Tận hưởng giá cước cao, lãi ròng năm 2023 của PV Trans (PVT) vượt gấp 2 lần kế hoạch

PV Trans (mã cổ phiếu PVT) vừa cho biết ước tính lợi nhuận sau thuế cả năm nay vượt gấp 2 lần kế hoạch đã đề ra trong bối cảnh giá cước vận tải xăng dầu, hoá chất neo cao và nhu cầu lớn.
PV Trans
Ông Nguyễn Duyên Hiếu - Tổng Giám đốc PV Trans phát biểu tại Hội nghị.

Vừa qua, Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans, mã cổ phiếu PVT - sàn HoSE) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết sản xuất kinh doanh năm 2023, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2024 và Hội nghị Người lao động.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Duyên Hiếu - Tổng Giám đốc PV Trans cho biết, từ đầu năm 2023, thị trường vận tải biển biến động liên tục, ghi nhận sự phân hóa mạnh giữa các phân khúc vận tải. Trong nước, nền kinh tế từng bước phục hồi, kéo theo sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu, cùng với đó là nhu cầu vận chuyển nhiên liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của PV Trans.

Cụ thể, trong năm 2023, PV Trans ước đạt doanh thu 9.600 tỷ đồng, tương đương 41% kế hoạch năm, và lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.172 tỷ đồng, tương đương 218% kế hoạch năm, và nộp ngân sách nhà nước ước đạt 486 tỷ đồng, tương đương 164% kế hoạch năm.

Đặc biệt, trong năm 2023, PV Trans đã đầu tư mua và thuê mua tổng cộng 12 tàu, nâng tổng số tàu trong đội tàu lên 51 chiếc với tổng trọng tải gần 1,4 triệu DWT. Qua đó, củng cố vững chắc vị thế của PV Trans là nhà vận tải và cung cấp dịch vụ hàng hải lớn nhất Việt Nam, chiếm 100% thị phần vận chuyển dầu thô và LPG trong nước, ông Nguyễn Duyên Hiếu cho biết.

PV Trans
Trong tháng 9 và tháng 10/2023, PV Trans đã tiếp nhận thêm 03 tàu mới, gồm 01 tàu chở hàng rời loại Supramax và hai tàu chở dầu sản phẩm size MR.

Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính trong và ngoài nước, giá cước vận tải dầu thô thế giới trong năm 2024 sẽ neo ở mức cao nhờ nhu cầu vận chuyển tăng cao, quãng đường vận chuyển bị kéo dài nhưng nguồn cung tàu lại hạn chế. Những yếu tố này giúp củng cố triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải dầu trên toàn cầu, bao gồm PV Trans.

MBS Research nhận định, nhờ việc tái ký các hợp đồng với giá cước cao, biên lợi nhuận mảng vận tải dầu thô, dầu sản phẩm/hoá chất của PV Trans trong năm 2024 sẽ duy trì ở mức cao từ 22% - 29,5%, cao hơn đáng kể so với mức trung bình những năm gần đây.  

Trong tháng 11/2023, PV Trans đã tái ký hợp đồng vận tải dầu thô cho tàu Apollo (loại Aframax) với giá cước tương đương với mức cao trong quý 3/2023.

Xem thêm: "PV Trans (PVT): Doanh thu mảng vận tải dầu sản phẩm, hoá chất có thể tăng 22%" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Đáng chú ý, trong tháng 3 - tháng 4/2024, Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ bảo dưỡng tổng thể trong vòng 50 ngày. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh mảng vận tải dầu thô của PV Trans dự kiến không bị ảnh hưởng quá nhiều do trong quá trình bảo dưỡng, nhà máy không ngừng hoạt động hoàn toàn nên PV Trans vẫn thực hiện một số chuyến tàu. Bên cạnh đó, giá cước vận tải và cho thuê tàu định hạn tiếp tục neo cao trên thị trường quốc tế, mặc dù có thể không cao như năm 2023.

Bên cạnh đó, chiến lược “trẻ hoá” đội tàu của PV Trans đang dần mang lại “trái ngọt”. Hiện PV Trans đang nỗ lực thực hiện kế hoạch mở rộng đội tàu “đầy tham vọng” với mục tiêu 85 tàu vào năm 2025, tập trung vào mở rộng đội tàu dầu sản phẩm/hoá chất.

Nếu kế hoạch mở rộng đội tàu được thực hiện đúng lộ trình, doanh thu từ mảng vận tải của PV Trans sẽ tăng trưởng đáng kể nhờ tăng khả năng khai thác trên thị trường cho thuê tàu định hạn quốc tế và tận hưởng môi trường giá cước cao.

Duy Quang