Đa dạng hoá các kênh xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP

Bên cạnh việc phát triển về số lượng và cải thiện về chất lượng các sản phẩm OCOP, công tác xúc tiến thương mại đa kênh, đặc biệt là trên các nền tảng thương mại điện tử không chỉ góp phần đưa các sản phẩm OCOP đến gần với người tiêu dùng trong nước mà còn giúp quảng bá sản phẩm ra thị trường thế giới.
Đa dạng hoá các kênh xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP
Toạ đàm "Gia tăng kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP" do Tạp chí Công Thương thực hiện ngày 26/12/2023

Số lượng và chất lượng sản phẩm OCOP đã được cải thiện rõ rệt

Chia sẻ tại Toạ đàm "Gia tăng kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP" do Tạp chí Công Thương thực hiện ngày 26/12/2023, ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sau 5 năm triển khai Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến nay, số lượng các sản phẩm OCOP đã phát triển rất rõ rệt, tính đến giữa tháng 12/2023 có đến 11.054 sản phẩm OCOP; trong đó có 68,9% là sản phẩm OCOP 3 sao, gần 30% sản phẩm OCOP 4 sao và 42 sản phẩm OCOP được công nhận là 5 sao.

Bên cạnh đó, chất lượng các sản phẩm OCOP đã được nâng cao và cải thiện rất nhiều, nhất là trong việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất. Tất cả các sản phẩm OCOP hiện nay đều đạt được các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam và một số tiêu chuẩn của các thị trường khác trên thế giới.

Cùng với đó, công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP cũng đã được các Bộ, ban, ngành quan tâm. Giai đoạn đầu, Bộ Công Thương đã cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các hệ thống phân phối như Central Retail hay Saigon Co.op trưng bày, quảng bá các sản phẩm OCOP.

Đồng thời, triển khai thêm các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các điểm dừng chân du lịch, nhằm đem đến có du khách những trải nghiệm sản phẩm. Từ đó, các sản phẩm OCOP không chỉ thuần tuý được mua về làm quà tặng mà du khách còn được trải nghiệm việc trình diễn của các chủ thể OCOP.

Bên cạnh những điểm phân phối truyền thống, việc xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm OCOP trên nền tảng thương mại điện tử cũng đã được triển khai ngay từ sớm, không chỉ phối hợp với các sàn thương mại điện tử như Voso, Postmart hay Lazada, Shopee mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn phối hợp tổ chức các phiên livestream bán hàng trên nền tảng TikTok Shop và thu về khoảng 100 tỷ đồng trong năm 2023 với hơn 800 phiên.

Đa dạng hoá các kênh xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP
Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Về phía sàn thương mại điện tử Postmart, ông Nguyễn Thế Anh - Giám đốc Trung tâm Kinh doanh phân phối, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, đến nay, số lượng sản phẩm OCOP trên sàn Postmart là hơn 8.000 sản phẩm. Bên cạnh đó, sàn Postmart đã liên tục thay đổi, nâng cấp để giúp cho trải nghiệm của những hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP lên sàn dễ dàng hơn và giúp người tiêu dùng có thể tiếp cận sản phẩm nhanh hơn.

Chúng tôi vẫn đang cố gắng tiếp tục nâng cao và cải thiện, đặc biệt là các quy trình để làm sao các sản phẩm nông sản nói chung và các sản phẩm OCOP nói riêng được cung cấp trên sàn đảm bảo được về ặmt thông tin, truy xuất được nguồn gốc rõ ràng, thậm chí được truyền thông mạnh mẽ hơn, cung cấp thêm thông tin cho người tiêu dùng về sản phẩm, cũng như hỗ trợ người tiêu dùng dễ tiếp cận với sản phẩm hơn.” - Ông Nguyễn Thế Anh nhấn mạnh.

Gia tăng các kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP

Là một doanh nghiệp chinh phục thị trường bằng chính chất lượng giá trị sản phẩm, Hợp tác xã hệ sinh thái du lịch Suối Giàng và sản phẩm trà shan tuyết cổ thụ Suối Giàng đã vinh dự được chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao và đang trên lộ trình phấn đấu lên 5 sao, có giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn của châu Âu và được xuất khẩu đi 26 nước trên thế giới. Ông Đào Đức Hiếu - Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ, bên cạnh việc bán hàng truyền thống, trà shan tuyết Suối Giàng còn tiếp cận được Chính phủ, các Bộ, ban, ngành thực hiện các nghi lễ tiệc trà quốc gia để sản phẩm được trải nghiệm thực tế; tiếp cận được những khách sạn 5 sao cũng như hệ thống sân bay để trưng bày và quảng bá sản phẩm.

Bên cạnh đó, trà shan tuyết Suối Giàng cũng đã tham gia vào các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Alibaba.com hay là Amazon, tuy chưa bán được nhiều sản phẩm nhưng trà cũng đã có cơ hội thâm nhập vào thị trường quốc tế để tìm hiểu về quy định và nhu cầu của thị trường.

Đa dạng hoá các kênh xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP
Ông Đào Đức Hiếu - Giám đốc Hợp tác xã hệ sinh thái du lịch Suối Giàng chia sẻ tại Toạ đàm

Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tiến cho rằng, để đưa được sản phẩm ra thị trường thế giới thì vấn đề mấu chốt là cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm; đổi mới phương thức quảng bá, xúc tiến thương mại. Ví dụ như, sản phẩm trà shan tuyết cổ thụ ở Hà Giang hay Yên Bái, cách chế biến trước đây chỉ phù hợp với thị trường trong nước. Khi đưa ra thị trường thế giới phải chế biến thành sản phẩm cao cấp như hồng trà, bạch trà, hoàng trà, có giá 1,5 triệu, 2 triệu hoặc có thể là 10 triệu đồng để định vị thương hiệu, gia tăng giá trị và phù hợp với xu hướng, nhu cầu của thị trường.

Đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Minh Tiến, ông Nguyễn Thế Anh cho rằng, các sản phẩm OCOP hiện nay còn chưa đồng đều về chất lượng sản phẩm, khâu đóng gói, bao bì còn sơ sài và chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm OCOP của mình. Vì vậy, sàn Postmart đã triển khai dự án đồng hành với các chủ thể OCOP thiết kế hình ảnh nhận diện hiện đại hơn, mới, cập nhật xu hướng hơn, nhất là đối với những sản phẩm đủ điều kiện đưa ra thị trường quốc tế.

Đa dạng hoá các kênh xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP
Ông Nguyễn Thế Anh - Giám đốc Trung tâm Kinh doanh phân phối, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam

Nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP để khẳng định vị thế trên thị trường

Thời gian tới, để các sản phẩm OCOP thực sự khẳng định được vị thế tại thị trường trong nước cũng như tạo được niềm tin tại thị trường nước ngoài, ông Nguyễn Minh Tiến đề xuất, các chủ thể OCOP không chỉ giữ vững mà còn phải nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm. Đồng thời, cải thiện chất lượng bao bì, mẫu mã, trong đó tập trung cả về chất liệu làm bao bì cho đến kích cỡ và ấn tượng bắt mắt.

Ngoài ra, các chủ thể OCOP cũng cần quan tâm hơn nữa trong vấn đề xây dựng thương hiệu, khẳng định thương hiệu gắn với truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng và các chứng chỉ đáp ứng. “Từ câu chuyện thành công của gạo Việt Nam trong năm 2023 có thể thấy rằng vấn đề thương hiệu hết sức quan trọng chứ không chỉ thuần tuý là bán những sản phẩm thiếu nhãn mác, thiếu những kiểm chứng và thiếu chương trình nhận diện thương hiệu.” - ông Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh.

Đa dạng hoá các kênh xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP
Toàn cảnh Toạ đàm

Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương cùng Bộ Văn hoá, Bộ Ngoại giao cùng chung tay đẩy mạnh, đưa các sản phẩm OCOP lên một tầm mới với tâm thế cao hơn, xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm trên cơ sở đa kênh.

Ông Nguyễn Minh Tiến cũng bày tỏ mong muốn, đối với các cơ quan xúc tiến thương mại, đặc biệt là Bộ Công Thương sẽ tạo ra được đa kênh đối với các Điểm giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP đã có sẵn.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác kết nối, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với du lịch, ẩm thực, văn hóa, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong công tác giới thiệu, quảng bá, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm OCOP nhằm kết nối đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng, kích thích tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất và thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, từ đó đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội.

Huyền My