2 trường hợp cấp lại Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài

Theo quy định mới sửa đổi, bổ sung của Chính phủ, có 02 trường hợp được cấp lại Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 14/2024/NĐ-CP ngày 07/02/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về một số biện pháp phát triển ngoại thương.

Trong đó, bổ sung thêm khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 28.

xúc tiến thương mại
Nghị định 14/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định các trường hợp được cấp lại Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài.

Cụ thể, Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài được cấp lại trong các trường hợp sau:

1- Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện bị mất, cháy, rách, nát hoặc bị tiêu hủy dưới hình thức khác; 

2- Thay đổi địa điểm đặt trụ sở Văn phòng đại diện sang tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác.

Chậm nhất 90 ngày trước ngày dự kiến thay đổi địa điểm đặt trụ sở, tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài hoặc Văn phòng đại diện phải gửi thông báo về việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở đến các chủ nợ, người lao động trong Văn phòng đại diện, người có quyền, nghĩa vụ và lợi ích liên quan khác.

Thông báo này phải nêu rõ thời điểm dự kiến thay đổi địa điểm đặt trụ sở của Văn phòng đại diện, phải niêm yết công khai tại trụ sở của Văn phòng đại diện và đăng báo viết hoặc báo điện tử được phép phát hành tại Việt Nam trong 03 số liên tiếp.

Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 1/2024 do Bộ Công Thương tổ chức mới đây cho biết, năm 2023, Bộ Công Thương, các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội đã triển khai tổ chức hàng ngàn sự kiện xúc tiến thương mại trong nước và ở nước ngoài. Tiêu biểu là Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại đã triển khai thực hiện 121 đề án, trong đó có hơn 80 đề án tập trung vào các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương theo định hướng đẩy mạnh hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại đối với các thị trường trọng điểm, các thị trường mới, thị trường tiềm năng, quảng bá năng lực xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Năm 2024, các hoạt động xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương sẽ tập trung vào các định hướng sau:

Một là, tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh triển khai đa dạng, linh hoạt các hình thức xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tập trung khai thác, vận dụng và phát huy có hiệu quả, thực chất các Hiệp định thương mại tự do. Trong đó, chuyển đổi số phải gắn với chuyển đổi xanh trong xúc tiến thương mại một cách tích cực nhằm thúc đẩy sản xuất và phát triển ngoại thương bền vững;

Hai là, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại quy mô lớn, tầm quốc gia và quốc tế, tương xứng vị thế và hình ảnh quốc gia Việt Nam trên thị trường quốc tế, nhất là những ngành, lĩnh vực xuất khẩu có thế mạnh, trên các thị trường xuất khẩu chủ lực. Chú trọng triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu quốc gia gắn với các hoạt động ngoại giao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Lãnh đạo Bộ Công Thương ở trong nước và quốc tế;

Ba là, tiếp tục tranh thủ nguồn lực và sự hỗ trợ của các tổ chức, đối tác quốc tế nhằm đẩy mạnh triển khai các chương trình hỗ trợ kĩ thuật, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại cho các Tổ chức xúc tiến thương mại (BSO) và cộng đồng doanh nghiệp.

Hoàng Phương