PV Gas: Doanh thu năm 2022 vượt 100.000 tỷ, chạm mức cao nhất lịch sử

Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) trong năm 2022 thu về hơn 100.000 tỷ đồng doanh thu, vượt 26% mục tiêu và đạt mức cao nhất lịch sử kể từ khi tổng công ty được thành lập đến nay.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022 của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas, mã chứng khoán: GAS - sàn: HoSE) trong năm 2022 ghi nhận 22.052 tỷ đồng doanh thu thuần và 4.868,8 tỷ đồng lợi nhuận gộp, lần lượt tăng 9,3% và 27,6% so với quý 4/2021. Biên lợi nhuận gộp của PV Gas trong quý 4/2022 cũng tăng lên mức 22,07%, so với mức 17,5% của cùng kỳ năm 2021.

Sau khi trừ các khoản chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh, PV Gas đạt 3.337 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý 4/2022, tăng mạnh 64% so với quý 4/2021. PV Gas cho biết việc giá dầu giá thô Brent bình quân quý 4/2022 tăng11% lên mức 88,71 USD/thùng đã khiến lợi nhuận khí khô tăng tương ứng. Sản lượng khí khô tiêu thụ trong quý 4/2022 tăng 27% so với quý 4/2021. Đồng thời, sản lượng tiêu thụ LPG và condensate cũng tăng lần lượt 16% và 48% so với cùng kỳ năm ngoái; qua đó, giúp doanh thu của tổng công ty tăng.

Lũy kế cả năm 2022, PV Gas đạt 100.723 tỷ đồng doanh thu thuần và 15.062 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 28% và 70% so với năm 2021. Đây cũng là những mốc kết quả kinh doanh cao nhất mà tổng công ty đạt được kể từ khi thành lập đến nay. Trung bình, PV Gas thu về hơn 1.250 tỷ  đồng lợi nhuận mỗi tháng trong năm 2022.

Chi tiết kết quả hoạt động kinh doanh năm 2022 của Tổng Công ty Khí Việt Nam xem tại đây.

Giá cổ phiếu PV Gas
Diễn biến giá cổ phiếu GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam kể từ đầu năm 2022 đến nay. (Nguồn: FireAnt)

Năm 2022, PV Gas đặt mục tiêu doanh thu ở mức 80.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 7.039 tỷ đồng dựa trên phương án giá dầu thô thế giới đạt trung bình 60 USD/thùng. Như vậy, nhờ việc giá dầu thô neo ở mức cao hơn dự kiến, tổng công ty đã hoàn thành 126% mục tiêu doanh thu và 214% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của PV Gas đạt 82.806 tỷ đồng, tăng 5% so với thời điểm đầu năm, chủ yếu do tài sản ngắn hạn tăng. PV Gas hiện đang nắm giữ lượng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn (toàn bộ là tiền gửi có kỳ hạn từ 3 – 12 tháng) lên đến 34.275 tỷ  đồng, chiếm 41% tổng tài sản và tăng 13% so với hồi đầu năm. Lượng tiền gửi này đem về cho PV Gas khoản lãi 1.213 tỷ đồng trong năm 2022. Hàng tồn kho của tổng công ty đạt 4.102 tỷ đồng, tăng 26% so với đầu năm.

Về phía nguồn vốn, nợ phải trả của PV Gas đã giảm 24% so với thời điểm đầu năm, xuống còn 21.489 tỷ đồng (chiếm 26% tổng nguồn vốn). Đáng chú ý, vay và nợ dài hạn từ các ngân hàng thương mại đã giảm 19%, xuống còn 6.038 tỷ đồng. Trong các khoản vay dài hạn, PV GAS có khoản vay gốc ngoại tệ trị giá hơn 174 triệu USD (khoảng 4.300 tỷ). Vốn chủ sở hữu của tổng công ty tăng 14%, đạt 61.217,2 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tăng 45% lên 19.242 tỷ đồng.  

PV Gas hiện là đơn vị đầu ngành tại Việt Nam trong hoạt động xử lý, phân phối và kinh doanh khí mỏ. Trong thời gian tới, PV Gas dự kiến sẽ góp vốn tỷ lệ 51% vào dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn với tổng mức đầu tư quy đổi là 28.788 tỷ đồng. Dự kiến Chuỗi dự án khí - điện Lô B - Ô Môn sẽ có quyết định đầu tư vào quý 3/2022 và có dòng khí đầu tiên vào khoảng quý 4/2025. Với tư cách là nhà đầu tư chủ chốt, PV GAS được nhận định sẽ là đơn vị hưởng lợi chính từ dự án này nhờ vào nguồn khí bổ sung từ Lô B và cước phí vận chuyển khí. Theo một số đánh giá sơ bộ, mỏ khí Lô B với trữ lượng khí ước tính khoảng 107 tỷ m3 sẽ đảm bảo nguồn cung cấp khí cho phát điện, thay thế cho một số mỏ khí đang ở giai đoạn khai thác cuối cùng của PV GAS.  

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 2/2, giá cổ phiếu GAS của PV Gas tăng 0,38%, đạt 107.000 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch bình quân 20 phiên giao dịch gần nhất của cổ phiếu GAS đạt gần 258.000 đơn vị. 

Duy Quang