Kiên quyết xử lý các hành vi găm hàng, chờ tăng giá, thiết lập lại trật tự cho thị trường xăng dầu

Thời gian vừa qua, trước việc tăng giá xăng dầu, một số doanh nghiệp, cây xăng kinh doanh xăng dầu đã có hành vi găm hàng, chờ điều chỉnh giá, gây nên những bức xúc trong dư luận. Trước tình hình đó,
PV: Xin ông cho biết thực trạng găm hàng, chờ tăng giá ở một số cơ sở kinh doanh xăng dầu trong thời gian trước và sau tết Nguyên đán. Bộ Công Thương, mà cụ thể là Cục Quản lý thị trường đã có những biện pháp gì để ngăn chặn kịp thời các trường hợp vi phạm?.

Ông Võ Văn Quyền: Cuối quý VI năm 2010, đặc biệt là những tháng đầu năm 2011, trước ngày tăng giá xăng dầu, đã xảy ra tình trạng một số cây xăng, điểm bán xăng có hành vi treo biển không bán hàng, bán nhỏ giọt theo số lượng hoặc theo giá tiền nhất định, không bán theo giá niêm yết… nhất là một số tỉnh phía Bắc như: Hà Nội, Yên bái, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa, Thái Bình, một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đắc Lắc… phía Nam có một số tỉnh như: Tiền Giang, Kiên Giang, TP. Hồ Chí Minh. Với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 127 TW, Cục Quản lý thị trường đã tham mưu Ban chỉ đạo 127 TW ban hành Công điện khẩn số 59/CĐ - BCĐ 127TW ngày 30/12/2010 gửi Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban chỉ đạo 127 các tỉnh, đặc biệt là một số tỉnh có đường biên giới, như Tây Ninh, Long An, An Giang, Đồng Tháp, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai... và các doanh nghiệp đầu mối xuất, nhập khẩu xăng dầu, chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường quản lý hoạt động mua bán xăng dầu của các cửa hàng xăng dầu thuộc các địa phương quản lý. Công điện khẩn cũng yêu cầu các cửa hàng xăng dầu khu vực biên giới không được găm hàng, bảo đảm cung cấp đủ xăng dầu cho người tiêu dùng, chỉ được bán trực tiếp vào phương tiện cho người tiêu dùng, không bán vào can, phuy và các vật dụng chứa đựng khác, nhằm chống xuất lậu xăng dầu qua biên giới, đồng thời, chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường, Công an, Hải quan, Bộ đội biên phòng bố trí lực lượng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các khu vực cửa khẩu, biên giới, các tuyến đường bộ, đường thủy, các phương tiện vận chuyển ra vào khu vực biên giới nhằm phát hiện và ngăn chặn các hành vi xuất lậu xăng dầu. Kiểm tra, giám sát việc bán hàng của các cửa hàng bán xăng dầu tại khu vực biên giới, nhằm phát hiện các hành vi vi phạm về giá, đo lường, chất lượng, đầu cơ, găm hàng, buôn lậu và các hành vi gian lận thương mại khác. Kiểm tra tình hình kinh doanh mua, bán xăng dầu và lượng hàng tồn của các cửa hàng, nhằm phát hiện các diễn biến thất thường trong kinh doanh xăng dầu như đóng cửa hàng, giảm thời gian bán hàng, phát hiện tình trạng đầu cơ, găm hàng tạo sự khan hiếm hàng giả tạo. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối xuất, nhập khẩu xăng dầu chỉ đạo tổng đại lý, đại lý thuộc hệ thống phân phối của mình xác định nhu cầu thực tế tiêu dùng xăng dầu ở từng khu vực trên địa bàn biên giới; căn cứ vào lượng xăng dầu cung ứng kỳ trước, yêu cầu các tổng đại lý, đại lý bán cho các cửa hàng xăng dầu khu vực biên giới đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất tại địa bàn. Các hành vi vi phạm đều bị xử lý nghiêm, kể cả tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoặc chuyển truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

PV: Ông có thể cho biết rõ hơn về việc giám sát và xử lý các trường hợp vi phạm?

Ông Võ Văn Quyền: Cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo các Chi cục Quản lý thị trường trong cả nước chuyển trọng tâm kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu. Yêu cầu các cửa hàng phải mở cửa bán hàng thường xuyên, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và thực hiện nghiêm các quy định của Nghị định số 84 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường thường xuyên giám sát các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn cả trong và ngoài giờ, kể cả ngày nghỉ. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm về giá, đo lường chất lượng, đầu cơ, găm hàng, đóng cửa không bán mà không có lý do chính đáng, bán cầm chừng, thay đổi phương thức bán, găm hàng chờ tăng giá để thu lợi bất chính, đình chỉ hoạt động bán xăng dầu tự phát trong các chai lọ… Cục đã thành lập đường dây nóng để tiếp nhận các thông tin phản ánh về tình trạng hoạt động của các cửa hàng xăng dầu để kịp thời xử lý. Đường dây nóng đã tiếp nhận rất nhiều thông tin phản ánh. Thông tin sau đó được chuyển đến các Chi cục quản lý thị trường tại địa phương để cử cán bộ trực tiếp đến địa chỉ nghi vấn kiểm tra. Cục đã thành lập 03 đoàn kiểm tra do lãnh đạo Cục làm trưởng đoàn tại một số địa bàn được cho là “điểm nóng” về kinh doanh xăng dầu tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Qua kiểm tra tiếp nhận các thông tin, hầu hết các địa phương đều bị phản ánh về hiện tượng găm hàng ở cửa hàng xăng dầu. Đến cuối ngày 22/02/2011, có 54 địa phương trên cả nước phản ánh về hiện tượng bất thường trong kinh doanh xăng dầu như: cắt giảm thời gian bán hàng (sáng mở muộn, chiều đóng sớm), không mở cửa hàng với nhiều lý do khác... Nhiều cửa hàng bán với số lượng hạn chế (chỉ bán 20.000đ - 30.000đ/người như cây xăng Ngã Tư Sở Hà Nội, cây xăng Đại Kim bán 20.000 đ/người, bán cho xe ô tô 200.000đ/xe, Trạm xăng Trịnh Phát (Dầu Tiếng, Tây Ninh) bán 20.000 đ/người, hay ở Lai Châu, cây xăng Tứ Hằng chỉ bán 10.000đ/người. Các hiện tượng vi phạm đều được lực lượng quản lý thị trường xác định hành vi vi phạm và xử lý theo luật định. Đối với các cửa hàng hạn chế lượng bán, sau khi siết chặt việc giám sát, kiểm tra thường xuyên đã mở cửa bán trở lại. Theo báo cáo chưa đầy đủ, cho đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý hơn 200 vụ, trong đó tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của một số cơ sở vi phạm.

PV: Thời gian tới, thị trường xăng dầu cần được quản lý thế nào để tránh lập lại tình trạng như thời gian vừa qua, thưa ông?.

Ông Võ Văn Quyền: Trong thời gian tới, thị trường xăng dầu còn nhiều biến động, có thể đi kèm theo đó là xuất hiện nhiều hành vi gian lận và vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu. Hiện nay mới chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Còn phần gốc là những khó khăn trong đảm bảo nguồn cung, vốn, lỗ kinh doanh… Bên cạnh đó, giá xăng dầu trên thế giới được dự báo tiếp tục tăng cao, tiềm ẩn nhiều khó khăn, mà nếu không kiểm soát tốt sẽ bùng nổ bất cứ lúc nào. 

Để quản lý tốt thị trường xăng dầu, chúng tôi phải thay đổi các biện pháp phù hợp với tình hình thực tế. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Ban chỉ đạo 127, Cục Quản lý thị trường tiếp tục chỉ đạo các Chi cục thường xuyên theo dõi sát tình hình, diễn biến kinh doanh xăng dầu trên thị trường để đề xuất các biện pháp kiểm tra, kiểm soát và kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

PV: Thưa ông, năm 2011, ngoài lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, lực lượng quản lý thị trường sẽ tập trung vào những giải pháp trọng tâm nào để đấu tranh với tình hình hàng lậu, hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại?.

Ông Võ Văn Quyền: Năm 2011 hoạt động buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả và gian lận thương mại sẽ tiếp tục diễn ra với tính chất phức tạp, tiểm ẩn hình thành các đường dây, tổ chức xuyên quốc gia. Các đối tượng sẽ triệt để lợi dụng những bất cập và kẽ hở trong cơ chế chính sách, đặc biệt là chính sách ưu đãi đối với các khu kinh tế cửa khẩu, cư dân biên giới để buôn lậu, trốn thuế và buôn bán hàng giả, gian lận thương mại… Vì thế, nhiệm vụ của QLTT là: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác dự báo, nắm chắc diễn biến thị trường. Xử lý nghiêm các hành vi thông tin thất thiệt, đầu cơ găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại, không tuân thủ các quy định về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết… Lực lượng quản lý thị trường đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát bình ổn thị trường theo chỉ đạo và theo chương trình hành động của Bộ Công Thương, nhằm thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội mà Bộ Công Thương đã ban hành. Cụ thể, xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường, triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thị trường, phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng quản lý thị trường và thanh tra giá để kiểm tra, kiểm soát giá cả, thị trường, ngăn chặn đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, nhất là các thời điểm mùa vụ hoặc thời gian có khả năng sốt giá như các dịp lễ tết, đầu năm, cuối năm…; Xử phạt nghiêm minh các vi phạm pháp luật về thương mại, thị trường; Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Y tế và các cơ quan, địa phương áp dụng các biện pháp đồng bộ, hiệu quả để kiểm soát và bảo đảm giá thuốc chữa bệnh, giá sữa ở mức hợp lý, bảo đảm hạn chế tối đa tình trạng tăng giá bất hợp lý, ảnh hưởng đến người tiêu dùng; Phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng quản lý thị trường và thanh tra giá để kiểm tra, kiểm soát giá cả, thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu, thuộc diện bình ổn giá, ngăn chặn đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, nhất là các thời điểm mùa vụ hoặc thời gian có khả năng sốt giá như các dịp lễ tết, đầu năm, cuối năm. 

PV: Xin cảm ơn ông!