Đi ngược thị trường chung, cổ phiếu VFS của VinFast lao dốc gần 44%

Sau chuỗi tăng giá 6 ngày liên tiếp, cổ phiếu VFS của VinFast đã chịu áp lực chốt lời mạnh ngay từ đầu giờ giao dịch ngày 29/8. Đóng cửa thị trường, cổ phiếu này đã mất gần 44%, khiến giá trị vốn hoá của VinFast "bốc hơi" 84 tỷ USD chỉ sau một ngày.

Cổ phiếu VFS mất hơn 44%, giá trị vốn hoá của VinFast giảm 84 tỷ USD 

Ngay từ đầu giờ sáng ngày 29/8, trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa, cổ phiếu VFS của VinFast trên sàn Nasdaq (Mỹ) đã lao dốc xuống còn 75,25 USD/cổ phiếu, tương ứng giảm gần 9% so với mức giá đóng cửa 82,35 USD/cổ phiếu trong ngày 28/8.

Giá cổ phiếu VFS VinFast Tạp chí Công Thương
Khối lượng giao dịch và diễn biến giá cổ phiếu VFS của VinFast từ ngày 28/8 đến ngày 29/8/2023 trên sàn Nasdaq (theo khung 15 phút). (Nguồn: TradingView)

Đây được xem là tín hiệu cho thấy giới đầu tư đang tiến hành chốt lời cổ phiếu VFS sau đà tăng kéo dài 6 ngày liên tiếp vừa qua. Trong các phiên giao dịch trước, cổ phiếu của hãng xe điện Việt Nam đều tăng vọt ngay trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa.

Bước vào phiên giao dịch chính thức của ngày 29/8, giá mở cửa của cổ phiếu VFS đạt 74,52 USD/cổ phiếu. Cổ phiếu VFS nhanh chóng “chìm trong sắc đỏ”, giảm xuống chỉ còn quanh mốc 54 USD/cổ phiếu chỉ sau 60 phút giao dịch. Tại quanh ngưỡng này, xuất hiện lực cầu “bắt đáy” giúp thị giá cổ phiếu VFS dần ổn định.

Tuy nhiên, lực cầu dần yếu đi trước áp lực bán gia tăng mạnh mẽ, khiến cổ phiếu VFS tiếp tục lao dốc trong suốt thời gian giao dịch buổi chiều. Đóng cửa phiên giao dịch chính thức ngày 29/8, cổ phiếu VFS chỉ còn đạt 46,25 USD/cổ phiếu, giảm 43,84% so với mức giá đóng cửa ngày 28/8, với thanh khoản đạt 10,68 triệu đơn vị. Qua đó, chấm dứt mạch tăng giá “ấn tượng” kéo dài 6 ngày vừa qua.

Xem thông tin mới nhất về cổ phiếu VFS của VinFast trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Giá trị vốn hoá VinFast
Tổng giá trị vốn hoá thị trường của VinFast hiện chỉ còn 107,4 tỷ USD. (Nguồn: Yahoo Finance)

Đà giảm của cổ phiếu VFS diễn ra trái ngược với xu hướng chung của thị trường chứng khoán Mỹ. Trong ngày 29/8, chỉ số Nasdaq Composite đã tăng hơn 1%, chỉ số Dow Jones Industrial Average tăng 0,85%, thậm chí chỉ số S&P 500 đã tăng tới 1,45% - mức tăng cao nhất trong vòng gần 3 tháng trở lại đây khi giới đầu tư phản ứng tích cực với các dữ liệu kinh tế mới của Mỹ.

Với mức thị giá hiện nay, tổng giá trị vốn hoá thị trường của VinFast đã mất hơn 84 tỷ USD chỉ sau một ngày giao dịch, xuống còn 107,4 tỷ USD. Tuy nhiên, VinFast vẫn đang tiếp tục giữ vị trí Top 3 hãng sản xuất ô tô lớn nhất thế giới (sau Tesla và Toyota) về giá trị vốn hoá thị trường.

Giá trị vốn hoá thị trường
Xếp hạng các nhà sản xuất ô tô trên thế giới theo giá trị vốn hoá thị trường (tính đến ngày 29/8/2023). (Nguồn: Companiesmarketcap)

Xem thêm: "Sự khác nhau trong cách ước tính giá trị tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giữa Bloomberg và Forbes" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Giới đầu cơ rút đi là nguyên nhân khiến cổ phiếu VFS lao dốc?

Đà tăng vọt của 1 cổ phiếu “tân binh” như VinFast đã khiến nhiều nhà đầu tư quốc tế ngỡ ngàng và cảm thấy có phần kỳ lạ. Thậm chí, hãng tin Bloomberg từng nhận định việc đặt cuộc chống lại cổ phiếu VinFast (bán khống) là một quyết định đầy rủi ro.

Mặc dù có hơn 2,3 tỉ cổ phiếu VFS được lưu hành, nhưng hiện chỉ có khoảng 4,5 triệu cổ phiếu VFS được tự do giao dịch trên thị trường chứng khoán Mỹ (free float). Do tỷ lệ free float của cổ phiếu VinFast rất thấp, các nhà bán khống (short sellers) sẽ phải chịu mức chi phí rất cao nếu muốn đi vay cổ phiếu này. Ngoài ra, tỷ lệ free float thấp đồng nghĩa chỉ 1 động thái nhỏ của 1 nhà đầu tư riêng lẻ cũng sẽ khiến giá cổ phiếu biến động mạnh.

Theo hãng phân tích dữ liệu S3 Partner, các nhà bán khống đủ dũng cảm để đặt cược cổ phiếu VinFast sẽ lao dốc đã thua lỗ gần 1 triệu USD (trên giấy tờ) kể từ khi VinFast chính thức niêm yết trên sàn Nasdaq. Tuy nhiên, với việc giá cổ phiếu VFS mất gần 44%, giới bán khống cổ phiếu này có thể đã bù đắp được phần nào khoản lỗ nói trên, thậm chí bắt đầu ghi nhận lợi nhuận.

Đáng chú ý, khối lượng giao dịch một phiên thời gian gần đây của cổ phiếu VFS hiện đang cao hơn từ 2 - 3 lần lượng cổ phiếu free loat. Qua đó cho thấy giới đầu tư đang “quay vòng” giao dịch cổ phiếu VFS ở mức rất cao. Điều này có thể cuốn theo sự giao dịch của các nhà đầu cơ và gây ra các biến động lớn đối với cổ phiếu VFS.

Theo nhận định của một số chuyên gia phân tích, trong các thương vụ đầu cơ thông thường, khi các nhà đầu cơ rút đi hoặc tiến hành chốt lời thì động lực tăng giá của một cổ phiếu sẽ nhanh chóng “nguội dần” và thị giá của cổ phiếu đó sẽ khó duy trì được mức cao.

Duy Quang