Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc

Phát huy tinh thần từ bi hỷ xả, vô ngã vị tha, tích cực nhập thế, đem đạo Phật đi vào cuộc sống, thể hiện những nguyên lý đạo Phật trong sự sống, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn là tổ chức thành viên tin cậy của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, có nhiều đóng góp quan trọng, xứng đáng trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp tích cực trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, chung sức đồng lòng cùng toàn dân xây dựng phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh.

Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc

Du nhập vào Việt Nam từ hơn hai nghìn năm trước, với triết lý “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác” và truyền thống “Hộ quốc, an dân” phù hợp với đời sống, đạo đức, văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam, Phật giáo đã được đông đảo người dân đón nhận và tin theo. Ngày nay, Phật giáo là tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất nước ta, có nhiều ảnh hưởng tích cực trong đời sống xã hội, góp phần làm phong phú, sâu sắc thêm các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống, xây dựng hạnh phúc của con người và tư tưởng độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam.

Phát huy tinh thần phụng đạo yêu nước, thiết thân cùng xã hội, hiện hữu trong lòng dân tộc, quyết tâm giữ vững tinh thần độc lập dân tộc, phụng sự chúng sinh là cúng dàng Chư Phật, đồng thời, để phát huy vai trò thành viên trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện hữu hiệu phương châm hoạt động của Giáo hội “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp, cùng Tăng Ni và Phật tử cả nước đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Ðảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc các cấp phát động.

Điểm thuận lợi của Phật giáo trong tham gia các phong trào thi đua yêu nước là có hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp, cùng lực lượng Tăng Ni, Tự viện rộng khắp ở 63/63 tỉnh, thành phố. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã kiện toàn hệ thống tổ chức, gồm 3 cấp hành chính Giáo hội:

- Cấp Trung ương có Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với 13 Ban, Viện Trung ương; 96 thành viên Hội đồng Chứng minh, 224 Ủy viên Hội đồng Trị sự chính thức và 45 Ủy viên dự khuyết.

- Cấp tỉnh, thành phố có Ban Chứng minh và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, thành phố.

- Cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có Ban Chứng minh và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.

Theo báo cáo của 63 Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành phố, Ban Tăng sự Trung ương đã thống kê số lượng Tăng Ni, Tự viện trong cả nước như sau:

- Tăng Ni: 54.973 Tăng Ni, gồm: 40.807 Bắc tông; 7.028 Nam tông Khmer, 1.754 Nam tông kinh (1.100 chư Tăng, 654 Tu nữ); 5.384 Khất sĩ.

- Tự viện: 18.544 Tự viện (15.871 Tự viện Bắc Tông; 462 chùa Nam Tông Khmer, 45 Salate; 106 chùa Nam tông Kinh; 541 Tịnh xá, 467 Tịnh Thất, 998 Niệm Phật đường, 54 Tự viện Phật giáo Người Hoa).

- Tín đồ: Khoảng 60% /99.000.000 dân số.

Đồng thời, Phật giáo có nhiều hoạt động phong phú, từ tổ chức Hội nghị, Hội thảo, Tọa đàm, Lễ hội Văn hóa Phật giáo, hoạt động ngoại giao… đến các hoạt động chuyên ngành như Tăng sự, Giáo dục, Hướng dẫn Phật tử, Hoằng pháp, Nghi lễ, Lễ hội Văn hóa, Từ thiện xã hội, Phật giáo quốc tế, Nghiên cứu Phật học, Thông tin truyền thông… Thông qua các hoạt động động đó, Ban Trị sự các cấp và các vị Tăng Ni trụ trì cơ sở Tự viện đã lòng ghép tuyên truyền, vận động Phật tử và nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng Chính phủ phát động như: phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”... Và các cuộc vận động, các phong trào thi đua do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…

Trong quá trình triển khai, Phật giáo luôn coi trọng tính thiết thực và hiệu quả của các phong trào thi đua yêu nước vừa nhằm vào việc hướng dẫn tín đồ Phật giáo tu tâm dưỡng tánh, làm những việc thiện, tránh những việc ác; biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau, thể hiện đức tính tốt đẹp của những người con Phật, mang lại an lạc, hạnh phúc cho xã hội và tích cực làm tròn bổn phận công dân, vì cộng đồng, vì sự phồn vinh của đất nước”, đồng thời góp phần tập hợp các tầng lớp Nhân dân, xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hoạt động thiện nguyện

Trong buổi nói chuyện với các nhà lãnh đạo Phật giáo ngay sau khi nước nhà giành độc lập vào năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một. Tôi mong các hòa thượng, Tăng ni và Phật tử hãy tích cực thực hiện tinh thần từ bi, vô ngã, vị tha trong sự nghiệp cứu nước, giữ nước và giữ đạo để cùng toàn dân sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc”.

Bằng tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật và đạo lý Dân tộc Việt Nam “lá lành đùm lá rách, một miếng khi đói bằng một gói khi no”, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành và Tăng Ni, Phật tử cả nước đã nỗ lực vận động tài chính, phẩm vật, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, đồng bào nghèo, đồng bào vùng dân tộc, vùng sâu vùng xa ...; hỗ trợ hàng chục ngàn ca phẩu thuật đục thủy tinh thể, hàng chục ca mổ tim, hàng ngàn căn nhà tình nghĩa, tình thương, nhà đại đoàn kết; Lớp học tình thương, Trường Mẫu giáo, ủng hộ và nuôi dưỡng bà Mẹ Việt Nam anh hùng, tặng hàng ngàn thẻ bảo hiểm y tế, xây hàng trăm cây cầu bê tông, đổ hàng ngàn mét đường xi măng, hàng trăm chiếc xuồng, giếng nước sạch, tặng xe lăn, xe lắc, xe trợ đi, xe đạp, máy vi tính cho học sinh; hàng trăm ngàn tấn gạo, trợ cấp học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, nuôi cô nhi, trẻ khuyết tật, khiếm thị, cụ già neo đơn, trợ cấp lương giáo viên các lớp học tình thương, các bếp ăn từ thiện, bửa cơm yêu thương v.v… được Tăng Ni, Phật tử các tự viện thực hiện đều khắp. Nổi bật nhất là các hoạt động từ thiện trong đại dịch Covid-19, đã được Tăng Ni, Phật tử thực hiện một cách tích cực.

Thiện nguyện Phật giáo
Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Trị tổ chức chương trình thiện nguyện "Trăng biên giới", thăm, tặng quà cho các gia đình bị ảnh hưởng chất độc màu da cam trong chiến tranh, những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em khuyết tật tại huyện Cam Lộ và Đakrông (Quảng Trị).

Trong 5 năm 2017 - 2022 hoạt động thiện nguyện phục vụ cộng đồng với số tiền lên đến 7.133.000.281.000 VND (Bảy ngàn một trăm ba mươi ba tỷ, hai trăm tám mươi mốt ngàn đồng). Trong đó, Trong đó, TP. Hồ Chí Minh là 3.500 tỷ đồng, Phân ban Ni giới Trung ương và Phân ban Ni giới các tỉnh thành 1.170 tỷ đồng; Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương 420 tỷ đồng; Các Phân ban thuộc Ban Từ thiện xã hội Trung ương 435 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19 vừa qua, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và các cấp, các ngành, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng toàn thể tăng, ni, phật tử cả nước đã điều chỉnh các hoạt động tôn giáo phù hợp với tình hình dịch bệnh, đóng góp sức người, vận động quyên góp vật chất, chung tay cùng chính quyền chống dịch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng… Hàng nghìn tăng, ni, phật tử đã tình nguyện xung phong lên tuyến đầu phòng, chống dịch; ủng hộ nguồn kinh phí lớn cho Quỹ vắc xin, hỗ trợ mua trang thiết bị y tế, trao tặng hàng chục triệu phần quà và suất ăn miễn phí...

Trong công tác thiện nguyện, vai trò của cư sỹ Phật tử được Giáo hội Phật giáo đặc biệt quan tâm. Công tác từ thiện xã hội là một trong những công tác trọng tâm mà Ban Hướng dẫn Phật tử lưu tâm, khuyến khích cư sĩ Phật tử, các Huynh trưởng, đoàn sinh tham gia như: Tham gia hiến máu nhân đạo, dọn vệ sinh tại các khu công cộng, khắc phục thiên tai, xây nhà tình thương, tình nghĩa, tham gia đoàn cứu trợ, ủy lạo đồng bào vùng sâu vùng xa, các trung tâm nuôi trẻ mồ côi, người già, người tàn tật, tham gia các đợt học tập, huấn luyện phổ biến tác hại của căn bệnh thế kỷ để cùng cộng đồng phòng chống HIV/AIDS; khám bệnh và phát thuốc cho các bệnh nhân nghèo, đồng bào Phật tử; hỗ trợ các em Đoàn sinh và Huynh trưởng có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật; tổ chức dạy may, dạy nghề miễn phí, giới thiệu việc làm cho các em Gia đình Phật tử… Đặc biệt, trong mùa dịch Covid-19, nhiều Tăng Ni, Phật tử đã tình nguyện tham gia tuyến đầu chống dịch.

Trong bối cảnh chung cả thế giới có nhiều biến động, nhất Đại dịch Covid-19, thiên tai bão lụt miền Trung, tác động biến đối khí hậu, kinh tế bị suy yếu, khủng hoảng tâm lý đạo đức… Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã hướng dẫn quần chúng Phật tử thực thi hành pháp, tu tập tâm linh, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng cho đồng bào, tạo nên niềm tin đối với ba ngôi Tam Bảo, sẵn sàng đối diện và thích nghi vượt qua chướng duyên bằng cách thay đổi phương thức hoằng pháp qua việc ứng dụng công nghệ số, tích cực tham gia các phong trào yêu nước, đóng góp vào công tác từ thiện an sinh xã hội, chia sẻ nỗi đau mất mác, hay niềm vui khi sống với Đạo. 5 năm qua, 2017-2022, các cư sỹ Phật tử đóng góp vào công tác an sinh xã hội 663.192.864.000đ (sáu trăm ba tỷ đồng một trăm chín hai triệu tám trăm bốn mươi sáu nghìn đồng).

Tham gia phát triển kinh tế

Đối với Phật giáo, đạo đức và hệ thống giáo lý của tôn giáo này là động lực mạnh mẽ để xây dựng các mối quan hệ kinh tế lành mạnh.  Trong dạy dỗ các đệ tử về vấn đề kinh tế, Đức Phật khuyên mọi người chăm chỉ lao động, tiết kiệm và chịu khó vun đắp cho khối tài sản của mình một cách chân chính, làm giàu cho xã hội và cho gia đình mình. Sự tích cực thiện lành của mỗi cá nhân là một viên gạch xây dựng nền tảng cho quốc gia phát triển hưng thịnh. Ngài khuyên một số điều cần tránh nếu muốn tích lũy được khối tài sản đảm bảo cho cuộc sống như “không ngủ cho đến lúc mặt trời lên”; “Không để bản thân rơi vào tình trạng lười biếng, không lao động”; “Không sa đà, nghiện ngập rượu chè, cờ bạc, khiến cho bản thân say sưa tối ngày, trở thành kẻ sống bê tha, tạm bợ, vô trách nhiệm với người khác”.

Trong “Kinh tế học Phật giáo”, hạnh phúc được định nghĩa bởi khái niệm liên kết. Tất cả mọi người, tất cả chúng sinh, đều phụ thuộc lẫn nhau và với thiên nhiên. Hạnh phúc đến từ việc đảm bảo rằng mọi người có cuộc sống thoải mái, đàng hoàng và tương tác với nhau, sự quan tâm lẫn nhau, hài hòa cùng thiên nhiên một cách có ý nghĩa.

Do đó, phát triển kinh tế theo tinh thần của Phật giáo là mô hình kinh tế bền vững, với nội dung chủ yếu yêu cầu tất cả mọi người tham gia vào việc giữ gìn, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, chia sẻ giá trị thặng dư để tạo ra sự cân bằng mức chênh lệch thu nhập, giàu nghèo trong xã hội cùng nhiều vấn đề khác. Mỗi người cùng nhau tạo ra lối sống mới, tích cực hơn, thân thiện hơn trên hành tinh của mình với tinh thần lợi ích cho tất cả.

Trên tinh thần đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng các Tăng ni tích cực hưởng ứng, vận động Phật tử tham gia các phong trào thi đua sản xuất giỏi,  quốc, tham gia bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh… với nhiều cách làm hay, mô hình tiêu biểu. Điển hình là mô hình “Chùa tinh tiến” ở huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, với 43 chùa, 110 tăng ni vận động đồng bào tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, nhất là các phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.

Đồng thời, phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội và tổ chức nghề nghiệp thúc đẩy cộng đồng tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Mới đây, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp, giai đoạn 2022-2025. Theo ký kết, trong giai đoạn 2022-2025, hai bên sẽ phối hợp vận động chức sắc, tăng ni trẻ và thanh, thiếu niên Phật giáo sống tốt đời, đẹp đạo, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; vận động nguồn lực, tổ chức những hoạt động an sinh xã hội trong các đối tượng thanh, thiếu nhi và đồng bào có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng, phát huy vai trò của thanh niên chức sắc, nhà tu hành, Phật tử; hỗ trợ thanh, thiếu niên, người dân khôi phục kinh tế sau đại dịch…

Bên cạnh đó, các cơ sở tự viện mở ra nhiều hoạt động dạy nghề miễn phí. Để giúp giảm thiểu tỉ lệ thất nghiệp trong xã hội và tạo công ăn việc làm cho người lao động, Phật giáo đã tổ chức các trường hướng nghiệp dạy nghề và giới thiệu việc làm miễn phí cho hàng ngàn học viên tham dự.

Có rất nhiều cơ sở Phật giáo đã tổ chức các lớp đào tạo miễn phí dạy nghề và giới thiệu việc làm cho học viên tại địa phương.

Một số cơ sở tiêu biểu:

-Trung tâm Dạy nghề miễn phí Phùng Xuân, trực thuộc Ban Từ thiện Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Trị. Trung tâm có 2 phòng học lý thuyết, 2 phòng thực hành, 3 phòng nội trú, phòng họp, phòng ăn, nhà bếp, sân chơi, khu vệ sinh... và một số trang thiết bị dạy học. 20 năm qua, Trung tâm đã đào tạo 67 khóa học bao gồm nghề may dân dụng, may công nghiệp, điện tổng hợp, sửa chữa máy nổ, trồng nấm các loại, làm ván ghép thanh, chằm nón lá, chăn nuôi và chữa bệnh cho gia súc, gia cầm, tin học văn phòng... Số lượng học viên ra trường là 2.138 người được cấp chứng chỉ nghề, trong đó có 448 học viên người dân tộc thiểu số,17 học viên khuyết tật và 7 học viên ngoại tỉnh. Điều đặc biệt ở Trung tâm là học viên đa phần con em gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số, kỹ năng giao tiếp có hạn chế nên khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm. Do vậy Trung tâm đã chú trọng mở rộng mối quan hệ với nhiều cơ quan, xí nghiệp có uy tín để tìm kiếm việc làm cho học viên. Theo thống kê, đã có trên 80% học viên tốt nghiệp có việc làm, thu nhập, ổn định cuộc sống.

- Chùa Kampongnigrodha (Chùa Hang), ngôi chùa Khmer được biết đến là một cơ sở thờ tự Phật giáo, vừa là xưởng dạy nghề điêu khắc của các nghệ nhân là người Khmer. Năm 2005, sư cả Thạch Suông đứng ra thành lập Câu lạc bộ điêu khắc chùa Hang với hơn 10 thành viên là những vị sư thầy có tay nghề cao, vừa mở rộng việc dạy nghề cho thanh niên Khmer, đồng thời quảng bá, bán sản phẩm để có nguồn kinh phí trang trải cho công tác dạy nghề miễn phí. 17 năm qua, xưởng đã đào tạo được hàng trăm thợ thành thạo nghề điêu khắc gỗ, hàng nghìn tác phẩm điêu khắc đã được hoàn thành từ xưởng điêu khắc gỗ ở Chùa Hang này. Nhiều người sau khi lành nghề đã trở về gia đình mở cơ sở điêu khắc và có cuộc sống ổn định. Trong số đó có những thợ giỏi đã tình nguyện ở lại để truyền nghề cho người đến sau.

- Cơ sở dạy nghề miễn phí tại chùa Tây Linh – Huế, không chỉ nhận những học viên gia đình có hoàn cảnh khó khăn mà còn nhận các em bị khuyết tật. Mỗi khóa học may, thêu, đan, vi tính có thời hạn trên 1 năm nhằm giúp các em thành thạo kỹ năng để có thể làm ra những sản phẩm chất lượng. Với những học viên khuyết tật, thời gian học nghề kéo dài hơn. Từ lớp thêu may đầu tiên cho 150 học viên, đến nay chùa Tây Linh mở được 25 khóa đào tạo cho hơn 1.000 học viên. Cơ sở này đã thực sự trở thành ngôi nhà chung giúp các em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em khuyết tật vươn lên trong cuộc sống.

Giá trị của giáo dục dạy nghề mà Phật giáo đem lại cho cộng đồng được xã hội đánh giá cao. Các cơ sở hướng nghiệp dạy nghề do Phật giáo mở ra trên khắp cả nước trong những năm qua đã thu hút một số lượng đông đảo các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn tham gia học đem đến cuộc sống ấm no cho nhiều mảnh đời bất hạnh, khó khăn trong xã hội.

Phát huy tinh thần từ bi hỷ xả, vô ngã vị tha, tích cực nhập thế, đem đạo Phật đi vào cuộc sống, thể hiện những nguyên lý đạo Phật trong sự sống, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn là tổ chức thành viên tin cậy của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, có nhiều đóng góp quan trọng, xứng đáng trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp tích cực trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, chung sức đồng lòng cùng toàn dân xây dựng phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, nhân dân ngày càng có cuộc sống yên vui.

Minh Trang