Kích cầu xuất khẩu: Bắt đầu từ việc đơn giản hoá các thủ tục hành chính

Hoạt động xuất khẩu năm 2009 được Bộ Công Thương nhận định sẽ gặp nhiều thách thức do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Các doanh nghiệp FDI mặc dù vẫn giữ vị trí “đầu tàu” trong tổng

Theo thống kê, năm 2008, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp này chiếm khoảng 44% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 24,2% so với năm 2007 (nếu tính cả dầu thô, thì chiếm đến 55% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước). Tuy nhiên, nếu so sánh ngược lại với các năm về trước, 2 tháng đầu năm 2009, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI bị sụt giảm, chỉ đạt 2,97 tỷ USD, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2008. Theo dự báo của Bộ Công Thương, nếu không có những giải pháp tích cực, hữu hiệu, sẽ có khả năng năm 2009, mức độ sụt giảm kim ngạch xuất khẩu lên tới 10 - 15% và chỉ đạt khoảng 19-20 tỷ USD. Do đó, mới đây, Bộ Công Thương cùng với một số cơ quan như, ngân hàng, hải quan đã tổ chức các buổi gặp mặt với đại diện của các doanh nghiệp FDI tại 2 thành phố là Hà Nội và Hồ Chí Minh lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp, từ đó đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn, kích cầu cho xuất khẩu.       

   Các thủ tục thông quan cần nhanh và thông thoáng

    Mong muốn của chúng tôi là có một kết cấu hạ tầng tốt (như về cảng, sân bay, đường giao thông) và các thủ tục hải quan thông thoáng hơn. Ông Nazasaki Masahiro đại diện cho doanh nghiệp Panasonic Communications, chuyên sản xuất các sản phẩm xuất khẩu là điện và điện tử công nghệ cao được đặt tại Việt Nam, đã đề xuất như vậy sau khi kể ra một loạt những khó khăn đến với doanh nghiệp của ông từ cuối năm 2008. Đơn hàng xuất khẩu đột ngột giảm, mặc dù đã cố gắng phân tích tình hình, xem xét và có kế hoạch điều chỉnh quy mô hoạt động bằng cách chỉ tập trung vào sản xuất các sản phẩm chính, nhưng DN vẫn phải cắt giảm 30% lực lượng lao động. Do đó, dự kiến xuất khẩu hơn 2 triệu sản phẩm trong năm 2009, theo ông Nazasaki, rất khó thực hịên. Ông Nazasaki hy vọng, chất lượng hạ tầng tốt, sẽ hỗ trợ rất nhiều về tốc độ giao hàng, cũng như giảm các chi phí sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động địa phương. Cũng một công ty đến từ Nhật Bản chuyên về sản xuất các sản phẩm may mặc đóng tại tỉnh Hải Dương, mong muốn công nhân của họ có được những chỗ thuê trọ trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. “Trong điều kiện suy thoái kinh tế, chúng tôi vẫn phải giữ ổn định nơi ăn ở cho người lao động để đảm bảo tiến độ sản xuất và mở rộng thị trường. Nhiều công ty vệ tinh muốn đi theo chúng tôi và nhiều doanh nghiệp khác cũng cần có những công ty vệ tinh để tạo thành chuỗi cung ứng sản xuất, nhưng chúng tôi gặp khó khăn vì người lao động không thuê được chỗ ở hoặc phải ở trong những điều kiện không đảm bảo, bỏ việc, gây ảnh hưởng đến sản xuất”- vị đại diện này chia sẻ. Bên cạnh đó, vị đại diện này cũng kiến nghị, các chính sách về thực hiện các thủ tục hải quan của Việt Nam chưa đồng bộ, mỗi nơi một kiểu, thủ tục ở Hà Nội lại khác với thủ tục ở Hải Dương, gây rất nhiều khó khăn, bức xúc cho doanh nghiệp. 

Thủ tục chậm và phức tạp còn làm mất cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp

Bà Phạm Thị Ngọc Ninh, đại diện Công ty TNHH Giày Fuluh bức xúc cho biết, doanh nghiệp của bà được tỉnh Long An cấp phép đầu tư nhà xưởng trên diện tích 46 ha để sản xuất và gia công giày các loại phục vụ xuất khẩu, với tổng vốn đầu tư 50 triệu đô la Mỹ. Nhưng, sau gần 3 năm hoạt động, Fuluh vẫn chưa được bàn giao hết số diện tích đất đã ký. Chậm chễ này dẫn đến việc doanh nghiệp không triển khai được nhà xưởng, thiết bị sản xuất như kế hoạch. Theo kế hoạch, doanh nghiệp sẽ đầu tư lắp đặt 14 dây chuyền và thu hút khoảng 7.000 lao động. Thế nhưng đến nay, chỉ thu hút được 1/3 số lao động so với dự kiến.  Một vị lãnh đạo của Tổng cục Hải quan cho biết, Hải quan VN đã áp dụng công nghệ thông tin vào quá trình giải quyết các thủ tục hải quan và hiện đang đẩy nhanh ứng dụng hải quan điện tử và đồng bộ hoá quá trình làm việc, nhằm tạo thuận lợi và nhanh chóng hơn trong xử lý các thủ tục thông quan cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, tốc độ giải quyết vẫn chậm. Ông Gary Moller, đại diện của ABB Việt Nam cho rằng, trong thời điểm khủng hoảng hiện nay, vấn đề chi phí và tốc độ giao hàng rất quan trọng. Do đó, theo đề xuất của Giám đốc Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà, Bộ Công Thương và các bộ, ngành hữu quan cần có chính sách điều chỉnh hợp lý hơn nữa để giảm thiểu những phức tạp về thủ tục hải quan cho các doanh nghiệp, khi tiến hành hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Ông cũng kiến nghị, Chính phủ Việt Nam cần xây dựng một đội ngũ nhân lực vững về chuyên môn để phối hợp tốt hơn với các doanh nghiệp và xây dựng một hệ thống quản lý minh bạch, rõ ràng hơn.  Bên cạnh các ý kiến đề xuất về thủ tục hải quan, nhiều doanh nghiệp còn kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất trong nước, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nước ngoài như, chính sách miễn giảm thuế, thủ tục hoàn thuế, chính sách xuất khẩu... Giải pháp hỗ trợ DN Thời gian vừa qua, Chính phủ đã giành sự quan tâm đặc biệt đến thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, ban hành NQ 30/2008/NQ-CP về những giải pháp cấp bách ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, đã đưa ra các nhóm giải pháp ngăn chặn suy giảm tăng trưởng kinh tế, áp dụng nhiều chính sách tài chính, tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp như, chính sách miễn, giảm, hoãn, giãn thời gian nộp thuế..., điều hành tỷ giá linh hoạt, áp dụng hỗ trợ lãi suất, kinh doanh, đồng thời, chỉ đạo quyết liệt việc đơn giản hoá các thủ tục hải quan, thủ tục hoàn thuế để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp xuất khẩu. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện rà soát lại các văn bản pháp luật, chính sách về đầu tư, kinh doanh để sửa đổi các nội dung không đồng bộ, thiếu nhất quán, bổ sung các nội dung còn thiếu và loại bỏ các điều kiện áp dụng ưu đãi đầu tư không phù hợp với cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phê duyệt các quy hoạch còn thiếu hoặc chưa đồng bộ; tiến hành tổng rà soát, điều chỉnh, phê duyệt và công bố các quy hoạch về kết cấu hạ tầng đến năm 2020, làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng...