Ô tô thương hiệu “đặc hay rỗng”?

Trong một bàn tròn, có nhiều ý kiến quanh việc nội địa hóa ô tô sản xuất tại Việt Nam? Nội địa hóa với cấp độ “đặc hay rỗng” ở thương hiệu Việt hay ngoại là vấn đề đáng quan tâm! Các chuyên gia cho rằ
Ông Lưu Minh Đức cán bộ ngành Công Thương Hà Nội cho rằng : Ô tô Trường Hải đi theo hướng hiệu quả, chú trọng đầu ra của sản phẩm, chấp nhận thương hiệu ngoại nhưng được thiết kế theo phong cách mới phù hợp với người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Ông cũng tỏ ra khâm phục ý chí của Tổng giám đốc Vinaxuki theo đuổi dự án thương hiệu ô tô Việt Nam, Vinaxuki dự định năm nay sẽ xuất xưởng dòng xe Việt.

Một cán bộ ở Viện chính sách công nghiệp đưa ra các mô hình chiến lược phát triển ô tô: Mã Lai theo hướng nội địa hóa với dòng xe Proton để giành lại thị phần trong nước; Thái Lan có nhiều hãng sản xuất với nhiều thương hiệu, chú trọng sản xuất phụ tùng cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Việt Nam cần lựa chọn những ưu điểm của hai mô hình để có thương hiệu ô tô Việt Nam và nội địa hóa một số thương hiệu ngoại đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu ngày càng lớn. Ông lưu ý một dòng xe phổ dụng đa năng với 7 chỗ ngồi, tiết kiệm năng lượng, sử dụng nhiên liệu sinh học, chạy điện!

Nội địa hóa ô tô ở ta sau 10 năm chỉ đạt dưới 10% thấp hơn rất nhiều so với mức 30-38% mà các công ty cam kết. Điều đó được giải thích bằng nhiều lí do, từ năng lực của doanh nghiệp, đến cơ chế khuyến khích, chính sách nhập khẩu,… Những kinh nghiệm nội địa hóa ô tô của Hàn Quốc những năm 80 hầu như khó áp dụng!

Vinaxuki theo đuổi giấc mơ ô tô thương hiệu Việt với rất nhiều khó khăn về đầu tư công nghệ, nguồn nhân lực, cần sự hỗ trợ tích cực từ nhiều cơ quan quản lí nhà nước, năng lực vận động của Công ty. Trong phân khúc thị trường, ô tô thương hiệu Việt có chỗ đứng vững bởi không phải ai cũng sính hàng ngoại. Thách thức lớn nhất đó là chất lượng sản phẩm, về thiết kế kiểu dáng, an toàn, tiện dụng, giá cả, bảo hành,…đặt lên dự án của Vinaxuki. Điểm nhấn là tạo dựng được thiết kế mới, thương hiệu Việt, tiếp đó là tăng nhanh tỷ lệ nội địa hóa từ sản xuất thép đến chế tạo máy và các linh kiện, phụ tùng... Vinaxuki phấn đấu đến năm 2013, sẽ tự sản xuất được động cơ ô tô. Mục tiêu của Công ty là nâng tỷ lệ nội địa hóa lên trên 70% và tăng cường hợp tác với nhiều công ty Nhật Bản để sản xuất ra các linh kiện, phụ tùng và ô tô theo công nghệ Nhật mang nhãn hiệu Vinaxuki.

Chấp nhận thương hiệu ngoại nhưng tăng dần tỷ lệ nội địa hóa theo một lộ trình để mở rộng thị phần và giá trị gia tăng trong nước. Trong nền kinh tế hội nhập, các sản phẩm được cấu thành từ nhiều hãng chứ không thể khép kín. Có những hãng chỉ sản xuất sản phẩm trung gian (phụ tùng) với tính chuyên môn cao có doanh số lớn. Các thương hiệu lớn xu hướng chuyển thương hiệu đi đến các thị trường có chi phí sản xuất thấp, bán được nhiều hàng...

Quyết định 12/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ đáp ứng phần nào cho sự lựa chọn “thương hiệu đặc” hay “thương hiệu rỗng”. Những chiếc ô tô thương hiệu Việt đã và đang tiến ra thị trường trong nước cùng với những nhà máy cơ khí của người Việt “đặc hóa” dần các thương hiệu ngoại đang sản xuất tại Việt Nam. Sau cùng, các chuyên gia cho rằng: Các doanh nghiệp ở Việt Nam tiếp tục tăng tỷ lệ nội địa hóa cả ô tô thương hiệu Việt và thương hiệu ngoại sản xuất tại Việt Nam.

TS. Nguyễn Mạnh Hùng – [email protected]

Văn bản liên quan :
Quyết định 12/2011/QĐ-TTg ngày 24/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ.

Quyết định 49/2010/QĐ-TTg ngày 19/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.

Quyết định 177/2004/QĐ-TTg ngày 5/10/2004 của Thủ tướng Chính phủ về “phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020” 

Quyết định 43/2006/QĐ-BTC ngày 29/08/2006 về việc bãi bỏ chính sách thuế theo tỷ lệ nội địa hoá đối với các sản phẩm, phụ tùng thuộc ngành cơ khí - điện - điện tử

Quyết định 28/2004/QĐBKHCN ngày 01/10/2004 của Bộ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ôtô.

Quyết định 05/2005/QĐ-BKHCN ngày 11/5/2005 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN
ngày 01/10/2004 về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hoá đối với ôtô

Quyết định 186/ 2002/QĐ-TTg ngày 26/12/2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới 2020