Khía cạnh luân lý và đạo đức trong hoạt động kinh tế ở cộng đồng Kitô giáo

Thực tiễn ở nước ta cho thấy, những luân lý, đạo đức của Kitô giáo được các tín hữu tiếp nhận một cách tự giác, và biểu hiện hết sức mạnh mẽ trong các giao dịch kinh tế, trong ứng xử vào hoạt động kinh doanh của họ, làm cho họ trở thành những đối tác tin cậy và trách nhiệm hơn.

Quan niệm của Kitô giáo về kinh tế

Đối với người Kitô giáo, đạo đức và hệ thống giáo lý của tôn giáo này là động lực mạnh mẽ để xây dựng các mối quan hệ kinh tế lành mạnh.  Theo Học thuyết xã hội của Giáo hội, của cải vật chất là điều cần thiết cho cuộc sống, và của cải kinh tế, sự giàu có tự chúng không bị lên án mà đúng hơn là việc lạm dụng chúng mới đáng bị lên án. Do đó, “hoạt động kinh tế” và “cách ứng xử có luân lý” có mối quan hệ tất yếu. Nói cách khác, các tín hữu Kitô giáo được dạy rằng, hiệu năng kinh tế và việc đẩy mạnh sự phát triển của con người trong tình liên kết cộng đồng không phải là hai mục tiêu tách rời nhau, hay phải chọn một trong hai, mà là một mục tiêu không thể phân chia.

Lao động chăm chỉ và tinh thông là nội dung quan trong hoạt động mưu sinh của tín hữu. Lao động là vinh quang, là nghĩa vụ và quyền lợi, nhờ đó con người liên kết với con người trong cộng đồng. Bằng lao động cách cẩn trọng và khôn ngoan, con người phát huy những khả năng đã được ghi khắc trong bản tính của mình, thỏa mãn những nhu cầu của bản thân và cho những người thân cận; cũng như phục vụ cộng đồng nhân loại. Trong Kinh thánh, có rất nhiều câu chuyện ca ngợi tính chịu thương chịu khó, kỹ năng và sự khôn ngoan của con người thông qua lao động, như câu chuyện về một nông dân gieo hạt giống chất lượng trong ruộng mình và kiên nhẫn chờ đợi, dù cho cỏ dại có mọc lên cùng với lúa. Sự kiên nhẫn của người nông dân đến từ quá trình lao động, nói cách khác, lao động đã hoàn thiện con người, khiến họ vững tâm hơn, không hốt hoảng trước những biến động, khó khăn, phức tạp của thế gian. Hoặc như câu chuyện anh ngư phủ thả lưới trên biển và kéo vào đầy cá. Trong số lượng cá lớn đó, anh ném tất cả những con cá nhỏ xuống biển và chọn những con cá lớn không chút khó khăn. Bằng kinh nghiệm của mình, anh biết tài nguyên dù có bao la của biển cả không phải là vô hạn nên đã thả cá nhỏ xuống, để gặt hái những thành quả lao động cho mình và những thế hệ mai sau mãi mãi được bền vững.

Trong lao động mưu sinh, trung tín là đức tính được khuyến khích hàng đầu. Mười điều răn của Thiên Chúa cũng nêu mối quan hệ giữa luân lý, đạo đức của tín đồ Kitô hữu khi tìm kiếm mưu sinh: Không được gian tham lấy của người khác; không được ham muốn của cải trái lẽ. Các điều răn không chỉ xác định những ranh giới đâu là điều được làm, đâu là điều không được phép làm, mà trước hết, giới thiệu và khuyến khích xây dựng những thái độ căn bản, giúp tín hữu Kitô giáo làm điều lành, tránh điều xấu một cách tự nhiên, phát xuất từ sự thúc đẩy nội tâm để hình thành những thói quen tốt.

Giáo hội ủng hộ và khuyến khích mỗi cá nhân đưa ra sáng kiến trong lĩnh vực kinh tế nếu đạt được sự hoà hợp giữa công ích đang theo đuổi với loại hình hoạt động kinh tế do sáng kiến ấy đưa ra. Công ích trong các hoạt động kinh tế được nói tới ở đây được diễn giải bằng 4 yếu tố sau:

- Phục vụ công ích của xã hội thông qua việc sản xuất hàng hoá hữu ích và cung cấp các dịch vụ chính đáng.

- Tạo cơ hội gặp gỡ, hợp tác và phát huy hơn nữa khả năng của những người cùng tham gia

- Bảo vệ phẩm giá của những người đang làm việc ở những cấp khác nhau trong cùng một tổ chức.

- Nhắm đến lợi ích của tất cả mọi người. Không được chỉ thoả mãn những quyền lợi cá nhân của riêng ai.

Nếu các hoạt động kinh tế lấy việc phát triển sự giàu có và làm cho sự giàu có mỗi ngày một tăng lên, không chỉ về lượng mà cả về chất làm mục tiêu chính, thì mục tiêu ấy cần truyền tải tính luân lý để giúp con người được phát triển toàn diện trong sự liên kết và tạo ra một xã hội thịnh vượng, chứ không phải chỉ một vài cá nhân giàu có.

Mọi người bất kể là ai đều có bổn phận làm việc để kiếm tiền nuôi thân và gia đình, tất nhiên họ có quyền giữ tiền và có quyền tiêu tiền. Giáo hội coi đó là việc thường tình trong đời sống con người. Các tín hữu Kitô giáo thường khuyến khích và được khuyến khích học hỏi cách làm ăn hiệu quả, sống quảng đại, sẵn sàng chia sẻ tiền của vật chất và hướng dẫn cách làm ăn cho những người khó khăn, với tâm niệm rằng: “Cho thì có phúc hơn là nhận”.

Đối với các chủ cơ sở sản xuất, cần thực hiện tốt 3 việc sau:

Thứ nhất, có tinh thần trách nhiệm, biết tạo sự hợp tác và sẵn sàng thúc đẩy sự sáng tạo đối với người làm công. Tinh thần trách nhiệm và sự hợp tác không chỉ là ưu tiên hàng đầu đối với người chủ mà còn là ưu tiên đối với toàn bộ người làm công ăn lương. Trong tiềm thức, tinh thần trách nhiệm và sự hợp tác là một trong những điều mà người làm công mong muốn ở bất cứ nơi nào họ làm. Sở dĩ người làm công coi trọng điều này ở cả người chủ hay đồng nghiệp của họ là vì nó mang lại niềm tin. Làm việc với đội ngũ có nhiều người không bao giờ chịu trách nhiệm sẽ nhanh chóng tạo ra nền văn hóa độc hại. Khi người làm công cảm thấy các thành viên trong nhóm không tự chịu trách nhiệm về hành vi và hiệu suất của bản thân, họ sẽ ngay lập tức lo lắng rằng, những người đó sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến họ. Trái lại, nếu ai cũng sẵn sàng hợp tác và tự chịu trách nhiệm về hiệu suất của mình, mọi người sẽ cảm thấy tự tin rằng các thành viên trong nhóm sẽ hỗ trợ cho họ, thay vì “hi sinh” họ vì lợi ích cá nhân.

Thứ hai, cố gắng tổ chức lao động thế nào để người làm công vừa có thể cống hiến cho cho cơ sở, cho người chủ mà vẫn dành đủ thời gian cho vun vén gia đình của mình, đặc biệt là giúp các bà mẹ trong việc chu toàn nghĩa vụ riêng của họ. Để làm được việc đó, đôi khi người chủ phải gợi ý mục tiêu, gợi ý tiến trình hoàn thành mục tiêu cho người làm công theo sở trường của từng người để họ phấn đấu. Đồng thời, lên kế hoạch tổ chức công việc theo hướng: đảm bảo phụ nữ không bị phân biệt đối xử khi mang thai, làm mẹ hoặc chăm sóc gia đình - ví dụ, liên quan đến điều kiện việc làm, tiền lương hoặc cơ hội thăng tiến trong công việc. Trong những điều kiện nhất định, hỗ trợ thời gian làm việc linh hoạt, cho phép người mẹ làm việc tại nhà (nếu có thể) khi cần phải chăm sóc con.

- Cố gắng đáp ứng yêu cầu về chất lượng của các hàng hoá được sản xuất và tiêu thụ, chất lượng của các dịch vụ cần cung ứng cho con người, chất lượng của môi trường và chất lượng của đời sống nói chung. Chất lượng của hàng hóa, dịch vụ được hiểu là, đảm bảo hình thức hài hòa, phù hợp với đặc tính văn hóa dân tộc; có tuổi thọ phù hợp với giá bán; công năng của sản phẩm đạt mức độ tin cậy, cũng như sự tiện dụng và mức độ an toàn của sản phẩm.

Chúng ta có thể coi thông điệp của Giáo hoàng Phanxicô gửi đến hơn 2.000 doanh nhân tại một hội nghị trực tuyến cuối tháng 11 năm 2020 như một giáo huấn về luân lý và đạo đức Kitô giáo trong hoạt động kinh tế, hướng đến sự phát triển toàn diện của con người, trong mối quan hệ hài hòa với thiên nhiên: “Phát triển không chỉ đơn thuần là tăng trưởng kinh tế. Phát triển đích thực phải là sự tăng trưởng toàn vẹn, cho mỗi người và của toàn thể con người. Chúng ta không chấp nhận tách kinh tế khỏi con người. Điều quan trọng đối với chúng ta là con người, mọi người, mọi nhóm người và toàn thể nhân loại”; “Đã đến lúc ủng hộ và khuyến khích các mô hình phát triển, tiến bộ và bền vững trong đó con người, và đặc biệt là mẹ trái đất, trở thành những người giữ vai chính trong cuộc sống, cũng như của toàn bộ cấu trúc xã hội”.

Nói cách khác, triết lý Kitô giáo hướng đến phát triển kinh tế bền vững. Nghĩa là phát triển đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường.

Thực tiễn ở Việt Nam: Đề cao sự công bằng và trung thực

Thực tiễn ở nước ta cho thấy, những luân lý, đạo đức của Kitô giáo được các tín hữu tiếp nhận một cách tự giác, và biểu hiện hết sức mạnh mẽ trong các giao dịch kinh tế, trong ứng xử vào hoạt động kinh doanh của họ, làm cho họ trở thành những đối tác tin cậy và trách nhiệm hơn. Nhiều giáo xứ, họ đạo trở thành những tấm gương sáng về hoạt động sản xuất, kinh doanh lành mạnh, bền vững. Trong đó, các tu sĩ và giáo dân đều nhấn mạnh đến công bằng và trung thực như là vấn đề cốt lõi của đường hướng hoạt động kinh tế nhân bản.

Trong buổi gặp gỡ các doanh nhân - tiểu thương Công giáo trong Giáo phận Phát Diệm Đức Cha Giuse Nguyễn Năng đã triển khai đề tài: “Người chủ kinh doanh - tiểu thương Công giáo sống lòng thương xót như thế nào”, khẳng định: “Khi sống lòng thương xót, điều tiên quyết là phải sống công bằng và trung thực, vì thế người chủ kinh doanh và tiểu thương cần sống công bằng và trung thực đối với khách hàng qua việc trao đổi, buôn bán hàng hóa, sống công bằng đối với những người làm công ăn lương”. Có công bằng và trung thực, người làm nghề nông sẽ không bơm thuốc kích thích, hóa chất độc hại vào hoa quả, không gây hại cho sức khỏe người khác.

Có công bằng và trung thực thì người làm nghể sản xuất, thực phẩm sẽ không phù phép chế biến vật liệu hư hôi thành những thực phẩm bắt mắt nhưng chứa đầy hóa chất độc hại; không khiến con đường ngắn nhất đi đến nghĩa trang là con đường đi ngang qua bao tử. Có công bằng và trung thực, chủ doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nhận thức rằng, tài nguyên thiên nhiên thì có hạn, trong số đó có những tài nguyên không thể tái tạo, dễ cạn kiệt. Vậy phải bảo tồn chúng cho thế hệ hiện nay và cả cho thế hệ tương lai. Công bằng và trung thực đưa người tiêu dùng lên tầng mức nhận thức toàn diện hơn, và hiểu rằng, cuộc khủng hoảng môi trường là hậu quả của chủ nghĩa tiêu thụ và khai thác tài nguyên một cách qua mức, phát xuất từ triết lý lệch lạc, coi con người là chúa tể, là ông chủ tuyệt đối của thế giới. Do đó, mọi hành vi sản xuất và tiêu dùng mang tính lạm dụng tài nguyên cũng được xem là một trong những hình thức ăn cắp của công.

Giữa một cộng đồng vần còn người này người kia sẵn sàng làm bất cứ điều gì miễn là công việc làm ăn được thuận buồm xuôi gió thì việc phải “sống công bằng và trung thực” khi kiếm kế sinh nhai quả là một thử thách rất lớn. Tuy nhiên, trong niềm tin vào luân lý và đạo đức Kitô giáo vào mục tiêu của cả một đời người là phát triển bản thân toàn diện, mỗi tín hữu Kitô đều cẩn trọng trong mọi hoạt động, giao dịch kinh tế theo hướng bảo đảm sự hài hòa trong mối quan hệ với cộng đồng và thiên nhiên.

Với phương châm “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”, giáo dân các giáo xứ trong cả nước tích cực tham gia phát triển kinh tế, xây dựng quê hương giàu mạnh. Điển hình như bà con công giáo tỉnh Quảng Trị. Bà con giáo dân đã tích cực giúp nhau trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ ngày càng có nhiều điển hình tiêu biểu: Các mô hình trồng nấm Linh chi, nấm Sò của tổ hợp tác giáo họ Mỹ Sơn, giáo xứ Khe Ngang xã Phúc Trạch; tổ hợp tác trồng nghệ vàng và chế biến tinh bột nghệ thương phẩm ở giáo hạt Nguồn Son, huyện Bố Trạch; làng trồng hoa ở giáo họ Tượng Sơn, phường Quảng Long… đã tạo việc làm cho nhiều lao động có thu nhập ổn định. Tổ hợp ươm ghép giống cây lâm nghiệp của ông Trần Văn Bường, giáo xứ Chợ Sàng xã Liên Trường, tạo việc làm cho 15 lao động, trừ các khoản chi phí, hàng năm lãi ròng từ 200 - 250 triệu đồng.

Nhiều mô hình trang trại nuôi trồng kết hợp tại giáo xứ Sen Bàng huyện Bố Trạch; giáo họ Tô Xá, giáo họ Phù Ninh, huyện Quảng Trạch; giáo xứ Tân Phong TX Ba Đồn; giáo xứ Đá Nện, huyện Tuyên Hóa cho thu nhập cao, tạo điều kiện cho nhiều bà con có việc làm. Câu lạc bộ Nuôi trồng thủy sản trên sông Son của ông Hoàng Văn Thái có 420 hội viên với 630 lồng nuôi cá Trắm, cá Chình cho thu nhập từ 200 – 300 triệu đồng mỗi gia đình Hội viên/ năm.

Ông Nguyễn Văn Bảy giáo xứ Khe Ngang, xã Phúc Trạch nuôi trên 100 con lợn rừng, chị Nguyễn Thị Nguyện, vượt lên hoàn cảnh khó khăn, vay vốn trồng mới 800 gốc tiêu, duy trì đàn lợn 60 con cùng với 300 con gà thả vườn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Xưỡng chế biến thủy, hải sản của hộ gia đình bà Nga, bà Thủy ở giáo xứ Nhân Thọ phường Quảng Thọ, bà Thiết, bà Xinh, bà Hoa ở giáo xứ Xuân Hòa xã Quảng Xuân đã trở thành thương hiệu có uy tín với khách hàng trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, các doanh nghiệp dịch vụ xây dựng tổng hợp của ông Trương Quang Độ, ông Hoàng Mạnh Hùng, ông Hoàng Hiệu, ông Lê Quốc Việt ở huyện Tuyên Hóa; ông Lê Quang Hợp, ông Nguyễn Hùng ở thị xã Ba Đồn ngày càng phát triển, tạo việc làm cho hàng trăm lao động có thu nhập ổn định.

Phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ngày càng được bà con giáo dân hưởng ứng nhiệt tình, cùng chung sức góp công, hiến đất, chặt cây lưu niên để mở đường. Bà con giáo dân giáo xứ Gia Hưng, xã Hưng Trạch đóng góp 120 triệu đồng để nâng cấp cầu liên thôn, giáo dân họ giáo Thanh Hải xã Thanh Trạch đang tiếp tục đầu tư hàng ngàn ngày công để mở rộng đường giao thông theo quy hoạch nông thôn mới. Các tổ liên gia thuộc giáo xứ Hòa Ninh, giáo xứ Vĩnh Phước, giáo xứ Tân Phong và nhiều giáo xứ, giáo họ khác trên toàn tỉnh đang thi đua chăm sóc các đường hoa, trồng thêm nhiều cây xanh làm cho bộ mặt nông thôn ngày thêm khởi sắc.

Trên bình diện nhỏ hơn là xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và MTTQ các cấp cùng với sự coi sóc của Cha xứ, đồng bào giáo dân trong Giáo xứ thực hiện đời sống tốt đời, đẹp đạo, sống phúc âm trong lòng dân tộc. Thông qua các hình thức sinh hoạt tôn giáo, Cha xứ tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào theo đạo thực hiện đoàn kết lương - giáo, đẩy mạnh lao động sản xuất, giảm nghèo, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những quy định của địa phương và 10 điều răn dạy của Chúa; tích cực tham gia cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”; “gia đình công giáo mẫu mực”… Nhờ đó bà con giáo dân nhận thức và thực hiện tốt phương châm “kính Chúa, yêu nước”, “Sống tốt đời, đẹp đạo”, góp phần xây dựng Xứ đạo bình yên và giàu mạnh. Toàn bộ xã Nguyên Xá không còn gia đình có nhà ở dột nát, hộ khá và giàu chiếm 60%, thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ 60 triệu đồng/người/năm. 100% cơ sở thôn đều có câu lạc bộ văn nghệ, thể dục thể thao, tâm năng dưỡng sinh, dân vũ. Từ chỗ chỉ có một vài hộ sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhỏ lẻ, đến nay toàn xã có 695 doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm tại chỗ cho 2.536 lao động, chiếm 57,7% tổng số lao động của địa phương. Ngành công nghiệp mỗi năm mang về cho Nguyên Xá hơn 200 tỷ đồng, chiếm 66,3% tổng giá trị sản xuất của xã. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 55 triệu đồng/năm, thuộc tốp cao nhất các xã trong huyện Vũ Thư.

Đó là những hình mẫu trong phát triển kinh tế của tín hữu Kitô tại các giáo xứ, giáo phận trên cả nước, nhờ thấm nhuần luân lý và đạo đức, đặt mình vào mối quan hệ với cộng đồng và thiên nhiên.

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đảng ta khẳng định: “Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước”. Điều này cho thấy, Đảng ta nhìn nhận tầm quan trọng của nguồn lực tôn giáo, từ triết lý sống nhân bản của tôn giáo, trong đó có Kitô giáo trong phát triển của đất nước.

Minh Trang