Tình hình thị trường tài chính Việt Nam trong thời gian gần đây

THS. NGUYỄN THỊ HUYỀN - THS. NGUYỄN NGÂN GIANG (Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì)

TÓM TẮT:

Hệ thống tài chính toàn cầu giai đoạn 2021-2023 đang chứng kiến nhiều xu hướng chủ đạo đặt ranhiều cơ hội đan xen thách thức do những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, sự biến động không ngừng của thị trường và sự xuất hiện của nhiều yếu tố mới. Cùng với những thành công trong kiểm soát dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội từ đầu năm 2021 đến nay, hệ thống tài chính Việt Nam đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận nhưng cũng gặp nhiều thách thức. Bài viết đưa ra đề xuất một số giải pháp chiến lược nhằm giúp thị trường tài chính Việt Nam tận dụng được cơ hội, vượt qua thách thức và phát triển bền vững.

Từ khóa: xu hướng tài chính toàn cầu, tài chính số, tài chính xanh, trung tâm tài chính quốc tế, tài chính Việt Nam.

1. Bối cảnh thế giới và trong nước

Năm 2021, kinh tế thế giới có sự phục hồi nhanh (tăng 6,1%) sau khi suy giảm mạnh năm 2020 (-3,1%); tuy nhiên, dịch bệnh phức tạp khiến hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng liên tục diễn ra; giá cả hàng hóa và dịch vụ, lạm phát toàn cầu tăng cao (từ mức 2% năm 2020 lên 3,8% năm 2021)... Điều này buộc các nước tính đến phương án thu hẹp chính sách tài khóa, tiền tệ, tăng lãi suất, khiến đà phục hồi chậm lại và rủi ro tài chính - tiền tệ gia tăng, nhưng về cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát.

Đến năm 2022, dịch bệnh Covid-19 giảm mạnh trên phạm vi toàn cầu song kinh tế thế giới còn gặp nhiều khó khăn. Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại từ mức 6,0% năm 2021 xuống còn 3,2% năm 2022 và 2,7% năm 2023. Đây được xem là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2001 ngoại trừ giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu và giai đoạn khó khăn nhất trong đại dịch Covid-19 vừa qua. Trong khi đó, lạm phát toàn cầu dự báo sẽ tăng từ mức 4,7% năm 2021 lên 8,8% năm 2022, mặc dù có thể giảm xuống mức 6,5% năm 2023.

Trong bối cảnh đó, thị trường tài chính toàn cầu về cơ bản vẫn hoạt động an toàn, phục hồi và tăng trưởng tích cực, chỉ số chứng khoán (MSCI) toàn cầu tăng 18,5% năm 2021 (một phần là nhờ năng lực tài chính, khả năng chống chịu của các doanh nghiệp, định chế tài chính trước các cú sốc đã vững hơn nhiều so với giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008-2009). Bước sang năm 2022, với bối cảnh vĩ mô và địa chính trị phức tạp hơn, thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu biến động mạnh, trở lại đà giảm điểm, trong khi khu vực ngân hàng và bảo hiểm toàn cầu tiếp tục phục hồi, dù chậm hơn.

Tại Việt Nam, trong bối cảnh quốc tế biến động và dịch bệnh phức tạp, kinh tế năm 2020-2021 khó khăn, tăng trưởng thấp. Tuy nhiên, nền kinh tế được phục hồi khá nhanh nhờ thay đổi chiến lược phòng chống dịch phù hợp, mở cửa trở lại từ đầu quý 4/2021. Tăng trưởng quý 4/2021 đạt 5,22% (từ mức -6,02% quý 3/2021), giúp tăng trưởng cả năm đạt 2,58%, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp 1,84%. Đến năm 2022, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phải đối mặt với những thách thức lớn, biến động nhanh, khó lường và tính bất ổn cao; lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ buộc các quốc gia phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy vậy, nền kinh tế Việt Nam trong năm qua đã có sự phục hồi mạnh mẽ với GDP là 8,02%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện, góp phần tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Một số ngành đã có mức tăng trưởng cao hơn năm trước khi có dịch Covid-19.

2. Thị trường tài chính Việt Nam năm 2022

Năm 2021

Trong bối cảnh đó và phù hợp xu hướng tăng chung của thị trường tài chính toàn cầu, thị trường tài chính Việt Nam duy trì đà tăng trưởng tích cực nhờ kinh tế vĩ mô ổn định, một số chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp được triển khai (khoảng 4% GDP trong 2 năm 2022-2023), một số lĩnh vực, ngành nghề vẫn phát triển tốt; năng lực tài chính của các định chế tài chính được tăng cường trong những năm qua, khả năng thích ứng, đa dạng hóa hoạt động, đẩy mạnh chuyển đổi số và tiết giảm chi phí, gia cố phòng chống rủi ro… Năm 2021, lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp niêm yết trên cả 3 sàn (HOSE, HNX, UPCOM) tăng 49,5%; lợi nhuận trước thuế của 29 ngân hàng thương mại (NHTM) chiếm đến 80% thị phần, tăng gần 32;, chi phí hoạt động giảm 15%; ngân hàng số tăng nhanh với dịch vụ mobile banking tăng 75% về lượng giao dịch, tăng 87% về giá trị giao dịch; tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng lên mức 152% (từ mức 105% năm 2020), trong khi ngành ngân hàng tiếp tục các chương trình cơ cấu lại nợ và hỗ trợ khách hàng chịu tác động bởi dịch Covid-19 (khoảng 52 nghìn tỷ đồng năm 2021 và 20-25 nghìn tỷ đồng năm 2022).

Với TTCK, năm 2021 chỉ số chứng khoán (VNindex) tăng 35,7%, vốn hóa thị trường cổ phiếu tăng 48,4%, thanh khoản thị trường tăng 253%; huy động vốn qua TTCK đạt 757 nghìn tỷ đồng (tăng 62%), trong đó phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đạt 657 nghìn tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2020; lượng nhà đầu tư mới đạt kỷ lục (1,5 triệu tài khoản), gấp gần 1,5 lần tổng số của 4 năm trước đó... Thị trường bảo hiểm duy trì đà tăng doanh thu (đạt 217 nghìn tỷ đồng năm 2021, tăng gần 19% so với mức tăng 14% năm 2020), lợi nhuận ròng của các công ty kinh doanh bảo hiểm niêm yết tăng 19%...

Tuy nhiên, thị trường ngân hàng cũng xuất hiện rủi ro như nợ xấu tiềm ẩn gia tăng, tội phạm tài chính tăng; TTCK sau giai đoạn phát triển nhanh đang có những điều chỉnh giảm điểm, xuất hiện thao túng giá, vi phạm công bố thông tin, cho vay ký quỹ tăng nhanh, nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính nhiều, tâm lý đám đông dẫn dắt… Những rủi ro này đã được các cơ quan quản lý nhận diện và đang có những chính sách, giải pháp khắc phục nhằm ổn định, lành mạnh hóa thị trường. Trong lĩnh vực bảo hiểm, tỷ lệ chi trả bảo hiểm dự báo sẽ tăng lên khi kinh tế phục hồi và tiến trình chuyển đổi số của ngành Bảo hiểm còn chậm.   

Năm 2022

Thị trường tài chính Việt Nam đã phát triển tương đối đầy đủ với 3 khu vực chính là ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm. Quy mô thị trường tài chính Việt Nam tính theo thông lệ quốc tế đến hết tháng 9/2022 tương đương khoảng 295% GDP năm 2022; trong đó, hệ thống ngân hàng (tính bằng tổng tài sản các TCTD ngân hàng và phi ngân hàng) giữ vai trò chủ đạo, chiếm khoảng 64,7% quy mô tài sản hệ thống tài chính. Vốn hóa thị trường cổ phiếu, sau thời gian điều chỉnh, đã giảm xuống 22,1% so với mức 28,5% của năm 2021; dư nợ thị trường trái phiếu chiếm 12,5% và doanh thu phí bảo hiểm chiếm 0,7% quy mô hệ thống tài chính Việt Nam.

Chính sách tiền tệ tiếp tục được NHNN điều hành linh hoạt, thận trọng trong xu hướng thắt chặt tiền tệ chung của thế giới. Trái ngược với giai đoạn 2020-2021, khi NHNN hạ lãi suất điều hành 3 đợt, mỗi đợt từ 0,5-1% nhằm giảm chi phí vốn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh dịch Covid-19. Sang năm 2022, trước xu hướng tăng lãi suất cơ bản của ngân hàng trung ương (NHTW) các nước như FED, ECB, Úc, Canada… có tỷ giá tăng mạnh (đồng USD tăng 12% so với đầu năm). Để ổn định tỷ giá USD/VND và kiểm soát lạm phát, NHNN đã thực hiện: (i) tăng lãi suất điều hành 2 đợt vào ngày ngày 22/9 và 24/10 (tương ứng với 2 đợt tăng lãi suất 75 điểm % của FED vào ngày 21/9 và 2/11), mỗi lần khoảng 1%, đưa dải lãi suất điều hành ngang với thời điểm trước đại dịch Covid-19; (ii) bán ngoại tệ để ổn định tỷ giá (từ đầu năm đến hết tháng 9/2022, NHNN đã bán khoảng 21 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối để bình ổn thị trường ngoại hối; theo đó, dự trữ ngoại hối giảm xuống còn khoảng 89 tỷ USD); (iii) điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND vào ngày 17/10 từ mức +-3% lên +-5% trong bối cảnh USD tăng giá mạnh, tỷ giá giao dịch tại các NHTM ở trạng thái kịch trần biên độ; (iv) sử dụng lại công cụ tín phiếu lần đầu sau 2 năm để chủ động hút tiền về khi cần, đảm bảo chênh lệch lãi suất dương giữa VND và USD trên thị trường liên ngân hàng, tần suất bơm/hút mạnh dần bắt đầu từ quý 3/2022).

Một vấn đề rất lớn của thị trường tài chính năm 2022 là sự nguy hiểm đến từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp với các vụ việc như “Vạn Thịnh Phát”, “Tân Hoàng Minh”… Niềm tin suy giảm, kết hợp với thanh khoản dòng tiền trả nợ trái phiếu của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn đã khiến thị trường này gia tăng rủi ro. Theo dự báo của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, tổng lượng TPDN đáo hạn trong 2 năm (2022 và 2023) dự kiến khoảng 540 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 36% lượng TPDN lưu hành. Đây là phần trái phiếu sắp đến kỳ kết thúc vào thời điểm tháng 12/2023. Trong đó riêng giá trị trái phiếu riêng lẻ đáo hạn năm 2023 sẽ vào khoảng 300 nghìn tỷ đồng, tăng 90% so với năm 2022; trong đó lĩnh vực bất động sản và tài chính - ngân hàng lần lượt chiếm 30% và 40%. Tính chung trong cả năm 2022, VN-Index đã giảm 35%, với mức đỉnh 1.536,45 điểm vào ngày 10/01/2022 và về đáy ở 873,78 điểm vào ngày 16/11/2022, kéo theo hầu hết các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán phải chấp nhận thua lỗ.

Thị trường chứng khoán, trái phiếu trong năm 2022 có nhiều khó khăn một phần từ việc lãi suất ngân hàng tăng, niềm tin của nhà đầu tư và thanh khoản thị trường trong nước giảm, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn của tình hình kinh tế - chính trị thế giới. Riêng thị trường TPDN còn bị ảnh hưởng bởi niềm tin của nhà đầu tư do các sai phạm của một số doanh nghiệp vừa bị xử lý. Điều này đã gây ảnh hưởng đến thị trường tài chính nói chung.

3. Giải pháp cho thị trường tài chính Việt Nam

Hệ thống tài chính Việt Nam đã và đang có những bước phát triển mạnh mẽ và sức chịu đựng ngày càng được tăng cường song triển vọng phát triển phụ thuộc khá lớn vào phục hồi của nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu, sự ổn định, bền vững của niềm tin nhà đầu tư trên thị trường. Vì vậy, để có thể vừa chủ động nắm bắt cơ hội, triển vọng phát triển, vừa phòng ngừa rủi ro, hướng tới phát triển bền vững, thị trường tài chính cần thực hiện nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất, sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới trong nền kinh tế số và tài chính - tiền tệ số và tài chính xanh (bao gồm cơ chế quản lý thử nghiệm - Regulatory Sandbox), nhằm tạo điều kiện cho hoạt động của các công ty Fintech, các mô hình kinh doanh mới như kinh tế chia sẻ, ứng dụng Blockchain, AI, điện toán đám mây, chia sẻ thông tin - dữ liệu…; (ii) Xây dựng Trung tâm Fintech (có thể lựa chọn TP. Hồ Chí Minh, bởi đây là nơi đặt trụ sở của 60% Công ty Fintech và các CLB Fintech) để hỗ trợ NHNN, Ban chỉ đạo Fintech, các TCTD trong quá trình vận hành cơ chế quản lý thử nghiệm; (iii) Nghiên cứu thành lập Nhóm chuyên trách nghiên cứu về xu hướng tiền KTS do NHTW phát hành trên thế giới và cách tiếp cận của Việt Nam; (iv) Xây dựng lộ trình phát triển hệ thống tài chính xanh của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 với
4 trụ cột chính: trung gian tài chính xanh, các công cụ huy động vốn xanh, các doanh nghiệp đầu tư xanh và thị trường tài chính xanh.

Thứ hai, chú trọng nâng cao năng lực quản lý, giám sát, an toàn và ổn định hệ thống tài chính-tiền tệ: (i) NHNN và các cơ quan quản lý, giám sát (UBCK, Bảo hiểm tiền gửi…) cần độc lập và được trao quyền nhiều hơn; (ii) Chú trọng xây dựng mô hình quản lý-giám sát rủi ro hệ thống, mô hình ổn định tài chính - tiền tệ và cơ chế xử lý khủng hoảng; (iii) Hiện đại hóa các công cụ, hình thức thanh tra, giám sát; thực thi chế tài nghiêm minh đối với các vi phạm trên thị trường; (iv) Tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách (nhất là giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa) nhằm đạt hiệu quả trong chính sách lãi suất, huy động vốn trung dài hạn. Thúc đẩy tiến trình nâng hạng của TTCK Việt Nam; (v) Tách bạch rõ các khoản tín dụng chính sách với tín dụng thương mại để gia tăng tính tự chủ trong hoạt động của các ĐCTC; (vi) Xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ xanh hóa hệ thống tài chính (ngân hàng xanh, đầu tư xanh, chứng khoán xanh, bộ chỉ số phát triển bền vững doanh nghiệp - sustainability sub-index (SSI) và bộ chỉ số tổng hợp tài chính xanh (GFI).

Thứ ba, cơ quan quản lý cần chủ động xây dựng và nhất quán thực thi Chiến lược chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng (là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số đầu tiên theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng), trong đó xây dựng, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, xây dựng nguồn nhân lực số và hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại là then chốt.

Thứ tư, xây dựng và thực thi Đề án nâng hạng TTCK Việt Nam, trong đó, tính minh bạch, chuyên nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm - dịch vụ, đặc biệt là các sản phẩm hỗ trợ quản lý rủi ro, sản phẩm tài chính số và tài chính xanh là rất quan trọng.

Cuối cùng, chú trọng phổ cập kiến thức tài chính, nâng cao nhận thức của người dân khi sử dụng các dịch vụ tài chính số và phát triển tài chính xanh, như là một trụ cột trong Chiến lược tài chính toàn diện đến năm 2030.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. IMF (2021) “Global Financial Stability Report” and “Fiscal Monitor”, April 2021.
  2. Ngân hàng Phát triển châu Á- ADB (2021). Báo cáo, Chiến lược 2030 - Hướng tới một Châu Á - Thái Bình Dương thịnh vượng, đồng đều, thích ứng và bền vững.
  3. PwC (2019), “Global Fintech Report 2019”.
  4. PwC (2020) “Global M&A Industry Trends”.
  5. Cấn Văn Lực và các cộng sự (2021), Xu hướng chủ đạo của hệ thống tài chính toàn cầu và giải pháp chiến lược đối với Việt Nam, Hội thảo khoa học quốc gia: Định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược của Việt Nam, tr 1-18;
  6. Vũ Nhữ Thăng (2021), Định hướng phát triển thị trường tài chính Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, Tạp chí Tài chính tháng 2.

The development of Vietnam’s financial market in recent years

Master. Nguyen Thi Huyen1

Master. Nguyen Ngan Giang1

1Viet Tri University of Industry

Abstract:

Since 2021, the global financial system has witnessed many development trends which pose both opportunities and challenges due to the complicated and unpredictable developments of the COVID-19 pandemic, the constant market movements and the emergence of new factors. Along with the successes of controling COVID-19 pandemic and the socio-economic recovery after the pandemic, Vietnam’s financial market has achieved remarkable achievements but also faced many challenges. This paper proposes a number of strategic solutions to help Vietnam's financial market take advantage of opportunities, overcome challenges to develop sustainably in the coming time.

Keywords: global financial trends, digital finance, green finance, international financial center, Vietnam’s financial marke.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8  tháng 4 năm 2023]