Nga chính thức dừng thoả thuận ngũ cốc Sáng kiến Biển Đen

Chính phủ Nga vừa cho biết nước này sẽ không gia hạn thêm việc thực thi thoả thuận ngũ cốc Sáng kiến Biển Đen do các quyền lợi của Nga không được thực thi đầy đủ.

Ngày 17/7 (theo giờ địa phương), ông Dmitry Peskov - người phát ngôn của Điện Kremlin cho biết Chính phủ Nga quyết định ngừng tham gia thoả thuận ngũ cốc Sáng kiến Biển Đen do các điều khoản liên quan đến lợi ích của Nga trong thoả thuận này đã không được tuân thủ nghiêm túc.

Như vậy thoả thuận Sáng kiến Biển Đen này chính thức hết hiệu lực kể từ hôm nay. Đồng thời, người phát ngôn của Điện Kremlin cho biết động thái này không liên quan đến vụ việc cầu Kerch nối lục địa Nga và bán đảo Crimea bị tấn công trong cùng ngày.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga bà  Maria Zakharova cũng cho biết Chính phủ Nga đã thông báo quyết định này đến các bên có liên quan, gồm: Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liên Hợp Quốc.

Theo ông Dmitry Peskov, Nga sẽ chỉ quay lại thoả thuận ngũ cốc khi các quyền lợi của Nga được đảm bảo tuân thủ đầy đủ.

Nga dừng thoả thuận ngũ cốc Sáng kiến Biển Đen
 Việc Nga dừng thoả thuận Sáng kiến Biển Đen sẽ khiến hoạt động vận chuyển ngũ cốc qua khu vực Biển Đen bị đình trệ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung ngũ cốc toàn cầu. (Ảnh: Reuters)

Sáng kiến Biển Đen hay còn gọi là thoả thuận ngũ cốc được ký kết giữa Nga và Ukraine dưới sự dàn xếp của Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7/2022. Thoả thuận này nhằm đảm bảo nguồn cung ngũ cốc, đặc biệt là lúa mì và ngô, cho thị trường thế giới trong bối cảnh xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine khiến tuyến đường vận chuyển ngũ cốc tại khu vực Biển Đen bị phong toả. Trước khi cuộc xung đột nổ ra, 90% lượng ngũ cốc của Ukraine được xuất khẩu thông qua khu vực Biển Đen.

Thoả thuận ngũ cốc này đã được gia hạn lần thứ 3 vào tháng 5/2023 và cần được gia hạn tiếp sau ngày 17/7 vừa qua.

Trước đó, vào ngày 13/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng nước này sẽ ngưng tham gia thoả thuận Sáng kiến Biển Đen trừ khi các quyền lợi nào của Nga liên quan đến thoả thuận ngũ cốc Sáng kiến Biển Đen được đáp ứng, như: xuất khẩu lương thực, xuất khẩu phân bón, nhập khẩu máy móc nông nghiệp, thanh toán quốc tế và bảo hiểm vận tải.

Xem thêm bài viết: "Giá gạo xuất khẩu Việt Nam lập kỷ lục mới, dự báo sẽ hưởng lợi lớn nếu Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Tổng thống Nga cũng nhấn mạnh rằng bất chấp thực tế cho thấy thoả thuận ngũ cốc “chỉ đem lại lợi ích cho một bên”, Chính phủ Nga vẫn đã gia hạn thoả thuận này nhiều lần trong thời gian qua.  

Giới quan sát hiện lo ngại việc Nga rút khỏi thoả thuận sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung ngũ cốc trên toàn cầu, đặc biệt là đối với các nước phụ thuộc vào nguồn ngũ cốc giá rẻ từ Nga và Ukraine. Khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2/2022, giá ngũ cốc và phân bón trên toàn cầu nhanh chóng tăng vọt, lên mức cao kỷ lục.

Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, Sáng kiến Biển Đen đã góp phần đáng kể vào việc hạ nhiệt giá lương thực toàn cầu thời gian qua, giúp mặt bằng giá thực phẩm hiện giảm 23% so với hồi tháng 3/2023.

Nga hiện cho biết nước này sẽ vẫn đảm bảo duy trì hoạt động xuất khẩu ngũ cốc đến các nước nghèo, dễ bị tổn thương nhất.

Duy Quang