Động lực và nguồn lực từ cải cách hành chính

6 nội dung thuộc Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ đã được Bộ Công Thương cụ thể hóa cho từng lĩnh vực quản lý nhà nước là động lực và nguồn lực cho ngành Công Thương thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.
cải cách hành chính

 

Cải cách hành chính

Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3027/QĐ-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2022 về việc ban hành Kế hoạch rà soát đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương năm 2023. Tính đến thời điểm báo cáo các đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ theo Kế hoạch.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang xây dựng kế hoạch cắt giảm, đơn giản hoá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương năm 2023.

Tính đến nay, Bộ Công Thương đang có 451 TTHC (303 TTHC thực hiện ở cấp Trung ương, 131 TTHC thực hiện ở cấp tỉnh; 15 TTHC thực hiện ở cấp Huyện; 2 TTHC cấp xã). 

Thực hiện cơ chế một cửa

Từ cuối năm 2016, Bộ Công Thương là Bộ đầu tiên khai trương và đưa vào sử dụng Cổng dịch vụ công trực tuyến với mô hình như Cổng Dịch vụ công quốc gia hiện nay. Ngay trong tháng 11 năm 2019 (trước khi khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia), Bộ đã tiến hành nâng cấp Cổng Dịch vụ công của Bộ để tích hợp và trao đổi dữ liệu với Cổng dịch vụ công Quốc gia. Đến nay, theo thống kê của Văn phòng Chính phủ, hệ thống đã phục vụ người dân, doanh nghiệp với chất lượng tốt, ổn định.

Cùng với đó, Bộ đã xây dựng xong Hệ thống một cửa điện tử của Bộ Công Thương và đưa vào vận hành đúng tiến độ đã đề ra tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP và Thông tư số 01/2018/TT-VPCP của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

Bộ đã ban hành Quyết định số 1330/QĐ-BCT ban hành Kế hoạch triển khai Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công Thương. Đến nay, việc cập nhật kết quả giải quyết hồ sơ TTHC luôn được Bộ Công Thương thực hiện đảm bảo, đúng quy định. Việc giải quyết TTHC của Bộ Công Thương đảm bảo thời hạn, tiến độ quy định và các yêu cầu về nội dung theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật quy định về TTHC.

Dịch vụ công trực tuyến

Đến nay, tất cả 303 thủ tục hành chính cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 2 trở lên. Hiện nay, Cổng Dịch vụ công (Cổng DVC) Bộ Công Thương đang cung cấp 236 DVCTT mức độ 3, 4 tại địa chỉ https://dichvucong.moit.gov.vn (8 DVCTT mức độ 3, 228 DVCTT mức độ 4) với hơn 46.000 doanh nghiệp tham gia khai báo.

Tổng số hồ sơ dịch vụ công trực tuyến trong 5 tháng đầu năm 2023 là hơn 967 nghìn bộ hồ sơ, tương ứng hơn 99% tổng số hồ sơ được gửi đến Bộ. Đến nay, Bộ Công Thương cũng đã hoàn thành mục tiêu cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trước thời hạn đề ra (trong năm 2021).

Cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN

Hiện nay đã kết nối 16 nhóm DVCTT với Cơ chế một cửa quốc gia (VNSW). Tổng số hồ sơ thực hiện trên VNSW trong 5 tháng đầu năm 2023 là hơn 136 nghìn bộ hồ sơ. Riêng đối với thủ tục Cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), kết nối thành công với Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) và đã trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 9 nước bao gồm: Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia và Bruinei, Campuchia, Lào, Myanmar, Philippine. Trong 5 tháng đầu năm 2023, tổng số hồ sơ điện tử đã trao đổi với các nước là hơn 105 nghìn bộ hồ sơ.

Đối với việc thực thi Hiệp định CPTPP, đã thiết lập, bổ sung thông tin của Chi-lê trên eCoSys hệ thống hoạt động đúng thời gian đã thống nhất giữa các bên.

Về kết nối Cổng dịch vụ công Bộ Công Thương với Cổng dịch vụ công quốc gia, đến cuối tháng 12 năm 2019, đã đưa tổng cộng 131 DVCTT mức độ 3, 4 của Bộ Công Thương lên Cổng DVCQG. Trong 5 tháng đầu năm 2023, Cổng DVC Bộ Công Thương đã trao đổi hơn 604 nghìn bộ hồ sơ điện tử với Cổng DVCQG.

Đối với thủ tục Thông báo thực hiện khuyến mại, mặc dù đã được phân cấp về các địa phương, Bộ cũng đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ làm đầu mối, triển khai thủ tục này trên Cổng DVCQG để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chỉ khai báo một lần duy nhất cho tất cả các tỉnh trên toàn quốc, kết nối, liên thông dữ liệu điện tử đến các Hệ thống một cửa điện tử của các tỉnh (thay vì khai báo trên từng tỉnh như trước đây). Trong 5 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp đã khai báo hơn 31 nghìn bộ hồ sơ điện tử đối với thủ tục này trên Cổng DVCQG. Với kết quả đạt được, Bộ Công Thương đã được Văn phòng Chính phủ ghi nhận là một trong những đơn vị đi đầu trong cả nước đối với việc kết nối Cổng DVCQG (cả về số lượng DVCTT và số lượng hồ sơ điện tử).

Phục vụ phát triển sản xuất

Cải cách hành chính là một quá trình thay đổi cơ bản, lâu dài, liên tục bao gồm cơ cấu của quyền lực hành pháp và tất cả các hoạt động có ý thức của bộ máy nhà nước nhằm đạt được sự hợp tác giữa các bộ phận và các cá nhân vì mục đích chung của cộng đồng và phối hợp các nguồn lực để tạo ra hiệu lực và hiệu quả quản lý và chất lượng các sản phẩm dịch vụ hoặc hàng hoá phục vụ nhân dân thông qua các phương thức tổ chức và thực hiện quyền lực. Cải cách hành chính là những thay đổi được thiết kế có chủ định nhằm cải tiến một cách cơ bản các khâu trong hoạt động quản lý của bộ máy nhà nước từ việc: lập kế hoạch; định thể chế; tổ chức; công tác cán bộ; tài chính; chỉ huy; phối hợp; kiểm tra; thông tin; và đánh giá. Đây cũng là quá trình thay đổi nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả hành chính, cải tiến tổ chức, chế độ và phương pháp hành chính cũ, xây dựng chế độ và phương thức hành chính mới trong lĩnh vực quản lý của bộ máy hành chính nhà nước.

Với ý nghĩa đó, công tác cải cách hành chính của Bộ Công Thương đã góp phần thực hiện chủ trương tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp phát triển các ngành sản xuất, xuất khẩu trong nước.

Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030. Trong đó, tập trung vào 6 nội dung, đó là: Cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công và xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Trọng tâm cải cách hành chính 10 năm tới là: Cải cách thể chế, trong đó tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển đất nước, trong đó, chú trọng cải cách chính sách tiền lương; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

6 nội dung thuộc Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ đã được Bộ Công Thương cụ thể hóa, cho từng lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc Bộ, đã tạo động lực và nguồn lực cho ngành Công Thương thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn và an sinh xã hội trong tình hình mới. Đồng thời, bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực để kịp thời nắm bắt, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Phạm Hải Yến