Sóc Trăng: Nâng cao sức cạnh tranh tạo chỗ đứng cho hàng Việt

Ngoài hỗ trợ xây dựng các điểm bán hàng Việt, thời gian qua, Sở Công Thương Sóc Trăng đã đồng hành cùng các doanh nghiệp của tỉnh thực hiện chương trình xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu tại các tỉnh, thành trên cả nước để quảng bá hình ảnh của tỉnh, nhằm nâng cao sức cạnh tranh, tạo chỗ đứng cho hàng Việt trong lòng người tiêu dùng.

Sôi nổi hội chợ kích cầu hàng Việt

Năm 2023, Sở Công Thương đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã tổ chức các Phiên chợ kích cầu tiêu dùng nội địa, đưa hàng Việt về nông thôn năm 2023 tại Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Vĩnh Châu, Trần Đề, Cù Lao Dung, Thạnh Trị. Các phiên chợ đã trưng bày, quảng bá, giới thiệu và bán các sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Doanh nghiệp sẽ trực tiếp giới thiệu, bán sản phẩm, hàng hóa đến người tiêu dùng. Các sản phẩm, hàng hóa chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm, công nghệ, may mặc, thời trang, công cụ dụng cụ phục vụ nông nghiệp,... đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý và phù hợp phân khúc tiêu dùng nông thôn. Mỗi Phiên chợ có từ 50-70 gian hàng với sự tham gia của 40-45 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; trong đó, có 20-30 gian hàng của các doanh nghiệp có sản phẩm OCOP; các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong tỉnh tham gia.

hàng Việt
Phiên chợ hàng Việt tại huyện Mỹ Tú

Sở cũng phối hợp với các đơn vị, địa phương và doanh nghiệp trong tỉnh tổ chức Hội chợ trong khuôn khổ Tết Quân - Dân năm 2023 (tại huyện Long Phú và Trần Đề); Chương trình “Chợ tết Công đoàn năm 2023” và ngày hội của đoàn viên, người lao động; Tổ chức 15 đoàn công tác xúc tiến thương mại hỗ trợ 90 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong tỉnh tham gia các hoạt động hội chợ triển lãm, kết nối giao thương cung cầu hàng hoá tại các tỉnh, thành phố, như: Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Bến Tre; Chương trình giao thương doanh nghiệp Việt - Trung tại Thành phố Cần Thơ;

hàng Việt
Phiên chợ kích cầu hàng Việt tại huyện Thạnh Trị

Diễn đàn, Hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu 2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh; Hội chợ Công Thương vùng Đồng bằng sông Cửu Long - An Giang năm 2023, Hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, An Giang và Hải Dương; Phiên chợ cuối tuần “Sản phẩm đặc trưng nổi tiếng và OCOP các tỉnh Tây Ninh - Kiên Giang - Sóc Trăng - Lâm Đồng - Ninh Thuận” tại Siêu thị Tứ Sơn – An Giang, Hội nghị Kết nối giao thương khu vực phía Nam tại Tp.HCM; Tổ chức đoàn doanh nghiệp kết nối cung cầu tại 3 tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Lâm Đồng; tổ chức tham gia Hội chợ quốc tế Việt Trung tại Lào Cai; Hội nghị Kết nối cung cầu khu vực phía Nam tại Tp.HCM; Tổ chức Hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền năm 2023 trong khuôn khổ Lễ hội Ooc-Om-Boc – Đua ghe Ngo Sóc Trăng năm 2023.

Sở cũng hỗ trợ các doanh nghiệp tỉnh đưa sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ lên các sàn thương mại điện tử; đến nay, có 63 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tỉnh đưa 108 sản phẩm lên các Sàn Shopee, Sendo, Tiki, Lazada, Voso, Postmart; có 93 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh đưa 242 sản phẩm (trong đó có 111 sản phẩm OCOP) lên Sàn soctrangtrade. Liên kết với 14 Sàn thương mại điện tử của các tỉnh, thành phố.

Xây dựng điểm bán hàng Việt nhằm tạo nên mạng lưới tiêu thụ ổn định

Từ năm 2018, Sở Công Thương Sóc Trăng đã đặt Điểm bán hàng Việt đầu tiên với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại Công ty TNHH Chế biến thực phẩm bánh pía - lạp xưởng Tân Huê Viên ở huyện Châu Thành. Tại đây, các sản phẩm đặc sản, thế mạnh của địa phương và các mặt hàng thiết yếu khác được bày bán và do công ty trực tiếp quản lý điểm bán. Ngoài các sản phẩm của chính công ty, đơn vị còn thực hiện bán hàng ký gửi của các doanh nghiệp khác. Sau năm năm đi vào hoạt động, nhiều khách hàng đã xem điểm bán hàng là “địa chỉ uy tín” để đến chọn mua các sản phẩm hàng Việt.

hàng Việt
Điểm bán hàng Việt tại huyện Châu Thành

Giữa tháng 12/2020, điểm bán hàng Việt thứ hai với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại Trạm dừng chân Minh Khải trên Quốc lộ 1, xã Thạnh Phú (Mỹ Xuyên) chính thức đi vào hoạt động.

Ông Đặng Trọng Hiền - Phó Giám đốc điều hành Công ty TNHH Minh Khải cho biết: “Điểm dừng chân của chúng tôi có lợi thế là nằm trên Quốc lộ 1. Trung bình 1 tháng có từ 40.000 đến 50.000 khách ghé đến ăn uống. Với không gian rộng rãi nên đáp ứng được nhu cầu dừng chân nghỉ ngơi của nhiều lượt khách nên điểm bán hàng Việt tại đây cũng là điều kiện thuận lợi để đưa sản phẩm của tỉnh nói riêng và của ĐBSCL nói chung phục vụ cho khách hàng gần xa”.

Điểm bán hàng Việt tại điểm dừng chân Minh Khải có trên 600 mặt hàng Việt được bày bán, gồm: các mặt hàng thực phẩm chế biến, trái cây, đặc sản vùng miền… trong đó có khoảng 100 mặt hàng của tỉnh, nhất là các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP có chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm được bày bán với giá cả hợp lý.

hàng Việt
Điểm bán hàng Việt tại điểm dừng chân Minh Khải

Theo lãnh đạo Sở Công Thương, mục tiêu chính của điểm bán hàng Việt là xây dựng thị trường ổn định và bền vững đối với hàng hóa do Việt Nam sản xuất; đồng thời đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, do Bộ Chính trị phát động. Hoạt động này cũng nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiếp cận thị trường, xây dựng mạng lưới tiêu thụ ở vùng nông thôn bền vững, phục vụ kịp thời nhu cầu của nhân dân. Hoạt động này cũng nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiếp cận thị trường, xây dựng mạng lưới tiêu thụ ở vùng nông thôn bền vững, phục vụ kịp thời nhu cầu của nhân dân ở vùng nông thôn, góp phần bình ổn giá của thị trường nhờ các doanh nghiệp tham gia bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng. dân ở vùng nông thôn, góp phần bình ổn giá của thị trường nhờ các doanh nghiệp tham gia bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng.

hàng Việt
Mục tiêu chính của điểm bán hàng Việt là xây dựng thị trường ổn định và bền vững đối với hàng hóa do Việt Nam sản xuất

Hàng Việt chiếm ưu thế tại các siêu thị

Đại diện Siêu thị Co.opmart Sóc Trăng, bà Đặng Ngọc Uyên Phương cho biết, siêu thị chính là kênh quảng bá hàng Việt uy tín. Vì vậy, từng doanh nghiệp phải đổi mới, chủ động được vùng nguyên liệu, khâu sản xuất, kiểm định, đóng gói, bảo quản… để sản phẩm đủ chuẩn vào hệ thống siêu thị thì việc tiếp cận người tiêu dùng Việt không phải là chuyện khó.

hàng Việt
Hàng nghìn sản phẩm hàng Việt được bán tại siêu thị Saigon Co.opmart Sóc Trăng

Là đơn vị chuyên phân phối hàng Việt, Siêu thị Co.opmart Sóc Trăng hiện kinh doanh khoảng 12.000 - 15.000 sản phẩm các loại từ thực phẩm tươi sống, hóa mỹ phẩm, thực phẩm khô, gia vị đến đồ gia dụng, quần áo thời trang… đều được sản xuất trong nước. Để đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, tất cả các sản phẩm vào siêu thị phải đảm bảo các tiêu chí khắt khe của đơn vị, đó là lý do mà người tiêu dùng lựa chọn mua sắm hàng Việt tại đơn vị.

Nắm bắt được xu thế của người tiêu dùng nên tại Siêu thị Ánh Quang Plaza bày bán nhiều hàng Việt, khách hàng dễ dàng mua sắm. Anh Văn Kim Quang - Quản lý siêu thị cho biết, dù chuyên kinh doanh hàng ngoại nhập nhưng hàng Việt tại đơn vị chiếm thị phần khá lớn. Các mặt hàng được khách ưa chuộng là các sản phẩm OCOP của tỉnh và các thương hiệu Việt lâu năm như cà phê, yến sào, các sản phẩm từ sữa của các thương hiệu nổi tiếng trong nước… hàng tháng doanh số bán ra đều tăng, chứng tỏ hàng Việt đã từng bước khẳng định vị thế của mình.

hàng Việt
Siêu thị chính là kênh quảng bá hàng Việt uy tín

Tiếp tục lan toả tình yêu hàng Việt

Để hàng Việt nhận được sự tin tưởng của người Việt, bên cạnh chất lượng thì phải kể đến công tác tuyên truyền, quảng bá. Ông Lâm Dũng Liêm - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh nhấn mạnh, trong những năm qua, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đem lại hiệu quả tích cực, tạo sức lan tỏa lớn cho hàng Việt, đã trở thành tiêu chí hành động của từng địa phương trong cả nước. Tại Sóc Trăng, ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tỉnh và địa phương tổ chức các cuộc tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân thay đổi nhận thức và hành vi trong tiêu dùng theo hướng ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa, sản phẩm có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng do các doanh nghiệp, nhà sản xuất, kinh doanh Việt Nam làm ra. Song song đó, tỉnh quan tâm vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh cam kết đảm bảo chất lượng hàng hóa, dịch vụ theo tiêu chuẩn quy định, giữ lòng tin người tiêu dùng.

Hiện tại Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã và đang lan tỏa mạnh mẽ và được người tiêu dùng cả nước hưởng ứng tích cực. Đây là lợi thế, cơ hội để những nhà sản xuất trong nước lấy lại thị trường trên sân nhà. Và hơn ai hết, để làm được điều đó, bản thân doanh nghiệp phải tự nâng cao tiêu chuẩn cho sản phẩm của mình phù hợp với quy định trong nước và quốc tế.

Phía các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, thông qua triển khai các chương trình, đề án hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trong tỉnh đổi mới công nghệ sản xuất, bao bì, mẫu mã, xây dựng và bảo hộ thương hiệu các sản phẩm… Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa nhằm đẩy mạnh lưu thông và kích thích tiêu dùng xã hội; thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025. Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh mở rộng kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trên môi trường mạng… để đưa sản phẩm Việt đến tay người tiêu dùng.

 

Nguyên Vỵ