Nga tiếp tục bác đề xuất nối lại thoả thuận ngũ cốc Sáng kiến Biển Đen

Chính phủ Nga vừa tiếp tục bác bỏ đề xuất của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về việc quay trở lại thỏa thuận ngũ cốc Sáng kiến Biển Đen và cho biết sẽ cung cấp ngũ cốc, phân bón cho châu Phi.
Sáng kiến Biển Đen chấm dứt
 Sau khi Nga rút khỏi thoả thuận ngũ cốc Sáng kiến Biển Đen vào ngày 17/7, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố mọi tàu hướng đến cảng Ukraine đều sẽ bị coi là phương tiện vận chuyển hàng quân sự.

Phát biểu trước giới truyền thông trong ngày 25/7, Người phát ngôn Điện Kremlin ông Dmitry Peskov cho biết “Bức thư của ông Antonio Guterres lại đưa ra kế hoạch hành động với những lời hứa rằng đến lúc nào đó, các quyền lợi của Nga trong Sáng kiến Biển Đen có thể được thực hiện.Thật không may, Nga lúc này không thể trở lại thỏa thuận bởi các điều khoản liên quan Moskva không được thực thi, và trên thực tế cũng chưa bao giờ được triển khai".

Phát biểu trên đề cập đến việc, ngày 24/7, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc của ông Antonio Guterres gửi thư đến Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm kêu gọi Nga cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc an toàn từ các cảng của nước này, sau khi Nga rút khỏi Sáng kiến Biển Đen.

Trước đó, vào ngày 11/7, ông Antonio Guterres cũng gửi thư đến Tổng thống Nga với đề xuất Nga tiếp tục duy thoả thuận ngũ cốc Sáng kiến Biển Đen, đổi lại một chi nhánh của ngân hàng Nga Rosselkhozbank sẽ được kết nối trở lại với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Tuy nhiên, Nga vẫn quyết định rút khỏi Sáng kiến Biển Đen vào ngày 17/7 vừa qua. Bộ Quốc phòng Nga, ngay sau đó, tuyên bố mọi tàu hướng đến cảng Ukraine đều sẽ bị coi là phương tiện vận chuyển hàng quân sự, nhưng chưa nêu phương án xử lý.

Sáng kiến Biển Đen hay còn gọi là thoả thuận ngũ cốc được ký kết giữa Nga và Ukraine dưới sự dàn xếp của Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7/2022. Thoả thuận này nhằm đảm bảo nguồn cung ngũ cốc, đặc biệt là lúa mì và ngô, cho thị trường thế giới trong bối cảnh xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine khiến tuyến đường vận chuyển ngũ cốc tại khu vực Biển Đen bị phong toả. Trước khi cuộc xung đột nổ ra, 90% lượng ngũ cốc của Ukraine được xuất khẩu thông qua khu vực Biển Đen.

Xem thêm: "Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, giá gạo xuất khẩu Việt Nam có thể lên tới 700 USD/tấn" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Liên Hợp Quốc và nhiều nước lo ngại việc thoả thuận ngũ cốc Sáng kiến Biển Đen bị huỷ bỏ sẽ khiến giá lương thực trên toàn cầu tăng trở lại, đặc biệt là trong bối cảnh giá gạo đang tăng vọt tại nhiều quốc gia, gây tác động nghiêm trọng đến những nước nghèo.

Ông Dmitry Peskov hiện nhấn mạnh Nga sẽ chỉ quay trở lại Sáng kiến Biển Đen nếu các điều khoản liên quan đến quyền lợi của Nga được thực hiện nghiêm túc.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cho biết Nga sẽ thay thế Ukraine xuất khẩu ngũ cốc và cung cấp miễn phí cho các nước nghèo. "Nga sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình để tạo ra nguồn cung ngũ cốc, thực phẩm, phân bón và hàng hóa khác cho châu Phi", ông Vladimir Putin nói.

Nga dự kiến sẽ thảo luận về nguồn cung ngũ cốc với các nước châu Phi tại hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi diễn ra ngày 27 - 28/7 ở St. Petersburg (Nga).

Quỳnh Trang