Thực trạng phát triển tín dụng xanh

ThS. Nguyễn Thị Kim Thoa (Khoa Tài chính Ngân hàng và Bảo hiểm, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Hầu hết các ngân hàng hiện nay đều chú trọng đến yếu tố “xanh” nhiều hơn trong hoạt động cấp tín dụng. Thậm chí, một số ngân hàng gắn tính “xanh” vào các chiến lược marketing và định hướng phát triển dài hạn. Bài viết đưa ra thực trạng phát triển tín dụng xanh tại các ngân hàng với những điểm hạn chế về mức độ tương xứng và đối tượng thực hiện còn hẹp.

Từ khóa: tín dụng xanh, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng.

1. Đặt vấn đề

Tín dụng xanh là khoản tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh với mục đích bảo vệ môi trường cũng như hệ sinh thái chung, đây là khoản tài chính cho phát triển bền vững và không thể phủ nhận vai trò quan trọng của hệ thống ngân hàng nói chung và các ngân hàng thương mại (NHTM) nói riêng trong việc đầu tư tín dụng xanh. Trên thế giới, tín dụng xanh đang là một chiến lược rất phổ biến và ngày càng được nhiều các tổ chức tín dụng áp dụng. Đến nay, Việt Nam có hơn 10 NHTM thực hiện tín dụng xanh, trong đó, Vietcombank có thể cấp vốn đầu tư lên tới 70% cho các dự án phát triển năng lượng tái tạo, trong khi phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam có thể coi là một ngành phát triển rất mạnh, đặc biệt là năng lượng điện.

Thực tiễn thị trường quốc tế cho thấy, với vai trò là trung gian tài chính, hệ thống ngân hàng là một mắt xích quan trọng trong việc quyết định nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, do đó, sẽ đóng vai trò chiến lược trong tiến trình phát triển bền vững. Việc triển khai các giải pháp từ ngành ngân hàng sẽ góp phần định hướng dòng vốn tín dụng ngân hàng “chảy” vào các dự án xanh, thân thiện với môi trường, từ đó mang lại những lợi ích cho xã hội.

Hơn một năm trở lại đây, nhiều ngân hàng đã liên tục đưa ra các chương trình tín dụng ưu đãi cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân vay vốn triển khai các dự án “xanh”. Chẳng hạn, Sacombank vừa triển khai gói cho vay hạn mức tối đa 500 triệu đồng, lãi suất giảm 1% so với lãi suất hiện hành, thời hạn vay tối đa 60 tháng cho khách hàng cá nhân có nhu cầu mua thiết bị điện năng lượng mặt trời phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất - kinh doanh. BIDV cũng đã phối hợp với Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển năng lượng mặt trời Bách Khoa (SolarBK) hỗ trợ cho các hộ gia đình (trong liên kết của SolarBK) vay tối đa 75% tổng vốn đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái với thời hạn 12 - 36 tháng, lãi suất 10%/năm để đầu tư hệ thống sản xuất điện mặt trời. Còn HDBank cho vay với doanh nghiệp đầu tư dự án điện mặt trời trên mái nhà, tỷ lệ vay lên đến 70%, thời hạn cho vay 5 năm. Vietcombank tham gia tài trợ một số dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như các thủy điện nhỏ và vừa, dự án nhiệt điện sinh thái, dự án điện năng lượng mặt trời.

2. Thực trạng tín dụng xanh tại Việt Nam

Từ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành hoạt động tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng đi liền với hiệu quả và an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, trong đó có các lĩnh vực, dự án hỗ trợ tăng trưởng xanh. Thời gian qua, trên cơ sở định hướng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hệ thống văn bản chính sách, pháp luật về tín dụng xanh, ngân hàng xanh từng bước được hoàn thiện.

Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ngày 06/8/2015 ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020. Đây là quy định có tính chất định hướng cho toàn bộ quá trình phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, đảm bảo phù hợp và hỗ trợ tích cực cho quá trình tăng trưởng xanh của toàn bộ nền kinh tế. Ngày 07/8/2018, Thống đốc NHNN cũng đã ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN phê duyệt “Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam”.

Tiếp đó, ngày 04/7/2022, Thống đốc NHNN ký Quyết định số 1124/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch hành động của NHNN triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ; trong đó, có quy định về tín dụng xanh, ngân hàng xanh nhằm thúc đẩy vốn tín dụng ngân hàng vào các ngành sản xuất và tiêu dùng ít carbon.

Cùng với sự nỗ lực của các tổ chức tín dụng (TCTD), tín dụng xanh đang có những chuyển biến tích cực. Kết quả khảo sát của NHNN đối với các TCTD về lĩnh vực tăng trưởng xanh, tín dụng xanh cũng cho thấy sự hiểu biết của các TCTD đã được cải thiện đáng kể. Nhiều TCTD đã xây dựng chiến lược quản lý rủi ro môi trường và xã hội; tích hợp nội dung quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong quy trình thẩm định tín dụng xanh; xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng cho các lĩnh vực xanh và đã quan tâm dành nguồn vốn huy động của ngân hàng để cấp tín dụng cho các lĩnh vực này với kỳ hạn chủ yếu là trung, dài hạn và có sự ưu đãi về lãi suất cho các dự án xanh... Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đó, hoạt động tín dụng xanh vẫn còn một số điểm hạn chế như:

Tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh đạt mức 25-35% tuy nhiên tỷ trọng chưa tương xứng

Theo Vụ Tín dụng của NHNN, tăng trưởng tín dụng xanh đã tăng từ 71 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2015 lên 340 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2020. Đến ngày 16/4/2021, tổng dư nợ tín dụng Việt Nam đạt 9,5 triệu tỷ đồng. Sau 6 năm, tăng trưởng tín dụng xanh ở mức 378,9%, tăng trưởng bình quân mỗi năm là 63,1%, cao hơn 3 lần so với mức tăng bình quân của tín dụng toàn nền kinh tế. Trong giai đoạn 2017 - 2021, dư nợ cấp tín dụng xanh có tăng trưởng bình quân đạt hơn 25%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân tín dụng chung nền kinh tế.

Tuy nhiên, tỷ trọng tín dụng xanh vẫn còn rất khiêm tốn, dư nợ tín dụng xanh chỉ chiếm 4,32% tổng dư nợ toàn nền kinh tế do đây là lĩnh vực mới. Các khoản vay tín dụng xanh chủ yếu được tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh (chiếm khoảng 46%), lĩnh vực quản lý nước bền vững (chiếm khoảng 13%), gần đây có xu hướng dịch chuyển sang một số lĩnh vực khác như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Nhiều lĩnh vực quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu như quản lý chất thải, giao thông và xây dựng bền vững... còn rất hạn chế. 

Tỷ trọng tín dụng xanh vẫn còn khiêm tốn trong tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế. Cụ thể, tỷ trọng dư nợ “tín dụng xanh” tăng tương ứng từ 1,55% năm 2015 lên mức 3,69% năm 2020. Trong đó, dư nợ “tín dụng xanh” chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh, chiếm gần 40%, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, chiếm hơn 30%. Đến cuối năm 2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh (12 dự án xanh do NHNN xây dựng và ban hành từ năm 2015) đạt gần 500.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ nền kinh tế), tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm tỷ trọng cao nhất 47%), tiếp đến là nông nghiệp xanh (chiếm trên 30%).

- Chủ yếu tại các tổ chức tín dụng lớn

Tín dụng tập trung vào các tổ chức tín dụng lớn. Không nhiều tổ chức tín dụng nhỏ quan tâm đến danh mục cho vay này. Lý do là nguồn vốn dài hạn và lớn của các tổ chức tín dụng nhỏ không đồng đều, ổn định để phục vụ các dự án như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch... Bên cạnh đó, những dự án lớn, phức tạp, đòi hỏi quy trình bảo lãnh phức tạp mà các ngân hàng nhỏ chưa áp dụng được. Các tổ chức tín dụng nhỏ cũng không có sự hỗ trợ từ các quỹ quốc tế để cung cấp lãi suất ưu đãi cho khách hàng xanh của họ như các tổ chức lớn. Trên thị trường tài chính xanh Việt Nam, các công ty dẫn đầu hiện nay là Vietcombank, BIDV và Agribank, bên tham gia mới nổi là VPBank.

Cụ thể hơn, VietinBank đã xây dựng định hướng phát triển ngân hàng xanh thông qua việc ban hành quyết định thành lập ban triển khai đề án; hoàn thiện cơ chế chính sách phù hợp để hướng tới các mục tiêu như: rà soát/cập nhật các nội dung của chính sách về quản lý môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng cho phù hợp với mô hình mới của Ngân hàng; xây dựng định hướng tín dụng hàng năm, trong đó có nội dung về quản lý môi trường; xây dựng hướng dẫn thẩm định môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

Còn tại Vietcombank, Vietcombank đã tập trung với chủ trương mở rộng tín dụng xanh cho nền kinh tế, đặc biệt là các dự án năng lượng tái tạo chiếm phần lớn nhờ chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ Việt Nam trong giai đoạn 2019 - 2021. Vừa qua, Vietcombank cũng đã mở rộng tín dụng cho nông nghiệp xanh và cho việc xử lý môi trường. Sơ bộ, dư nợ cho nền kinh tế khu vực xanh xấp xỉ 40 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 4% dư nợ của Vietcombank đối với nền kinh tế. Trong thời gian tới, Viecombank sẽ tiếp tục mở rộng và phát triển cho kênh tín dụng xanh, đặc biệt là năng lượng tái tạo đang thu hút rất nhiều vốn hiện nay.

Về phía BIDV có tầm nhìn chiến lược rõ ràng về phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh; cam kết triển khai các gói “tín dụng xanh”, dành tỷ trọng tương xứng để tài trợ cho các khách hàng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng phát thải carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu, qua đó, góp phần chuyển đổi nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, ngăn chặn biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và môi trường. BIDV luôn ưu tiên tập trung vốn tín dụng tài trợ các dự án tín dụng xanh và đã đạt được những kết quả rất tích cực. Tính đến ngày 30/9/2022, BIDV  dẫn đầu thị trường về tài trợ các dự án xanh với 1210 khách hàng và dự án, tổng số tiền cam kết cấp tín dụng hơn 61.700 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng xanh khoảng 49.000 tỷ đồng, chiếm 3,3% tổng dư nợ BIDV. Với giả định tốc độ tăng trưởng thị trường không đổi đến năm 2025, danh mục cho vay của BIDV cho các lĩnh vực xanh và bền vững sẽ đạt dư nợ 3 tỷ USD, chiếm khoảng 5% tổng dư nợ BIDV.

Như vậy, sự tăng tưởng tín dụng xanh chủ yếu thời gian qua đến từ định hướng chính sách của NHNN và Bộ Tài chính, chưa xuất phát từ thị trường. Tại các quốc gia có thị trường tài chính phát triển như Mỹ, các quốc gia EU, động lực tăng trưởng tài chính xanh, bao gồm cả tín dụng xanh, trái phiếu xanh chủ yếu đến từ nhu cầu đầu tư của thị trường, những người ra quyết định đầu tư có nhận thức về phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, các luồng vốn đầu tư vào các lĩnh vực xanh phát triển ngày càng gia tăng và đòi hỏi doanh nghiệp phải tự chứng minh năng lực sản xuất - kinh doanh xanh, thân thiện với môi trường để đáp ứng nhu cầu đầu tư. Ngược lại, tại Việt Nam, tăng trưởng tín dụng xanh giai đoạn vừa qua chủ yếu đến từ tác động chính sách, yêu cầu từ phía NHNN đối với các TCTD trong hệ thống. Sự tăng trưởng nhanh chóng của dư nợ tài chính xanh tại Việt Nam phần nhiều là do sự hấp dẫn của các ưu đãi đối với tín dụng xanh và yêu cầu chính sách đòi hỏi các ngân hàng cung cấp tín dụng xanh nhiều hơn.

3. Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh

Một là, NHNN và các Bộ, ban ngành tập trung nghiên cứu các quyết định và các văn bản hướng dẫn nhằm tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng trong việc bảo vệ môi trường; từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng; thúc đẩy phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh để góp phần chuyển đổi nền kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh, phát thải carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng tỷ trọng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít carbon…; tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường.

Hai là, tăng cường năng lực cho cán bộ, nhân viên trong việc thực hiện “ngân hàng - tín dụng xanh” với những bước đi cụ thể thông qua tổ chức đào tạo, tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên về hoạt động “ngân hàng - tín dụng xanh”; nâng cao ý thức sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, xây dựng các giải pháp nhằm thúc đẩy các sản phẩm “ngân hàng - tín dụng xanh”, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh; khuyến khích tập trung nguồn vốn tín dụng ngân hàng cho các dự án, phương án kinh doanh, đầu tư cho các ngành/lĩnh vực giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại, sử dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường góp phần phục vụ tăng trưởng xanh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Thanh Phương và Nguyễn Thị Liên Hương (2019), Tín dụng xanh ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Ngân hàng, Chuyên đề đặc biệt 2019.
  2. Nguyễn Trọng Tài và Nguyễn Kim Oanh (2019), Một số vấn đề đặt ra trong phát triển tín dụng xanh, Tạp chí Ngân hàng, Chuyên đề đặc biệt 2019.
  3. Nguyễn Viết Lợi và Lưu Ánh Nguyệt (2019), Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh tại Việt Nam: Thực trạng và một số khuyến nghị chính sách, Tạp chí Ngân hàng, Chuyên đề đặc biệt 2019.
  4. Trần Thị Xuân Anh, Nguyễn Thị Lâm Anh, Ngô Thị Hằng, Trần Anh Tuấn (2019), Xây dựng hệ thống Tài chính xanh - kinh nghiệm một số nước trên thế giới và bài học cho Việt Nam, Tạp chí Khoa học và Đào tạo ngân hàng, số 204, tháng 5/2019.

The current green credit development of banks

Master. Nguyen Thi Kim Thoa

Faculty of Finance, Banking and Insurance, University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

Most banks now focus more on the "green" factor in their credit activities. Even some banks integrate the green factor into their marketing strategies and long-term development orientations. This paper presents the current green credit development in the banking industry, points out limitations in terms of size and objects of banks’ green credit activities.

Keywords: green credit, commercial banks, credit institutions.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 10 tháng 4 năm 2023]

Tạp chí Công Thương