Thực trạng pháp luật về tổ chức và hoạt động của công ty đầu tư chứng khoán ở Việt Nam hiện nay

ThS. NGUYỄN THỊ HỒNG PHƯỚC (NCS. Học Viện Khoa học Xã hội)

Tóm tắt:

Công ty đầu tư chứng khoán (CTĐTCK) là loại hình doanh nghiệp đặc thù, được quy định lần đầu tiên trong Luật Chứng khoán 2006. Nghị định số 14/2007/NĐ-CP ngày 19/01/2007 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, Nghị định số 58 (thay thế Nghị định số 14), Nghị định số 60 và Thông tư số 227 đã tạo lập được khuôn khổ pháp lý điều chỉnh quá trình thành lập, tổ chức và hoạt động về CTĐTCK. Bản chất của CTĐTCK là quỹ đầu tư chứng khoán (QĐTCK) được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần (mô hình QĐTCK dạng pháp nhân). Theo số liệu thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến tháng 5/2018, trên thị trường chứng khoán có 39 QĐTCK đang hoạt động, trong đó có 30 quỹ đại chúng, 09 quỹ thành viên và chưa cấp phép thành lập CTĐTCK nào [10]. Điều này đặt ra vấn đề là tính hiệu quả của pháp luật và hoàn thiện pháp luật. Bài viết phân tích, đánh giá những điểm còn hạn chế, bất cập trong thực trạng pháp luật về tổ chức và hoạt động của CTĐTCK, đưa ra các kiến nghị hoàn thiện góp phần làm tăng tính khả thi của pháp luật ở Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: Đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán dạng pháp nhân.

  1. Khái quát công ty đầu tư chứng khoán

Pháp luật các nước thường phân chia QĐTCK thành ba dạng mô hình sau: Quỹ đầu tư mô hình tín thác, Quỹ đầu tư mô hình hợp đồng, Quỹ đầu tư mô hình pháp nhân (loại hình công ty cổ phần hoặc hợp danh hữu hạn) [5]. Đây là cách phân loại theo tiêu chí cơ cấu tổ chức và hoạt động hay tiêu chí tư cách pháp lý. Điều này có nghĩa rằng, việc lựa chọn mô hình có liên quan đến cách thức tổ chức và hoạt động của QĐTCK. Một số đặc điểm sau rút ra được từ các dạng mô hình:

Một là, Quỹ mô hình tín thác xuất hiện trước và được sử dụng phổ biến ở các thị trường chứng khoán đang phát triển. Trong một nước, thường cùng tồn tại dạng Quỹ mô hình pháp nhân với quỹ mô hình dạng tín thác hoặc với quỹ mô hình dạng hợp đồng.

Hai là, có sự hiện diện của chủ thể đặc biệt tham gia trong quá trình quản lý QĐTCK - đó là Công ty quản lý quỹ (CTQLQ). Và dù ở mô hình nào, QĐTCK không đảm nhận việc mua bán chứng chỉ quỹ hay cổ phiếu trực tiếp tới công chúng, chức năng này do CTQLQ thực hiện.

Ba là, các quyền của nhà đầu tư (NĐT) tham gia vào từng mô hình khác nhau.

Bốn là, bản chất mối quan hệ và cơ sở pháp lý liên quan đến quá trình hình thành QĐTCK theo mô hình khác nhau sẽ khác nhau: Mô hình tín thác và hợp đồng (quan hệ ủy thác, hợp đồng, chứng chỉ quỹ); Mô hình công ty (quan hệ sở hữu, cổ phiếu).

Hiện nay, Quỹ đầu tư tập thể dạng pháp nhân là dạng phổ biến nhất trên thế giới. Luật Công ty Đầu tư của Hoa Kỳ ban hành từ năm 1940 quy định về phạm vi, tính chất hoạt động, nghĩa vụ pháp lý của các công ty đầu tư và được chia thành hai loại chính là Quỹ tín thác đầu tư đơn vị và Công ty đầu tư có quản lý. Quỹ là công ty cổ phần có đặc điểm: Có tư cách pháp nhân; NĐT là cổ đông của công ty; Có hội đồng quản trị do các cổ đông của quỹ bầu ra; Hội đồng quản trị của quỹ là người đóng vai trò quyết định đầu tư, còn CTQLQ chỉ là người thực hiện đầu tư; vai trò của ngân hàng tham gia là giữ và tiến hành giao nhận chứng khoán của quỹ [6].    

Tại Việt Nam, QĐTCK và CTĐTCK là hai hình thức đầu tư tập thể, với hoạt động kinh doanh chính là đầu tư chứng khoán thu lợi nhuận. QĐTCK chính thức được pháp luật Việt Nam thừa nhận kể từ Nghị định số 48/1998/NĐ-CP ngày 26/7/1998 của Chính phủ về chứng khoán và thị trường chứng khoán, là loại hình QĐTCK dạng hợp đồng không có tư cách pháp nhân. Luật Chứng khoán 2006 hoàn thiện quy định về QĐTCK và quy định mới về CTĐTCK, là QĐTCK được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần (CTCP) theo quy định của Luật Doanh nghiệp, có tư cách pháp nhân (Điều 110 LDN). Theo đó, QĐTCK là quỹ hình thành từ vốn góp của nhà đầu tư với mục đích kiếm lợi nhuận từ việc đầu tư vào chứng khoán hoặc các dạng tài sản đầu tư khác, kể cả bất động sản, trong đó nhà đầu tư không có quyền kiểm soát hàng ngày đối với việc ra quyết định đầu tư của quỹ (Khoản 27 Điều 6). Tuy nhiên, Luật Chứng khoán (LCK) không đưa ra khái niệm về CTĐTCK. Do đó, có ý kiến đề xuất cần đưa thêm khái niệm về CTĐTCK vào phần giải thích từ ngữ tại Điều 6 LCK [7]. Theo tác giả, CTĐTCK là QĐTCK được tổ chức dưới hình thức CTCP nên phải mang đầy đủ các dấu hiệu pháp lý của QĐTCK. Khái niệm về QĐTCK theo LCK chưa bao quát hết các dạng mô hình tổ chức và hoạt động tại Việt Nam. Bởi vì, một trong các dấu hiệu pháp lý của QĐTCK là “nhà đầu tư không có quyền kiểm soát hàng ngày đối với việc ra quyết định đầu tư của quỹ”. Điều này không bao quát quyền cổ đông của CTĐTCK (mô hình QĐTCK dạng pháp nhân).

  1. Đánh giá thực trạng pháp luật Việt Nam về tổ chức và hoạt động của công ty đầu tư chứng khoán

Theo LCK, CTĐTCK được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp (LDN) để đầu tư chứng khoán. Nghị định số 58 giải thích, CTĐTCK là QĐTCK được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần và gồm hai loại: CTĐTCK riêng lẻ và CTĐTCK đại chúng; CTĐTCK đại chúng phải ủy thác vốn cho CTQLQ, CTĐTCK riêng lẻ được tự quản lý vốn đầu tư hoặc ủy thác vốn cho CTQLQ quản lý. Thông tư số 227 quy định chi tiết về việc thành lập, tổ chức hoạt động và quản lý CTĐTCK. Do đó, pháp luật về tổ chức và hoạt động của CTĐTCK được hiểu là tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình thành lập CTĐTCK, tổ chức quản trị CTĐTCK và hoạt động CTĐTCK nhằm bảo vệ NĐT.

Là một bộ phận của pháp luật chứng khoán, pháp luật về tổ chức và hoạt động của CTĐTCK đảm bảo cơ sở pháp lý đa dạng hóa NĐT, phát triển hệ thống NĐT có tổ chức, góp phần tạo lập khuôn khổ pháp lý có hiệu lực cao, từng bước phù hợp với thông lệ quốc tế điều chỉnh về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn là NĐT cá nhân, NĐT có tổ chức (QĐTCK) chưa nhiều và CTĐTCK chưa được thành lập. Những hạn chế kể trên có nguyên nhân là do khung pháp lý điều chỉnh về QĐTCK nói chung và CTĐTCK nói riêng còn bất cập, thiếu đồng bộ, điển hình là:

Thứ nhất, sự không thống nhất giữa LCK và các văn bản hướng dẫn thi hành về điều kiện được cấp giấy phép thành lập và hoạt động của CTĐTCK đại chúng. Đồng thời, Nghị định số 58 đưa ra điều kiện thành lập quá khắt khe, làm giảm tính thu hút các NĐT tham gia thành lập CTĐTCK.

Quy định về điều kiện được cấp giấy phép thành lập và hoạt động của CTĐTCK đại chúng chưa có sự thống nhất giữa LCK và Nghị định số 58: Điều 96 LCK quy định điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động đối với CTĐTCK có ủy thác vốn là chỉ cần đáp ứng một điều kiện về vốn pháp định là 50 tỷ đồng Việt Nam. Trong khi đó, khoản 1 Điều 79 Nghị định số 58 hướng dẫn LCK lại quy định điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động của CTĐTCK đại chúng bao gồm: a) Có vốn thực góp tối thiểu là 50 tỷ đồng Việt Nam; b) Có tối thiểu 100 cổ đông, không kể cổ đông là NĐT chứng khoán chuyên nghiệp; c) Do một CTQLQ quản lý: d) Tài sản được lưu ký tại Ngân hàng giám sát (NHGS); đ) Tối thiểu hai phần ba (2/3) số thành viên HĐQT phải độc lập với CTQLQ, NHGS theo quy định.

Nếu như cần đáp ứng 5 điều kiện theo khoản 1 Điều 79 Nghị định số 58 để được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động CTĐTCK đại chúng, thì điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động CTĐTCK riêng lẻ ủy thác quản lý cũng tương tự, có điểm khác là ở số lượng cổ đông: Có tối đa là 99 cổ đông, không tính NĐT chứng khoán chuyên nghiệp. Trong đó, có một cổ đông là tổ chức phải góp tối thiểu là 3 tỷ đồng Việt Nam và cổ đông cá nhân phải góp tối thiểu 1 tỷ đồng Việt Nam (khoản 1 Điều 87).

Các quy định về điều kiện thành lập CTĐTCK quá khắt khe, không chỉ điều kiện về vốn mà còn điều kiện về số lượng NĐT và tư cách NĐT: CTĐTCK đại chúng phải có tối thiểu 100 cổ đông, không kể cổ đông là NĐT chứng khoán chuyên nghiệp; CTĐTCK riêng lẻ ủy thác quản lý có tối đa là 99 cổ đông, không tính NĐT chứng khoán chuyên nghiệp, mỗi cổ đông là tổ chức phải góp tối thiểu 03 tỷ đồng Việt Nam, cổ đông cá nhân phải góp tối thiểu là 01 tỷ đồng Việt Nam. Đây là khó khăn cho việc hình thành CTĐTCK trên thực tế.

Thứ hai, pháp luật về tổ chức quản trị CTĐTCK theo quy định của pháp luật chứng khoán chưa đồng bộ với pháp luật doanh nghiệp.

CTĐTCK được tổ chức dưới hình thức CTCP theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Điều 134 LDN quy định về cơ cấu tổ chức quản lý CTCP. Theo đó, CTCP có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác: a) Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp CTCP có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát; b) ĐHĐCĐ, HĐQT và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp này, ít nhất 20% số thành viên HĐQT phải là thành viên độc lập và có Ban kiểm soát nội bộ trực thuộc HĐQT. Các thành viên độc lập thực hiện chức năng giám sát và tổ chức thực hiện kiểm soát đối với việc quản lý điều hành công ty.

Như vậy, LDN quy định ưu tiên áp dụng pháp luật về chứng khoán cho loại hình CTCP hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, trong đó có CTĐTCK. Trong khi đó, LCK quy định tổ chức quản trị của CTĐTCK bao gồm: ĐHĐCĐ, HĐQT, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Quy định này của LCK được xây dựng trên cơ sở phù hợp với quy định tại Điều 95 Luật Doanh nghiệp 2005 về cơ cấu tổ chức quản lý của CTCP. Hiện nay, Luật Doanh nghiệp 2005 đã được sửa đổi và LDN cho phép CTCP có quyền lựa chọn mô hình tổ chức quản trị. Do đó, pháp luật chứng khoán cần được sửa đổi cho phù hợp để đảm bảo quyền lợi của NĐT.

Thứ ba, cơ chế hoạt động và hạn chế hoạt động của CTĐTCK cũng phải tuân thủ các quy định rất khắt khe.

Bản chất CTĐTCK là QĐTCK được tổ chức dưới hình thức CTCP. Do đó, cơ chế hoạt động của CTĐTCK giống như QĐTCK, là có sự tách bạch giữa quyền quản lý và quyền giám sát. Ngân hàng giám sát là ngân hàng thương mại có Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán có chức năng thực hiện các dịch vụ lưu ký và giám sát việc quản lý quỹ đại chúng, CTĐTCK (khoản 1 Điều 98 LCK). Và CTQLQ thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh sau: quản lý QĐTCK, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán (Khoản 1 Điều 61 LCK). Theo quy định này thì quản lý QĐTCK là nghiệp vụ kinh doanh chính của CTQLQ và không có quy định liên quan đến quyền quản lý đối với CTĐTCK. Đây là thiếu sót cần phải được khắc phục trong quy định về chức năng của CTQLQ. Tuy nhiên, tìm hiểu pháp luật điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của CTĐTCK cho thấy, CTQLQ có quyền đứng ra thành lập CTĐTCK (thực hiện thủ tục chào bán cổ phiếu và thủ tục đăng ký thành lập CTĐTCK); CTQLQ triệu tập họp ĐHĐCĐ của CTĐTCK. Riêng đối với quyền liên quan đến hoạt động đầu tư, CTQLQ không có quyền trực tiếp quyết định, chỉ thực hiện việc quản lý vốn đối với CTĐTCK.

Trong quá trình hoạt động, CTĐTCK phải tuân thủ các quy định về hạn chế đầu tư như quỹ đại chúng (điểm a khoản 2 Điều 97 LCK), các nội dung liên quan đến định giá tài sản và chế độ báo cáo, các nghĩa vụ của công ty đại chúng. Một số hạn chế khác đối với CTĐTCK như: không được thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện; CTĐTCK ủy thác vốn không được tuyển dụng nhân sự; chỉ phát hành một loại cổ phiếu và không có nghĩa vụ mua lại cổ phiếu đã phát hành (Điều 3 Thông tư số 227).

Nhìn chung, các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của CTĐTCK thể hiện cách tiếp cận thận trọng của Nhà nước ta khi quy định dạng mô hình QĐTCK mới và mục đích nhằm bảo vệ quyền lợi cho NĐT. Thế nhưng, điều này lại làm cho NĐT gặp khó khăn khi lựa chọn mô hình kinh doanh. Dưới góc độ kinh doanh, NĐT có khuynh hướng chọn thành lập doanh nghiệp hoạt động theo LDN hơn là thành lập CTĐTCK vì phải tuân thủ các quy định khắt khe của LCK. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại trên thực tế doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo quy định pháp luật doanh nghiệp nhưng tiến hành các nghiệp vụ tương tự CTĐTCK. Như vụ, Passion Investmet (PI) có lách luật? - là tiêu đề bài viết phản ánh việc PI giới thiệu được thành lập năm 2015 bởi một nhóm chuyên gia đầu tư với hàng chục năm kinh nghiệm trong ngành quản lý quỹ đầu tư; đưa ra biểu đồ hiệu quả đầu tư, báo cáo hiệu quả đầu tư, báo cáo danh mục đầu tư để kêu gọi NĐT đầu tư vào sản phẩm của công ty. PI không phải là CTĐTCK, mà là công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội cấp phép để hoạt động đầu tư chứng khoán [9].

  1. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của công ty đầu tư chứng khoán

Nghị quyết số 57/2018/QH14 ngày 08/6/2018 về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2018, theo đó Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8. Một số kiến nghị sau đây góp phần hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của CTĐTCK trong Luật Chứng khoán sửa đổi:

Một là, sửa đổi khái niệm QĐTCK trong Luật Chứng khoán sửa đổi, đảm bảo tính khái quát cao cho các dạng mô hình tổ chức và hoạt động đang tồn tại tại Việt Nam.

Hai là, về các điều kiện thành lập cần được rà soát trên cơ sở đảm bảo tính thu hút các NĐT tham gia vào CTĐTCK.

Ba là, rà soát, sửa đổi các quy định trong Luật Chứng khoán sửa đổi và các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của QĐTCK đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với LDN, đặc biệt là vấn đề tổ chức quản trị của CTĐTCK.

Bốn là, hoàn thiện các quy định về CTQLQ, trong đó bổ sung chức năng quản lý CTĐTCK.

Lý thuyết về doanh nghiệp đặt ra yêu cầu là vừa làm giảm chi phí giao dịch cho các bên vừa tránh xung đột lợi ích mới thu hút được các bên tham gia vào việc thành lập doanh nghiệp [8]. Do đó, pháp luật điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của CTĐTCK phải hướng tới việc đảm bảo lợi ích cho các bên tham gia, đồng bộ với các lĩnh vực pháp luật khác mới thu hút được NĐT thành lập CTĐTCK, tăng tính khả thi của pháp luật, góp phần vào sự phát triển chung của thị tường chứng khoán tại Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

  1. Luật Chứng khoán 2006, được sửa đổi bổ sung năm 2010 (LCK).
  2. Luật Doanh nghiệp 2014 (LDN).
  3. Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán (Nghị định số 58); Nghị định số 60/2015/NĐ-CP ngày 26/6/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58 (Nghị định số 60).
  4. Thông tư số 227/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 27/12/2012 về thành lập, tổ chức hoạt động và quản lý công ty đầu tư chứng khoán (Thông tư số 227).
  5. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán (2009), Pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán, NXB Thống kê Hà Nội, trang 247.
  6. Trần Thị Thùy Linh (2011), Quỹ Đầu tư chứng khoán trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Nxb Lao động Xã hội, trang 16.7. Nguyễn Hồng Nhung (2009), Pháp luật về Công ty đầu tư chứng khoán ở Việt Nam, Luận văn thạc sỹ Luật Kinh tế - Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.
  7. Lê Nết, Kinh tế luật, Nxb Tri Thức 2006, trang 143.
  8. https://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep/passion-investment-co-lach-luat-235715.html
  9. Website: www.ssc.gov.vn

CURRENT LEGAL EFFECTIVENESS OF LAWS RELATED TO INVESTMENT SECURITIES COMPANIES IN VIETNAM

Nguyen Thi Hong Phuoc

Post Graduate Student of Academy of Social Sciences

Lecturer of Thu Dau Mot University, Binh Duong

Abstract:

Investment securities companies are specific enterprises which are regulated for the first time in the Law on Securities 2006. Decree No. 14 dated 19/01/2007, guiding to implement some articles of the Law on Securities, Decree No. 58 that replaces Decree No. 14, Decree No. 60 and Circular No. 227 has created the legal framework for managing the process of establishment, organization and operation of the investment securities companies. The nature of an investment securities company is an investment securities fund which is organized under the form of a joint stock company (securities investment fund as a  legal entity). According to statistics of the State Securities Commission of Vietnam, there had been 39 investment securities funds operating on the stock market, including 30 mutual funds and nine private funds and there had been no investment securities company, up to May 2018. It raises an issue of the effectiveness and the improvement of the legal system. This paper analyzes and evaluates the limitations and inadequacies of laws related to the organization and operation of investment securities companies, and propose solutions to improve the legal effectiveness of laws.

Keywords: Investment securities, investment securities companies, investment securities funds in the form of legal entities.