứng với điều kiện phát triển kinh tế tri thức thời đại mới. Để sớm hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp vào năm 2030 và nằm trong nhóm nước phát triển thu nhập trung bình cao vào năm 2045, cần xác định rõ vai trò của NHLCLC, kết quả đạt được khi triển khai thực trong thực tế, những vấn đề đặt ra cần phải giải quyết, để từ đó đề ra những giải pháp sát với thực tế, hoàn thành mục tiêu đề ra.

Việt Nam đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển nền kinh tế tri thức, kinh tế số, tăng cường đổi mới sáng tạo đòi hỏi nhiều hơn và cao hơn các kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng xúc cảm xã hội. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển liên quan đến tự động hóa, số hóa, nhu cầu về kỹ năng thay đổi nhanh chóng, một số nghề sẽ biến mất, một số khác xuất hiện và những ngành khác lại thay đổi. NNL nói chung và nhân lực chất lượng cao cũng phải được chuẩn bị sớm hơn, nhanh hơn, cập nhật hơn và theo cách tiếp cận thực tế hơn. Do đó, trong nội dung nghiên cứu của bài viết này tác giả sẽ tập trung phân tích những hạn chế trong phát triển NNLCLC hiện nay, nhất là trước những đòi hỏi của thị trường lao động thời kỳ hội nhập; tiếp đó đề xuất một số giải pháp phát triển NNLCLC đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp CNH - HĐH đất nước.

2. Thực trạng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam hiện nay

Hiện nay, dân số Việt Nam có hơn 98 triệu người, trong đó tỷ lệ tham gia lực lượng lao động chiếm khoảng 68,7%. Đây là một lợi thế vô cùng thuận lợi để chúng ta khai thác, sử dụng vào các mục đích phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ cho sự nghiệp dựng xây dựng và kiến thiết đất nước. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chiếm khoảng 64,5%; năng suất lao động của Việt Nam được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%). Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2% (mục tiêu đề ra là 30 - 35%).

Về tình hình lao động, việc làm quý I/2021 (đây là thời điểm chưa ảnh hưởng nhiều do dịch covid-19), trong tổng số 49,9 triệu lao động có việc làm, lao động trong khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 39,5%, tương đương 19,7 triệu người; tiếp đến là lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 32,3%, tương đương 16,1 triệu người. Lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng thấp nhất, 28,2%, tương đương 14,1 triệu người. So với quý IV/2020 và quý I/2021, tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đều tăng. Ngược lại, tỷ trọng lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng quý I/2021 lại có dấu hiệu giảm, so với cả quý trước và cùng kỳ năm trước (tỷ trọng lao động trong khu vực nông nghiệp tăng tương ứng là 0,8 điểm phần trăm và 0,2 điểm phần trăm; tỷ trọng lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng giảm tương ứng là 1,3 điểm phần trăm và 0,7 điểm phần trăm). Tỷ lệ lao động qua đào tạo được cải thiện, ước đạt 64,5% năm 2020, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 24,5%, tăng so với năm 2015 (19,9%).

Những con số trên đã chứng minh NNLCLC đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong thực hiện những chỉ tiêu, nội dung về phát triển kinh tế, xã hội ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Nguồn nhân lực (NNL) chính là sự đóng góp của mỗi người ở những lĩnh vực, ngành hoạt động khác nhau, dưới tác động của những cơ chế, chính sách, NNL này đã, đang và sẽ được đánh thức, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh đang bị ngủ quên, hoặc chưa được sử dụng đúng lúc, đúng nơi một cách hiệu quả, hợp lý nhất. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một thực tế, phát triển NNLCLC hiện nay còn bộc lộ nhiều hạn chế chưa đáp ứng được với yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là những đòi hỏi của thị trường lao động thời kỳ hội nhập, cụ thể:

Thứ nhất, phát triển NNL nói chung và nhân lực chất lượng cao nói riêng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của xã hội.

Nhân lực nói chung và nhân lực chất lượng cao nói riêng mặc dù được xác định là một trong những nguồn lực quan trọng nhất để phát triển đất nước, nhưng lại chưa được quan tâm phát triển cả về đào tạo kỹ năng, chăm sóc sức khỏe và giáo dục tâm hồn, đạo đức một cách đầy đủ. Quan niệm, nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của nhân lực, nhân lực chất lượng cao đối với phát triển kinh tế xã hội ở các cấp lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp/người sử dụng lao động nhìn chung còn hời hợt, chưa thấu đáo. Coi giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) là quốc sách, song việc tổ chức thực hiện như thế nào cho xứng tầm lại chưa được quan tâm đúng mức. Trong các chủ trương, quyết định đầu tư của các dự án/công trình chủ đầu tư thường chỉ quan tâm đến đất đai, vốn, công nghệ, mà ít quan tâm đến nhân lực/lao động; thiếu các kế hoạch về NNL…

Thứ hai, chất lượng đào tạo NNLCLC chưa tương xứng với yêu cầu của xã hội.

Chất lượng giáo dục đại học còn thấp và không đáp ứng nhu cầu kỹ năng của thị trường lao động. Cơ cấu đào tạo và giáo dục (ĐT&GD) nghề nghiệp còn bất cập, chủ yếu vẫn là trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng (chiếm 75%), trình độ trung cấp, cao đẳng chỉ chiếm khoảng 25%. Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp khó khăn, đặc biệt ở những ngành, nghề kỹ thuật cao, nghề nặng nhọc độc hại, ngành nghề năng khiếu. Học sinh, sinh viên tốt nghiệp có năng lực chuyên môn chưa phù hợp với yêu cầu của thực tiễn sản xuất - kinh doanh, dịch vụ; còn yếu về ngoại ngữ và các kỹ năng mềm như tác phong công nghiệp, khả năng làm việc theo tổ, nhóm, kỹ năng khởi nghiệp. Qua khảo sát trong các doanh nghiệp FDI, các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) ít hài lòng về chất lượng đào tạo nghề tại các địa phương và cho biết họ phải chi nhiều hơn cho việc đào tạo lại lao động mới tuyển vào.

Thứ ba, kết nối cung - cầu lao động chưa đáp ứng yêu cầu xã hội.

Một vấn đề rất đáng quan tâm đó là tình trạng người lao động làm việc không phù hợp với ngành nghề được đào tạo, cũng như với trình độ chuyên môn và tay nghề được đào tạo. Số liệu thống kê năm 2022 cho thấy 81,1% lao động có trình độ cao đẳng, 60,4% số lao động có trình độ trung cấp, 23,8% số lao động có trình độ đại học trở lên làm các công việc có yêu cầu trình độ chuyên môn kỹ thuật/kỹ năng thấp hơn so với trình độ chuyên môn kỹ thuật được đào tạo (theo bằng cấp/chứng chỉ). Mặt khác, có khoảng 35,1% lao động làm các công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật/kỹ năng cao hơn so với bằng cấp của họ.

Thứ tư, vấn đề thể lực và thái độ lao động của NNLCLC còn nhiều bất cập.

Theo công bố của Bộ Y tế, chiều cao trung bình của người Việt Nam đối với nam là xấp xỉ 1,68 m và nữ là 1,56 m. Chiều cao này là rất thấp so với chiều cao trung bình của đa số các nước trong khu vực châu Á và thấp hơn nhiều so với các nước châu Âu. Thể lực yếu, độ bền và sức tải trong lao động kém nên người lao động Việt Nam thường chỉ làm việc với thời gian tập trung ngắn, chóng mệt mỏi và chất lượng không cao. Ngoài ra, vấn đề ý thức lao động, kỷ luật lao động, kỷ luật công nghệ, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng mềm, khả năng làm việc trong môi trường đa văn hóa cũng được coi là những điểm yếu của lao động Việt Nam.

3. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp CNH - HĐH của Việt Nam

Tăng cường nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của nhân lực chất lượng cao trong sự nghiệp CNH - HĐH đất nước

Cần nhận thức NNLCLC là tài nguyên quý giá nhất, lực lượng đầu tàu, đảm bảo sự phát triển nhanh và bền vững đất nước. Trong đột phá phát triển NNLCLC, phải đặc biệt coi trọng phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý giỏi, đội ngũ chuyên gia và cán bộ khoa học và công nghệ đầu ngành. Đây chính là những "đầu tàu của đội ngũ đầu tàu", đóng vai trò quyết định đối với phát triển NNLCLC từ nhận thức đến chủ trương, chính sách và hiệu quả trong triển khai thực tiễn. Bên cạnh đó, cần phải đổi mới tư duy trong tuyển dụng, đánh giá và đãi ngộ nhân lực trên cơ sở năng lực, hiệu quả công việc. Đây chính là động lực để mỗi cá nhân không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề và năng suất, hiệu quả lao động để khẳng định chất lượng cao của mình.

Phát triển NNLCLC phải gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, với nhu cầu xã hội và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Trong thời gian qua, Việt Nam đã xây dựng và thực hiện xong về cơ bản quy hoạch phát triển NNL giai đoạn 2011-2020, song tình trạng thất nghiệp vẫn diễn ra phổ biến và có xu hướng ngày càng tăng. Thực tế trên chứng tỏ, việc xây dựng, quy hoạch vẫn chưa bám sát và đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Vẫn còn tình trạng các bộ, ngành, địa phương tuy có quy hoạch song tính liên thông, kết nối, phối kết hợp chưa hiệu quả, chưa sát với thực tế, việc quy hoạch còn mang tính hình thức nên công tác phát triển NNLCLC vẫn mang tính tự phát. Để khắc phục tình trạng này, mỗi bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải xây dựng quy hoạch phát triển NNLCLC phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, nhu cầu xã hội và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị và đất nước.

Cần xác định phát triển NNLCLC là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn xã hội, của hệ thống chính trị, trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, quản lý, nhà trường, doanh nghiệp, gia đình cũng như của mỗi cá nhân, trong đó có nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt là tập trung vào giáo dục cho thanh niên nhận thức đúng về vai trò, trách nhiệm và cơ hội để họ phấn đấu, cống hiến cho đất nước trong điều kiện CMCN 4.0. Cần nhận thức đúng đắn trong điều kiện hội nhập sâu rộng và sự phát triển nhanh chóng của CMCN 4.0, vì nhu cầu tuyển dụng lao động và chuyển đổi lao động và dịch chuyển lao động giữa các quốc gia, các vùng miền, dân tộc là rất lớn, người lao động dù ở bất cứ quốc gia nào, ngành nghề nào, lĩnh vực nào, nếu có trình độ cao, kỹ năng nghề nghiệp tốt, đều có cơ hội tìm việc làm và có thu nhập tốt. Mặt khác, cần làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của mọi cấp, mọi ngành và mọi người dân về vị trí, tầm quan trọng, mục tiêu, nội dung và phương hướng xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước dưới tác động của cuộc CMCN 4.0 hiện nay.

Tích cực đổi mới, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Để tiếp tục phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có hiệu quả, đòi hỏi cần phải thường xuyên điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ta trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việc đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo động lực cho sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phải được thực hiện đồng bộ trên nhiều phương diện, như giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, môi trường làm việc, chính sách việc làm, thu nhập, an sinh xã hội, bảo hiểm, bảo trợ xã hội, chăm sóc sức khỏe, chính sách phát triển thị trường lao động, các điều kiện nhà ở, sinh sống, định cư,... Trong đó, trước hết cần coi trọng việc tạo lập các cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng và đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, các nhà lãnh đạo, quản lý, cần mạnh dạn sử dụng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao; lôi cuốn họ nỗ lực thực hiện những kiến thức, chuyên môn đã được tích lũy, được đào tạo thông qua những chính sách sử dụng hợp lý. Bảo đảm đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất và phương tiện làm việc, nghiên cứu cho những nhà khoa học, những tài năng trẻ. Thường xuyên tôn vinh nhân tài đi kèm cơ chế khuyến khích về lợi ích vật chất đối với những người có cống hiến mang lại nhiều lợi ích cho xã hội. Thực tế cho thấy, NNLCLC phải chú trọng từ người lao động có kỹ năng, các nhà doanh nghiệp tài ba, các nhà quản lý giỏi, các nhà lãnh đạo chính trị xuất sắc. Vì vậy, cần thiết lập một quy trình phát hiện, tìm tòi, đánh giá chặt chẽ và tuyển chọn công khai NNL phù hợp với từng nơi và từng yêu cầu cụ thể về NNL như cách nhiều nước đã làm thành công. Các địa phương có thể tự cân đối nguồn tài chính, thí điểm ký hợp đồng trả công cho những người có tài đáp ứng yêu cầu công việc theo giá thị trường nhằm khắc phục các bất cập về lương, chế độ chính sách khiến cho việc thu hút NNLCLC gặp khó khăn. Trên một số ngành công nghệ cao, cần có thử nghiệm táo bạo trong việc mời những trí thức đã thành công ở các nước phát triển về nắm giữ một số vị trí then chốt nhằm tạo ra các đột phá cho sự thay đổi.

Xây dựng và hoàn thiện chiến lược tổng thể phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ mới

Phát triển NNLCLC phải gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, với nhu cầu xã hội và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Trong thời gian qua, Việt Nam đã xây dựng và thực hiện xong về cơ bản Quy hoạch phát triển NNL giai đoạn 2011-2020, song tình trạng thất nghiệp vẫn rất phổ biến và có xu hướng ngày càng tăng. Thực tế trên chứng tỏ, việc xây dựng, quy hoạch vẫn chưa bám sát và đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Vẫn còn tình trạng các bộ, ngành, địa phương tuy có quy hoạch song tính liên thông, kết nối, phối kết hợp chưa hiệu quả, chưa sát với thực tế, việc quy hoạch còn mang tính hình thức nên công tác phát triển NNLCLC vẫn mang tính tự phát. Ngành Giáo dục thì cứ đào tạo; các cơ, tổ chức, doanh nghiệp thì vẫn sử dụng theo cách riêng của mình. Để khắc phục tình trạng này, mỗi bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải xây dựng quy hoạch phát triển NNLCLC phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, nhu cầu xã hội và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị và đất nước.

Đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện, đồng bộ giáo dục - đào tạo

Đây là nhiệm vụ then chốt, giải pháp trọng yếu để xây dựng, phát triển NNL nói chung, NHLCLC nói riêng đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nói chung và trước tác động của cuộc CMCN 4.0 nói riêng. Theo đó, cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng mở, hội nhập, thúc đẩy phân tầng, phân luồng, tổ chức, sắp xếp lại hệ thống giáo dục, nhất là giáo dục đại học và dạy nghề. Khắc phục các bất hợp lý về quy mô đào tạo, cơ cấu trình độ ngành, nghề và cơ cấu vùng, miền; gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ. Chú trọng hơn nữa phát triển ngành tự động hóa, đầu tư cho các nhóm nghiên cứu sâu về các lĩnh vực kỹ thuật số, công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm, thông tin vệ tinh, số hóa, năng lượng mới, vật liệu mới, công nghệ sinh học và sự tích hợp giữa chúng. Đồng thời, xác định đúng khả năng và nhu cầu đào tạo, tăng cường chất lượng công tác lập kế hoạch, dự báo thường xuyên và cung cấp thông tin về nhu cầu nhân lực của xã hội, nhất là nhu cầu của các doanh nghiệp, các địa phương nhằm điều tiết quy mô, cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo cho phù hợp.

4. Kết luận

Tóm lại, để phát triển NNLCLC đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH - HĐH đất nước, đòi hỏi sự thống nhất ý chí và hành động của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, trong đó vai trò hoạch định đường lối, chính sách, chiến lược của những người lãnh đạo đứng đầu Đảng, Nhà nước có tính chất quyết định. Bên cạnh đó còn đòi hỏi trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, quản lý, nhà trường, doanh nghiệp, gia đình cũng như của mỗi cá nhân… Tập trung mọi nguồn lực thực hiện tốt các giải pháp phát triển NNLCLC sẽ góp phần khắc phục căn bản thực trạng thiếu hụt về số lượng, hạn chế về chất lượng, bất hợp lý về cơ cấu NNL, nhất là NNLCLC ở Việt Nam hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Văn Khánh (2012). Nguồn lực trí tuệ Việt Nam, lịch sử, hiện trạng và triển vọng. H. NXB Chính trị Quốc gia.
  2. Võ Văn Lợi (2019). Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0. Truy cập tại https://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/phat-trien-nguon-nhan-luc-viet-nam-dap-ung-yeu-cau-cua-cach-mang-cong-nghiep-40-302127.html
  3. Từ Thúy Anh và cộng sự (2020). Cơ sở khoa học xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia, Mã số KHGD/16-20.
  4. Nguyễn Văn Tài (2002). Nguồn nhân lực Việt Nam: Vấn đề đào tạo, thu hút và sử dụng. Truy cập tại http://www.hids.hochiminhcity.gov.vn/c/document_library/get_file?uuid=24f9141a-dd46-4fea-9fd2-e9ccff789216&groupId=13025
  5. Phạm Xuân Trường, Từ Thúy Anh (2019). Chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. VNU Journal of Science: Policy and Management Studies, 35(3), 12-20.

The high-quality human resources development for meeting the requirements of Vietnam’s industrialization and modernization process

Nguyen Van Nghi

Lecturer, Department of Basic Science

Trade Union University

Abstract:

This study assesses the current high-quality human resources development in Vietnam in the context of the country’s industrialization and modernization. To develop quickly and sustainably and to successfully implement the industrialization and modernization process, the development of high-quality human resources has become an urgent and important task. To do this task, it is necessary to mobilize maximum resources for this task in national development strategies.

Keywords: human resources, high-quality human resources, industrialization - modernization.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6  tháng 3 năm 2023]