Việt Nam-Lào: Hợp tác năng lượng đặt trong tổng thể phát triển chung mỗi bên

Tại cuộc Hội đàm giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào Khammani Inthirath, hai bên đã cùng nhìn lại tình hình hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản th
p.p1 {margin: 0.0px 0.0px 0.0px 0.0px; text-align: justify; font: 12.0px 'Helvetica Neue'; color: #454545} p.p2 {margin: 0.0px 0.0px 0.0px 0.0px; font: 12.0px 'Helvetica Neue'; color: #454545} p.p3 {margin: 0.0px 0.0px 0.0px 0.0px; font: 12.0px 'Helvetica Neue'; color: #454545; min-height: 14.0px}

Bộ trưởng Khammani Inthirath khẳng định, trong quá khứ, vào thời điểm Lào gặp khó khăn lớn nhất là thiếu điện nghiêm trọng, Việt Nam đã hỗ trợ cung cấp điện cho các địa phương vùng biên giới hai nước, thể hiện mối quan hệ hữu nghị anh em quý giá. Hiện nay, Lào đã phát huy được những tiềm năng, lợi thế của mình trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là sản xuất và truyền tải điện. Năng lượng được kỳ vọng là đầu tàu phát triển kinh tế của Lào.

Bộ trưởng Khammani Inthirath bày tỏ sự cảm ơn Việt Nam khi đã cùng đồng hành, hỗ trợ Lào trong giai đoạn khó khăn

Tại Lào có 53 dự án điện đã đi vào hoạt động với tổng công suất lắp máy là 7.000 MW, với 70.000 MW đường dây truyền tải. Trong đó, trên 5.000 MW điện được xuất khẩu sang các nước láng giềng như Thái Lan, Việt Nam, Campuchia.

Lào lên kế hoạch đến năm 2020 sẽ đưa vào hoạt động thêm 47 dự án, nâng tổng số lên 100 dự án, sản xuất hơn 13.000MW điện từ các nguồn khác nhau như thủy điện, điện gió, điện than và điện mặt trời,… và 75% sản lượng điện đó được kỳ vọng sẽ xuất khẩu sang Myanmar, Việt Nam, Singapore và Malaysia trong thời gian sớm nhất.

Trong lĩnh vực mỏ và than khoáng, khảo sát cho thấy 572 địa điểm có thể chứa khoáng chất, chiếm 70% diện tích đất nước Lào. Số doanh nghiệp đăng ký đầu tư, khảo sát lên đến 219 doanh nghiệp, trong đó 142 doanh nghiệp khảo sát và 77 doanh nghiệp chuẩn bị khai thác và chế biến khoáng sản với trên 20 loại khoáng chất đã tìm thấy.

Bộ trưởng Khammani Inthirath nhận định, với tiềm năng năng lượng dồi dào và quan hệ hợp tác chặt chẽ, cả hai nước cần tiếp tục nghiên cứu cụ thể, đưa ra đánh giá về tính hiệu quả và tác động của các dự án hợp tác điện và năng lượng trong thời gian tiếp theo, đặc biệt các phương án đường dây truyền tải và kết nối để triển khai kế hoạch mua bán điện giữa hai bên.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh tiềm năng hợp tác to lớn giữa Việt Nam và Lào trong lĩnh vực năng lượng, đặt trong tổng thể chung của sự tăng trưởng bền vững mỗi bên

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, điểm đáng chú ý trong nền kinh tế Việt Nam chính là việc công nghiệp và xuất nhập khẩu đã có sự tăng trưởng đột biến trong thời gian vừa qua. Quý I năm 2018 công nghiệp chế biến chế tạo tăng 13,5%, cùng với tăng trưởng xuất nhập khẩu và thương mại nội địa giúp nền kinh tế chung tăng trưởng lên tới 7,45% trong quý I/2018. Lần đầu tiên công nghiệp khai khoáng Việt Nam đạt tăng trưởng dương 0,40% sau nhiều quý liên tiếp đều ở mức âm.

Việt Nam từ một nước xuất khẩu năng lượng đã trở thành nước nhập khẩu ròng về năng lượng. Dự kiến, các nguồn nhập khẩu sẽ cung cấp cho khoảng 37,5% nhu cầu năng lượng của Việt Nam vào năm 2025 và 58,5% vào năm 2035.

Trong bối cảnh đó, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa Việt Nam và Lào đã trở thành một nhu cầu tự thân, phục vụ nhu cầu và lợi ích thiết thực cho phát triển của cả hai nước. Đó cũng chính là lý do nhân dịp kỳ họp lần thứ 40 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam – Lào, tổ chức tại Viêng-chăn, Lào tháng 02 năm 2018, 06 trên tổng số 12 văn kiện hợp tác được ký kết giữa hai nước đều thuộc lĩnh vực năng lượng.

Một trong những kết quả hợp tác nổi bật thời gian qua là hai bên đã hoàn thành đàm phán và ký Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về hợp tác phát triển các dự án thủy điện tại Lào tạo nguồn điện về Việt Nam, đấu nối hệ thống điện và mua bán điện giữa hai nước; thúc đẩy tiến độ đàm phán và ký các Hiệp định, thỏa thuận khác như Hiệp định giữa Chính phủ hai nước về Dự án kho ngoại quan và đường ống dẫn dầu từ Cảng Hòn La đi Khăm-muộn, Hiệp định liên Chính phủ Việt Nam - Lào về dự án nhà máy thủy điện Mỹ Lý - Nậm Mô 1; thống nhất hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, xây dựng dự án đường dây siêu cao áp 500 KV để nhập khẩu điện về Việt Nam; ký Bản ghi nhớ về việc mua bán điện giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam với một loạt các nhà đầu tư dự án nguồn điện (điện than, thủy điện) tại Lào, vv...

Buổi Hội đàm diễn ra với sự tham dự của nhiều lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng lượng và Mỏ Lào cũng như các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng và khai khoáng từ hai quốc gia

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Việt Nam và Lào hiện nay chưa có hệ thống kết nối lưới điện quốc gia chính thức, vậy nên trong thời gian tới, hai bên sẽ tập trung vào các kết nối riêng lẻ theo từng nhu cầu địa phương, dự kiến chia làm 3 giai đoạn kết nối.

Trong giai đoạn 1, Việt Nam sẽ tập trung mua điện từ các dự án ở Nam Lào, tạo ra hệ thống kết nối với tổng công suất mua được là 1.226MW thông qua hệ thống đường dây 220kV.

Trong giai đoạn 2 từ năm 2021-2025, Việt Nam tổ chức kết nối mua điện của các dự án tại Nam Lào và Trung Lào với tổng công suất 3.000GW, chủ yếu tại một số dự án như điện than Sekong 1, Sekong 2, dự án Nậm Xăm 1A, Nậm Xăm 1B, Nậm Xăm 3,…

Trong giai đoạn 3 từ năm 2026-2030, Việt Nam sẽ tiếp tục tính toán để nhập khẩu thêm 2.000MW từ Bắc Lào. Như vậy, tổng công suất cho giai đoạn này sẽ lên tới 5.000MW. Để triển khai quá trình hợp tác này, hai bên sẽ cần tính toán để xây dựng phương án kết nối bằng đường dây 500kV dài khoảng 275km, với 270km trên lãnh thổ Việt Nam.

Tuy vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh vẫn cho rằng hai nước cần nghiên cứu triển khai kết nối hệ thống điện lưới quốc gia của hai quốc gia, không chỉ tạo thuận lợi cho việc mua bán điện giữa hai nước mà còn để mở rộng cơ hội với các nước ASEAN khác, nhấn mạnh việc thống nhất hợp tác lĩnh vực năng lượng cần đặt trong tổng thể chung của tăng trưởng mỗi bên.

Cũng trong buổi Hội đàm, hai Bộ trưởng đã bày tỏ sự vui mừng trước quá trình làm việc tích cực của các chuyên viên kĩ thuật hai nước, đồng thời thống nhất về cơ bản các nội dung chính của Hiệp định sửa đổi Hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ trong lĩnh vực Năng lượng và Khoáng sản năm 2006 để có cơ sở báo cáo Chính phủ hai nước phê duyệt, ký trong thời gian sớm nhất, tạo khuôn khổ hợp tác ổn định, dài hạn về năng lượng và khoáng sản giữa hai nước cho phù hợp với tình hình mới của khu vực và thế giới.

Đại diện hai bên ký nháy Hiệp định sửa đổi Hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ trong lĩnh vực Năng lượng và Khoáng sản năm 2006

Các nội dung chính bao gồm danh sách các dự án nguồn điện Chính phủ Lào xác nhận giới thiệu bán điện về Việt Nam, phương án đấu nối và đường dây liên kết để chuyển tải điện về Việt Nam, cơ chế đàm phán giá mua bán điện, vv... Bên cạnh đó, hai Bên nhất trí tiếp tục hỗ trợ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đối với dự án muối mỏ ka-li; sớm hỗ trợ dự án thủy điện Mỹ Lý - Nậm Mô 1 đi vào triển khai, vv...

Chuyến thăm Việt Nam lần này của Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào có ý nghĩa quan trọng giúp hai Bộ rà soát, thống nhất phương hướng tiếp tục triển khai các biện pháp tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản giữa hai nước Việt Nam và Lào, đặc biệt là thống nhất kế hoạch triển khai các văn kiện hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hai Bên đã ký nhân kỳ họp lần thứ 40 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam – Lào.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ Năng lượng và Mỏ Lào sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết đặc biệt, hợp tác chặt chẽ để cùng nhau hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân hai nước giao phó, đóng góp vào sự phát triển và thịnh vượng của hai nước.