Tín dụng xanh tại khu vực ĐBSCL: Cơ hội, thách thức và xu hướng phát triển

Nguyễn Quốc Anh (Khoa Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh)

Tóm tắt:

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), chi nhánh Ngân hàng Nhà nước đã triển khai kịp thời và đầy đủ các văn bản có liên quan về chiến lược ngân hàng xanh đến các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn. Tuy nhiên, việc triển khai tín dụng xanh tại Việt Nam đang ở giai đoạn sơ khai và còn gặp nhiều vấn đề cần xử lý. Bài nghiên cứu sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính. Từ kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đã đề xuất hàm ý quản trị cho các cơ quan quản lý và các tổ chức tín dụng tại khu vực ĐBSCL. Kết quả nghiên cứu đã đóng góp thêm bằng chứng tại các tổ chức tín dụng Việt Nam vào những nghiên cứu thực nghiệm về mảng tín dụng xanh.

Từ khóa: tín dụng xanh, cơ hội-thách thức, cộng đồng, tổ chức tín dụng.

1. Đặt vấn đề

Sự cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng, các quy định về môi trường đã dần được quy định chặt chẽ hơn. Là một phần quan trọng của quy định về môi trường, tín dụng xanh thu hút sự quan tâm rộng rãi của giới học thuật và các ngành công nghiệp khác nhau. Tín dụng xanh được các nhà quản lý kỳ vọng sẽ phân bổ hợp lý quỹ tín dụng thông qua các dịch vụ tín dụng khác biệt, tạo ra sự tiến bộ khi phối hợp giữa tài chính và việc bảo vệ môi trường (He et al., 2019).

Các nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra tín dụng xanh giúp các ngân hàng tránh được rủi ro về môi trường, chuyển đổi xanh của doanh nghiệp và phát triển kinh tế bền vững. Bên cạnh đó, tín dụng xanh cũng có thể cải thiện tính minh bạch thông tin của các doanh nghiệp và tăng cường mối liên kết giữa lĩnh vực tài chính và lĩnh vực bảo vệ môi trường (Cui et al., 2018).

Tương tự như nhiều nước trên thế giới, ngân hàng thương mại cũng là một định chế quan trọng trong hệ thống tài chính Việt Nam, cung cấp nguồn vốn chính cho nền kinh tế. Vì vậy, không nằm ngoài xu thế, Ngân hàng Nhà Nước đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về việc thúc đẩy hoạt động tín dụng xanh tại các ngân hàng thương mại, đẩy mạnh chủ trương cấp tín dụng cho những dự án có mục tiêu rõ ràng về việc bảo vệ môi trường, khuyến khích hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường.

Nếu xét về quy mô tăng trưởng của tín dụng xanh trong những năm gần đây, có thể thấy dư nợ tín dụng xanh đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Mặc dù vậy, quy mô dư nợ vẫn tương đối nhỏ so với tổng tín dụng hệ thống. Về cơ cấu dư nợ theo kỳ hạn, dư nợ tín dụng trung và dài hạn chiếm tỷ trọng chủ yếu. Về cơ cấu theo lĩnh vực, dư nợ tín dụng xanh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm tỷ trọng thấp hơn, tiếp theo là quản lý nước bền vững tại khu vực đô thị và nông thôn, lâm nghiệp. Hiện tại, có khoảng 19 ngân hàng thương mại đã xây dựng quy trình thẩm định rủi ro môi trường và xã hội trong các quy định nội bộ. Thậm chí một số ngân hàng đã gắn tín dụng “xanh” vào các chiến lược marketing và định hướng phát triển của mình (Hoài Linh và cộng sự, 2022).

Như vậy, tín dụng xanh đang ở giai đoạn đầu phát triển tại Việt Nam. Do đó, hoạt động tín dụng xanh vẫn còn nhiều hạn chế, quy mô chưa lớn. Tuy nhiên, theo xu thế phát triển và dưới áp lực của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, mảng tín dụng này cần thiết phải phát triển trong thời gian tới. Bài nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm hiểu những yếu tố tác động đến xu hướng triển khai tín dụng xanh tại các ngân hàng thương mại Việt Nam, từ đó đề xuất hàm ý quản trị phù hợp cho các ngân hàng.

2. Cơ sở lý thuyết

Vốn ngân hàng là một nguồn tài chính không thể thiếu của các doanh nghiệp. Với tư cách là chủ nợ, ngân hàng giám sát người đi vay và hạn chế các hành vi thông qua các hợp đồng hợp đồng cho vay và chính sách cho vay. Tín dụng xanh là chiến lược tín dụng của các ngân hàng và không ủng hộ các doanh nghiệp gây ô nhiễm nặng nề. Tín dụng xanh là việc điều chỉnh cơ cấu tỷ lệ tín dụng dài hạn và ngắn hạn đối với các doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến cơ cấu đầu tư và hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp gây ô nhiễm nặng. Trong quá trình cấp tín dụng xanh, ngân hàng lấy thông tin liên quan đến dự án và doanh nghiệp xin vay làm tiêu chuẩn kiểm tra trong quá trình cho vay, sau đó đưa ra quyết định cho vay (Yao et al., 2021).

3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Thực trạng tín dụng xanh tại các tổ chức tín dụng Việt Nam

Theo xu hướng phát triển kinh tế, môi trường ngày càng bị ảnh hưởng tiêu cực, tín dụng xanh ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm hơn. Tại Việt Nam, nhận thức được tầm quan trọng của tín dụng xanh, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN vào tháng 3/2015 về việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro, rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành kế hoạch hành động của các tổ chức tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020. Các giải pháp bao gồm tăng cường năng lực của các tổ chức tín dụng trong việc triển khai tín dụng xanh, đẩy mạnh triển khai các sản phẩm tín dụng xanh để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh, tăng cường công khai, phổ biến các hoạt động của tín dụng xanh (Thu Hòa, 2022).

Tính đến năm 2022, Việt Nam đã có 19/35 ngân hàng triển khai các gói tín dụng xanh. Tín dụng xanh được triển khai cho các dự án như tiết kiệm năng lượng, tái tạo năng lượng và công nghệ sạch nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững (Hoài Linh, 2022). Dư nợ tín dụng xanh tại Việt Nam đã tăng từ hơn 71 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2015, lên đến 340 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2020. Tính đến ngày 31/12/2021, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng tăng 13,53% so với cuối năm 2020, kéo theo đó, số dư nợ tín dụng xanh tiếp tục gia tăng. Mặc dù dư nợ tín dụng xanh tại Việt Nam có xu hướng tăng nhanh theo từng năm, nhưng quy mô dư nợ vẫn tương đối nhỏ so với tổng tín dụng hệ thống (Thu Hòa, 2022).

Tín dụng xanh là một thị trường mang tính sơ khai tại Việt Nam, do đó vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại như các quy định, định nghĩa cụ thể về các danh mục, ngành lĩnh vực xanh vẫn chưa được thống nhất để có thể áp dụng chung trên cả nước. Điều này dẫn tới sự khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh. Đồng thời, lĩnh vực xanh hiện vẫn thiếu khung khổ pháp lý, các tiêu chí đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường để hỗ trợ xây dựng chính sách, sản phẩm phát triển tín dụng xanh, các phương án kinh doanh cũng cần phải đáp ứng được các điều kiện khắt khe về bảo vệ môi trường, các thủ tục vay vốn phức tạp. Ngoài ra, lãi suất cho vay đối với các dự án xanh về cơ bản vẫn chưa có sự khác biệt với các khoản vay khác của các tổ chức tín dụng, điều này là do cơ chế ưu đãi còn chưa rõ ràng, chi phí đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn bị kéo dài, rủi ro thị trường cao, dễ phát sinh chi phí đầu tư, do các dự án xanh đa phần là trung và dài hạn trong khi nguồn vốn huy động của các ngân hàng đa phần là ngắn và trung hạn. Bên cạnh đó, các ngành nghề liên quan đến tăng trưởng xanh đều là những ngành nghề mới như điện mặt trời, điện gió, điện rác,… cùng với việc các cơ chế, chính sách hiện tại chưa đủ thu hút để có thể lấy vốn từ các ngân hàng. Vì vậy, lãi suất cho các dự án xanh vẫn chưa có được sự ưu đãi tốt nhất, chưa thể giảm nhiều so với các lĩnh vực khác (Hoài Linh, 2022).

Thực trạng tín dụng xanh tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long

Tại khu vực ĐBSCL, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước cũng đã triển khai kịp thời và đầy đủ các văn bản có liên quan về chiến lược ngân hàng xanh đến các chi nhánh TCTD trên địa bàn. Các văn bản được triển khai như Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ngày 06/8/2015, Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Nghị định số 116/2018/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số 1604/QĐ-NHNN về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam; Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Những năm gần đây, ứng dụng tín dụng xanh tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long sau khi thực hiện thành công cánh đồng mẫu lớn, một số tỉnh trên địa bàn đã triển khai thí điểm thành công mô hình cánh đồng mẫu lớn trên các cây trồng khác như cây khoai lang. Tại khu vực ĐBSCL, các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng GAP, ứng dụng công nghệ cao đang được phát triển mạnh mẽ, trong đó có nhiều mô hình mang tính đột phá, đặc biệt là các loại cây cảnh trong chậu và các mẫu trồng hoa. Hiện nay, các mô hình sản xuất, hoạt động này rất hiệu quả, có sức ảnh hưởng sâu rộng và được nhân rộng, tiêu biểu như mô hình: gia đình trồng hoa kiểng, rau sạch; sản xuất nấm ăn, nuôi chim bồ câu, nuôi gà, ếch (chăn nuôi ếch, nhái thịt) theo hướng an toàn sinh học. Đặc biệt, ở phương thức trồng hoa lan cắt cành và hoa cúc, đã cho tỷ lệ hoa thương phẩm cao, mang lại lợi nhuận, có lợi cho việc cung cấp sản phẩm hoa tại chỗ và tăng sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại ở các vùng khác. Bên cạnh đó, mô hình hộ gia đình trồng rau sạch còn giúp cung cấp cho các hộ gia đình nguồn rau sạch từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ, mang lại những giá trị kinh tế cao,...

Hoạt động tín dụng xanh trong khu vực ĐBSCL tuy đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình triển khai:

Một là, về hướng dẫn đánh giá dự án. Danh mục ngành, lĩnh vực xanh chưa có tiêu chí cụ thể, đòi hỏi các ngân hàng phải có cơ sở để lựa chọn, đánh giá, thẩm định và giám sát khi cấp tín dụng xanh. Khung pháp lý, tiêu chí đánh giá và công cụ đo lường tác động môi trường để hỗ trợ các chính sách phát triển tín dụng xanh và phát triển sản phẩm vẫn còn thiếu.

Hai là, về thời gian và chi phí đầu tư. Chi phí đầu tư cao, thời gian thu hồi vốn đầu tư dài và rủi ro thị trường cao, điều khoản của thời hạn cho vay và chi phí cho vay là cần thiết. Đồng thời, nguồn vốn mà tổ chức tín dụng huy động thường là vốn ngắn hạn, được huy động với giá cao theo giá vốn thương mại trên thị trường.

Ba là, về nguồn nhân lực. Cán bộ của Ngân hàng chưa được đào tạo chuyên sâu về kiểm tra, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động tín dụng xanh, sẽ ảnh hưởng đến quyết định cấp tín dụng của dự án, thậm chí gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Bốn là, về khó khăn của hộ nông dân tại các tỉnh ĐBSCL, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh mới chỉ thử nghiệm ở quy mô hộ gia đình, chưa thể sản xuất đại trà. Mặt khác, nhận thức của người dân, công nghệ và cách thức tiếp thị nó là những rào cản chính khiến nông nghiệp “chưa như mong đợi”.

4. Hàm ý quản trị

Kiến nghị đối với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước

Từ kết quả nghiên cứu, bài nghiên cứu đề xuất hàm ý chính sách cho Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các khung pháp lý cho hoạt động tín dụng xanh và các dự án đầu tư kinh doanh có ảnh hưởng tới môi trường. Đưa ra các tiêu chuẩn về tín dụng xanh, danh mục các ngành, lĩnh vực xanh để áp dụng chung, thống nhất.

Hiện tại, các gói tín dụng xanh của các tổ chức tín dụng cấp cho khách hàng có mức lãi suất không đúng bản chất của sản phẩm này, do chưa có nhiều cơ chế ưu đãi. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần đưa ra các chính sách ưu đãi đối với các tổ chức tín dụng thực hiện tín dụng xanh.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cần đẩy mạnh công tác huy động các nguồn lực để thực hiện chính sách tín dụng xanh, bao gồm: nguồn ngân sách nhà nước, tranh thủ các nguồn vốn ưu đãi dài hạn từ các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng thế giới, Công ty tài chính quốc tế... giúp các doanh nghiệp, hộ sản xuất trên địa bàn tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh.

Hàm ý quản trị cho các tổ chức tín dụng Việt Nam

Các tổ chức tín dụng cần triển khai xây dựng các chính sách riêng cho hoạt động tín dụng xanh, gắn với mục tiêu xanh gồm năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, vệ sinh nước sạch. Đẩy mạnh phát triển sản phẩm tín dụng xanh, sử dụng hợp lý nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng hay các chương trình dự án của Nhà nước cho các dự án xanh nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực tới môi trường. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng cần phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại nhằm giảm thiểu lưu thông tiền mặt trong thị trường, góp phần phát triển sản phẩm tín dụng xanh; nâng cao năng lực tài chính bằng cách huy động nguồn lực từ các tổ chức tài chính quốc tế hay các nhà tài trợ nước ngoài.

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục cho vay, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động để đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, kết hợp cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra nền nông nghiệp tri thức, nông nghiệp thông minh. Tăng cường quảng bá, tuyên truyền cho khách hàng về lợi ích của tín dụng xanh. Một số khách hàng nhận biết khái niệm tín dụng xanh nhưng sử dụng chưa nhiều, thậm chí có nhiều khách hàng chưa biết đến thuật ngữ này. Vì thế, các ngân hàng cần có các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng thông qua việc tổ chức hội thảo về chủ đề tín dụng xanh, các video ngắn giới thiệu về tín dụng xanh. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Nhà nước, quy định của ngành Ngân hàng về cho vay nông nghiệp, nông thôn và kịp thời nắm bắt, xử lý khó khăn, vướng mắc của khách hàng trong quá trình vay vốn; báo cáo về Ngân hàng Nhà nước về các vấn đề vượt thẩm quyền nếu có phát sinh; Tăng cường nâng cao chất lượng của đội ngũ nhân viên ngân hàng, tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, hội thảo về chủ đề ngân hàng xanh, tín dụng xanh, phát triển bền vững, đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động tín dụng xanh. 

Tài liệu tham khảo:

Tài liệu nước ngoài

  1. Cui, Y., Geobey, S., Weber, O., & Lin, H. (2018). The impact of green lending on credit risk in China. Sustainability (Switzerland), 10(6), 1–16. https://doi.org/10.3390/su10062008
  2. He, L., Zhang, L., Zhong, Z., Wang, D., & Wang, F. (2019). Green credit, renewable energy investment and green economy development: Empirical analysis based on 150 listed companies of China. Journal of Cleaner Production, 208, 363–372. https://doi.org/10.1016/j.jclepro.2018.10.119
  3. Yao, S., Pan, Y., Sensoy, A., Uddin, G. S., & Cheng, F. (2021). Green credit policy and firm performance: What we learn from China. Energy Economics, 101(February), 105415. https://doi.org/10.1016/j.eneco.2021.105415

Tài liệu trong nước

  1. Hoài Linh - Thảo Vy - Thanh Tú - Phương Hoa - Phương Mai (2022). Tín dụng xanh tại Việt Nam: Thực trạng và các khuyến nghị chính sách. Tạp chí Thị trường Tài chính tiền tệ. Truy cập tại: https://thitruongtaichinhtiente.vn/tin-dung-xanh-tai-viet-nam-thuc-trang-va-cac-khuyen-nghi-chinh-sach-38668.html truy cập ngày 10/7/2022.
  2. Thu Hòa (2022). Tín dụng xanh tại Việt Nam: Thực trạng và Giải pháp. Tạp chí Con số sự kiện. Truy cập tại: https://consosukien.vn/tin-dung-xanh-tai-viet-nam-thu-c-tra-ng-va-gia-i-pha-p.htm truy cập ngày 12/07/2022.

GREEN CREDIT AT THE MEKONG DELTA REGION: OPPORTUNITIES, CHALLENGES, AND DEVELOPMENT TRENDS

Nguyen Quoc Anh

Faculty of Banking, University of Economics Ho Chi Minh City

Abstract:

The regional branch of the State Bank of Vietnam (SBV) in the Mekong Delta region has timely and fully implemented documents on the green banking strategy to branches of credit institutions in the area. However, the implementation of green credit in Vietnam still faces some challenges. In this study, the qualitative research method is used. Based on the study’s results, some governance implications are proposed to  state management agencies and credit institutions in the Mekong Delta region. This study is expected to contribute more evidence to Vietnamese credit institutions’ empirical studies on green credit.

Keywords: green credit, opportunity-challenge, community, credit institution.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 18.1, tháng 7  năm 2022]