Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên: Liên kết với hàng trăm đơn vị để nâng chất lượng đào tạo

Trong suốt gần 60 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên xác định hoạt động liên kết hợp tác với doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ phát triển mang tính chiến lược lâu dài, cần thúc đẩy phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu.

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên đã chủ động xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược với hàng trăm đơn vị trong và ngoài nước, trong đó đã triển khai ký kết biên bản hợp tác toàn diện với gần 60 trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế thuộc khối Châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… các công ty, tập đoàn lớn như Ford, Samsung, Huyndai, Toyota, Misubishi, Hoà Phát, Misa, Tổng công ty Đức Giang, Công ty xi măng Hoàng Thạch…

Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên
Các đại biểu tại hội nghị “Thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa trường Đại học và doanh nghiệp- tạo dựng giá trị bền vững” ngày 6/10/2023

Doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo thông qua việc cùng xây dựng chương trình đào tạo; Tiếp nhận sinh viên đến thăm quan, thực tập; Phối hợp triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu; Hướng dẫn thực hiện các đồ án/ khóa luận tốt nghiệp của sinh viên; Tài trợ trang thiết bị phục vụ đào tạo và học bổng cho sinh viên… tiêu biểu là: Công ty TNHH Ford Việt Nam trao tặng 01 xe ô tô Ford Territory trị giá 800 triệu đồng và 10 động cơ, hộp số; Công ty THHH Mitsubishi Electric VN trao tặng Phòng Thí nghiệm tự động hóa Misubishi Electric trị giá hàng tỷ đồng, Công ty Cổ phần giải pháp công nghệ cao HTG trao tặng Phòng Thí nghiệm tự động hóa Inovance, công ty Công nghiệp Việt Nhật tài trợ 01 xe nâng và 13 động cơ ô tô, Công ty ABB Automation and Electrification Việt Nam trao tặng Gói phần mềm mô phỏng Robot Studio trị giá 6 tỷ đồng….

Ngoài ra các doanh nghiệp cũng liên kết với nhà trường trong các khâu tuyển dụng lao động, đào tạo lao động, tham gia Ngày hội việc làm thường niên tại trường, phối hợp tổ chức thường xuyên các buổi tư vấn, phỏng vấn tuyển dụng việc làm, các buổi nói chuyện chuyên đề.

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên cũng chú trọng thúc đẩy hoạt động hợp tác với doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý trong và ngoài nước về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thông qua các Hội thảo quốc tế tổ chức tại trường như Hội thảo AMAS 2021, Rice 2022.

Từ năm 2018 đến năm 2023, có 23 đối tác là doanh nghiệp cùng tham gia thực hiện đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ cấp tỉnh. Kết quả Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên đã thực hiện quá trình trao đổi công nghệ, chuyển giao một số công nghệ là các sản phẩm nghiên cứu thuộc thế mạnh của Trường cho các trường đại học, các viện nghiên cứu, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước thuộc các lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo AI, tự động hóa, Cơ khí, Cơ điện tử, Công nghệ Hóa Môi trường, Kinh tế.

- Đề tài Nghiên cứu phát triển và điều khiển tối ưu cho Robot phục hồi chức năng chân bệnh nhân của PGS.TS Bùi Trung Thành với Sở y tế Hưng Yên - Trung tâm Y tế huyện Khoái Châu;

- Đề tài Hỗ trợ nâng cao năng lực của cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với Công ty Cổ phần truyền thông Việt Nam STARTUP TV của PGS.TS Chu Văn Tuấn;

- Đề tài Nghiên cứu đề xuất giải pháp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên; Sở Công thương tỉnh Hưng Yên của PGS.TS Nguyễn Văn Hưởng;

- Đề tài Xây dựng hệ thống tổng hợp và tóm tắt văn bản tiếng Việt sử dụng học nhiều tầng (deep learning) với Viện AI Việt Nam; Viện Khoa học Công nghệ tiên tiến Nhật Bản của TS. Nguyễn Văn Hậu…

Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên
Dự án sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ long nhãn thương hiệu Bảo An

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên đặc biệt quan tâm, chú trọng tới mối liên kết với doanh nghiệp trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và tạo mọi điều kiện để hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp của giảng viên, sinh viên. Từ năm 2018, có 77 dự án khởi nghiệp của trường tham gia dự thi các cấp và đạt nhiều giải thưởng cao. Một số sản phẩm đã được đưa ra thị trường và được nhiểu doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh quan tâm, đầu tư hỗ trợ. Tiêu biểu đó là:

Dự án “Sản xuất kinh doanh Trà Kim Cúc kết hợp phát triển du lịch truyền thống” của nhóm sinh viên khoa Kinh tế đã đạt Giải khuyến khích "Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh Hưng Yên" năm 2018, Giải khuyến khích "Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hưng Yên lần thứ II" 2018. Với sự hỗ trợ của doanh nghiệp, sản phẩm đã được ra mắt thị trường vào tháng 8 năm 2019 và đến nay thành lập thêm 2 cơ sở mới tại Bắc Ninh và Hà Nam.

Dự án “Sản xuất quần áo bảo hộ lao động cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” của nhóm sinh viên Khoa Công nghệ May và Thời trang đã tham dự vòng chung kết ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2019.

Năm 2022, dự án “Thiết kế đồ chơi thông minh theo phong cách DIY” của nhóm tác giả đến từ khoa Công nghệ thông tin và khoa Kinh tế đã đạt Giải Nhất cấp trường 2021, Giải Nhì IFI 2021, Giải nhì tại vòng chung kết Cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp Quốc gia 2022 và 03 dự án khác đạt Giải khuyến khích.

Năm 2023, Dự án sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ long nhãn như: long nhãn sấy; trà long nhãn táo đỏ, trà nhài long nhãn; trà long nhãn hương mộc; nước ép long nhãn.. với thương hiệu Bảo An vinh dự đạt Giải nhất cấp trường 2022 và giành Giải nhì tại Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” (SV_STARTUP) cấp quốc gia do Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức.

Với sự hỗ trợ chuyên môn, định hướng của CEO Trần Văn Lê – Vua quạt đất Bắc - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Cơ điện và Thương mại Phương Linh, dự án “Lò sấy gỗ mỹ nghệ xuất khẩu” đội tuyển HUNG YEN TECH_WOOD đã xuất sắc đạt Giải tiềm năng và Giải phụ "Nâng tầm khởi nghiệp vươn xa" của cuộc thi Thách thức Kinh doanh mùa 6 do Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội dành cho sinh viên cả nước.

Và rất nhiều các công ty đã đồng hành, hỗ trợ đầu tư về công nghệ, tài chính cho các đội tuyển Robocon của nhà trường tham dự cuộc thi sáng tạo Robot toàn quốc và quốc tế. Cũng từ đề bài của các cuộc thi Robocon này, giảng viên Khoa Điện - Điện tử đã đề xuất ứng dụng "Máy hỗ trợ tập luyện cầu lông", sử dụng công nghệ robot cải thiện kỹ năng, kỹ thuật cho người chơi cầu lông và ứng dụng "Robot lắp đặt cánh quạt tua-bin gió" để tái tạo năng lượng, duy trì các nguồn năng lượng sạch.

Trong thời gian tới, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên sẽ tiếp tục kết hợp với doanh nghiệp để hình thành cụm liên kết khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các trường đại học sư phạm kỹ thuật; Kết nối với các đối tác quốc tế và các doanh nghiệp trong nước nhằm trao đổi kinh nghiệm về hoạt động khởi nghiệp trong lĩnh vực Khoa học Kỹ thuật; Thành lập Trung tâm khởi nghiệp tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên. Đây sẽ là bước tiến đột phá trong sự kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp, nhằm đẩy mạnh hoạt động hợp tác này trong tương lai.

Huy Tưởng