Thống đốc giải thích việc sửa thông tư

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu trả lời báo chí, xung quanh việc Thông tư 13 ban hành, chưa được thực hiện đã phải sửa.

Bài liên quan:
NHNN sửa Thông tu 13 sát hơn với tình hình thực tế
Thủ tướng chỉ đạo rà soát lại nội dung Thông tư 13
Dự phòng rủi ro... khó cho Ngân hàng

Ông Giàu nói: “Hệ thống ngân hàng Việt Nam không đồng đều, ngân hàng lớn thì có hệ thống quản trị rủi ro tốt, còn ngân hàng nhỏ thì tiềm lực tài chính vừa yếu, quản trị rủi ro cũng yếu. Như vậy, xét trên yếu tố khách quan và chủ quan thì việc ban hành Thông tư 13 là rất cần thiết.

Ngoài ra, nhiều ý kiến phàn nàn thời gian hiệu lực của Thông tư 13 là quá ngắn (từ 20-5 đến 1-10). Với quãng thời gian 45 ngày chuẩn bị, là phù hợp với quy định về thời hạn thực hiện của một văn bản pháp quy. Nói như thế để thấy rằng, NHNN không có sự vội vàng, gấp gáp mà đã có sự tính toán thận trọng”.

Nhưng Thủ tướng Chính phủ cũng có ý kiến chỉ đạo đề nghị NHNN rà soát một số điểm bất hợp lý nên NHNN mới sửa?

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 13 không phải chúng tôi nhân nhượng do bị áp lực, mà NHNN nhận thấy văn bản còn một số điểm bất cập. Thực ra, những điểm này nếu xét đơn thuần về mặt kỹ thuật thì nếu cả hệ thống cùng quyết tâm, sẽ thực hiện được.

Tuy nhiên, do tình hình kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định, ngoài ra cũng có một số chuyên gia trong ngành lưu ý NHNN nên cân nhắc khi áp dụng cái mới, nhạy cảm thì phải làm sao đó để thực hiện trôi chảy hơn, không gây sốc. Cùng đó, Chính phủ đã có ý kiến yêu cầu NHNN nên nghiên cứu lại một số góp ý về mặt kỹ thuật, do Hiệp hội ngân hàng kiến nghị.

Nội dung Thông tư 19 sẽ có tác động đến hoạt động của các NHTM và các tổ chức tín dụng ra sao, thưa ông?

Theo luật, tiền gửi kho bạc thì phải gửi ở NHNN, trong trường hợp không có NHNN thì gửi ở các NHTM. Bởi đây là nguồn vốn rất lớn và thường xuyên biến động mạnh do đây là loại tiền gửi tạm thời, không kỳ hạn.

Hiện tại, số lượng tiền gửi kho bạc tại NHTM khoảng 57 nghìn tỷ đồng, Agribank chiếm 33 nghìn, BIDV chiếm 9,4 nghìn tỷ, Vietcombank 8,3 nghìn, VietinBank 1,4 nghìn tỷ đồng. Với số lượng lớn như vậy, chỉ cần đơn vị chủ quản rút về giải ngân sẽ gây biến động thanh khoản rất lớn trong hệ thống.

Tất nhiên, trước mắt chưa thể thực hiện được (Thông tư 13 quy định không tính dòng tiền này vào tỷ lệ tiền cho vay 80%, trên tổng số tiền ngân hàng huy động, còn Thông tư 19 cho phép tính tỷ lệ này) nhưng dù thế nào, cũng phải đặt lộ trình đưa nguồn tiền này ra khỏi nguồn vốn kinh doanh của ngân hàng. Nên nhớ, tết năm vừa rồi, cũng vì tiền gửi kho bạc rút đột ngột mà thị trường bị căng thẳng thanh khoản.

Một điểm sửa cần nhấn nữa là tính toán phần bảo lãnh vào tỷ lệ an toàn. NHNN thấy rằng, trong hệ thống thì loại hình bảo lãnh này chưa nhiều, nên chúng tôi cũng mạnh dạn bỏ. Tuy nhiên, phải lưu ý, có thực tế một ngân hàng đã bảo lãnh 5.200 tỷ VND trong sự cố của một tập đoàn kinh tế lớn và nếu phải thực hiện đúng cam kết thì ngân hàng đó mất đứt số tiền này, mặc dù đó là cá biệt.