Lấy ý kiến góp ý bản thảo cuốn sách Lịch sử Công Thương Việt Nam (1945-2010)

Ngày 18/10/2022, tại Hà Nội đã Hội thảo khoa học Lấy ý kiến góp ý bản thảo cuốn sách Lịch sử Công Thương Việt Nam (1945-2010) do Bộ Công Thương tổ chức.
toàn cảnh hội nghị
Quang cảnh hội thảo

"Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010” là công trình đồ sộ có tính toàn diện và chất lượng cao, hữu ích cho việc nghiên cứu để từ đó suy ngẫm thêm về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của Ngành trong tiến trình lịch sử; đúc rút những bài học kinh nghiệm quý, vận dụng trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, mang tính thời sự khi tại Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua đã  bàn và ra nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Đây là nhận định chung của nhiều diễn giả tại Hội thảo khoa học Lấy ý kiến góp ý bản thảo cuốn sách Lịch sử Công Thương Việt Nam (1945-2010) do Bộ Công thương tổ chức ngày 18 tháng 10 năm 2022, tại Hà Nội.

Tham dự Hội thảo có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Công Thương các nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực kinh tế và lịch sử. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam  đồng chủ trì Hội thảo. 

Thay mặt nhóm tác giả, bà Đặng Thị Ngọc Thu - Tổng Biên tập Tạp chí Công Thương - Đơn vị được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ trình bày  tóm tắt quá trình triển khai nghiên cứu biên soạn cuốn sách “Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945 - 2010”. Báo cáo  tập trung vào 3 vấn đề lớn :nội dung, phương pháp nghiên cứu và những điểm mới trong bản thảo cuốn sách.

hoi thao khoa hoc
Sau 3 giờ làm việc, với tinh thần khoa học, khách quan, dân chủ, Hội thảo khoa học “Lấy ý kiến góp ý bản thảo cuốn sách Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945 - 2010” đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra.

Sau 3 giờ làm việc, với tinh thần khoa học, khách quan, dân chủ, Hội thảo khoa học “Lấy ý kiến góp ý bản thảo cuốn sách Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945 - 2010” đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra. Kết luận Hội thảo Bộ trưởng bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã khái quát một số nội dung mà các đại biểu đã thống nhất.

Một là: Bản thảo cuốn sách được nghiên cứu xây dựng công phu, toàn diện, sâu sắc, đã tái hiện lại một cách hệ thống về vị trí, vai trò và các hoạt động chủ yếu của ngành Công Thương trong từng giai đoạn lịch sử dân tộc, gắn liền với sự ra đời và phát triển của Nhà nước cách mạng Việt Nam; là nguồn sử liệu quý, đồ sộ, phong phú, có độ tin cậy cao, rất hữu ích cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với ngành Công Thương qua các thời kỳ và những đóng góp, cống hiến của Ngành trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; đồng thời là tài liệu tuyên truyền, giáo dục về truyền thống vẻ vang của ngành Công Thương Việt Nam, giúp cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, đặc biệt là thế hệ trẻ nắm chắc, hiểu rõ và trân quý các giá trị truyền thống, lịch sử của Ngành, góp phần tạo lập, nuôi dưỡng niềm tự hào, tình yêu Ngành, yêu nghề và hoài bão, khát vọng vươn lên, tạo động lực phấn đấu cùng toàn Ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, xứng đáng với niềm tin, sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Hai là: Bản thảo có bố cục khá chặt chẽ, khoa học và cân đối về dung lượng giữa các phần trong mỗi chương, tương đồng với tính chất quan trọng của mỗi giai đoạn lịch sử; các phương pháp nghiên cứu được sử dụng khoa học, phù hợp; những vấn đề, sự kiện, nhân vật được lựa chọn và trình bày mạch lạc, chính xác, tiêu biểu; đánh giá, phân tích khách quan, thuyết phục.

Ba là: Nội dung Bản thảo cuốn sách đã trình bày chân thực, khách quan quá trình xây dựng và phát triển ngành Công Thương Việt Nam xuyên suốt từ thời kỳ trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945 đến giai đoạn thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; trong đó, đã nêu bật được những chặng đường phát triển đầy tự hào, những thành tựu nổi bật và cả những thời điểm khó khăn, thách thức mà ngành Công Thương đã trải qua; Làm sáng rõ những luận điểm cơ bản về vị trí, vai trò, nhiệm vụ cũng như các đóng góp to lớn, sáng tạo của ngành Công Thương trong công tác tham mưu các chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là ở những thời điểm, bước ngoặt của lịch sử dân tộc; đồng thời, phân tích, tổng kết, đưa ra những bài học kinh nghiệm quý, có giá trị thực tiễn cao, góp phần nâng cao chất lượng công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành của Ngành trong thời gian tới.

Bên cạnh việc khẳng định và đánh giá cao những ưu điểm, các đại biểu cũng đã góp ý, khuyến nghị chỉnh sửa, bổ sung về kỹ thuật trình bày và một số nội dung trong Bản thảo như: Cô đọng lại một số phần của Tiểu kết và mục Sự kiện - Nhân chứng lịch sử; điều chỉnh tách phần Những bài học kinh nghiệm với phần Kết luận để bạn đọc dễ theo dõi; thống nhất về cách chú dẫn, trích dẫn, cách dùng tên người, tên địa danh nước ngoài…

Bộ trưởng đề nghị Ban Biên soạn tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học và các đồng chí cán bộ lão thành trong Ngành gửi tới Hội thảo để hoàn thiện Bản thảo, trình Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ thông qua lần cuối và xem xét, lựa chọn Nhà xuất bản có năng lực, uy tín để biên tập, xuất bản cuốn sách, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc trong và ngoài Ngành.

Bản thảo cuốn sách Lịch sử Công Thương Việt Nam (1945 - 2010) có dung lượng gần 1.000 trang, với kết cấu 3 phần.

* Phần thứ nhất, Sơ lược lịch sử hình thành Bộ Công Thương.

* Phần thứ hai, gồm 8 chương nội dung và chương Kết luận:

Chương I. Công nghiệp - Thương mại Việt Nam trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945;

Chương II. Công nghiệp - Thương mại Việt Nam trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc (1945 - 1954);

Chương III. Công nghiệp - Thương mại miền Bắc thời kỳ khôi phục kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất ban đầu cho chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà (1954 - 1965);

Chương IV. Công nghiệp - Thương mại với hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện cho miền Nam (1965 - 1975);

Chương V. Công nghiệp - Thương mại miền Nam thời kỳ 1955 - 1975;

Chương VI. Tình hình Công nghiệp - Thương mại trong 10 năm sau khi đất nước thống nhất (1975 - 1985);

Chương VII. Tình hình Công nghiệp - Thương mại trong 10 năm đầu đổi mới đất nước (1985 - 1995);

Chương VIII. Phát triển Công nghiệp - Thương mại, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế (1995 - 2010).

Chương Kết luận, nêu 5 bài học học kinh nghiệm có giá trị lịch sử trên phương diện lý luận và thực tiễn, rút ra từ hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển ngành Công Thương. 

Bài học thứ nhất: Nắm vững chủ trương, vận dụng sáng tạo đường lối cách mạng của Đảng vào phát triển Ngành.

Bài học thứ hai: Nắm chắc, và quyết tâm thực hiện nhiệm vụ chính của Ngành là xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ cho nền kinh tế, làm nền tảng cho công cuộc CNH-HĐH đất nước.

Bài học thứ ba: Bảo đảm hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước.

Bài học thứ tư: Công nghiệp hóa phải hướng đến giải phóng và phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo bước đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp.

Bài học thứ năm: Phát triển thương mại cần tập trung vào bảo đảm các cân đối lớn, cán cân thương mại, không chỉ để trở thành trụ cột phát triển trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà còn là phương thức bảo đảm an ninh kinh tế, chủ động ứng phó với các tình huống biến động lớn, đột xuất có thể xảy ra từ bên ngoài.

* Phần thứ ba: Bao gồm Biên niên một số sự kiện lịch sử liên quan đến hoạt động ngành Công Thương giai đoạn 1945 - 2010, Tài liệu tham khảo, Mục lục.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

bo truong
 Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo. 
Sep thu
Tổng Biên tập Tạp chí Công Thương Đặng Thị Ngọc Thu báo cáo về quá trình triển khai nghiên cứu cuốn sách
thu truong an
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu đề dẫn hội thảo
bo truong
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên điều hành thảo luận
thay giang
GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam điều hành thảo luận
thay cuong
 PGS.TS Trần Đức Cường Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
thay dat
.GS.TSKH Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước ngành Kinh tế, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân phát biểu tại Hội thảo
thay hung
GS.TS Đỗ Quang Hưng, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Cận - Hiện đại Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo phát biểu tại Hội thảo
thay tung
GS.TS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại Hội thảo
thay ha
PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu tại Hội thảo
thay hai
PGS.TS Đinh Quang Hải, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử phát biểu tại Hội thảo
thay khanh
GS.TS Nguyễn Văn Khánh, Chủ tịch Hội đồng khoa học - Đào tạo Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, nguyên Hiệu trưởng trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn phát biểu tại Hội thảo
thay tuan
GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại Hội thảo
thu truong minh
Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Nguyễn Đức Minh phát biểu tại Hội thảo
ong vy
Nguyên Vụ trưởng vụ Kế hoạch Bộ Công Thương Nguyễn Tiến Vỵ phát biểu tại Hội thảo
anh lưu niệm
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm