Đạm Cà Mau: Sắp chia cổ tức cao nhất lịch sử, giá cổ phiếu phục hồi khi giá Ure tăng trở lại

Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau dự kiến sẽ chi gần 1.600 tỷ đồng để chia cổ tức năm 2022. Đáng chú ý, giá cổ phiếu của Đạm Cà Mau đang phục hồi đáng kể khi giá Ure thế giới đã chạm đáy, phục hồi dần.
Kết quả kinh doanh Đạm Cà Mau
Dự kiến kết quả kinh doanh của Đạm Cà Mau trong quý 2/2023 và nửa cuối năm nay sẽ được cải thiện so với quý 1/2023 khi giá Ure thế giới đã chạm đáy và đang phục hồi dần.

Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu: DCM – sàn: HoSE) vừa công bố quyết định thanh toán cổ tức năm 2022 bằng tiền cho cổ đông với tỷ lệ 30% vốn điều lệ, tương ứng cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu DCM sẽ được nhận 3.000 đồng.

Theo đó, ngày đăng ký cuối cùng để hưởng quyền nhận cổ tức là 30/8/2023 và ngày thanh toán cổ tức là 11/9/2023. Với 529,4 triệu cổ phiếu đang được lưu hành trên thị trường, Đạm Cà Mau dự kiến sẽ cần chi hơn 1.588 tỷ đồng để thanh toán cổ tức cho cổ đông đợt này.

Đây cũng lần chia cổ tức bằng tiền cao nhất kể từ khi cổ phiếu DCM Đạm Cà Mau chính thức được niêm yết và giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE) vào năm 2015. Theo biên bản họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, Đạm Cà Mau dự kiến sẽ chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 16% vốn điều lệ.

Về hoạt động kinh doanh, doanh thu và lợi nhuận của Đạm Cà Mau trong năm 2022 đã đạt mức cao nhất lịch sử hoạt động khi giá phân bón tăng phi mã do đứt gãy chuỗi cung ứng và giá khí thiên nhiên đầu vào trên thế giới tăng vọt. Trong 5 quý liên tiếp, doanh nghiệp phân bón này báo lãi ròng xấp xỉ 1.000 tỷ đồng mỗi quý.

Tuy nhiên, bước sang năm nay, hoạt động kinh doanh của Đạm Cà Mau sụt giảm mạnh khi giá phân bón và sản lượng tiêu thụ lao dốc. Kết thúc quý 1/2023, lãi ròng của doanh nghiệp này chỉ đạt 229 tỷ đồng, giảm 85% so với mức nền cao của năm trước.

Kết quả kinh doanh quý 2/2023 và trong nửa cuối năm nay của Đạm Cà Mau được nhận định có thể sẽ cải thiện hơn so quý 1/2023 khi giá Ure trên thế giới có thể đã chạm đáy và đang phục hồi nhẹ.

giá cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau kể từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Cụ thể, tính chung tháng 6 vừa qua, giá Ure thế giới đạt 375 USD/tấn, giảm sâu 64% so với mức đỉnh 1.050 USD/tấn xác lập hồi tháng 4/2022, và giảm 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trong tuần cuối của tháng 6/2023, giá Ure tại nhiều thị trường trọng điểm đã tăng nhẹ từ 10 – 29 USD/tấn. Trong đó, giá Ure tại khu vực Trung Đông đã tăng 29 USD/tấn; tăng từ 10 – 20 USD/tấn tại khu vực Biển Đen.

Xem thêm bài viết: “Giá Ure đang phục hồi nhẹ, liệu kết quả kinh doanh của Đạm Cà Mau được cải thiện?” trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Tương tự, tại Trung Quốc, giá Ure hạt trong xuất khẩu tăng thêm 10 USD/tấn, đồng thời, biên độ giá của Ure hạt đục xuất khẩu đã được thu hẹp lại.

Giá Ure thế giới được nhận định sẽ tiếp tục phục hồi dần trong nửa cuối năm nay khi nguồn cung tại nhiều quốc gia tiếp tục bị thắt chặt, đặc biệt là từ Nga - một trong những nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới.

Tại thị trường trong nước, giá các loại phân bón được kỳ vọng sẽ phục hồi nhẹ trở lại từ cuối quý 3 đến đầu quý 4/2023 khi thị trường bước vào cao điểm tiêu thụ, đặc biệt là vụ Đông và Chiêm Xuân tại phía Bắc. Đồng thời, việc giá các loại nông sản tăng có thể kích thích nông dân mở rộng canh tác và gia tăng sử dụng phân bón, nhất là khi giá phân bón đã giảm đáng kể.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 18/7, giá cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau đạt 28.750 đồng/cổ phiếu. So với mức đáy lịch sử hồi đầu tháng 3/2023, giá cổ phiếu DCM đã phục hồi hơn 24%.

Duy Quang