Ðịnh Hòa xây dựng nông thôn mới

Từ khi được chọn thí điểm xây dựng xã nông thôn mới, người dân ở Ðịnh Hòa (Gò Quao, Kiên Giang) luôn phấn khởi và tự hào, vì Ðịnh Hòa đã được cả nước biết đến. Nhiều dự án mới được lập ra, nhiều công

Năm nay, nông dân xã Ðịnh Hòa trúng mùa, trúng giá, nên không khí và hương vị Tết ở đây có phần rôm rả hơn mọi năm. Chở tôi trên chiếc xe gắn máy chạy bon bon trên các tuyến đường nông thôn vừa làm xong, anh Cường, cán bộ giao thông - thủy lợi xã Ðịnh Hòa khoe: 'Giao thông nông thôn ở Ðịnh Hòa, đã gần hoàn chỉnh. Ðây là những con đường 'Nhà nước và nhân dân cùng làm' đấy! Nhà nước bảy phần, nhân dân ba phần. Việc vận động, thu tiền làm giao thông giờ đây dễ dàng lắm!'. Con đường có chiều ngang 1,6 m, bằng phẳng, thông suốt. Hai bên là những hàng cây to, những hàng rào dâm bụt đang mùa trổ bông.

Chúng tôi vào nhà máy cấp nước sinh hoạt nông thôn ở ấp Hòa Út, được anh Danh Tỏ, người quản lý và vận hành hệ thống cấp nước của nhà máy, cho biết: Công trình này đưa vào sử dụng đã hơn một năm, tổng kinh phí đầu tư hơn 4,7 tỷ đồng, theo Quyết định 134 của Chính phủ. Nhà máy có công suất 20 m3/giờ, với tổng chiều dài đường ống gần 6.000 m, cấp nước cho khoảng 500 hộ dân. Mỗi ngày, nhà máy hoạt động sáu giờ. Từ ngày có nhà máy nước, người dân Ðịnh Hòa biết phân biệt, thế nào là nước sạch, nước hợp vệ sinh, không như trước đây phải dùng nước giếng, nước kênh. Tới đây, nhà máy tiếp tục nối ống đưa nước sạch đến nhiều khu vực lân cận, phát huy hết công suất của công trình.

Chúng tôi gặp ông Huỳnh Phênh, là người dân tộc Khmer phụ trách công tác MTTQ của ấp Hòa Út. Ông là người có công lớn trong việc giúp người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, cùng nhau xây dựng các công trình trên địa bàn. Ông Huỳnh Phênh có năm cô con gái, nhưng tất cả đều học hành thành đạt: hai người là giáo viên, một người là y sĩ đã có việc làm ổn định; hai người hiện đang học Ðại học Môi trường và Cao đẳng công nghệ thông tin ở TP Cần Thơ. Gặp chúng tôi, ông phấn khởi nói: Năm qua, nông dân Ðịnh Hòa làm ruộng trúng mùa, nhiều gia đình đạt hơn 50 giạ lúa/công. Trước đây, bà con làm ruộng theo mô hình 'ba giảm, ba tăng', năng suất đã khá. Nay được tiếp thu thêm cái mới, được bơm nước bằng điện, có giống tốt, canh tác theo kỹ thuật mới nên chi phí giảm, năng suất lại cao.

Về Ðịnh Hòa lần này, chúng tôi được chứng kiến, được nghe nhiều điều hay, điều tốt. Nếu như trước đây, thanh niên đến tuổi 17, 18 dựng vợ gả chồng, tha hồ sinh đẻ, thì nay hầu hết đã ý thức được việc lập gia đình sớm, sinh con nhiều sẽ gặp khó khăn trong cuộc sống. Các cặp vợ chồng giờ chỉ dừng lại ở một hoặc hai con và quan tâm đầu tư cho tương lai con em được học chữ, học nghề, nên cái nghèo, cái khó đã dần lùi xa. Ở ấp Hòa Út, có anh Danh Tha là một tấm gương về tinh thần phấn đấu, vươn lên. Khi lập gia đình, cha mẹ nghèo, cho vợ chồng anh chỉ có ba công ruộng. Bằng sự cần cù, chịu khó và chắt chiu, gây dựng, gia đình anh bốn người vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu và nuôi con ăn học đỗ đạt. Bà con còn kể nhiều về Bí thư Chi bộ ấp Hòa Út Danh Thạnh, người đã lãnh đạo nhân dân ứng dụng KHKT trong sản xuất, tích cực xây dựng đường giao thông. Tiêu biểu là Hòa thượng Trần Nhiếp, trụ trì chùa Thanh Gia, đã ngược xuôi khắp nơi, vận động mọi người góp công, góp của xây từng cây cầu, hàng trăm mét đường, từng căn nhà, phòng học... cho quê hương. Ông Huỳnh Văn Ân, Chủ tịch Hội Khuyến học của xã, đến từng địa chỉ nhân đạo, các cơ sở dạy nghề để vận động tiền và mở lớp học tại xã, ấp. Rồi ông đến từng nhà, gõ cửa vận động người dân, tham gia học các lớp dạy nghề.

Chủ tịch UBND xã Ðịnh Hòa Nguyễn Quang Rằm, cho biết: 'Cuối năm 2010, nhiều công trình ở xã đã được gấp rút hoàn thành để đưa vào sử dụng trong dịp Tết Tân Mão 2011, trong đó có 100 căn nhà đoàn kết do Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo của tỉnh vận động cất cho hộ nghèo'. Ðây là năm thứ hai, xã Ðịnh Hòa, xã đặc biệt khó khăn, có 63,5% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, tiến hành xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, đây mới là Tết đầu tiên người dân ở đây được thụ hưởng những thành quả từ chủ trương này. Mười sáu tuyến đường giao thông nông thôn, với chiều dài hơn 24,4 km và hàng chục cây cầu trên tuyến đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Một nhà máy nước công suất lớn, nhiều điểm trường mầm non, tiểu học, trạm y tế cũng đã hoàn thành. Mười chín tuyến kênh thủy lợi lớn nhỏ, chiều dài hơn 32 km, đã được nạo vét phục vụ việc tưới, tiêu và giao thông thủy. Ðiện lưới quốc gia đã phủ kín các vùng lõm, thêm 700 hộ vừa được lắp điện kế; tám trạm bơm điện đã làm tốt vai trò tưới, tiêu cho gần một phần ba diện tích lúa hai vụ. Các dịch vụ bưu điện, viễn thông được mở rộng đến ấp và các địa bàn dân cư, nhiều nông dân được làm quen với in-tơ-nét. Các mô hình, câu lạc bộ sản xuất mang lại hiệu quả cao, được nhân rộng như: cánh đồng 'bốn tốt', nhân lúa giống cấp xác nhận, hợp tác bơm tưới... Ðặc biệt, các mô hình hỗ trợ sản xuất dành cho hộ nghèo như: nuôi heo nái sinh sản, nuôi gà, vịt, trồng nấm rơm, trồng rau màu... được cán bộ khoa học - kỹ thuật hướng dẫn, đã phát huy hiệu quả tích cực. Thu nhập của người dân Ðịnh Hòa đã tăng gấp rưỡi so với trước, bình quân 17,1 triệu đồng/người/năm. Nhà nước còn hỗ trợ tiền cho hơn một nghìn hộ dân xây dựng nhà vệ sinh, bỏ thói quen đi vệ sinh dưới kênh rạch. Gần 200 gia đình đồng bào Khmer nghèo được đón năm mới trong những căn nhà mới, với sự đùm bọc của Ðảng, Nhà nước và sự sẻ chia của cộng đồng. Tết này, hàng trăm phần quà đã được chuyển đến tận tay người nghèo.

Ðịnh Hòa là xã nghèo, xuất phát điểm thấp, hạ tầng chưa được đầu tư xây dựng, dân trí chưa cao, điều kiện canh tác còn lạc hậu. Tuy nhiên, xã có truyền thống là xã Anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có 7,5 km quốc lộ 61 đi qua địa bàn, hai phần ba diện tích đất được hưởng nguồn nước ngọt quanh năm từ sông Hậu. Bà con dù nghèo, nhưng cần cù, chí thú làm ăn, biết lo cho tương lai và chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước. Những năm trước đây, khi tỉnh và huyện có chủ trương xây dựng giao thông nông thôn, Ðịnh Hòa là một trong những xã thực hiện tốt việc làm đường liên thôn, liên ấp. Cán bộ xã, ấp, những người có uy tín, các vị sư ở các chùa Khmer đã tận tâm, tận sức lo xây dựng quê hương, lo cho cuộc sống của đồng bào. Người dân được tuyên truyền và sớm nhận thức việc đầu tư xây dựng giao thông hôm nay là vì sự phát triển của quê hương, vì cuộc sống tốt đẹp và tương lai của con cháu mai sau, cho nên đồng lòng hưởng ứng. Chỉ sau vài năm thực hiện, các tuyến đường liên ấp, đường vào các khu dân cư đã cơ bản hoàn thành, nhiều tuyến đường đổ vật liệu cứng, tráng xi-măng, bê-tông thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Quang Rằm phấn khởi nói: 'Sự đồng thuận của nhân dân với nguồn nội lực được phát huy chính là tiền đề để Ðịnh Hòa gặt hái nhiều thành công sau hơn một năm thực hiện chủ trương lớn'. Gần 15 tỷ đồng tiền huy động và nhân dân đóng góp, trong tổng số 56 tỷ đồng tổng vốn đầu tư, xây dựng các công trình trên địa bàn, đã giúp người dân Ðịnh Hòa hoàn thành mười tiêu chí xã nông thôn mới và đang phấn đấu đến cuối năm 2011 hoàn thành thêm bảy tiêu chí.

Với những gì đã và đang thực hiện tại Ðịnh Hòa, vẫn còn quá sớm để đánh giá toàn bộ một chương trình, một đề án lớn mang tính nhân văn, nhưng còn nhiều yếu tố rất mới mẻ trong giai đoạn thử nghiệm. Nhưng có thể khẳng định, Ðịnh Hòa đã có sự đổi thay rất lớn từ một đề án hợp lòng dân.