Thổ Nhĩ Kỳ nằm trên 2 lục địa – Á – Âu, ở nơi giao lưu của các tuyến giao thông giữa châu Á, châu Âu và châu Phi, nơi gặp nhau của nhiều nền văn hóa trên thế giới. Vì thế, Thổ Nhĩ Kỳ có vị trí rất quan trọng trong phát triển hợp tác và giao thương giữa các quốc gia. Người dân Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã nổi tiếng về hoạt động kinh doanh.

Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ đứng trong nhóm 20 nền kinh tế có nền ngoại thương lớn nhất thế giới, đồng thời đứng đầu trong nhóm 8 nước Hồi giáo đang phát triển (D8) nếu tính theo thu nhập quốc dân trên đầu người. Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện chính sách tự do hóa kinh tế theo hướng nhất thể hóa với EU, đi đôi với nhiều biện pháp về tự do hóa thương mại và xây dựng nền kinh tế thị trường. Về chiến lược thị trường, Thổ Nhĩ Kỳ chú trọng phát triển thương mại với các nước EU, Trung Đông và Mỹ. Trao đổi thương mại với châu Á còn ít, chủ yếu mới chú trọng đến 3 nền kinh tế lớn là Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Chính sách mở cửa của Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện ở việc đang xúc tiến nhanh đàm phán và ký các hiệp định thành lập FTA với nhiều đối tác ở châu Âu, châu Phi, SNG… Chính sách khuyến khích phát triển thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ còn thể hiện qua các biện pháp cụ thể mà Chính phủ nước này đang tiến hành, trong đó có việc thành lập nhiều trung tâm xúc tiến thương mại ở các thành phố lớn trong cả nước, thành lập Hội đồng quan hệ kinh tế - thương mại Istanbul, thành lập các phòng thương mại – công nghiệp ở nhiều nơi, thành lập các Hiệp hội DN, ngân hàng, tài chính. Để tăng cường vai trò là Trung tâm trung chuyển hàng hóa của thế giới, Thổ Nhĩ Kỳ đã lập ra nhiều khu thương mại tự do ở các cảng biển lớn bên bờ Biển Đen và Địa Trung Hải, ở các sân bay quốc tế, ven các tuyến đường cao tốc, đến nay cả nước có khoảng 20 khu thương mại tự do. Các khu thương mại tự do này có chức năng đẩy mạnh các hoạt động sản xuất và XNK, tranh thủ nguồn vốn và công nghệ từ bên ngoài. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có chính sách ưu đãi và khuyến khích các công ty ở trong và ngoài nước tham gia hoạt động tại các khu thương mại tự do.

Thổ Nhĩ Kỳ là một thị trường lớn, nhiều tiềm năng ở Tây Á, có nhu cầu NK nhiều hàng hóa thuộc thế mạnh của Việt Nam. Trao đổi thương mại Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu từ năm 1993. Hai nước ký Hiệp định Thương mại tháng 8/1997, đánh dấu mốc chính thức trong quan hệ thương mại song phương. Việt Nam đặt văn phòng đại diện thương mại đầu tiên ở Thổ Nhĩ Kỳ tháng 11/1999. Với vị trí “cửa ngõ” đi vào thị trường ở 3 châu lục, nên phát triển quan hệ thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ có vai trò quan trọng. Trao đổi thương mại 2 chiều trong những năm qua tiến triển khá thuận lợi, XK của Việt Nam vào Thổ Nhĩ Kỳ tăng nhanh, cơ cấu hàng hóa Nk có thay đổi theo chiều hướng tích cực. Trước năm 1999, hàng XK của Việt nam phần lớn là nông sản thô, từ năm 2000 trở lại đây đã có nhiều thay đổi, hàng công nghiệp đã chiếm tỷ trọng cao và đang có chiều hướng tăng, từ 55% năm 2000 lên 84% năm 2005 và 88% năm 2009. Tuy vậy, kim ngạch thương mại vẫn còn thấp, năm 2008 đạt 438,5 triệu USD (tăng so với năm 2007), năm 2009 bị sụt giảm do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, mục tiêu hai nước đặt ra cho năm 2010 là 1 tỷ USD. Để đạt được điều này, các DN hai nước phải nỗ lực rất nhiều trong việc phát huy thế mạnh của mỗi bên. Hiện nay, hai nước đang nhanh chóng kết thúc đàm phán về Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định về vận tải biển; đồng thời xem xét khả năng thúc đẩy hợp tác, liên doanh trên một số lĩnh vực như: chế biến nông sản và thực phẩm, sản xuất hàng may mặc, du lịch, dầu khí, đóng tàu… Ngày 30/9/2009, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã ký Thỏa thuận hợp tác với Liên đoàn các Phòng thương mại và Xúc tiến trao đổi hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ (TOBB) về việc thành lập Hiệp hội DN Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là một bước tiến quan trọng trong quan hệ thương mại giữa hai nước.

Cho tới nay, vẫn còn thiếu thông tin giữa các cộng đồng DN hai nước, các đối tác còn ít hiểu về nhau, hoạt động xúc tiến thương mại ở cả 2 phía chưa nhiều, việc các đoàn DN của hai nước tới nghiên cứu thị trường của nhau còn hạn chế. Thị trường Thổ Nhĩ Kỳ đang NK và tiêu thụ lớn đối với một số chủng loại hàng hóa XK của Việt Nam, trong đó có: cao su tự nhiên và các sản phẩm cao su (tổng kim ngạch NK sản phẩm này từ mọi xuất xứ là 0,5 tỷ USD năm 2009), đồ gỗ (tổng kim ngạch NK 0,5 tỷ USD năm 2009), giày dép (tổng kim ngạch 600 triệu USD), thủ công mỹ nghệ (tổng kim ngạch 700 triệu USD), dệt may (tổng kim ngạch NK 6 tỷ USD)… Gần đây, thị trường này áp dụng một số biện pháp hạn chế NK hàng dệt may để bảo hộ sản xuất trong nước thông qua sử dụng quota và một số qui định chặt chẽ khác. Nhóm hàng thủ công mỹ nghệ có nhu cầu NK đang tăng nhanh, nhất là các mặt hàng như giỏ, sọt, khay, bàn ghế song mây, mành trúc, thảm… Các DN Thổ Nhĩ Kỳ đang quan tâm nhiều hơn đến thị trường Việt Nam, nên chúng ta hoàn toàn có thể tăng kim ngạch XK hàng hóa sang Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian tới. Nhưng đối với ngành thủ công mỹ nghệ, đến nay ở Thổ Nhĩ Kỳ chưa có hội chợ chuyên ngành, nên các DN Việt Nam cần áp dụng các phương thức khác để quảng bá, giới thiệu tới các nhà NK Thổ Nhĩ Kỳ.

Những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện quá trình hài hòa hóa các chính sách kinh tế và thương mại của EU, nên thể chế thương mại nói chung và các qui định về NK hàng hóa nói riêng đều khá tương đồng với các chuẩn mực của EU. Thổ Nhĩ Kỳ đang áp dụng Biểu thuế chung của EU (CCT) trong hoạt động thương mại, theo đó, các mặt hàng công nghiệp buôn bán với EU đều miễn thuế, các sản phẩm nông nghiệp vẫn giữ mức thuế bảo hộ khá cao. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ không áp dụng biện pháp hạn chế nào trong thương mại với các thành viên WTO. Thổ Nhĩ Kỳ đang quan tâm xúc tiến đàm phán các FTA với nhiều nước và khu vực, trong đó châu Á bắt đầu được quan tâm nhiều hơn.

Thực tiễn kinh doanh với thị trường Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy, khi ký hợp đồng XK hàng hóa sang thị trường này, DN Việt Nam không nên áp dụng phương thức trả sau, bởi đã có những trường hợp XN XK không thanh toán được tiền hàng khi tàu cập cảng đến do nhà Nk từ chối nhận hàng hoặc đòi giảm giá. DN nên đàm phán để áp dụng phương thức thanh toán L/C, nhất là khi làm ăn với nhà NK mới ở Thổ Nhĩ Kỳ. DN nên chọn các hãng tàu vận tải có uy tín, bởi vấn đề an toàn hàng hải ở khu vực này không tốt. Khi tranh chấp xảy ra, việc giải quyết vừa khó khăn vừa tốn kém do vị trí địa lý xa xôi và yếu tố ngôn ngữ. Theo qui định hiện hành ở Thổ Nhĩ Kỳ, các chủng loại hàng hóa là lương thực – thực phẩm khi NK vào thị trường, trước khi đưa ra bán lẻ phải dán thêm nhãn hàng hóa bằng tiếng Thổ với những thông tin khá chi tiết như tên hàng, tên và địa chỉ nhà sản xuất và nhà NK, tên nước xuất xứ, thời gian sản xuất và thời hạn sử dụng, thành phần của hàng hóa, các chất phụ gia, chất bảo quản, nguyên liệu dùng làm bao gói… Đối với mặt hàng rau quả đựng trong các thùng lớn và được dỡ ra bày bán trên các giá hàng, thì bên ngoài thùng lớn chứa hàng phải có nhãn ghi rõ những thông tin về hàng hóa trong thùng và vật liệu dùng làm bao bì. Thông thường, các nhà Nk Thổ Nhĩ Kỳ thích gặp gỡ trực tiếp DN XK nước ngoài để xem hàng mẫu trước khi họ quyết định ký hợp đồng NK. Vì thế, XN XK Việt nam cần chú trọng công tác nghiên cứu thị trường để quảng bá, giới thiệu về mình và về hàng hóa XK. Mẫu mã hàng hóa cần thường xuyên thay đổi, thay thế bằng những mẫu mã mới độc đáo và hấp dẫn khách hàng. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tiếp xúc trực tiếp với phía đối tác không dễ, vì thế, giời gian qua đã có nhiều cơ hội kinh doanh bị bỏ lỡ.

  • Tags: