Cái “duyên” bán hàng khi livestream

Dù mới nổi lên trong hơn một năm trở lại đây, nhưng hình thức livestream bán hàng đang tạo ra những thay đổi sâu rộng trong hoạt động bán lẻ, mở ra một kênh bán hàng hiệu quả với doanh thu vượt trội. Vậy đâu là bí quyết để khai thác triệt để “mỏ vàng” này?

Ai rồi cũng sẽ livestream bán hàng!

Vừa qua, cộng đồng mạng đã xôn xao trước việc một nhà thiết kế nổi tiếng lần đầu tiên trực tiếp giới thiệu, bán các sản phẩm nội thất phân khúc siêu cao cấp, có giá hàng chục tới hàng trăm triệu đồng, thông qua livestream (phát trực tiếp) trên một mạng xã hội. Phiên bán hàng này thu hút tương tác cao kỷ lục, lọp top 7 tin tức được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng xã hội trong tuần đầu tiên của năm 2024.

Livestream bán hàng
Chỉ trong 04 ngày, các phiên livestream bán hàng của tiểu thương chợ Bến Thành với sự hỗ trợ của các KOC đã “chốt” được 18.200 đơn hàng.

Giữa tháng 12/2023, trong khuôn khổ chương trình “Ngày hội mua sắm, giải trí trực tuyến TP. Hồ Chí Minh 2023", 3 tiểu thương chợ Bến Thành đã kết hợp cùng với một số KOC (người tiêu dùng có sức ảnh hưởng) thực hiện 77 phiên livestream bán các sản phẩm nông sản, áo dài, đồ lưu niệm, tiếp cận 81,6 triệu người dùng, thu về 4,2 tỷ đồng doanh thu chỉ trong 4 ngày.

Chỉ cần vài phút lướt trên các mạng xã hội phổ biến hiện nay, người dùng không khó để bắt gặp những buổi livestream bán hàng với đa dạng các loại sản phẩm từ quần áo đến nông sản, thuộc phân khúc bình dân đến cao cấp. Người trực tiếp giới thiệu và bán hàng có thể là những người nông dân, tiểu thương, đại diện doanh nghiệp, thậm chí là người nổi tiếng.

Theo Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, livestream bán hàng được xem là hướng đi tất yếu trong tương lai khi hạ tầng công nghệ thông tin và các nền tảng hỗ trợ đang ngày càng phát triển; logistic ngày càng chuyên môn hóa sâu giúp quá trình vận chuyển trở nên rẻ, nhanh và đáng tin cậy.

Hình thức bán hàng B2C (Business to Consumer) này giúp loại bỏ được các khâu trung gian, đưa các sản phẩm từ nơi sản xuất đến tận tay người dùng. Nhà sản xuất nhờ vậy sẽ có lợi nhuận tốt hơn, còn người dùng cũng được mua hàng tận gốc với giá cả hợp lý.

Với sự tiện ích có thể xem livestream ở bất cứ đâu khi chỉ cần có một chiếc smartphone kết nối mạng Internet, khiến nhiều người hình thành thói quen mua hàng qua livestream. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, bán hàng qua livestream có thể đem lại hiệu quả gấp 10 lần so với thương mại điện tử thông thường.

Sự bùng nổ của hình thức livestream cũng như các nền tảng thương mại điện tử đang tạo thành làn sóng thay đổi cách thức bán lẻ tại Việt Nam. Các doanh nghiệp hiện tại ưu tiên các ứng viên marketing/sales có kỹ năng, kinh nghiệm livestream hoặc thuê các streamer chuyên nghiệp để livestream bán hàng. Nhiều tỉnh, thành cũng nhanh chóng nắm bắt xu hướng, mở các lớp đào tạo kỹ năng bán hàng qua livestream cho nông dân để xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm địa phương.

Báo cáo mới đây của hãng dữ liệu Metric cho biết, livestream bán hàng hiện là loại hình phổ biến nhất của hoạt động livestream tại Việt Nam, với 62% số người được khảo sát cho biết mục tiêu xem livestream của họ là mua sắm. Đồng thời, người Việt hiện cũng dành nhiều thời gian để xem livestream. Theo Metric, 38% người được hỏi cho biết họ dành 1-3 giờ mỗi tuần để xem livestream. Đáng chú ý, có tới 18% nói rằng họ dành 3-5 giờ và 7% dành 5-7 giờ.

Điều gì quyết định cái “duyên” bán hàng khi livestream?

Sự bùng nổ của livestream bán hàng đang mang lại rất nhiều cơ hội cho người bán hàng. Nhưng không phải ai livestream cũng bán được hàng. Trong khi những người nổi tiếng vốn đã có sẵn sự “uy tín, hiện diện” trên các mạng xã hội, giúp dễ dàng “chốt đơn” với người xem, thì phần lớn người nông dân, tiểu thương lại lúng túng trong việc livestream hiệu quả.

Mặc dù không có công thức chung cho sự thành công của các phiên livestream nghìn đơn nhưng các chuyên gia truyền thông và phân tích từ các nền tảng mạng xã hội đều lưu ý đến cụm từ “Storytelling - Kể chuyện” như là một trong những nhân tố quyết định đến việc người xem xuống tiền mua hàng khi chưa được chạm, cảm nhận sản phẩm.

Điển hình, “cô gái thịt chua” Nguyễn Thị Thu Hoa - CEO Trường Foods, dành phần lớn thời gian livestream để “kể” về nguồn gốc món thịt lợn chua hấp dẫn của người Mường tại Phú Thọ, hướng dẫn đa dạng cách sử dụng như nướng, chiên…. và chia sẻ về hành trình khởi nghiệp đầy thử thách để tìm ra công thức đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm mà vẫn duy trì hương vị đặc trưng.

Từ đó, quy trình sản xuất kỳ công từ lựa chọn thịt lợn sạch tiêu chuẩn VietGap đến chế biến khép kín chuẩn ISO được “khoe khéo” để người xem phần nào cảm nhận được độ “ngon, ngọt, mềm” của sản phẩm.

“Hiện tại trung bình mỗi tuần tôi livestream hai buổi, doanh thu trên 500 triệu đồng mỗi tháng”, CEO Trường Foods chia sẻ.

Tương tự, phần lớn nội dung video của “anh cán bộ xã người Mông” Sùng A Tủa là “kể” về cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Phình Hồ (huyện Trạm Tấu, Yên Bái). Các loại đặc sản địa phương như gà đen, lợn bản, trà shan tuyết… lần lượt xuất hiện trong sinh hoạt hàng ngày, được giới thiệu về cách chăn nuôi, cách chế biến sao cho tươi ngon, bổ dưỡng nhất. Rồi bằng cái bếp đơn sơ, giữa khung cảnh núi rừng, các đặc sản này được chế biến luôn.

Livestream bán hàng
Phần lớn nội dung kênh Tiktok của anh Sùng A Tủa - Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Phình Hồ là về cuộc sống thường ngày của đồng bào dân tộc thiểu số.

Xem thêm: "Khi thương hiệu chạm vào cảm xúc" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Người xem video, dù không ngửi được mùi trực tiếp, chắc chắn cũng bị kích thích vị giác và cảm xúc bởi sự tươi ngon và và cách xuýt xoa món ăn hồn nhiên và hấp dẫn của các đầu bếp nông dân chính hiệu. Dù không được kêu gọi mua hàng nhưng người xem cũng “tự động” hỏi anh Sùng A Tủa cách thức đặt hàng.

Những câu chuyện chân thật về sản phẩm được trải ra qua giọng nói mộc mạc, đầy năng lượng của chị Nguyễn Thị Thu Hoa và anh Sùng A Tủa chính là “vũ khí” phá vỡ những rào cản giữa người bán và khách hàng, đồng thời khơi gợi nhu cầu mua hàng một cách tự nhiên.

Phân tích của các nền tảng mạng xã hội cho thấy, sản phẩm có thể ghi dấu ấn bởi thông tin, thành phần hay chất lượng, nhưng để người tiêu dùng quyết định mua hàng thì còn phụ thuộc rất nhiều vào “sự gần gũi”, “hài hước”, “nội dung dẫn dắt giàu thông tin” và “tính chuyên nghiệp” của người bán.

Cũng không có gì lạ vì giới marketing đã đúc kết câu nói “khi cảm xúc đi lên, thì lý trí đi xuống”, những livestream bán hàng tạo nên  trải nghiệm tích cực, vui vẻ, khiến người xem có cảm tình và nhắc nhớ nhiều hơn đến sản phẩm, từ đó dễ dàng đi đến quyết định mua hàng.

Do đó, trong môi trường kinh doanh phẳng như hiện nay, nghệ thuật kể chuyện có thể được xem như là một loại “vũ khí” đắc lực giúp những người bán khai thác tối đa hiệu quả của livestream bán hàng.

Các nghiên cứu khoa học chỉ ra, bản năng con người là đã có tính “hóng chuyện” và não chúng ta thường ghi nhớ rất tốt những câu chuyện, đặc biệt là khi nó hài hước, gây bất ngờ hoặc có các chi tiết mới lạ. Vì những chi tiết đa dạng trong câu chuyện buộc các neuron thần kinh phải nhanh chóng kết nối, đồng bộ với nhau và kích thích trí tưởng tượng của người nghe.

Không những thế, khi nghe một câu chuyện càng chân thật, tự nhiên và cảm xúc, các chất hóa học thần kinh gồm oxytocin và dopamine được giải phóng. Những hormones kích hoạt “sự tích cực” này khiến người nghe cảm thấy đồng cảm, bị thuyết phục, sẵn sàng hành động tự nguyện hơn như… “chốt đơn!” theo lời mời gọi suốt buổi livestream của người bán kiêm người kể chuyện.

Quỳnh Trang