Cổ phiếu VFS của VinFast mất gần 50% sau 2 ngày, Forbes coi VinFast là công ty chưa hề niêm yết!

Cổ phiếu VFS của VinFast tiếp tục lao dốc trong ngày 30/8; hiện thị giá cổ phiếu VFS đã giảm gần 50% so với thời điểm đầu tuần này. Hãng Forbes cũng vừa quyết định xem VinFast như là một công ty chưa niêm yết trong việc ước tính giá trị tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Giá cổ phiếu VFS đã giảm gần 50% so với đầu tuần

Sau khi lao dốc mất hơn 44% trong ngày 29/8, cổ phiếu VFS của VinFast trên sàn Nasdaq (Mỹ) tiếp tục biến động mạnh trong ngày 30/8.

Giá cổ phiếu VFS của VinFast Tạp chí Công Thương
Khối lượng giao dịch và diễn biến giá cổ phiếu VFS của VinFast từ ngày 29/8 đến ngày 30/8/2023 trên sàn Nasdaq (theo khung 15 phút). (Nguồn: TradingView)

Cụ thể, trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa, cổ phiếu VFS đã có nỗ lực phục hồi với mức tăng hơn 8% so với mức giá đóng cửa của ngày hôm trước, lấy lại ngưỡng 50 USD/cổ phiếu. Điều này thắp lên kỳ vọng cho cổ đông VinFast về việc giá cổ phiếu tăng trở lại. Trong các ngày giao dịch trước, xu hướng của giá cổ phiếu VFS thường được xác định từ phiên giao dịch trước giờ mở cửa.

Bước vào phiên giao dịch chính thức, giá mở cửa của cổ phiếu VFS được ấn định ở mức 53,40 USD/cổ phiếu, tăng tới hơn 15% so với mức giá đóng cửa của ngày 29/8. Chi sau vài phút, cổ phiếu của hãng xe điện VinFast đã có nỗ lực chinh phục mốc 56 USD/cổ phiếu.

Tuy nhiên, áp lực bán nhanh chóng diễn ra đẩy giá cổ phiếu này giảm trở lại. Thị trường ghi nhận một số nỗ lực tăng giá nhưng không thành công. Kể từ đầu giờ chiều, áp lực bán càng ngày càng tăng, khiến cổ phiếu VFS có lúc mất hơn 17,4%, xuống chỉ còn 38,19 USD/cổ phiếu.

Đóng cửa thị trường ngày 30/8, cổ phiếu VFS đạt 41,27 USD/cổ phiếu, giảm 10,7% so với mức giá đóng cửa của ngày 29/8, với thanh khoản đạt 10,5 triệu đơn vị. Qua đó, xác lập ngày giảm giá thứ hai liên tiếp.

Xem thông tin mới nhất về cổ phiếu VFS của VinFast trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Giá cổ phiếu VFS của VinFast Tạp chí Công Thương
Tổng giá trị vốn hoá thị trường của VinFast hiện chỉ còn 95,8 tỷ USD. (Nguồn: Yahoo Finance)

Diễn biến của cổ phiếu VFS tiếp tục đi ngược xu hướng chung của thị trường chứng khoán Mỹ khi “sắc xanh” được ghi nhận ở hàng loạt chỉ số chính như Nasdaq (tăng 0,54%), S&P 500 (tăng 0,38%), và Dow Jones Industrial Average (tăng 0,11%).

Với mức thị giá hiện tại, tổng giá trị vốn hoá thị trường của VinFast chỉ còn 95 tỷ USD. So với thời điểm đầu tuần này, thị giá cổ phiếu VFS đã giảm gần 50%, khiến giá trị vốn hoá của VinFast “bốc hơi” hơn 96 tỷ USD. Điều này khiến, VinFast tụt 2 bậc trong bảng xếp hạng các hãng sản xuất ô tô có giá trị vốn hoá lớn nhất thế giới, xuống vị trí thứ 5.

Xét về hoạt động kinh doanh, VinFast ghi nhận doanh thu đạt 65,1 triệu USD nhưng báo lỗ lên tới 598,3 triệu USD trong quý 1/2023. Lãnh đạo VinFast từng chia sẻ rằng lỗ hoạt động của hãng xe điện này có thể sẽ tiếp tục tăng lên trong ngắn hạn nhưng là do mở rộng quy mô sản xuất, thiết lập nhà máy và chi trả cho các chi phí marketing, bán hàng và nâng cấp dịch vụ. VinFast hiện kỳ vọng sẽ đạt điểm hòa vốn vào cuối năm 2024 và có thể có lãi sau năm 2025.

Giá trị vốn hoá VinFast
Xếp hạng các nhà sản xuất ô tô trên thế giới theo giá trị vốn hoá thị trường (tính đến ngày 30/8/2023). (Nguồn: Companiesmarketcap)

Forbes coi VinFast là công ty chưa hề niêm yết

Đáng chú ý, hãng Forbes vừa có quyết định quan trọng liên quan đến việc tính toán giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (mã cổ phiếu VIC – sàn HoSE) với việc coi VinFast là một công ty tư nhân chưa niêm yết trên sàn, bỏ qua thị giá cổ phiếu VFS. Ông Phạm Nhật Vượng và nhóm các công ty liên quan tới Tập đoàn Vingroup đang nắm giữ chiếm hơn 99% tổng lượng cổ phiếu của VinFast.

Theo đó, cập nhật đến 5h30 sáng nay (ngày 31/8, theo giờ Việt Nam), Forbes ước tính giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng chỉ còn 6,7 tỷ USD, so với mức 39 tỷ USD vào tối ngày 30/8. Với khối tài sản này, ông Phạm Nhật Vượng hiện đứng thứ 396 trong số các tỷ phú thế giới.

Giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng
Forbes hiện ước tính giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng ở mức 6,7 tỷ USD. (Ảnh chụp màn hình Forbes.com)

Forbes cho biết lý do chính cho việc điều chỉnh công thức tính tài sản của ông Phạm Nhật Vượng là hiện số cổ phiếu đang lưu hành tự do (free float) chỉ khoảng 1%. Trong khi đó, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup lại kiểm soát gần như toàn bộ VinFast thông qua ba công ty dưới quyền. Trong đó, phần lớn nhất thuộc về Tập đoàn Vingroup lại đang được niêm yết trên sàn HoSE của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Forbes ban đầu đã chiết khấu 30% giá trị cổ phiếu VFS của ông Phạm Nhật Vượng để bù lại với tỷ lệ free float thấp. Nhưng sau khi trao đổi với nhiều chuyên gia phân tích cổ phiếu về việc cổ phiếu VFS biến động mạnh thời gian qua, Forbes đã quyết định tính toán lại giá trị của VinFast như thể đây là một công ty tư nhân chưa niêm yết và không tính giá trị cổ phiếu VFS vào ước tính tài sản của ông Phạm Nhật Vượng.

Đây là lần thứ hai Forbes thay đổi công thức tính tài sản của ông Phạm Nhật Vượng chỉ trong vòng 1 tuần.  

Xem thêm: "Sự khác nhau trong cách ước tính giá trị tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giữa Bloomberg và Forbes" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Trước đó, hãng tin Bloomberg cũng đã thay đổi công thức tính tài sản của ông Phạm Nhật Vượng với việc không tính giá trị cổ phiếu VFS vào ước tính tài sản, chỉ tính dựa trên giá trị của các cổ phiếu VIC (Tập đoàn Vingroup), VRE (Vincom Retail) và VHM (Vinhomes) đang niêm yết tại thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cập nhật đến 5h30 sáng nay, bảng xếp hạng Bloomberg Billionaires Index không bao gồm ông Phạm Nhật Vượng. Bloomberg Billionaires Index là bảng xếp hạng 500 người giàu nhất thế giới với các biến động về tài sản theo thời gian thực. Hiện tỷ phú xếp thứ 500 trong danh sách này là ông Mark Shoen với khối tài sản trị giá 5,29 tỷ USD.

Danh sách tỷ phú thế giới
Hiện tỷ phú xếp cuối cùng trong danh sách Bloomberg Billionaires Index có khối tài sản trị giá 5,29 tỷ USD. (Ảnh chụp màn hình Bloomberg.com)
Duy Quang