Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tăng cường chất lượng nguồn nhân lực để trở thành một lợi thế cạnh tranh chủ yếu và lâu dài của tỉnh. 

Hình thành được đội ngũ, lực lượng tham mưu hoạch định cơ chế thúc đẩy phát triển, đội ngũ doanh nhân và lao động lành nghề, trước hết là đủ để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước theo hướng hiện đại và nhu cầu của các lĩnh vực mũi nhọn. 

Thực hiện có hiệu quả chương trình của Tỉnh ủy, Nghị quyết HĐND về Đề án xây dựng và phát triển giáo dục mầm non của các huyện miền núi đến năm 2015; Đề án chuyển đổi các trường trung học phổ thông bán công sang công lập; Đề án luân chuyển cán bộ quản lý, giáo viên; Đề án đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tăng cường đầu tư cho giáo dục miền núi. 

Xây dựng và tổ chức thực hiện tốt Đề án phát triển trường chuyên, đặt trọng tâm vào công tác giáo dục mũi nhọn và đào tạo tài năng trẻ, trong đó xây dựng cơ chế cho trường chuyên và hệ thống trường trung học phổ thông chất lượng cao, nhất là cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại. Nâng cấp các trường phổ thông dân tộc nội trú các huyện thành trường có hai cấp học là trung học cơ sở và trung học phổ thông, nơi nào có điều kiện thì tiến tới 01 cấp học là trung học phổ thông. 

Đẩy mạnh đầu tư xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu đến năm 2015 có 30% trường mần non, 60% trường tiểu học, 40% trường trung học cơ sở, 15% trường trung học phổ thông và Trung tâm giáo dục thường xuyên – hướng nghiệp đạt chuẩn quốc gia. 

Đến năm 2015 có 99% trẻ em trong độ tuổi đi học tiểu học đúng độ tuổi; 95% độ tuổi đi học trung học cơ sở; 85% trong độ tuổi đi học trung học phổ thông và tương đương. Hầu hết số còn lại được tham gia học nghề. Huy động tỷ lệ trẻ em người dân tộc đến trường ngang bằng với tỷ lệ trẻ em người kinh đến trường. Giáo dục hoà nhập được thực hiện ở tất cả các cấp học để đến năm 2015 có trên 70% người khuyết tật được hòa nhập. 80% học sinh tiểu học, 30% học sinh trung học cơ sở học tập và hoạt động cả ngày ở trường; hơn 50% trường tiểu học có dạy tiếng nước ngoài; 100% trung học cơ sở được dạy tiếng nước ngoài, dạy tin học có chất lượng. Bồi dưỡng, tuyển dụng giáo viên là người dân tộc thiểu số để nâng tỷ lệ giáo viên là người dân tộc thiểu số từ trên 8% hiện nay lên trên 20% vào năm 2015. 

Phấn đấu đến năm 2015 đạt mức 55% lao động qua đào tạo, ngang bằng với mức bình quân chung của cả nước. Duy trì tỷ lệ 100% trẻ em đi học đúng độ tuổi. Hình thành và phát triển cơ sở 2 trường Đại học Quảng Nam, Xúc tiến xây dựng trường cao đẳng nghề; xem xét đầu tư nâng cấp một số trường Trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh thành trường Cao đẳng nghề; nâng cấp một số trung tâm dạy nghề thành trường Trung cấp nghề. Chú trọng phát triển trường Trung cấp nghề Thanh niên Dân tộc miền núi. Phát triển các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, hệ thống các trường phổ thông và trường chuyên biệt như trường chuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú. 

Chuẩn hóa về cơ sở vật chất kỹ thuật cho tất cả các loại hình trường, nhằm đảm bảo các điều kiện vật chất cơ bản thực hiện việc đổi mới quá trình dạy và học. Trong đó chú trọng đến chuẩn hóa phòng học, phòng thí nghiệm, trang thiết bị dạy học ở các cấp học. 

Đảm bảo tỷ lệ giáo viên trên lớp, tỷ lệ học sinh trên giáo viên, sinh viên trên giảng đường. Mở rộng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, rà soát, bổ sung qui hoạch phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề. Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi. 

Đẩy mạnh chương trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên. Đảm bảo đủ phòng học cho mẫu giáo, cho giáo dục tiểu học, đảm bảo không còn tình trạng học sinh tiểu học bỏ học vì trường quá xa nhà ở khu vực miền núi.

  • Tags: