Đạm Phú Mỹ: Lợi nhuận 2022 cao kỷ lục, chuẩn bị tạm ứng cổ tức tỷ lệ 40%

Tổng công ty Phân bón & Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ) ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt hơn 5.600 tỷ đồng - mức cao nhất lịch sử hoạt động.

Tổng công ty Phân bón & Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, mã chứng khoán: DPM - sàn: HoSE) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022 với doanh thu thuần đạt 3.899 tỷ đồng, giảm 23% so với quý 4/2021. Do đó, lợi nhuận gộp của công ty giảm 31%, đạt 1.639 tỷ đồng.  

Trong quý 4/2022, doanh thu tài chính của Đạm Phú Mỹ đạt 157 tỷ đồng, tăng mạnh 118% so với quý 4/2021. Trong khi đó, chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp không biến động mạnh so với quý 4/2021. Kết quả, Đạm Phú Mỹ ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 1.140 tỷ đồng trong quý 4/2022, giảm 32% so với cùng kỳ năm 2021.

Luỹ kế cả năm 2022, Đạm Phú Mỹ đạt 18.627 tỷ đồng doanh thu thuần và 5.606 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 46% và 77% so với năm 2021. Đây cũng là những kết quả kinh doanh cao kỷ lục của Đạm Phú Mỹ từ trước đến nay.

Chi tiết kết quả hoạt động kinh doanh năm 2022 của Tổng công ty Phân bón & Hóa chất Dầu khí xem tại đây.

Giá cổ phiếu Đạm Phú Mỹ
Diễn biến giá cổ phiếu DPM của Đạm Phú Mỹ kể từ đầu năm 2022 đến nay. (Nguồn: FireAnt)

Trong giai đoạn đầu năm ngoái, giá bán phân đạm đạt mức cao kỷ lục trong khi chi phí nguyên vật liệu không tăng quá cao đã giúp công ty tích luỹ được mức lợi nhuận lớn. Biên lợi nhuận gộp của Đạm Phú Mỹ cũng tăng từ 37,4% trong năm 2021 lên 42,3% trong năm 2022. Chỉ tiêu lợi nhuận cơ bản trên cổ phiếu (EPS) năm 2022 của tổng công ty đạt 13.952 đồng.

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Đạm Phú Mỹ đạt hơn 17.747 tỷ đồng, tăng 28% so với thời điểm đầu năm. Đáng chú ý, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (tiền gửi có kỳ hạn) đã tăng gấp đôi, đạt 7.080 tỷ đồng (chiếm gần 40% tổng tài sản). Đây cũng là nhân tố giúp doanh thu tài chính của tổng công ty tăng mạnh trong năm 2022. Hàng tồn kho của Đạm Phú Mỹ cũng tăng 47% lên 3.539 tỷ đồng.

Đối với nguồn vốn, nợ phải trả hiện chiếm gần 20% tổng nguồn vốn của Đạm Phú Mỹ và đã tăng 18%, lên mức 3.515 tỷ đồng trong năm 2022; phần lớn các khoản nợ phải trả là nợ ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu của tổng công ty cũng tăng 32%, đạt 13.864 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tăng gấp đôi lên 6.487 tỷ đồng.

Đạm Phú Mỹ vừa cho biết sẽ chi tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2022 bằng tiền mặt trong quý 1/2023 ở mức 4.000 đồng/cổ phiếu (tương ứng với 40% mệnh giá cổ phần). Nguồn chi được lấy từ lợi nhuận chưa phân phối năm 2022 của tổng công ty. Với 391,4 triệu cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến tổng công ty sẽ chi hơn 1.565 tỷ đồng cổ tức cho lần tạm ứng này.

Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra vào cuối tháng 12/2022, Đạm Phú Mỹ đã thông qua việc tăng mức chi cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt từ 5.000 đồng/cổ phiếu lên 7.000 đồng/cổ phiếu (tương ứng tỷ lệ 70% mệnh giá cổ phần) khi các chỉ tiêu tài chính đạt kỷ lục lịch sử hoạt động. Tổng số tiền chi cổ tức đạt gần 2.800 tỷ đồng.

Trong năm 2023, Đạm Phú Mỹ đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất 17.372 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 2.250 tỷ đồng. Mục tiêu được đưa ra thấp hơn so với kết quả năm 2022 trong bối cảnh giá phân đạm năm 2023 được dự báo giảm mạnh so với mức đỉnh năm ngoái.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 3/2, giá cổ phiếu DPM của Đạm Phú Mỹ tăng 0,47%, đạt 42.800 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch bình quân 20 phiên giao dịch gần nhất của cổ phiếu DPM đạt hơn 1,7 triệu đơn vị.

Duy Quang