Thực trạng pháp luật và một số kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng trong giao dịch thương mại điện tử

THS. NGUYỄN THỊ NGỌC TÚ ( Khoa Luật, Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Bài viết đánh giá tình hình phát triển thương mại điện tử và thực trạng pháp luật bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng trong giao dịch thương mại điện tử ở Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng trong các giao dịch thương mại điện tử ở Việt Nam thời gian tới.

Từ khóa: bảo vệ thông tin, thông tin cá nhân của khách hàng, giao dịch thương mại, thương mại điện tử.

1. Thực trạng tình hình thương mại điện tử ở Việt Nam

Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp kỹ thuật số tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Nhờ nền kinh tế số, các hoạt động kinh doanh trở nên sôi động, từ quảng cáo trên mạng xã hội (Facebook, Instagram), giải trí (Netflix, Pinterest), vận tải (Uber, Grab, GoViet) đến bán buôn, bán lẻ (Lazada, Shopee). Nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam đang phát triển với tốc độ nhanh nhất trong ASEAN, khoảng 38% hàng năm so với mức trung bình 33% của khu vực kể từ năm 2015. Việt Nam kỳ vọng nền kinh tế - kỹ thuật số sẽ chiếm 20% GDP và ít nhất 10% trong mọi lĩnh vực.

Thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng 18% vào năm 2020, đạt 11,8 tỷ USD, trở thành quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số về lĩnh vực này. Ước tính của một số doanh nghiệp lớn trên thế giới như Google, Temasek, Bain & Company cho thấy nền kinh tế - kỹ thuật số của Việt Nam có khả năng đạt 52 tỷ USD và đứng thứ ba trong ASEAN vào năm 2025.

Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là những thành phố có tốc độ phát triển kinh tế số lớn trong khu vực. Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, hiện có 567 nền tảng thương mại điện tử, hơn 20.680 website và 134 ứng dụng.

Với mức tăng 24%, thị trường thương mại Điện tử Việt Nam đã đóng góp vào tốc độ tăng trưởng 15% trên toàn thế giới vào năm 2022. Cũng giống như ở Việt Nam, doanh số thương mại điện tử toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng trong những năm tới. Với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 7% trong giai đoạn 2021-2025, Việt Nam thậm chí còn được kỳ vọng sẽ vượt xa mức trung bình toàn cầu là 6%.

Tính đến năm 2025 sẽ có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua hàng hóa, dịch vụ trực tuyến. Và chi phí bình quân đạt mỗi người chi tiêu cho các hoạt động thương mại điện tử là 600 USD/người/năm. Doanh thu của mô hình thương mại điện tử B2C dự báo tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ.

2. Thực trạng pháp luật về bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng khi tham gia các giao dịch thương mại điện tử ở Việt Nam

Sự bùng nổ nhanh chóng của các giao dịch thương mại điện tử ở Việt Nam thời gian qua một mặt góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh chóng, nhưng cũng gây ra những khó khăn thách thức nhất định, đặc biệt là vấn đề lộ lọt, sử dụng, chuyển nhượng trái phép các thông tin cá nhân của khách hàng. Một số đối tượng xấu đã lợi dụng tình trạng nói trên để thu thập, sử dụng thông tin cá nhân của khách hàng vào các mục đích trái pháp luật, thậm chí phạm tội. Điều này đã đặt ra vấn đề phải có các văn bản pháp luật về bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng khi tham gia các giao dịch thương mại điện tử.

Ở Việt Nam, trước hết, quyền bảo vệ thông tin cá nhân là một quyền hiến định, được quy định cụ thể tại Điều 21 Hiến pháp nước năm 2013. Theo đó, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn [1].

Trên cơ sở quy định trong Hiến pháp, Bộ luật Dân sự 2015 đã bổ sung thêm quy định quyền về đời sống riêng tư tại Điều 38, bên cạnh các quy định về bí mật cá nhân và bí mật gia đình đã được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 1995 và 2005 [2]. Với quy định tại Điều 38, Bộ luật Dân sự 2015 bảo vệ quyền bí mật thông tin cá nhân đối với các hình thức giao dịch truyền thống và hình thức giao dịch thương mại điện tử. Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng bởi việc bảo hộ về mặt pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức giao dịch điện tử trong bối cảnh sử dụng Internet và các phương tiện điện tử trở nên tất yếu [4].

Đồng thời, các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân cũng được quy định trong các đạo luật chuyên ngành, như: Luật Giao dịch điện tử năm 2005; Luật công nghệ thông tin năm 2006; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010; Luật An toàn thông tin mạng năm 2015.

Để cụ thể hóa các quy định trong các đạo luật, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành các văn bản dưới luật quy định về bảo vệ thông tin cá nhân trong các giao dịch thương mại điện tử, bao gồm: Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/05/2013 về TMĐT; Thông tư 47/2014/TT-BCT ngày 5/12/2014 của Bộ Công Thương quy định về quản lý website thương mại điện tử (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 21/2018/TT-BCT ngày 20/8/2018 của Bộ Công Thương về việc sửa đổi một số điều của Thông tư 47/2014/TT-BCT quy định về quản lý website thương mại điện tử và Thông tư 59/2015/TT-BCT ngày 31/12/2015 quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động); Thông tư 04/2016/TT-BCT của Bộ Công Thương ngày 6/6/2016 về việc sửa đổi, bổ sung một số Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương về thủ tục hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử, hóa chất, sản xuất - kinh doanh rượu, nhượng quyền thương mại, hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa, năng lượng, an toàn thực phẩm và điện lực.

Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự và các Nghị định về xử lý vi phạm hành chính liên quan tới hoạt động thương mại điện tử cũng có các quy định cụ thể về chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm. Chẳng hạn, khoản 4 Điều 65 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm trong việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, chuyển giao thông tin cá nhân của khách hàng trong hoạt động thương mại điện tử. Hành vi vi phạm quy định về thu thập, sử dụng thông tin cá nhân còn có thể bị phạt theo quy định tại Điều 84 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (được sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về thu thập, sử dụng thông tin cá nhân). Bên cạnh đó theo điểm b khoản 1 Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông. Người thực hiện hành vi phạm tội có thể bị xử phạt theo chế tài được quy định tại Điều luật kể trên khi xâm phạm thông tin cá nhân của khách hàng trong quá trình tham gia các giao dịch thương mại điện tử.

Như vậy, từ những quy định nêu trên của pháp luật, tùy vào mức độ vi phạm của hành vi mua bán thông tin cá nhân, mà có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc hình sự.

3. Đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng khi tham gia các giao dịch thương mại điện tử ở Việt Nam

Việc bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng khi tham gia các giao dịch thương mại điện tử ở Việt Nam được cụ thể hóa trong nhiều đạo luật chuyên ngành khác nhau. Tuy nhiên, Việt Nam hiện nay chưa có văn bản pháp luật thống nhất điều chỉnh các vấn đề liên quan và bảo vệ quyền về dữ liệu cá nhân. Do đó, trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng khi tham gia các giao dịch thương mại điện tử, cần thực hiện tốt một số công việc cụ thể sau:

Thứ nhất, các cơ quan hữu quan trong bộ máy Nhà nước cần nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp quy có liên quan đến bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng khi tham gia các giao dịch thương mại điện tử.

Thứ hai, đối với các thương nhân, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động thương mại trên các nền tảng số, trên không gian mạng cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng, tuyệt đối không được thu thập, lưu trữ, sử dụng, chuyển nhượng thông tin cá nhân của khách hàng trái pháp luật. Bên cạnh đó, những đối tượng này cần có trách nhiệm tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của khách hàng.

Thứ ba, đối với các khách hàng (gồm cá nhân và cơ quan, tổ chức, pháp nhân) cần nâng cao ý thức, kỹ năng bảo mật thông tin cá nhân của bản thân khi tham gia vào các giao dịch thương mại điện tử. Thông qua việc bản thân biết cách tự bảo vệ các thông tin cá nhân sẽ góp phần giúp khách hàng chủ động hơn trong việc ngăn chặn, phòng ngừa việc lợi dụng các kẽ hở, lỗ hổng trong quy định của pháp luật cũng như trong quá trình tham gia giao dịch thương mại điện tử để các đối tượng xấu lợi dụng thu thập, sử dụng thông tin cá nhân vào các mục đích bất hợp pháp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2013), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
  2. Quốc hội (2015), Bộ luật Dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015.
  3. Quốc hội (2015), Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015.
  4. Đinh Thị Lan Anh (2015), Bảo vệ thông tin cá nhân trong thương mại điện tử theo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số 7, tr.30.
  5. Chính phủ (2020), Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
  6. Chính phủ (2022), Nghị định số 14/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về thu thập, sử dụng thông tin cá nhân.

The current provisions for the personal information privacy protection in e-commerce in Vietnam amd some solutions to strengthen these provisions

Master. Nguyen Thi Ngoc Tu

Faculty of Law, Thuongmai University

Abstract:

This paper assesses the current development of e-commerce sector and the current provisions for the personal information privacy protection in e-commerce in Vietnam in the context of the globalization. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to strengthen provisions for the personal information privacy protection in e-commerce in Vietnam in the coming time.

Keywords: information protection, personal information of customers, commercial transactions, e-commerce.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4  tháng 2 năm 2023]