Thủy điện miền Trung gồng mình chống hạn

Do ảnh hưởng của El Nino kéo dài từ cuối năm 2014 đến nay, nên nhiều hồ thủy điện khu vực miền Trung, Tây Nguyên vẫn đang đối mặt với tình trạng khô hạn, nhiều thời điểm lưu lượng nước về bằng 0 m3/s,

Sản lượng điện giảm mạnh do thiếu nước

Ông Lê Đình Bản - Phó tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương cho biết: Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino kéo dài nên lượng mưa khu vực Quảng Nam rất kém và không có lũ, nên lượng nước trên sông, suối, nước ngầm ít, các hồ không có nước.

Để đảm bảo tích nước đến mùa lũ và đầu mùa cạn năm 2016, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) đã tách Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) A Vương ra khỏi thị trường phát điện cạnh tranh từ 0h ngày 8/12/2015 cho đến nay. Tuy vậy, tính đến 0h ngày 01/01/2016, mực nước hồ Thủy điện A Vương chỉ đạt 361,6 mét, hụt 18,4 mét so với mực nước dâng bình thường.

Kể từ đầu năm 2016 đến nay, do mực nước hồ chứa A Vương thấp và không đảm bảo mực nước theo quy định tại phụ lục III - Quy trình vận hành vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn ban hành kèm theo Quyết định 1537/QĐ-TTg ngày 7/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ, nên NMTĐ A Vương không phát điện, chủ yếu tập trung tích nước hồ chứa theo sự điều hành của UBND tỉnh Quảng Nam.

“Có thể nói, năm nay là năm thời tiết cực đoan nhất kể từ khi nhà máy đi vào vận hành chính thức (năm 2008). Mực nước đã thấp, tần suất nước về còn kém hơn, chỉ đạt 8-10 m3/s, thấp hơn so với TBNN 30-40%. Tính đến thời điểm này của năm 2016, Công ty chỉ sản xuất được 3,9 triệu kWh, bằng 0,74% so với kế hoạch năm và dự kiến đến hết quý 1, Công ty chỉ sản xuất được 4 triệu kWh điện, chưa được 1% so với kế hoạch”, ông Bản cho biết.

Công ty Thuỷ điện Buôn Kuốp quản lý 3 nhà máy trên bậc thang sông Srêpốk gồm Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp và Srêpôk 3. Từ năm 2015 đến nay, lượng nước về các hồ đều rất thấp so với cùng kỳ năm ngoái và xấp xỉ 50% trung bình nhiều năm. Đến ngày 6/3, lưu lượng nước về các hồ Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp và Srêpôk 3 trung bình lần lượt là 18,8m3/s; 48,3m3/s và 70,3m3/s nhưng lưu lượng xả trung bình tương ứng là 52m3/s; 52m3/s và 66,4m3/s.

Mặc dù khô hạn nhưng các hồ thủy điện vẫn phải đảm bảo nước cho hạ du theo yêu cầu của địa phương

“Năm 2015, Công ty chỉ sản xuất được 1,551 tỷ kWh, đạt 60,3% kế hoạch giao và đạt 54% so với điện lượng bình quân nhiều năm. Với tình hình nước về như trên, năm 2016, kế hoạch sản xuất 2,374 tỷ kWh điện của Công ty khó hoàn thành được”, ông Nguyễn Tấn Triết - Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp lo lắng.

Quản lý các nhà máy lớn ở khu vực Tây Nguyên là Ialy, Pleikrông và Sê San 3, Công ty Thủy điện Ialy cũng rơi vào tình trạng tương tự khi lưu lượng nước về hồ thủy điện kém. Năm 2015, tổng lưu lượng nước về hồ 5,4 tỷ m3, bằng 65% so với trung bình nhiều năm, chính vì thế sản lượng điện sản xuất của Công ty chỉ là 4 tỷ kWh, bằng 75% kế hoạch EVN giao. Tính đến thời điểm này của năm 2016, Công ty chỉ sản xuát được 529,6 triệu kWh điện, mới được 11,16% so với kế hoạch năm.

Chắt chiu nguồn nước, chống hạn hạ du

Mặc dù tình trạng nước về các hạn chế như vậy nhưng các hồ thủy điện vẫn phải đảm bảo cấp nước hạ du theo đúng Quy trình vận hành liên hồ chứa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

“Trong quá trình sản xuất kinh doanh, Công ty luôn thực hiện nghiêm túc các quy định của Chính phủ, cũng như của chính quyền các cấp. Mặc dù khô hạn, nhưng Công ty luôn xác định cấp nước cho hạ du là nhiệm vụ quan trọng, vì thế hồ Buôn Tua Srah xả nước liên tục tương ứng với lưu lượng trung bình không nhỏ hơn 50 m3/s/ngày, hồ Buôn Kuốp xả với lưu lượng trung bình không nhỏ hơn 62,5 m3/s/ngày và hồ Srêpok xả với lưu lượng không nhỏ hơn 92 m3/s/ngày nhằm đáp ứng yêu cầu cho hạ du”, ông Nguyễn Tấn Triết cho biết.

Theo tính toán của Công ty Thủy điện Buôn Kuốp, với mực nước hồ hiện tại và lưu lượng về hồ 20 m3/s và với yêu cầu xả nước cho hạ du như trên thì hồ sẽ duy trì khoảng 4 tháng và nếu lưu lượng về 15 m3/s hồ sẽ duy trì khoảng 3,5 tháng; nếu lưu lượng về 10 m3/s hồ sẽ duy trì khoảng 3 tháng.

Ông Lê Văn Thuyết - Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Ialy cho rằng: Dòng chảy về lưu vực hồ Ialy trong mùa mưa năm 2015 có giá trị nhỏ đặc biệt là không xuất hiện lũ, lưu lượng nước về tháng 01/2016: 82 m3/s, tháng 02/2016: 62 m3/s. Trong khi đó, Công ty phải xả về hạ lưu tháng 01, 02/2016 tương ứng với giá trị: 118 m3/s, 122 m3/s. Theo dự báo, hiện tượng El Nino còn kéo dài hết mùa khô năm 2016 nên lưu lượng trung bình trên lưu vực hồ Ialy 6 tháng mùa khô chỉ khoảng 62 m3/s (tần suất 95%).

Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương dự báo từ nay đến hết tháng 3 dòng chảy trung bình trên phần lớn các sông chính ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên vẫn ở mức thấp và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 12-91%. Chính vì vậy, lưu lượng nước về các hồ chứa thủy điện trong khu vực đều rất thấp và không đảm bảo mực nước theo quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ là một thách thức không nhỏ đối với các nhà máy thủy điện trong việc sản xuất kinh doanh năm 2016 cũng như việc đảm bảo cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân vùng hạ du.

Hiện tại các nhà máy thủy điện đang chắt chiu những m3 nước quý giá để cấp cứu hạn cho hạ du.

Ông Trần Quốc Khánh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc (Quảng Nam):

Đại Lộc là huyện có 10/18 xã sử dụng nước từ hệ thống sông Vu Gia (hồ thủy điện A Vương) để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây nhờ có quy trình vận hành liên hồ, và sự chỉ đạo kịp thời của tỉnh, nên nhu cầu nước trên địa bàn huyện được đảm bảo. Tuy nhiên tình hình hạn hán đang rất căng thẳng, việc đảm bảo nước cho vụ Hè Thu đang khó khăn. Nếu El Nino kéo dài thì vụ hè thu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng, một số vùng khó khăn lấy nước sẽ phải chuyển đổi cây trồng. Trong kịch bản xấu, Đại Lộc sẽ phải chuyển đổi 300/4400 ha diện tích trồng lúa sang cây trồng ít sử dụng nước hơn như cây họ đậu và ngô.

Ông Doãn Gia Lộc - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Krông Nô (Đắk Nông) - hạ lưu thủy điện Buôn Tua Srah:

Các NMTĐ có nhiệm vụ tích nước, đáp ứng nhu cầu nước tưới cho sản xuất và sinh hoạt vùng hạ du. Từ khi các NMTĐ đi vào hoạt động thì bản thân huyện đã khai thác được hết diện tích bán ngập từ trước và tăng được diện tích sản xuất như hiện nay lên trên 43.000 ha. 2 năm trở lại đây, ngay từ đầu tháng 12, vào mùa hạn, căn cứ vào lịch sản xuất, Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông cùng các Sở ngành liên quan đã xây dựng kế hoạch điều tiết nước từ các NMTĐ để các địa phương chủ động bơm tưới đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân.