Vinatex (VGT): Duy trì thận trọng trong năm 2024, tổng cầu dệt may có thể chỉ cải thiện nhẹ

Lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex, mã cổ phiếu VGT) nhận định tổng cầu dệt may thế giới trong năm 2024 có thể chỉ cải thiện nhẹ và vẫn thấp hơn so với năm 2022, đòi hỏi các doanh nghiệp dệt may cần xây dựng kế hoạch kinh doanh thận trọng.

Đã hoàn thành hơn 70% mục tiêu doanh thu cả năm

Tập đoàn dệt may Việt Nam
Mặc dù còn đối mặt với khó khăn kéo dài nhưng ngành dệt may Việt Nam đã ghi nhận một số tín hiệu tích cực ban đầu.

Vừa qua, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex, mã cổ phiếu VGT - sàn UPCoM) đã tổ chức Hội nghị thảo luận phương hướng sản xuất - kinh doanh năm 2024. Tại Hội nghị, ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, trong 9 tháng đầu năm nay, Vinatex dự kiến doanh thu đạt 71%, lợi nhuận đạt 40% so với kế hoạch.

Ông Cao Hữu Hiếu chia sẻ, hoạt động sản xuất kinh doanh của Vinatex nói riêng, toàn ngành dệt may Việt Nam nói chung trong thời gian qua đối mặt loạt khó khăn kéo dài khi tổng cầu dệt may thế giới giảm do các thị trường tiêu thụ chính suy giảm tăng trưởng kinh tế; môi trường lãi suất cao trên toàn cầu; khu vực châu Âu đối mặt với rủi ro suy thoái cao; Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn kỳ vọng;… Cùng với đó, ngành dệt may còn đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về giá từ các đối thủ.

“Tình hình này đẩy doanh nghiệp rơi vào thế khó cả về thị trường, tài chính, phương thức sản xuất kinh doanh… Đơn hàng giảm số lượng​, nhỏ lẻ, yêu cầu cao​, kế hoạch đơn hàng ngắn hạn, giãn thời gian giao hàng, ảnh hưởng nặng nề đến kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023”, ông Cao Hữu Hiếu cho biết.

Điểm sáng là thị trường đã bắt đầu ghi nhận một số tín hiệu sớm về khả năng phục hồi. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt đỉnh 4,06 tỷ USD vào tháng 8/2023, đến tháng 9/2023, kim ngạch xuất khẩu tuy có giảm nhưng xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Trung Quốc ghi nhận mức tăng lần lượt là 2% và 11% so với cùng kỳ năm trước.

Xét về từng phân ngành, ngành may đa số các đơn vị thành viên thuộc Vinatex vẫn chưa có đủ đơn hàng cho quý 4/2023 nhưng khách hàng đã tăng cường trao đổi. Đối với ngành sợi, giá bông đầu vào trong quý 3 và quý 4/2023 đã thấp hơn so với nửa đầu năm nay, tạo điều kiện nâng cao biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp. Đối với ngành khăn - gia dụng, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục duy trì được lợi thế về giá nguyên liệu và thị trường đầu ra; ngành dệt - nhuộm không có nhiều thay đổi trong 9 tháng vừa qua.

Duy trì thận trọng trong năm 2024, tổng cầu dệt may sẽ chỉ cải thiện nhẹ

Nhu cầu dệt may
Tổng cầu dệt may thế giới trong năm 2024 được nhận định sẽ cải thiện nhẹ nhưng vẫn thấp hơn năm 2022.

Thảo luận tại Hội nghị, lãnh đạo các đơn vị thành viên thuộc Vinatex nhận định các khó khăn hiện nay sẽ còn kéo dài đến năm 2024, đòi hỏi doanh nghiệp phải cân nhắc thận trọng khi xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh thời gian tới.

Kết luận hội nghị, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex nhấn mạnh, tổng thể thị trường 2024 có nhiều khả năng cải thiện nhu cầu hơn 2023, tuy nhiên mức độ cải thiện nhỏ, tổng cầu 2024 dự kiến vẫn thấp hơn năm 2022 từ 5 - 7%.

Xem thêm: May Sông Hồng: Đơn hàng sẽ dồi dào trở lại từ quý 4, cổ phiếu MSH tăng “nóng” trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Đáng chú ý, ông Lê Tiến Trường nhận định, xu thế giảm số lượng hàng hóa có thể phản ánh việc các đối tác đang dần chuẩn bị cho khả năng chính thức áp dụng cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon); đơn giá có thể tăng hơn trên nền số lượng giảm và yêu cầu chất lượng, tiêu chuẩn phi tài chính khác cao lên. Ngành sợi có thể có những diễn biến bất ngờ do áp dụng chặt chẽ hơn Đạo luật chống lao động cưỡng bức của Mỹ (UFLPA), Chủ tịch HĐQT Vinatex lưu ý.

Về các yếu tố thuận lợi, ông Lê Tiến Trường nhận định tỷ giá USD/VNĐ đang tăng lên sẽ hỗ trợ hoạt động xuất khẩu; trong khi đó, các quốc gia cạnh tranh đã giảm mạnh đồng nội tệ trong hai năm qua nên còn ít dư địa để tận dụng lợi thế này. Đồng thời, mặt bằng lãi suất cho vay tại Việt Nam hiện đã giảm đáng kể, giúp giảm sức ép chi phí lãi vay lên các doanh nghiệp. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ hiện nay có thể được kéo dài trong năm 2024.

Bên cạnh đó, thị trường đang ghi nhận một số cơ hội mới từ xu hướng dịch chuyển nguồn gia công sợi ra khỏi Trung Quốc và các doanh nghiệp FDI tăng cường sản xuất vải ở Việt Nam từ nguồn sợi trong nước.

Quỳnh Trang