[Truyền thống Công Thương] “Bù giá vào lương” những năm 1980 được Bộ Nội thương tính toán thế nào?

Ông Nguyễn Văn Diễm là một trong hai người của Bộ Nội thương được giao nhiệm vụ tính chi tiết, tỷ mỉ từng lạng thịt, bìa đậu, gram mì chính... theo tiêu chuẩn A2, A1, A, B, C, Đ, E ứng với giá thị trường, rồi cộng với mức lương hiện tại của từng bậc lương để hình thành mức lương mới.
Quầy bán thực phẩm
Quầy bán thực phẩm

Giai đoạn 1981-1985, tình hình đất nước cực kỳ khó khăn. Đặc biệt là cuộc đấu tranh về "giá" giữa giá Nhà nước định và hình thành giá thị trường. Hồi đó, mức lương danh nghĩa của cán bộ, công chức, người lao động không cao. Nhưng bù lại, họ được mua theo định lượng một số mặt hàng thiết yếu theo giá bao cấp.

Mỗi tháng, cán bộ, công chức được mua 13 kg gạo; công nhân tùy loại hình lao động được mua 15-20 kg gạo; nước mắm nửa lít; thịt từ 0,3-0,5 kg; đường 0,3 kg; chất đốt 4 lít dầu hỏa hoặc 20 kg than quả bàng… Tất cả  được mua với giá cung cấp, thấp hơn nhiều so với giá trị thực trên thị trường. Tính bình quân, 30% thu nhập của một cán bộ hay công nhân là lương; 70% còn lại là những mặt hàng thiết yếu được mua theo giá Nhà nước thông qua tem phiếu.

Tuy nhiên, cấp phát qua tem phiếu đã biến chế độ tiền lương thành lương hiện vật, thủ tiêu động lực kích thích người lao động và phá vỡ nguyên tắc phân phối theo lao động. Kết quả là, tăng trưởng sản xuất không theo kịp với mức tăng dân số; đời sống một bộ phận cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân gặp khó khăn.

Xếp hàng mua chất đốt
Xếp hàng mua chất đốt

Để khắc phục tình trạng này, Nhà nước quyết định thực hiện  cuộc tổng điều chỉnh giá - lương - tiền. Về lương, thực hiện chính sách “bù giá vào lương”. Hiểu một cách đơn giản nhất, “bù giá vào lương” nghĩa là Nhà nước tính tổng tiền lương và những mặt hàng cung cấp theo tem phiếu, tất cả qui ra giá thị trường để tính ra mức lương mới.

Ông Nguyễn Văn Diễm, nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Thương mại cho biết, để chuẩn bị cho việc thực hiện chính sách bù giá vào lương, Chính phủ giao cho các bộ, ngành tính toán một cách bí mật. Ông Diễm là 1 trong 2 người của Bộ Nội thương được giao nhiệm vụ tính chi tiết, tỷ mỉ từng lạng thịt, bìa đậu, gram mì chính... theo tiêu chuẩn A2, A1, A, B, C, Đ, E ứng với giá thị trường, rồi cộng với mức lương hiện tại của từng bậc lương để hình thành mức lương mới.

Việc này được thực hiện tại Khách sạn Tây Hồ. Để bảo đảm tuyệt đối giữ bí mật, mọi người đã vào đây là không được ra nữa, cho đến khi hoàn thành công việc (khoảng 7 đến 10 ngày).

Bìa mua phụ tùng xe đạp
Bìa mua phụ tùng xe đạp

Sau đó, cuộc tổng điều chỉnh  giá - lương - tiền không đạt được mục đích như kỳ vọng, nhưng theo ông Diễm, những bài học kinh nghiệm để đời đã góp phần trợ lực mạnh mẽ cho chúng ta quyết tâm tiến hành công cuộc Đổi mới đồng bộ, toàn diện hơn vào năm 1986.

[Quảng cáo]

 

Thường Tín